31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Khe chim kêu" số 10 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Khe chim kêu" của Vương Duy hay nhất

Thơ Vương Duy mang đậm dấu ấn cuộc đời ông. Tác phẩm còn lại là Vương hữu thừa tập (Tập văn thơ của Hữu thừa họ Vương) gồm 28 quyển với trên 400 bài thơ. Tô Thức - thi sĩ đời Bắc Tống, biệt danh Đông Pha cư sĩ đã đánh giá: “Đọc thơ Ma Cật, thấy trong thơ có họa, xem họa Ma Cật, thấy ...

Thơ Vương Duy mang đậm dấu ấn cuộc đời ông. Tác phẩm còn lại là Vương hữu thừa tập (Tập văn thơ của Hữu thừa họ Vương) gồm 28 quyển với trên 400 bài thơ. Tô Thức - thi sĩ đời Bắc Tống, biệt danh Đông Pha cư sĩ đã đánh giá: “Đọc thơ Ma Cật, thấy trong thơ có họa, xem họa Ma Cật, thấy trong họa có thơ”. Bài thơ Khe chim kêu (Điểu minh giản) tiêu biểu cho tài năng của Vương Duy và của phái thơ sơn thủy.


Bài thơ tái hiện sự thanh thản bình yên của tâm hồn trong thiên nhiên tĩnh lặng, đem lại một bức tranh thiên nhiên giản dị mà kì thú với vẻ đẹp trong sáng, trang nhã bình đạm (nhã đạm) của nó. Bài thơ đặc trưng cho thi pháp thơ Đường: thể hiện bằng quan hệ, gửi tình trong cảnh, cho thấy sự giao cảm tinh tế giữa hồn thơ Vương Duy và thiên nhiên, mang lại cảm giác về sự giao hòa giữa Thiên - Địa - Nhân, và đậm chất Thiền.


Câu thứ nhất là một câu kể:

Nhân nhàn hoa quế lạc

(Người nhàn, hoa quế rụng).


Cần nắm bắt trạng thái “nhàn” của chủ thể trữ tình. “Nhàn” ở đây là đang trong trạng thái thư giãn tâm hồn một cách thoải mái nhất. Có thể tác giả đang trong trạng thái chờ trăng lên, vì trăng với thi nhân luôn là bạn, thi nhân luôn thấy ở trăng vẻ đẹp khác thường, nhất là trong đêm yên tĩnh một mình thả hồn vào trong thiên nhiên. Trạng thái thư giãn tâm hồn này xảy ra vào thời điểm ban đêm, cho nên tầm nhìn bị hạn chế mà thay vào đó là sự cảm nhận của thính giác.


Tiếng động mà nhà thơ nghe được ở đây là tiếng rơi của hoa quế, một loài cây được trồng làm cảnh ở chốn thiền viện, nhưng hoa thì lại rất bé. Vì thế tiếng rơi của hoa không phải là to, chẳng phải là vang động mà rất nhỏ, rất bé mà nếu không chú ý, không tĩnh tâm thì chẳng bao giờ nghe được. Hai trạng thái: người nhàn và hoa quế rụng tạo ra tình thế đối nghịch, để tạo ra sự tuyệt đối hóa cái “nhàn” nhờ đó mà tiếng động của hoa “rụng” trở nên rõ ràng hơn, dễ cảm nhận hơn. Đây chính là phép dùng tĩnh để tả động qua việc đặt cái tĩnh đối sánh với cái động.


Câu thứ hai cho thấy một sự cảm nhận chiều sâu:

Dạ tĩnh xuân sơn không

(Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không).


Cảm nhận ở đây là cảm nhận cảnh đêm yên tĩnh (dạ tĩnh), sự yên tĩnh này là tuyệt đối bởi “dạ” đã “tĩnh” thì “xuân sơn” cũng “không”. Chữ “không” nhấn mạnh thêm cho chữ “tĩnh” khiến sự yên tĩnh càng có chiều sâu, càng trở nên yên tĩnh tuyệt đối. Trong sự ngập tràn của cái yên tĩnh đó, tiếng rơi của hoa quế trở thành tiếng động duy nhất, nhưng không phải là tiếng động vang xa hay to tát mà là tiếng động nhỏ nhoi, khẽ khàng. Tiếng động đó không làm cho sự yên tĩnh mất đi mà chỉ tô điểm thêm cho sự yên tĩnh. Ở đây ta gặp nguyên tắc dùng động tả tĩnh của thơ Đường.


Câu thứ ba đề cập đến một sự chuyển đổi:

Nguyệt xuất kinh sơn điểu

(Trăng lên làm chim núi giật mình).


Sự vận hành của trăng không hề gây ra tiếng động nào mà chim núi vẫn cứ giật mình. Cảnh vật giờ đây đã được chiếu sáng, nhưng cho dù chìm trong bát ngát ánh trăng thì cảnh đêm vẫn là một màn im lặng. Tuy nhiên trong cái yên lặng tuyệt đối đó, một tiếng động nữa lại vang lên, đó là tiếng chim.


Câu thơ thứ tư:

Thời minh tại giản trung

(Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối)


cho thấy tiếng chim mà tác giả nghe được. Tiếng chim hiển nhiên là to hơn tiếng hoa rơi, nhưng cho dù thế nó vẫn không đủ để phá tan bầu không khí tĩnh lặng đang bao trùm khắp nơi mà trái lại nó chỉ càng làm tăng thêm cảm giác của sự yên tĩnh tuyệt đối. Nguyên tắc dùng động để tả tĩnh lại xuất hiện, âm thanh tôn tạo cho vẻ đẹp của hình thể vạn vật. Khi chưa có trăng cảnh vật dường như tối hơn, nhưng khi có ánh trăng cảnh vật cũng không sáng hơn, vì thế cái yên tĩnh trở thành cái bao trùm tuyệt đối. Vạn vật đều đồng nhất trong cái yên tĩnh đó.


Sự cảm nhận cái yên tĩnh của đất trời gắn liền với một tâm hồn yên tĩnh, được cảm nhận bằng một tâm hồn yên tĩnh. Tuy thế tâm hồn yên tĩnh ấy vẫn bị xao động bởi tiếng hoa rơi, bởi tiếng chim kêu, nhưng nhà thơ không trách móc những tiếng động ấy, những âm thanh ấy mà có sự hòa cảm với những tiếng động nảy sinh trong đêm yên tĩnh ấy. Tác giả cảm thông với bông hoa rã cánh rời cành, với tiếng chim thảng thốt giật mình khi ánh trăng tỏa rạng. Cảnh và tình hòa trộn với nhau, giao cảm và đồng điệu với nhau.


Một bức tranh thiên nhiên, một cảnh đêm tĩnh lặng được khắc họa bằng bốn câu thơ với hai mươi chữ. Bức tranh được tạo ra không phải bằng màu sắc mà bằng hai loại tiếng động. Sử dụng nghệ thuật dùng động tả tĩnh, dùng tĩnh tả động, tạo ra bức tranh ở đó con người và đất trời hòa cảm với nhau, nhà thơ trải hồn mình trong tĩnh lặng của đất trời và cảm nhận được sự tĩnh lặng thiêng liêng đó để từ đó trở về với một tâm hồn thư thái, thanh thản và cũng tĩnh lặng như cái tĩnh lặng của đất trời. Đây là sự giao hòa tuyệt đối giữa thiên-địa-nhân.


Không gian tĩnh lặng của Vương Duy trong Điểu minh giản là sự tĩnh lặng tuyệt đối, nhưng là tĩnh lặng của sinh thành: “Nhân nhàn quế hoa lạc/ Dạ tĩnh xuân sơn không/ Nguyệt xuất kinh sơn điểu/ Thời minh tại giản trung”. Chủ thể trữ tình cũng nằm trong bức tranh ấy, là trung tâm của bức tranh ấy.


Chủ thể ấy nghe được tiếng rơi rất khẽ của một loài hoa thường được trồng ở nơi thiền viện, một loài hoa rất bé, nếu không có sự yên tĩnh tuyệt đối không nghe được tiếng hoa rơi; đây không phải là ngắm cảnh vì đêm đen thì làm sao mà ngắm được mà chỉ có nghe; núi rừng chìm vào cái thinh lặng của màn đêm tuyệt đối cũng là sự cảm nhận của tâm thức, của sự suy tư nội tâm;


Nhưng trong cái không gian tĩnh lặng vô bờ ấy, sự vật vẫn vận động, mọi quy luật của tự nhiên vẫn vận hành theo chu trình của nó, vì thế trăng vẫn theo chu kì hiện lên, soi sáng cho cả cái không gian tràn ngập bóng đêm ấy, ánh sáng thay thế cho bóng tối, nhưng núi vẫn chìm trong yên lặng, và hoa vẫn cứ rơi theo đúng quy luật, khi ánh sáng xuất hiện thì sự sống cũng hiện ra, ánh sáng làm cho con chim giật mình cất tiếng kêu.


Hiển nhiên, ở đây, ta có các thủ pháp nghệ thuật lấy tĩnh để tả động, lấy động để tả tĩnh, nhưng đó là biện pháp nghệ thuật đặc tả, còn cái cao hơn, lớn hơn đó là sự giao hòa tâm thức giữa con người và thế giới xung quanh, sự giao hòa giữa con người với vũ trụ, có như thế mới tạo ra sự giao cảm của thiền, bởi thiền không phải là sự ngồi im tuyệt đối, mà là sự ngồi im để giao cảm, để tạo ra và cố gắng tạo ra sự tương giao đất trời con người.


Hiểu từ góc độ phân tích như đã chỉ ra ở trên đây sẽ cho thấy tính chất Thiền của bài thơ Điểu minh giản. Đây cũng chính là cách thức tiếp cận tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hóa, một cách thức tiếp cận có thể mang lại nhiều lí giải bổ ích mà không khiên cưỡng hay áp đặt. Đó cũng là niềm tin vào cuộc sống, vào sự vận động và chuyển hóa bất tận của vũ trụ, tạo nên sự thức nhận của chính con người, tạo ra sự đốn ngộ hay giác ngộ trong cảm quan Thiền học.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0