Bài văn phân tích tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" số 9 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu
ó lẽ với những người yêu thích văn chương, đề tài người nông dân đã quá đỗi quen thuộc và trở thành chủ đề “chọn mặt gửi vàng" của không ít “cây bút". Chúng ta đã có một anh nông dân mất hết “nhân hình lẫn nhân tính" khi bị xã hội đẩy đến bờ vực trong “Chí Phèo" – Nam Cao. Hay là ...
ó lẽ với những người yêu thích văn chương, đề tài người nông dân đã quá đỗi quen thuộc và trở thành chủ đề “chọn mặt gửi vàng" của không ít “cây bút". Chúng ta đã có một anh nông dân mất hết “nhân hình lẫn nhân tính" khi bị xã hội đẩy đến bờ vực trong “Chí Phèo" – Nam Cao. Hay là hình ảnh chị Dậu “vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!” trong “Tắt đèn" của Ngô Tất Tố.
Thế nhưng, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam một tượng đài sừng sững, hùng tráng về người nông dân đã được Nguyễn Đình Chiểu chắp bút qua “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc". Bên cạnh việc khắc họa hình ảnh bi tráng, đầy hi sinh của người nông dân chống Pháp thì bài tế còn là nỗi lòng, nỗi xót thương của tác giả cho “những anh hùng áo vải".
Bài tế ra đời trong hoàn cảnh thực dân Pháp đang “tung hoành" ở nước ta. Sau khi chiếm được thành Gia Định, Pháp bắt đầu đánh chiếm ra các vùng gần đó như Tân An, Cần Giuộc, Gò Công... Ngày 16/12/1861 do quá căm phẫn, những người nông dân Cần Giuộc đã đứng lên tập kích đồn Pháp tiêu diệt được một số quân của Pháp. Nhưng xót xa thay, có khoảng mười lăm nghĩa sĩ đã anh dũng hi sinh.
Xúc động trước sự ra đi này, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" nhằm đọc truy điệu lần cuối cho những anh hùng dũng cảm. Mở đầu bài tế, tác giả đã lên tiếng tố cáo tội ác của thực dân:
“Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ...”
Xung quanh đâu đâu cũng có tiếng súng, âm thanh ấy làm rung động cả một vùng đất. Nhưng từ trong gian nguy người ta mới thấy được bản lĩnh, đức tính của những người nông dân bình dị. Cái họ làm đã được trời đất “chứng giám" và được lịch sử ghi công với hành động “một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ". Chỉ với mấy dòng đầu tiên, tác giả đã trực tiếp lên tiếng ngợi ca cho những hành động anh hùng của người nông dân. Họ sẵn sàng hi sinh bản thân mình những mong đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Từ việc khẳng định ý nghĩa trong sự hi sinh của những người nông dân Cần Giuộc. Tác giả chuyển sang miêu tả hình ảnh của họ trong cuộc sống sinh hoạt, làm việc đời thường và đến lúc họ đã trở thành những anh hùng đánh giặc, lập công:
Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó"
Họ chỉ là những người nông dân chân chất, hiền lành, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" suốt ngày quanh quẩn với con trâu con bò, với rặng tre làng. Những người nông dân ấy trước giờ chỉ quan tâm đến công việc làm ăn, chỉ mong “kiếm kế sinh nhai". Họ chỉ biết “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;” vì đó là những công việc gắn bó với người nông dân từ ngày này qua ngày khác. Chứ còn việc binh đao “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung" và đối với họ việc “Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó”.
Có thể thấy những người nông dân của Nguyễn Đình Chiểu chỉ quen với công việc đồng áng, chưa hề có sự “quen tay" với súng đao. Dù bản thân không hề là những binh lính rành nghề, cũng không phải là người có thể điều khiển vũ khí tốt. Thế nhưng, những anh hùng ấy vẫn hiên ngang tôi luyện, đứng lên chống giặc. Tất cả những hành động của họ đều xuất phát từ sự căm phẫn tội ác của giặc.
Tác giả cũng rất tinh tế khi nêu ra một trong những nguyên nhân khác thôi thúc những người nông dân đứng lên là vì “Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa”. Sự yếu đuối, nhu nhược của triều đình khi không có bất một hành động nào thể hiện sự phản kháng đối với tội ác của giặc đã buộc lòng nông dân Cần Giuộc
“Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;
Chẳng thèm chốn ngược, chốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.
Với biện pháp liệt kê, tác giả đã cho thấy ý chí chiến đấu quật cường của người nông dân. Họ sẵn sàng vùng dậy đấu tranh chứ không hèn nhác chịu “trốn chui trốn lũi". Nếu như với hình ảnh của những người nông dân trước đây “bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa" – có phần yếu đuối và tinh thần bị bắt buộc thì ở đây ta bắt gặp hình ảnh những người nông dân hoàn toàn tự nguyện, tự giác đấu tranh chứ không có bất cứ một thế lực nào khác điều khiển. Đây là một trong những lí do làm cho vẻ đẹp của người nông dân Cần Giuộc khác với những người nông dân còn lại.
Có thể thấy những người nông dân trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” không những phải luyện tập binh đao để ra trận, mà ở họ sự hy sinh còn thể hiện trong cách vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo. Độc “manh áo vải” nhưng họ nào đợi được trang bị mọi thứ bảo hộ, cứ thế mà lên đường chiến đấu:
“Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi;
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.”
Tác giả Nguyễn Đình Chiểu dẫn người đọc từ từ khám phá các tính cách bên trong con người nông dân. Nếu ở trên ta cảm phục trước ý chí sắt đá, tinh thần tôi luyện để lên đường chiến đấu của người nông dân thì phần tiếp theo tác giả tái hiện chân thực cái hào khí sôi sục khi chiến đấu với giặc như thể tinh thần “nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. (“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” – Hồ Chí Minh).
“Chi nhọc quan quản trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.
Tác giả sử dụng phép liệt kê, liên tiếp đưa ra các hành động chống giặc của người nông dân “trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới” rồi “đâm ngang, chém dọc” làm cho nhịp bài tế nhanh, khẩn trương, khấp rút như chính các thao tác mà nghĩa sĩ đánh giặc. Âm điệu bài thơ dần trở nên hào hùng, dồn dập như trận cuồng phong làm rung chuyển cả một bãi chiến. Tinh thần chiến đấu càng ngày càng sôi sục và dâng cao hơn.
Nhìn lại tình hình lịch sử lúc bấy giờ, khi thực dân tiến đánh nước ta, triều đình Huế nhu nhược, yếu hèn không có bất cứ thái độ nào để đối phó với giặc. Mặc nhiên đầu hàng, bám víu vào cái ngôi vua của mình, không màng tới trọng trách giữ gìn đất nước. Nông dân cả nước nói chung và những “chiến sĩ” Cần Giuộc nói riêng đã tự mình đứng lên đòi lại quyền tự do, tự mình bảo vệ lấy tấc đất của mình.
Tuy nhiên, sự bất cân xứng về lực lượng giữa ta và địch đã làm cho một phần nghĩa sĩ ngã xuống. Dẫu thế, cái “ngã” của họ chính là tư thế của những anh hùng đã dũng cảm, quyết tâm đuổi giặc xâm lăng bảo vệ tổ quốc. Đoạn tế này chính là nỗi xót thương mà Nguyễn Đình Chiểu không chỉ dành cho những người đã khuất mà cùng với đó là sự cảm thông, chia sẻ cho những gia đình có “vị anh hùng” buộc phải “dừng chân”
“Đau đớn bấy! mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều;
Não nùng thay! vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.”
Còn gì đau đớn hơn khi mẹ xa con, chồng xa vợ! Có nỗi đau nào bằng khi mất đi người thân. Những nghĩa sĩ Cần Giuộc càng anh hùng, quả cảm bao nhiêu thì người đọc lại xót thương, căm phẫn Pháp bấy nhiêu. Những câu cảm thán mà tác giả sử dụng như xé toạc bầu trời ấy, là tiếng hét ai oán cho những con người vì độc lập dân tộc. Nguyễn Đình Chiểu có cách so sánh rất hay khi “mẹ già” bây giờ như “ngọn đèn khuya leo lét”.
Ở tuổi xế chiều mỗi người mẹ đều có đứa con chăm sóc, bảo vệ thì những người mẹ Cần Giuộc chỉ biết khóc con. Những người mẹ ấy leo lắt, đói hôm cũng không biết nương tựa vào ai vì con còn đâu nữa mà trông. Những người “vợ yếu” thì như “cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” vì tìm đâu ra trụ cột để mà dựa vào.
Họ lao đao, chao đảo vì bỗng nhiên mất đi một phần rất quan trọng trong cuộc sống. “Dật dờ” cũng có thể là sự ngóng trông, mong đợi chồng về nhưng nào đâu nữa! Những người anh hùng ấy đã ngã xuống cho sự nghiệp đánh đuổi giặc Pháp, cho lí tưởng bảo vệ non sông. Hai câu thơ trên nghe sao mà ai oán, nghe sao chua xót cho những nghĩa sĩ Cần Giuộc!
Cảm phục, xót thương cho những linh hồn của nghĩa sĩ tác giả đã có những giây phút lắng đọng khi đọc bài tế. Đến cuối cùng tác giả vẫn không nguôi về những hành động dũng cảm mà các nghĩa sĩ đã làm cho mảnh đất của mình, cho người dân của họ.
“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia;
Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;
Cây hương nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.”
Bắt đầu bài tế cũng là những anh hùng hào kiệt, đến cuối bài tế vẫn sống mãi với non sông. Những “chiến sĩ Cần Giuộc” quả là bức tượng sống cho hình ảnh những con người đời thường nhưng sẵn sàng đứng lên cho sự an nguy của tổ quốc. Hình ảnh “chết vinh còn hơn sống nhục” là biểu tượng vàng son cho khí tiết hào hùng, oanh liệt của người nông dân.
Bằng cách sử dụng thể loại tế, cùng với việc sử dụng ngôn ngữ bình dị, dân dã kết hợp giọng điệu xót thương, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa nên bức chân dung về những người “chiến sĩ Cần Giuộc” dũng cảm quên mình. Ở họ sự thiếu thốn khắc khổ, cái khó khăn trong lúc luyện tập vũ khí không làm chùn bước chân của những nghĩa sĩ mà trái lại tinh thần sôi nổi, ý chí tự nguyện cùng quyết tâm đánh đuổi quân thù đã đúc kết lại làm nên những trang anh hùng.
Dù kết thúc, chúng ta đã có một phần nghĩa sĩ ngã xuống nhưng chính cái hi sinh ấy lại là tiếng nói cao cả cho những con người dù “thấp cổ bé họng” vẫn có quyền lên tiếng cho chính bản thân mình.