31/03/2021, 15:35

Bài văn phát biểu cảm nghĩ về văn bản "Mẹ tôi" số 9 - 10 Bài văn phát biểu cảm nghĩ về văn bản "Mẹ tôi" của A-mi-xi hay nhất

Một trong những tác phẩm truyện dành cho thiếu nhi hay và ý nghĩa nhất của tác giả Ét-môn-đô đờ A-mi-xi chính là văn bản “Mẹ tôi” nằm trong tác phẩm “Những tấm lòng cao cả”. Thông điệp qua bức thư của người bố dành cho En-ri-cô đã nói lên được tình yêu thương của người mẹ dành cho ...

Một trong những tác phẩm truyện dành cho thiếu nhi hay và ý nghĩa nhất của tác giả Ét-môn-đô đờ A-mi-xi chính là văn bản “Mẹ tôi” nằm trong tác phẩm “Những tấm lòng cao cả”. Thông điệp qua bức thư của người bố dành cho En-ri-cô đã nói lên được tình yêu thương của người mẹ dành cho cậu bé En-ri-cô, cũng như thể hiện được cách giáo dục con nhỏ một cách hiệu quả và ý nghĩa. Tác phẩm cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta cần quan tâm hơn nữa, kính trọng đối với tình thương bao la của cha mẹ, nhận thức được những hành vi, thái độ, việc làm của mình sao cho đúng mực đối với cha mẹ.


Tác phẩm được trình bày dưới hình thức của một lá thư mà bố En-ri-cô viết cho con của mình khi thấy con mình đã có thái độ vô lễ với mẹ, thông qua nội dung bức thư ta cũng có thể hiểu được cốt truyện một cách cụ thể, rõ ràng: cậu bé En-ri-cô đã có những lời nói vô lễ đối với mẹ khiến cho người mẹ buồn bã, bố của En-ri-cô chứng kiến toàn bộ sự việc đã cảm thấy rất thất vọng và buồn bã trước cách cư xử của En-ri-cô.


Để nhắc nhở En-ri-cô, người bố đã viết một bức thư, trong đó một phần bộc lộ tâm trạng, thái độ của mình đối với lỗi lầm mà người con đã tạo ra, đồng thời trong bức thư người bố đã nói về sự hi sinh thầm lặng, tình yêu thương cao cả, sâu sắc của người mẹ dành cho En-ri-cô. Về phía cậu bé En-ri-cô sau khi đọc bức thư của bố đã nhận ra được lỗi lầm của mình, hiểu ra nhiều điều sâu sắc đồng thời cậu cảm thấy rất hối hận vì những lời nói của mình đã làm mẹ tổn thương và buồn nhiều đến vậy, En-ri-cô muốn xin mẹ tha thức và sẽ thay đổi bản thân theo hướng tích cực.


Có thể thấy, những đứa trẻ nói chung và cậu bé En-ri-cô nói riêng đều mang trong mình sự bồng bột, nông nổi, cứng đầu, chưa nhận thức được những lời nói, hành vi của mình có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh như thế nào. En-ri-cô là người có lỗi nhưng trước lời chỉ dạy nghiêm khắc và sâu sắc của bố, En-ri-cô đã tự nhận ra được cái sai của bản thân, hối lỗi và sửa lỗi kịp thời. En-ri-cô cảm thấy ân hận và hối lỗi đồng thời cũng biết cảm ơn bố đã giúp cậu nhanh chóng nhận ra điều đó, chính bởi En-ri-cô đã quyết định cầu xin sự tha thứ của mẹ nên cậu bé có phần vừa đáng trách lại vừa đáng khen.


Chúng ta có thể thấy bố của En-ri-cô đại diện cho cách giáo dục con cái đúng đắn, một ông bố bộc trực, thẳng thắn và nghiêm khắc, “bố không thể nén cơn tức giận đối với con”, “thà rằng bố không có con, còn hơn thấy con bội bạc với mẹ”. Tuy thể hiện sự giận dữ của mình nhưng bên trong lòng người bố lại rất đau buồn, sự vô lễ của con như dao đâm vào trái tim của bố. Thông qua lời chỉ dạy của người bố, hình ảnh người mẹ cũng được hiện lên vô cùng ý nghĩa. Đó là người mẹ luôn tận tụy, cao cả, hi sinh hết lòng và thương yêu vô bờ bến đối với En-ri-cô. Đó là một trong những hình ảnh đại diện cho các bà mẹ của chúng ta, những người mẹ vĩ đại và cao cả, tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp.


Qua tác phẩm, nhiều vấn đề mang tính nhân văn đã được đề cập tới, đó chính là tình yêu của cha mẹ đối với con cái và cách thức giáo dục con cái đạt hiệu quả nhằm có thể hướng cho con thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, tác phẩm đã thể hiện được sự tiếp thu, trưởng thành trong nhận thức của con cái sau những sai lầm mà chúng gây ra.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0