Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Cây bút thần" số 8 - 10 Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Cây bút thần" hay nhất
Câu chuyện “Cây bút thần” là một trong số những truyện cổ tích Trung Quốc nổi bật và quen thuộc. “Cây bút thần” không chỉ vẽ ra một thế giới lí thú, hấp dẫn mà còn để lại nhiều bài học có ý nghĩa sâu sắc về tài năng cùng những phẩm chất tốt đẹp của cậu bé Mã Lương, đồng thời thể hiện ...
Câu chuyện “Cây bút thần” là một trong số những truyện cổ tích Trung Quốc nổi bật và quen thuộc. “Cây bút thần” không chỉ vẽ ra một thế giới lí thú, hấp dẫn mà còn để lại nhiều bài học có ý nghĩa sâu sắc về tài năng cùng những phẩm chất tốt đẹp của cậu bé Mã Lương, đồng thời thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghệ thuật và những ước mơ về khả năng kì diệu của con người.
“Cây bút thần” là truyện cổ tích về nhân vật có tài năng kì lạ. Đó là Mã Lương- cậu bé nghèo có tài năng hội họa cùng hành trình sử dụng cây bút thần để giúp đỡ những người dân nghèo khó cũng như chống lại những kẻ tham lam, độc ác. Trong truyện, cậu bé Mã Lương hiện lên với số phận vô cùng bất hạnh, mồ côi bố mẹ từ nhỏ và rất nghèo khó. Mặc dù nghèo đến mức không có tiền để mua cây bút vẽ nhưng em vẫn kiên trì thực hiện đam mê của mình. Chỉ bằng những phương pháp như dùng cành củi khô hay nước sông để vẽ trong lúc làm việc, khả năng vẽ của em đã tiến bộ không ngừng và được ông tiên tặng cho cây bút thần bằng vàng, khiến cho mọi sự vật mà em vẽ nên đều hóa thành đồ vật thật. Em đã sử dụng cây bút thần một cách có hiệu quả để giúp đỡ những người nghèo khó và chống lại những kẻ tham lam, độc ác.
Truyện cổ tích “Cây bút thần “ đã thể hiện rõ quan niệm của nhân dân về mục đích của tài năng nghệ thuật. Mã Lương được ông Bụt tặng cây bút thần không chỉ bởi vì Mã Lương là người có đam mê đối với hội họa, vẽ giỏi mà còn bởi vì em có tính cách khảng khái, sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khổ. Bởi vậy những vật mà em vẽ ra chỉ là những công cụ lao động: “Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, em vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, em vẽ cho đèn,…”. Mã Lương không vẽ ra những của cải vật chất sẵn có như vàng bạc châu báu để ban phát mà chỉ vẽ nên những công cụ lao động để người dân tiếp tục làm việc và hưởng thụ thành quả do chính sức lực và đôi bàn tay của mình tạo ra một cách chân chính.
“Cây bút thần” còn thể hiện ước mơ của nhân dân về công lí xã hội “ác giả ác báo”. Mã Lương không chỉ sử dụng cây bút thần để giúp đỡ người nghèo khổ mà còn sử dụng nó để đối phó và trừng trị những kẻ tham lam, độc ác một cách thích đáng. Khi bị tên cường hào trong làng bắt giam, Mã Lương thẳng thắn từ chối mọi yêu cầu của hắn và vẽ chiếc thang để bỏ trốn. Không những vậy mà khi bị đuổi bắt, em đã dũng cảm vẽ ra chiếc cung tên và bắn trúng cổ họng tên địa chủ tham lam khiến hắn ngã nhào xuống đất. Sự khảng khái của Mã Lương còn được tô đậm thông qua chi tiết em không hề run sợ khi bị vị vua tàn ác bắt giam.
Khi nhà vua yêu cầu vẽ rồng, em lại vẽ cóc, nhà vua bắt vẽ phượng, em lại vẽ con gà trụi lông. Sau đó, để thoát khỏi bàn tay của vị vua vừa tham lam, vừa độc ác, em đã thông minh ứng phó bằng cách giả vờ đồng ý nhận lời làm theo những yêu cầu của nhà vua. Khi nhà vua yêu cầu vẽ biển, về thuyền và khi con thuyền căng buồm ra ngoài khơi xa, cậu bé nhanh trí vẽ nên bức tranh mặt biển đang yên ả nào sóng dữ, gió mạnh, mây đen và một trận mưa bão ùn ùn kéo đến đã nhấn chìm tên vua độc ác. Sự trừng phạt của Mã Lương đối với tên địa chủ và vị hôn quân đã thể hiện rõ chân lí “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
Như vậy, cũng như vô vàn câu chuyện cổ tích khác, “Cây bút thần” đã đem đến cho độc giả nhiều điều lí thú, bổ ích. Thông qua tài năng và trí thông minh của cậu bé Mã Lương trong việc sử dụng cây bút thần, câu chuyện đã thể hiện quan điểm của nhân dân về công lí xã hội và mục đích của tài năng nghệ thuật.