31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Vịnh khoa thi Hương" số 6 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Vịnh khoa thi Hương" của Trần Tế Xương

Trần Tế Xương là một tài năng thơ ca nổi bật trong thơ ca trung đại Việt Nam, thơ của ông thường dùng để giãi bày tình cảnh, tâm sự của chính bản thân mình, lồng ghép vào đó sự bất công xáo trộn của xã hội, khi đọc bài thơ Thương vợ của tác giả chúng ta nhận ra sự đắng cay, nỗi xót ...

Trần Tế Xương là một tài năng thơ ca nổi bật trong thơ ca trung đại Việt Nam, thơ của ông thường dùng để giãi bày tình cảnh, tâm sự của chính bản thân mình, lồng ghép vào đó sự bất công xáo trộn của xã hội, khi đọc bài thơ Thương vợ của tác giả chúng ta nhận ra sự đắng cay, nỗi xót xa mà tác cỉa phải gánh chịu trong một xã hội đầy bất công. Hiện lên trong bài thơ là một ông Tú bất lực luôn phải tự dằn vặt mình tự thương chính mình khi bản thân bất tài không giúp đỡ được nhiều cho vợ con.


Một sáng tác khác của Trần Tế Xương đã để lại cho người đọc nhiều thông điệp vô cùng sâu sắc về xã hội chuyển động trong thời đại “Mưa Âu gió Mĩ”, đó là bài thơ Vịnh khoa thi Hương, bài thơ đã gửi đến người đọc tiếng cười chua chát của chính tác giả khi sống trong thời đại loạn lạc, hỗn độn tất cả mọi thứ đều vần xoay, đảo ngược.


Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà


Câu thơ mở đầu như là lời thông báo của tác giả về thời gian địa điểm dự thi: thời gian ba năm đây là khoảng thời gian khá dài để cho các sĩ tử ôn luyện về kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi sắp tới, sự thay đổi trong bài thơ không chỉ về thời gian mà còn về thành phần thi đó là trường Nam thi với trường Hà – trường Nam và trường Hà là hai trường thi Hương ở Bắc Kì thời xưa. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi Hà Nội bị bãi bỏ. Từ năm Bính Tuất (1886), các sĩ tử trường Hà xuống thi chung ở trường Nam Định.


Trần Tế Xương cũng tham dự kì thi. Đây là một trong những nét mới trong quá trình tổ chức thi, bởi theo lệ thường hàng năm các trường sẽ thi tách biệt với nhau nhưng những năm sau này lại gộp lại thi chung. Hai câu thơ mở đầu mang tính chất thông báo nhưng thực sự có những dấu hiệu khiến cho người đọc phải bận tâm, lưu ý mường tượng đến cảnh thi cử cực nhọc, lộn xộn, phức tạp. Những câu thơ tiếp theo dần hé lộ khung cảnh trường thi đầy nhốn nháo:


Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê quét đất mụ đầm ra.


Khi tổ chức một kì thi người tham dự thi và người đi thi phải thật nghiêm túc chấp hành quy chế thi và những quy định trong phòng thi, nhưng khung cảnh đi thi được Tế Xương miêu tả hoàn toàn khác biệt với lối thi cử quy cử ngày xưa. Tác giả sử dụng từ lôi thôi để chỉ sự nhếch nhác, sự luộm thuộm, sự thiếu nghiêm túc của những sĩ tử đi thi, đối với họ đi thi là một việc gì đó vô cùng dễ dàng và không tốn quá nhiều sức lực, nó hoàn toàn khác biệt với những sĩ tử ngày xưa họ xem chuyện thi cử là một chuyện trọng đại là đại sự trong cuộc đời, nhưng ở đây sống trong thời đại Mưa Âu gió Mĩ Tế Xương đã miêu tả một cách châm biếm hình ảnh những người đi thi.


Phép đảo, từ láy tượng hình (lôi thôi) nhấn mạnh hình ảnh nhếch nhác, bê tha, luộm thuộm, vất vả, bệ rạc của các sĩ tử. Hành trang của các sĩ tử không phải là bút nghiên, đèn sách mà là bao đồ đạc lỉnh kỉnh cho thấy phong thái không đường hoàng, đĩnh đạc, tự tin. Các sĩ tử đi thi là thế vậy thì các quan coi thi như thế nào họ ậm ọe thét loa không chút xấu hổ, họ chỉ làm cho qua chuyện, khiến cho không khí thu cử bị phá vỡ, rối tung. Một lần nữa phép đảo ngữ và nghệ thuật láy từ (ậm oẹ) lại phát huy tác dụng (nhấn mạnh hình ảnh người coi thi).


Tiếng thét loa của vị quan coi thi chứng tỏ trường thi rất lộn xộn nhốn nháo, ồn ào, nhưng thảm hại thay, tiếng thét ấy lại cũng không ra hồn. Từ láy tượng thanh ậm oẹ vừa chỉ tiếng nói không rõ ràng, vừa chỉ sự hách dịch, ra oai, nạt nộ của tên quan trông thi. Quang cảnh trường thi thật là nhốn nháo ô hợp. Một hiện tượng nữa xuất hiện trong trường thì đó là hình ảnh quan sứ và hình ảnh mụ đầm, những hình ảnh này đã làm mất đi sự trang trọng, uy nghiêm của kì thi để tuyển chọn nhân tài.


Dường như khi đề cập đến vấn đề này, Trần Tế Xương vô cùng đau xót vì chính bản thân ông cảm thấy bất lực không thể kiểm soát được tình thế này. Trường thi trở thành nơi đón rước long trọng, một nơi ô hợp. Khoa thi của triều đình phong kiến có sự xuất hiện của vợ chồng quan Toàn quyền. Chi tiết này cho thấy chế độ khoa cử đang đi vào giai đoạn suy thoái, đang bị phong hoá bởi văn hoá phương Tây. Phép đối được sử dụng rất đắt. Lọng treo chốn trường thi, để che đầu cho các bậc đức cao vọng trọng lại bị đối với gấu váy của mụ đầm (Ở bài khác, ông viết Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng). Sự uy nghiêm, trang trọng chốn trường thi bị hạ bệ hết mức.


Một đất nước ngàn năm văn hiến lại có thể tổ chức một kì thi thiếu sự trang trọng đến thế, để lại sự ê chề nhục nhã cho một quốc gia, rồi từ đây chúng ta sẽ phải đối mặt với những người gây dựng đất nước như thế nào. Châm biếm mà đau đớn nhưng không thể không nói, không thể không lên tiếng bởi vì cảnh tượng diễn ra trước mắt quá lộn xộn, quá bất cập khiến bất cứ ai trông vào cũng cảm thấy xót xa, đau lòng.


Chỉ bằng vài nét phác hoạ sắc sảo, Tú Xương đã dựng lại chính xác, sinh động khung cảnh hỗn độn, nhốn nháo của khoa thi Hương. Trường thi đầy những cảnh chướng tai gai mắt. Tất cả được miêu tả bằng giọng thơ châm biếm hài hước, sâu cay. Kinh nghiệm thi cử của bản thân đã giúp Tú Xương cảm nhận sâu sắc thực tế đó. Qua đây ta thấy được thái độ bất bình, khinh bỉ của nhà thơ trước những nhiễu nhương, đồi bại.


Những câu thơ tiếp theo, Trần Tế Xương như muốn kêu cứu, cầu xin ai đó giúp đỡ cho đất nước cứu vãn hình ảnh cho nước nhà, những đáp lại lời kêu gọi của tác giả, lời thơ hóa vào thinh không, không một lời đáp trả không một ca từ nào đủ sức nặng để có thể đáp lại những lời từ tận tâm can của chính ông. Đây cũng là cách tác giả bày tỏ nỗi đau của một người khi nước mất nhà tàn khi văn chương khoa cử xuống dốc trầm trọng không thể cứu vãn, hai câu thơ cũng khiến người đọc xót xa không kém:


Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà


Câu thơ đã thể hiện tâm trạng của tác giả thức tỉnh các sĩ tử và nỗi xót xa của nhà thơ trước cảnh nước mất nhà tan. Câu thơ vừa là lời tự vấn, vừa đối thoại, vừa thức tỉnh là lời tâm sự đầy đau xót và chua chát trước thực tại đất nước. Lời thơ cất lên như lời kêu gọi thức tỉnh. Đối tượng được gọi là nhân tài đất Bắc – tức là những kẻ sĩ, trí thức, người có học, biết nhận thức. Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà – cảnh bát nháo, ô hợp chốn trường thi, cảnh đất nước rơi vào tay thực dân Pháp; sự nhục nhã của thân phận mất nước.


Có lẽ không phải kẻ sĩ, trí thức nào cũng nhận thức được thực tại trớ trêu đó nên Tú Xương mới phải cất lời kêu gọi. Bằng cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, âm thanh đảo trật tự cú pháp kết hợp với việc để cho nhân vật trữ tình tự nhận thức, tự bộc lộ chính những suy nghĩ tâm trạng của mình, tác giả cho người đọc thấy được thái độ trọng danh dự và tâm sự lo nước thương đời của tác giả trước tình trạng thi cử trong buổi đầu chế độ thuộc địa nửa phong kiến.


Vịnh khoa thi Hương là một trong những tác phẩm độc đáo, nổi bật của Trần Tế Xương bởi đằng sau giọng thơ sắc, lạnh, tỏ vẻ hờ hững đến khinh mạn con người và cuộc đời là tấm lòng lo cho dân cho nước, không cống hiến bằng sức lực, Trần Tế Xương cống hiến bằng bút lực và trí tuệ của mình để vạch nên khung cảnh u ám, sầu thảm của đất nước vào những năm tháng bị thực dân chiếm đóng cùng với đó là sự nhu nhược của triều đình phong kiến.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0