31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Tây Tiến" của Quang Dũng số 8 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Tây Tiến" của Quang Dũng hay nhất

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dư vang dư hình của nó thì vẫn luôn còn đó, sống mãi bên đời. Người ta sẽ chẳng thể quên “có cái chết đã hóa thành bất tử” khi gặp ở trang thơ Tố Hữu, càng không thể quên hình ảnh người chiến sĩ “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” đã in sâu trong thơ ...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dư vang dư hình của nó thì vẫn luôn còn đó, sống mãi bên đời. Người ta sẽ chẳng thể quên “có cái chết đã hóa thành bất tử” khi gặp ở trang thơ Tố Hữu, càng không thể quên hình ảnh người chiến sĩ “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” đã in sâu trong thơ Chính Hữu. Tự bao giờ, người lính đã trở thành những tượng đài bất tử như thế trong thơ?


Đi qua gian khó, bước tới vinh quang, những người lính Tây Tiến cũng trở thành những hình tượng “còn mãi”, “sống mãi”, “đẹp mãi”. Ta gặp lại họ trong những vần thơ thấm đẫm cảm xúc mà Quang Dũng gửi lại đoàn quân, cùng theo đó là bao nỗi nhớ…Vốn là một trong những chiến sĩ của đoàn quân, Quang Dũng viết bài thơ bằng tất cả nỗi nhớ một người đồng chí, một người từng cộng khổ và sánh vai, chứ không phải của một người miền xuôi từng lên thăm miền ngược.


Nỗi nhớ gửi từ Phù Lưu Chanh gọi về bao cảm xúc…Nhớ về Tây Tiến, trước hết là nhớ về những tháng ngày đoàn quân ròng rã trên chặng đường hành quân. Nỗi nhớ trào dâng ngay từ những câu mở đầu:


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”


Tiếng gọi thân thương đi cùng bước chân kí ức. Sông Mã – nơi chứng kiến và chia sẻ những buồn vui. Sông Mã – nơi đựng đầy những kỉ niệm và hoài ức. Hành hương về quá khứ, Quang Dũng đã nhắc tới sông Mã như một biểu tượng đầu tiên của nỗi nhớ. Nỗi nhớ trải rộng theo thời gian và ngút ngàn trong không gian, theo những cung đường Tây Bắc.


Hiện lên trong nỗi nhớ là bức tranh về núi rừng Tây Bắc vừa hoang vu, hiểm trở, lại vừa thơ mộng, trữ tình. Cái hoành tráng dữ dội hiện lên ngay ở những cái tên mới mẻ lạ lẫm: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch; ở những hình ảnh thiên nhiên độc đáo, lạ thường: sương lấp, cồn mây, heo hút, khúc khuỷu…


Bằng lối diễn tả độc vận, lối phối thanh bằng trắc linh hoạt, Quang Dũng đã diễn tả thành công cái thế heo hút của đèo cao, cái thế mênh mang của mây rừng. Đọc những câu thơ, ta như mường tượng ra những nơi thâm sơn cùng cốc, nơi hang cùng thủy tận, nơi đoạn đường trúc trắc, nơi đèo cao gồ ghề mà đoàn quân từng đi qua.


Trong câu thơ Quang Dũng viết: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, ta nhìn thấy cả một dốc núi mở ra, hai miền không gian đối cực nới dài, cao chót vót và sâu khôn cùng. Những hiểm trở ấy của cảnh rừng từng có lần ta gặp trong thơ Thế Lữ:


“Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi

Với khi thét khúc trường ca dữ dội.”


Nơi rừng thiêng nước độc cũng từng có bao tuổi xanh phải bỏ lại, bao mất mát hi sinh luôn còn đó, để khi nhớ lại người ta vẫn phải nhói lòng:


“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”


Hai chữ “dãi dầu” dồn tụ trong đó bao nhiêu gian lao. Nói đến hi sinh, nhà thơ không tô đậm cái buồn thương mà nhấn vào cái kiêu bạc của những người lính vốn xuất thân từ Hà Thành hoa lệ. Bởi thế mà dẫu là bỏ lại tuổi trẻ nơi chiến trường khi đầu hãy còn xanh thì những người lính vẫn phải nhìn thấy trong đó những động lực để bước tiếp.


Và như một lẽ tất nhiên, với những con người nhạy cảm như người lính Tây Tiến, không khi nào họ chỉ nhìn thấy cái khốc tàn của núi rừng. Ngay trong sự hoang vu, hiểm trở, những vẻ đẹp trữ tình vẫn ngời lên lấp lóa dưới đôi mắt tinh tế của những chàng trai Hà Thành. Đó là kí ức “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, là nỗi nhớ thấp thoáng về “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.


Một đêm hơi với hoa về trong tay, nó lãng mạn biết nhường nào. Là “đêm hơi” chứ không phải đêm khuya, cũng không phải đêm sương, dường như nó vừa gợi thời gian, vừa gợi một cảm giác mờ ảo – mờ đi trong tâm hồn người chiến sĩ. Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” được buông nhẹ ra bởi một loạt những thanh bằng như làm dịu lại nhịp thơ, gợi cảm giác bâng khuâng, nhè nhẹ, vừa gần gũi, vừa ấm áp tình thân, tựa bước chân dừng nghỉ sau những chặng đường dài.


Nhớ về cái nên thơ ấy, nhà thơ không bỏ quên cảm giác ấm áp tỏa ra từ hương vị riêng của núi rừng, được gợi lên từ thứ “cơm lên khói” vẫn đượm mùi “thơm nếp xôi”.Kí ức chiến tranh không chỉ lưu giữ những chiến công, những tàn tích, mà còn lưu giữ bao kỉ niệm đẹp về tình quân dân thắm thiết, về những chặng đường dừng chân yêu thương ngọt ngào.


Tây Tiến trên những chặng đường dừng chân sau bao ngày hành quân nhọc nhoài tự bao giờ cũng trở thành một phần không thể bỏ quên trong nỗi nhớ. Hồi ức về những đêm liên hoan dần dần sống dậy:


“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”


Đoạn thơ lung linh, rộn rã với đuốc, hoa, với nếp xiêm áo dịu dàng của các cô gái vùng cao đang uốn lượn theo tiếng khèn dìu dặt, bổng trầm như nâng lên hồn rừng sâu núi thẳm. Hai chữ “bừng lên” thật giàu ý nghĩa, giàu sức gợi. Bừng lên trong những ngọn đuốc sáng, bừng lên trong niềm vui người lính Hà Thành đến từ xứ lạ phương xa, bừng lên trong tiếng reo vui khi người phụ nữ bất ngờ hiện ra vừa lộng lẫy, vừa tình tứ.


“Đuốc hoa” mà người lính mang về trên tay, là hoa lửa đuốc thắp sáng như ngọn đèn rừng, hay là chúc hoa vẫn rọi sáng niềm tin người chiến sĩ? Những đêm liên hoan cứ ấm nồng như thế không chỉ rực rỡ sắc màu của lửa đuốc, của xiêm áo mà còn rộn rã âm thanh của “khèn lên”, của “nhạc về”. Những câu thơ thắm tình quân dân, tựa như cá gặp nước, tựa như con một nhà. Từng hơn một lần ta gặp thứ tình cảm ấm nồng êm đẹp đó trong thơ:


“Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ”
Hay:

“Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”


Nhưng nếu những câu thơ của Hoàng Trung Thông và Tố Hữu viết bằng cảm hứng hiện thực với những hình ảnh dịu dàng thì câu thơ của Quang Dũng lại mang một vẻ đẹp bay bổng lãng mạn. Âm hưởng lãng mạn đó còn tiế tục ngân dài ở những câu thơ sau:


“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”


Xa Tây Tiến, nhà thơ không bao giờ quên những nét đặc trưng của cảnh, của người nơi đèo cao núi thẳm. Những chiều sương bảng lảng hoàng hôn, bạt ngàn sắc trắng hoa lau, những ngọn lau phơ phất như bàn tay vẫy gọi dáng người trên độc mộc. Âm điệu thơ ở đây thay đổi, không còn vui tươi như trong đêm liên hoan lửa trại mà dần trở nên man mác bâng khuâng. Hình ảnh thơ cũng không còn rực rỡ tươi sáng mà trở nên ảo mờ, mơ hồ.


Những nét dáng mảnh mai duyên dáng từ lâu đã trở thành linh hồn riêng của Tây Bắc. Một Mai Châu mênh mang sương sớm, phơ phất hồn lau, đong đưa dòng nước. Sự quyện hòa giữa cảnh và người qua vài nét chấm phá đã đủ gọi về không khí Tây Bắc đầy lãng mạn, đọng lại trong nỗi nhớ bao cảm xúc chơi vơi.


Thấm đẫm trong từng nét vẽ là một hoài niệm sâu nặng khó quên, bâng khuâng không nói hết. Tất cả đã thay bằng lời “có thấy”, “có nhớ” ngọt ngào chân thành.Tây Tiến nhìn từ chiều sâu kỉ niệm thật có những hồi ức khó quên. Những có lẽ đậm sâu nhất lòng Quang Dũng là dáng dấp người lính Tây Tiến từ lâu được khắc tạc thành những anh hùng bất tử trong trí nhớ. Bắt đầu là nhớ về hình ảnh những đoàn binh không mọc tóc:


“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”


Bài thơ làm sống dậy hình ảnh của một đoàn quân Vệ quốc. Bước chân họ in trên khắp các nẻo đường đất nước. Họ tình nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến, gian khổ lắm lúc vượt quá sức chịu đựng của những chàng trai Thủ đô mới từ giã mái trường, góc phố. Một sự thật trần trụi và khắc khổ về người lính thời chiến hiện ra: Họ sống và chiến đấu nơi rừng sâu núi thẳm, thiếu ăn, thiếu thuốc, sốt rét liên miên đến rụng tóc, trọc đầu, da xanh tái.


Quang Dũng chỉ phản ánh lại hiện thực chứ không hề cường điệu. Đâu phải riêng Quang Dũng mới nhắc về sự thật ấy. Tố Hữu cũng từng đau lòng mà viết: “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ”. Nhưng vốn mang trong mình khí chất của người chinh phu tráng sĩ, Quang Dũng nói về cái bi chỉ cốt để gợi cái tráng. Người chiến sĩ chủ động “không mọc tóc” chứ không phải “tóc không mọc”.


Ta nghe trong đó chút dí dỏm tươi vui, cũng là niềm lạc quan không ngại khổ ngại khó.Quyết tâm giết giặc, gian khổ đói rét không làm giảm chất lãng mạn vốn có trong từng chiến sĩ. Giữa những cuộc hành quân chiến đấu, họ vẫn dành riêng cho mình dăm ba phút để nhớ về quê hương, nhớ về những bóng dáng thân yêu.


“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.” Tâm hồn lãng mạn đưa các anh về cùng những giấc mơ. Là mơ chứ không phải nhớ, là cảm xúc nằm trong tiềm thức chứ không phải trong ý thức, đó là động lực để cho các anh cầm chắc tay súng, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng nói về cảm xúc ấy:


“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.”


Nhớ về đồng đội, Quang Dũng cũng không né tránh những mất mát hi sinh, nhưng hẳn rằng Tây Tiến là một trong số ít bài thơ viết về điều đó một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng:


“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”


Chốn biên cương nơi bom rơi đạn nổ đã lấy đi bao xương máu, để lại những nấm mồ xanh đã hóa thành bất tử. Nhìn thẳng vào sự thật, ta thấy ở đó bao mất mát hi sinh. Nhưng nhìn xa hơn sự thật, ta thấy đằng sau sự hi sinh là chí khí người anh hùng “chẳng tiếc đời xanh”, dám quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.


Đời xanh là tuổi trẻ với bao nhiêu hoa mộng. Đẹp là thế, hứa hẹn nhiều là thế nhưng các chiến sĩ ta chẳng tiếc mà nhiệt thành hiến dâng cho Tổ quốc. Hỏi có sự hi sinh nào cao quý hơn, đáng ca ngợi hơn? Một lần nữa, Quang Dũng khắc tả được tinh thần của những chinh phu tráng sĩ thời xưa:


“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”


Ngày xưa, người tráng sĩ chọn cái chết hiên ngang nơi trận mạc với da ngựa bọc thây và coi đó là vinh quang tột đỉnh, còn chiến sĩ Tây Tiến thì “áo bào thay chiếu anh về đất.” Nhịp điệu câu thơ chậm rãi và trang trọng. Một chi tiết rất thực được nhắc đến trong câu thơ thấp thoáng phong vị cổ này là hình ảnh áo bào thay chiếu. Không có manh chiếu, các anh “về đất” bằng chiếc áo bào.


Ta không thấy ở đó sự thiếu thốn mà chỉ thấy khí chất của người anh hùng sánh ngang tầm với non sông. Âm thanh của sông Mã gầm lên vừa như tiếng khóc của thiên nhiên đất trời, vừa như khúc nhạc kì vĩ đưa cái chết của người lính vào cõi trường cửu.Những câu thơ cuối khép lại bài được viết như những dòng thường ghi trên mộ chí, cũng là lời hẹn thế của một người lính từng gắn bó sâu nặng với đoàn quân:


“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường đi thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”


Đã ra đi là không ước hẹn ngày về, đã ra đi là quyết tâm tới đích. Cái tinh thần “một đi không trở lại” thấm nhuần trong tư tưởng và tình cảm của cả đoàn quân Tây Tiến. Không vấn vương, bịn rịn chuyện riêng tư, tất cả cho nhiệm vụ cứu nước. Tây Tiến mùa xuân ấy đã trở thành điểm hẹn cho mọi trái tim nhung nhớ luôn muốn trở về.


Tây Tiến là vừa là khúc tráng ca, vừa là khúc trầm ca, vừa mang vẻ đẹp hào hoa, vừa chứa vẻ đẹp hào hùng. Quang Dũng đã góp thêm cho nền thi ca kháng chiến một tuyệt phẩm về người lính mà ai đi qua cũng phải lưu lại những ấn tượng cho riêng mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0