Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 1 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) của Nguyễn Trung Ngạn
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tên hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông nổi tiếng là thần đồng: năm mười hai tuổi ông thi đỗ Thái học sinh, năm mười sáu tuổi thi đỗ Hoàng giáp. Ông làm quan trải bốn triều vua Trần, ...
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tên hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông nổi tiếng là thần đồng: năm mười hai tuổi ông thi đỗ Thái học sinh, năm mười sáu tuổi thi đỗ Hoàng giáp.
Ông làm quan trải bốn triều vua Trần, Nguyễn Trung Ngạn có công lớn về quân sự, chính trị, ngoại giao. Năm 134, vua Trần Dụ Tông cử ông cùng Trương Hán Siêu biên soạn bộ “Hoàng triều đại điển” và “Hình thư” để ban hành. Ông là một người có tình cảm sâu đậm với quê hương đất nước, cả cuộc đời đã gắn bó và có những cảm xúc đặc biệt với nơi mình sinh ra.
Nhưng có một thời gian ông phải đi sứ sang Trung Quốc và ông đã sáng tác ra bài thơ “Quy hứng” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nhà, quê hương khi ở nơi xứ người. Bài thơ này ông viết về một khung cảnh thiên nhiên làng quê, với những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc với làng quê thanh bình Việt Nam. Hình ảnh xuất hiện trong bài là: dâu tằm, những bông lúa chín, cua đồng,… Những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc ấy lại làm ta liên tưởng tới:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Tình yêu đó hết sức bình dị, xuất phát từ mỗi con người, nhất là khi đang ở nơi đất khách thì nỗi nhớ quê lại dâng lên thật xao xuyến. Khi đi sứ sang Trung Quốc nơi tác giả ở là những chốn phồn hoa đô hộ lấy đâu ra những thứ gần gũi như ở quê hương của tác giả vậy mà qua bài “Quy hứng” ta lại có thể thấy được những hình ảnh đó hiện lên chân thực giống như tác giả ở trước những ảnh vật đó vậy.
Phiên âm:
“Lão tang diệc lạc tàng phương tận
Tảo đạo hoa hương giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy.”
Dịch thơ:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm đơm bông cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về.”
Ngay ở phần mở đầu bài thơ đã xuất hiện những hình ảnh rất đỗi giản dị, mộc mạc mà làm cho tác giả nhớ đến nỗi, dù đang ở nơi đất khách nhưng vẫn tả rất chuẩn xác:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm đơm bông cua béo ghê”
Những hình ảnh như “dâu, tằm, lúa” đó là những thứ không thể thiếu được ở mỗi làng quê Việt Nam. Nương dâu xanh mướt, những cánh đồng lúa bạt ngàn, những chú cua đồng ở mương, ở ruộng nếu bắt về nấu ăn sẽ rất ngon, vì là mùa này rất nhiều chất dinh dưỡng nên cua rất béo, mấy món ăn của nơi làng quê chỉ giản dị vài món nhưng mỗi bữa cơm thì gia đình quây quần rất vui vẻ hạnh phúc.
Chỉ nghĩ về những thứ mộc mạc đó thôi cũng làm tâm hồn nhà thơ tan chảy, ông làm ngay bài thơ này để gửi gắm vào trong đó những tâm tư tình cảm của mình vào bài thơ. Ông đang ở một nơi xa hoa, toàn được ăn những của ngon vật lạ, có biết bao nhiêu thú vui, ấy vậy mà ông vẫn muốn được trở về nhà. Tình yêu quê hương đất nước, nỗi nhớ quê nhà đã được bật lên thành tiếng ở hai câu cuối cùng:
“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về”
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối dành cho hai câu thơ cuối này để làm nổi bật sự khác nhau giữa quê hương và nơi đất khách. Đầu tiên ông nhắc về quê hương: “Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt” mặc dù nghèo như quê nhà của ông vẫn là tốt nhất.
Câu tiếp theo ông đã nói về tâm trạng ông lúc này đó là ông muốn trở về nhà, dù rằng nơi đất khách phồn hoa, náo nhiệt, có nhiều cuộc vui nhưng về nhà vẫn là tốt nhất. Ngụ ý của tác giả đâu chỉ có thế, tác giả còn muốn thể hiện niềm tự hào, tự tôn, còn thể hiện tấm lòng son sắt của ông với quê hương. Những hình ảnh giản dị của quê hương hiện lên làm cho ông vơi bớt, nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.
Qua bài “Quy hứng” (Hứng trở về) ta thấy được cảm xúc qua bài là tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc của tác giả Nguyễn Trung Ngạn. Ông vẽ lên một bài thơ với khung cảnh thiên nhiên gần gũi và quen thuộc vơi quê hương đất nước, khi đọc bài thơ người đọc cũng cảm thấy hình ảnh giản dị của quê hương như hiện lên.
Bài thơ này giúp thế hệ trẻ chúng ta thức tỉnh hãy phấn đấu hơn nữa vì quê hương của chúng ta, giúp quê hương đất nước ngày càng phát triển. Dù đi đâu cũng luôn tự hào về quê hương.