31/03/2021, 15:34

Bài văn phân tích vẻ đẹp Cô Tô trong tác phẩm "Cô Tô" số 1 - 10 Bài văn phân tích vẻ đẹp Cô Tô trong tác phẩm "Cô Tô" của Nguyễn Tuân hay nhất

Nguyễn Tuân là một trong những tác giả lớn của văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện một cái nhìn mới mẻ, độc đáo về con người và thiên nhiên đặc biệt là trong các bài kí. Bài kí Cô Tô là một trong những tác phẩm viết về vẻ đẹp kì thú của một huyện đảo thuộc vịnh Bắc ...

Nguyễn Tuân là một trong những tác giả lớn của văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện một cái nhìn mới mẻ, độc đáo về con người và thiên nhiên đặc biệt là trong các bài kí. Bài kí Cô Tô là một trong những tác phẩm viết về vẻ đẹp kì thú của một huyện đảo thuộc vịnh Bắc Bộ - huyện đảo Cô Tô. Đoạn trích ngắn trong sách giáo khoa đã cho thấy cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của Nguyễn Tuân về con người và thiên nhiên nơi đây.


Đoạn trích ghi lại những khoảnh khắc của Cô Tô ở ba khung cảnh khác nhau: Cô Tô sau cơn bão, cảnh mặt trời mọc và cuối cùng là khung cảnh sinh hoạt trên đảo. Ở mỗi lớp cảnh, Nguyễn Tuân lại cho thấy cách quan sát tinh tế, tài hoa và nghệ thuật điều khiển từ ngữ tài ba của mình.


Mở đầu là khung cảnh Cô Tô sau cơn bão, Nguyễn Tuân bắt đầu điểm nhìn của mình từ bầu trời, đó là một ngày “trong trẻo, sáng sủa” khi mây đen và bụi bẩn đã bị xua tan hết. Điểm nhìn tiếp tục di chuyển xuống hàng cây, mặt nước và xa hơn là cả trong lòng biển mênh mông, rộng lớn: “Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt”, “nước biển lại lam biếc đặm đà hơn” “cát lại vàng giòn hơn nữa” . Chỉ trong một câu văn ngắn Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt các tính từ chỉ màu sắc (xanh, lam, vàng) , cùng với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác (cát vàng giòn) cho ta thấy thiên nhiên đẹp đẽ, tinh khôi, trong trẻo và giàu sức sống.


Điều đặc biệt để làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên Cô Tô, Nguyễn Tuân đã tỏ ra vô cùng tinh tế trong cách xử lí ngôn từ. Sự kết hợp các từ ngữ vô cùng độc đáo, những từ chỉ màu sắc luôn đi kèm thêm một tính từ khác: xanh đi cùng mượt, lam biếc kết hợp với đặm đà, vàng kết đôi với giòn. Với sự kết hợp từ ngữ linh hoạt Nguyễn Tuân đã cho người đọc hình dung đầy đủ, rõ nét hơn về vẻ đẹp của Cô Tô. Qua đó còn cho thấy khả năng quan sát tinh tế, tình yêu thiên nhiên tha thiết của ông. Bởi nếu không có tình yêu sâu đậm với thiên nhiên nơi đây thì Nguyễn Tuân sẽ không thể nào nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn của chúng. Sau đó tác giả cùng với mọi người quay gót ngắm toàn cảnh Cô Tô, ngắm sự thanh bình, trời biển đã thuộc về nhân dân ta khiến cho bức tranh trở nên đầy đủ hơn. Bức tranh thiên nhiên Cô Tô sau cơn bão tràn ngập màu sắc, sức sống và xen vào đó là cả niềm tự hào của tác giả về quê hương, xứ sở.


Là một con người ưa khám phá, tìm tòi để phát hiện những vẻ đẹp tuyệt mĩ của tạo hóa, Nguyễn Tuân đã không bỏ qua cảnh mặt trời mọc trên đảo Cô Tô. Để không bỏ lỡ khoảnh khắc mặt trời mọc, ngay từ canh tư tác giả đã ra thấu đầu mũi đảo. Và khoảnh khắc mặt trời từ từ xuất hiện thật tráng lệ, lúc này chân trời, ngấn bể “sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi” . Bằng trí tưởng tượng phong phú, Nguyễn Tuân đã ghi lại khoảnh khắc mặt trời mọc thật huy hoàng, rực rỡ: mặt trời “Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn” , quả trứng ấy chính là lễ vật mà thiên nhiên ban tặng và được đặt trên một chiếc mâm mà đường kính của mân bằng cả cái chân trời màu ngọc trai ửng hồng. Mâm lễ vật này thiên nhiên ban tặng cho sự trường thọ của những người dân chài lưới. Với việc sử dụng hàng loạt biện pháp so sánh, Nguyễn Tuân đã vẽ nên khung cảnh mặt trời mọc vô cùng hùng vĩ, tráng lệ. Nguyễn Tuân cũng thật tài hoa khi miêu tả những con nhạn bay, miêu tả chúng tác giả không dùng từ con mà dùng “vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại” khiến người đọc hình dung cánh nhạn như những chiếc thoi đưa trên mặt biển với tốc độ di chuyển nhanh, khiến bức tranh càng trở nên sống động và thơ mộng hơn.


Sau sự huy hoàng, rực rỡ của thiên nhiên là cuộc sống hết sức bình dị của người dân trên đảo. Tác giả đã chọn cái giếng nước ngọt để đặt bút miêu tả cuộc sống con người nơi đây. Ông hòa vào nhịp sống của mọi người để cảm nhận đầy đủ nhất hơi thở, nhịp sống của con người trên đảo Cô Tô. Hình ảnh so sánh “cái giếng trên đảo như một cái bến nhưng đậm đà, mát mẻ hơn mọi cái bến trong đất liền” quả là một sự so sánh độc đáo, thú vị. Mọi người gánh và múc nước nhộn nhịp để chuẩn bị cho cuộc sống, cho những chuyến ra khơi mới. Nhịp sống rộn ràng của gia đình anh chị Châu Hòa Mãn vô cùng ấm áp, bình dị. Hình ảnh chị Châu Hòa Mãn địu con khiến nhà văn bỗng liên tưởng chị như người mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành, sự liên tưởng đó thật bất ngờ và thi vị. Cuộc sống sinh hoạt trên biển vừa sôi động, mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng nhẹ nhàng, đời thường.


Đoạn trích Cô Tô đã cho ta thấy những nét đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Tuân. Những trường liên tưởng độc đáo, bất ngờ kết hợp với việc sự dụng đa dạng các biện pháp so sánh, ẩn dụ, … ngôn từ miêu tả điêu luyện và con mắt quan sát tinh tường đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Cô Tô.


Ba khung cảnh, ba bức tranh được Nguyễn Tuân vẽ nên thật đẹp đẽ, tài tình. Tất cả đều cho thấy nét tài hoa trong việc xử lí ngôn ngữ của ông. Qua bức tranh đó, Nguyễn Tuân vừa ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi Cô Tô vừa ngợi ca vẻ đẹp của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0