Bài văn phân tích tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm số 8 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm hay nhất
Mặt đường khát vọng là tập trường ca hùng tráng được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Bản trường ca khái quát quá trình thức tỉnh của tuổi trẻ các đô thị vùng tạm chiến miền Nam. Họ nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ; hướng về nhân dân, về đất nước; ý ...
Mặt đường khát vọng là tập trường ca hùng tráng được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Bản trường ca khái quát quá trình thức tỉnh của tuổi trẻ các đô thị vùng tạm chiến miền Nam. Họ nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ; hướng về nhân dân, về đất nước; ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc. Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng.
Đất Nước có thể coi là chương hay nhất trình bày sự cảm nhận và lý giải của tác giả về đất nước, cũng đồng thời thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi của cả bản trường ca, đó là tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân". Trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả khá chặt chẽ nhưng cũng rất phóng túng.
Đoạn thơ mở đầu bằng những lời định nghĩa say sưa về đất nước. Tiếp đó là sự hình dung về đất nước qua chiều dài thời gian - lịch sử, qua về rộng của không gian - lãnh thổ địa lí và qua chiều sâu văn hóa - phong tục, lối sống, tính cách của người dân Việt Nam, với một niềm tự hào sâu sắc.
Từ ba bình diện này, lời thơ hào hứng, giàu chất suy tư hướng đến tư tưởng chủ đạo: "Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân". Mạch cảm xúc và suy tư của bài thơ trôi chảy một cách tự nhiên, vừa chặt chẽ vừa đầy hứng khởi, đồng thời lại cũng có những vang động sâu xa.
Trong phần đầu của đoạn trích, bằng hình thức trữ tình - chính luận, nhà thơ đã đưa ra định nghĩa riêng của mình về đất nước bằng những cảm nhận về đất nước trong cổ tích, ca dao. Lời thơ định nghĩa thoát khỏi những khái niệm khó khăn để trở thành một cuộc chuyện trò gần gũi, thân mật mà bay bổng. Mức độ đậm đặc của các chất liệu lấy từ cổ tích, truyền thuyết, ca dao, dân ca, huyền thoại.... tạo cho đoạn thơ đầu một âm hưởng đầy quyến rũ. Những câu thơ như:
Khi ta lớn lên
Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "Ngày xửa ngày xưa..."mẹ thường hay kể
Đoạn thơ đầu làm mờ đi khái niệm đất nước là của các vương triều. Ngay từ lúc sơ khai, nó đã là của nhân dân. Định nghĩa đất nước bằng sự lựa chọn chất liệu từ văn hóa dân gian, đó là một ẩn ý của Nguyễn Khoa Điềm bởi văn hóa dân gian của nhân dân. Cách định nghĩa của Nguyễn Khoa Điềm là một sự khám phá mới mẻ, độc đáo tạo ra sự hấp dẫn và thú vị đối với người đọc.
Cách định nghĩa về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã chạm được vào những gì thiêng liêng nhất, lớn lao nhất nhưng cũng lại gần gũi và thân thiết nhất đối với mỗi chúng ta. Nó dễ gợi cho ta những suy ngẫm về quá khứ, về lòng tự hào dân tộc.
Và bởi thế, nó thức tỉnh ý thức dân tộc và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân trong mỗi chúng ta.
Phần sau của đoạn thơ từ "Những người vợ nhớ chồng" đến hết đoạn trích là phần tập trung làm nổi bật tư tưởng "Đất nước của nhân dân". Trong phần này, tư tưởng đã quy tụ mọi cách nhìn nhận và đưa đến những phát hiện sâu sắc và mới mẻ của tác giả về địa lí, lịch sử và văn hóa của đất nước.
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Quả là những phát hiện rất mới về thiên nhiên đất nước. Những núi Bút, non Nghiên, núi Vọng Phu, hòn Trống Mái... vốn đã rất quen thuộc này bỗng trở nên thật lạ. Nó không phải là sản phẩm của tạo hóa mà là tâm hồn, là số phận của nhân dân.
Đến đây, thiên nhiên, tạo hóa không phải là cái làm nảy sinh ra những câu chuyện đầy huyền thoại mà chính những câu chuyện về những tâm hồn, những số phận của con người trong quá khứ làm cho những danh thắng kia có tâm hồn, làm cho nó sống mãi. Cái nhìn rất thơ của tác giả đi đến một khái quát đầy thấm thía:
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
Tiếp nối những câu thơ khám phá độc đáo về thiên nhiên là những câu thơ khám phá vẻ đẹp tâm hồn, tính cách Việt Nam, cũng như vai trò, vị trí của con người Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là những con người yêu thương sâu sắc, thủy chung tình nghĩa; là những con người cần cù lao động, anh hùng trong đánh giặc; là những con người "không ai nhớ mặt đặt tên" nhưng chính họ "đã làm ra Đất Nước".
Họ là những người âm thầm làm nên lịch sử, âm thầm gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc. Từ những khái quát giản dị nhưng đầy tính nhân văn, tác giả khẳng định:
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
Đó là một chân lí. Một chân lí đã được nhận thức trong suốt quá trình phát triển dài lâu của lịch sử nhưng chỉ đến văn học Việt Nam hiện đại, nó mới đạt đến đỉnh cao, mới cất lên thành những tuyên ngôn đầy tự hào và vang động sâu xa. Làm nên sự thành công của đoạn trích Đất Nước, ngoài sự độc đáo đầy phóng túng của thể thơ tự do còn phải kể đến tài năng xuất sắc của Nguyễn Khoa Điềm trong việc tiếp thu và sử dụng những chất liệu dân gian. Bài thơ là sự hòa nhập một cách thật nhuần nhuyễn giữa hình thức trữ tình - chính trị với các chất liệu từ ca dao, cổ tích, huyền thoại...
Bằng sự vận dụng đầy sáng tạo hình thức thơ tình - chính trị, đoạn trích Đất Nước quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn, quy tụ vốn liếng sách vở cũng như những trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ để làm nên một tuyên ngôn về tư tưởng, về nhận thức của cả một thế hệ nghệ sĩ, ấy là tư tưởng "Đất nước của nhân dân".