31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích tác phẩm "Trao duyên" số 5 - 15 Bài văn phân tích tác phẩm "Trao duyên" trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du

Nguyễn Du - một trong những nhà thơ xuất sắc của nền văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Tác phẩm “Truyện Kiều” đã khẳng định và ghi dấu tên tuổi Nguyễn Du trên văn đàn nghệ thuật nước nhà và thế giới. “Trao duyên” là đoạn trích đặc sắc trong Truyện Kiều nói về ...

Nguyễn Du - một trong những nhà thơ xuất sắc của nền văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Tác phẩm “Truyện Kiều” đã khẳng định và ghi dấu tên tuổi Nguyễn Du trên văn đàn nghệ thuật nước nhà và thế giới. “Trao duyên” là đoạn trích đặc sắc trong Truyện Kiều nói về tình yêu sâu nặng cũng như bi kịch số phận của Kiều trước biến cố cuộc đời.


Đoạn trích nói về hoàn cảnh của gia đình Kiều dẫn đến việc Kiều phải “trao duyên”. Bọn sai nha gây ra vụ án oan sai đối với gia đình Kiều, khiến nàng phải bán mình lấy để chuộc cha. Bán mình đi tức là nàng đã bán đi quyền lựa chọn đối với cuộc đời mình, nàng đành hy sinh mối tình với Kim Trọng, đành phụ chàng. Thế nhưng vì tình sâu nghĩa nặng, Kiều không thể cứ thế mà phụ chàng Kim, nàng đã trao duyên cho Thúy Vân là em gái mình, mong rằng em có thể thay mình trả nghĩa cho chàng Kim. Bằng những hành động và lời lẽ lí tình thấu đáo, Kiều cố gắng thuyết phục em mình:


“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”


Từ “cậy” diễn tả sự trông cậy, mong mỏi tha thiết chứ không đơn giản là nhờ vả, kết hợp với từ “chịu” giống như đặt người nghe vào hoàn cảnh phải đồng ý trước rồi mới nói. Thúy Kiều chính là đặt Thúy Vân vào hoàn cảnh đó, rồi nàng còn có hành động mời em ngồi lên để mình quỳ lạy, thưa gửi, đó là hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với ân nhân. Kiều biết chuyện mình trao duyên cho em là khó khăn và khó xử đối với em nên cần thiết phải hành động như vậy để bù đắp lại. Kiều hiểu rằng mối tình giữa nàng và Kim Trọng chỉ là “mối tơ thừa” đối với Vân nhưng vì hoàn cảnh mà nàng vẫn phải trao duyên, gửi gắm duyên tình, mặc cho em vướng vào gánh nặng ân tình đó.


“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”


Nàng Kiều giãi bày lí do phải trao duyên cho em đó chính là bởi “sóng gió bất kì” đã ập xuống gia đình, nàng phải hy sinh chữ tình để đổi lấy chữ hiếu. Lời nói của Kiều đầy đủ lí lẽ lại lấy tình cảm chị em máu mủ ra để thuyết phục Thúy Vân, nếu như có được sự đồng ý của Vân, Kiều dù có phải bán mình sống chết oan uổng cũng được mãn nguyện, việc làm của Vân sẽ là ơn sâu nghĩa nặng đối với Kiều.


“Chiếc vành với bức tờ mây...

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”


Sau những lời thuyết phục đầy lí lẽ của Kiều, khó có thể cho Vân đường chối từ, biết em sẽ thấu hiểu cho mình mà chấp nhận nên Kiều đem những kỉ vật tình yêu ngày xưa trao cho Vân. Tay trao kỉ vật nhưng lòng nàng nặng trĩu, đau xót như mất đi những điều quý giá nhất, giờ đây kỉ vật đã là của chung của ba người, chỉ còn tình yêu và duyên ước nàng giữ cho riêng mình. Nàng dặn dò Thúy Vân mai này có nên vợ nên chồng với chàng Kim hãy nhớ đến người mệnh bạc như nàng. Thúy Kiều nhắc đến cái chết qua những câu thành ngữ, tục ngữ hay từ ngữ như: “hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài”, nàng như đã dự cảm chẳng lành về số phận của mình, bi kịch lớn nhất là cái chết, thế nhưng dù có chết nàng cũng không quên lời thề với Kim Trọng, chỉ mong Kim Trọng sau này khi trở về sẽ thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh éo le của nàng.


“Bây giờ trâm gãy gương tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!”


Lời độc thoại của Thúy Kiều dày đặc các từ: “trâm gãy”, “gương tan”, “nước chảy”, “hoa trôi” ám chỉ sự tan vỡ, đứt gánh giữa đường của mối duyên tình. Tình yêu sâu đậm, nồng nàn và chung thủy là thế, nhưng giờ đây nàng cũng đành phụ tình, hoàn cảnh đã đẩy số phận nàng vào bước đường cùng, chẳng còn lựa chọn nào khác cho Kiều. Dù có đau xót than oán nàng cũng đành cam chịu, tiếng gọi tha thiết dành cho Kim Trọng như một lời xin lỗi từ đáy lòng Kiều:


Ôi Kim lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”


“Ôi” và “hỡi” vừa là tiếng gọi tha thiết yêu thương lại vừa là lời than thân trách phận của Kiều, nàng cảm thấy có lỗi với chàng Kim và xót xa cho Kim Trọng khi nơi xa xôi vẫn luôn tin tưởng, chờ mong người đã phụ bạc như nàng. Cái lạy của nàng dành cho người tình quân như là tạ tội và vĩnh biệt chàng Kim. Có thể nói, tình yêu của Kiều dành cho Kim Trọng rất sâu đậm và tha thiết, thế nhưng, nàng đã hy sinh vì gia đình, quên đi nỗi đau của mình hướng đến nỗi đau của cha mẹ và hai em.


Qua việc phân tích bài trao duyên, chúng ta có thể thấy được bi kịch tình yêu và thân phận bất hạnh của Thúy Kiều một cách sâu sắc. Đây cũng là một trong những trích đoạn tiêu biểu cho tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0