31/03/2021, 15:34

Bài văn phân tích nhân vật Việt và Chiến số 6 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Việt và Chiến trong "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi

Bằng tài năng nghệ thuật và lòng yêu quyê hương đất nước sâu sắc, Nguyễn Thi đã dành hết tâm huyết xây dựng lên những nhân vật văn học đáng nhớ, hồn nhiên giàu tình nghĩa, gần gũi với nhân vật đời thường. Đặc biệt là hai nhân vật Chiến và Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gi ...

Bằng tài năng nghệ thuật và lòng yêu quyê hương đất nước sâu sắc, Nguyễn Thi đã dành hết tâm huyết xây dựng lên những nhân vật văn học đáng nhớ, hồn nhiên giàu tình nghĩa, gần gũi với nhân vật đời thường. Đặc biệt là hai nhân vật Chiến và Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gi đình, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Qua hai nhân vật của mình, ông đã thể hiện lòng yêu nước và căm thù giặc của toàn thể nhân dân ta.


Cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi biết bao sinh mạng con người. Bom đạn của kẻ thù đã khiến cho hàng ngàn gia đình li tan, con mất cha, vợ mất chồng. Trước những mất mát đau thương quá lớn của dân tộc, nhiều nhà văn nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình viết lên những câu chuyện để phần nào khắc họa lại những mất mát đau thương ấy. Hai chị em Chiến và Việt cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát đau thương do kẻ thù gây ra. Ngay từ bé, hai chị em đã chứng kiến cái chết của cha thật tàn khốc: bị giặc bắn chết, chặt đầu bêu ra chợ. Hai chị em đã cùng mẹ đau đớn đến cực độ khi đi đòi đầu ba. Chiến và Việt lại cùng chứng kiến cái chết của má: "bị miểng văng trúng, má chết, trái cà nông lép còn nóng hổi trong nổi".


Tất cả điều đó đã tạc vào tâm khảm chị em Việt mối thù sâu nặng không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, chí căm thù đã thôi thúc hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc. Trực tiếp chứng kiến cái chết của ba mẹ mình đó là nỗi đau không thể nao quên trong suốt cuộc đời của hai đứa trẻ. Chính bom đạn của kẻ thù đã bắt những ánh mắt trẻ còn quá ngây thơ nhưng đã phải chứng kiến điều khủng khiếp trong cuộc đời. Qua những lời văn miêu tả đến chi tiết của tác giả, người đọc có thể hình dung được bom đạn của kẻ thù đã tàn ác với nhân dân ta như thể nào. Điều đó đã thể hiện lóng yêu nước và ý chí căm thù giặc của tác giả cũng như của toàn thể dân tộc ta.


Tuy còn nhỏ tuổi nhưng hai chị em Việt và Chiến đã biết căm thù giặc và có ý tình thần chiến đấu chống lại giặc. Tình cảm này được thể hiện sâu sắc và cảm động nhất trong cái đêm chị em giành nhau ghi tên tòng quân và sáng hôm sau trước khi lên đường nhập ngũ cùng khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm: "Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể sờ thấy được vì nó đang đè nặng trên vai". Khó mà nói hết được ý nghĩa trong đoạn văn xúc động này. Tác giả đã nói lên hết sức cô động về cuộc chiến đấu của chúng ta, về ý nghĩa của việc hai chị em quyết ra đi cầm súng chiến đấu và về tình cảm của mỗi nhân vật.


Chiến và Việt là đại diện cho tuổi trẻ miền Nam trong những năm tháng ấy, quyết lên đường chiến đấu để bảo vệ nước nhà: "Hạnh phúc của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù". Chiến đã nói với em trong đêm thu xếp việc nhà trước lúc ra trận: "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!". Câu nói mộc mạc, giản dị ấy vang lên thật hào hùng, mạnh mẽ, thể hiện ý chí phi thường của thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Họ là những con người còn ngây thơ hồn nhiên nhưng ý chí đánh giặc thì lại dứt khoát, quyết tâm..


Trong tác phẩm, nhân vật Chiến hiện lên là một cô giá trẻ mang vóc dáng của mẹ: "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng… thân người to và chắc nịch". Đó là vẻ đẹp của những con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và để chiến thắng. Chưa bao giờ Chiến giống mẹ hơn cái đêm sắp xa nhà đi bộ đôi. Phải đến đêm ấy, người ta mới biết một cô Chiến biết lo liệu, toan tính việc nhà thật trọn vẹn trước sau, từ em út, nhà cửa, gường ván, ruộng nương đến nơi gửi bàn thơ ba má. Chiến lo liệu việc y hệt má (nói nghe in như má vậy). Hình ảnh người mẹ như bao bọc lấy Chiến, từ cái lối nằm với thằng út em trên giường ở trong buồng nói ra với đến lối hứ một cái "cóc" rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống in má, có khác chỉ là ở chỗ chị "không bè tay rồi đập và bắp vế than mỏi" mà thôi.


Chính Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ: "Tao cũng đã lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy". Nguyễn Thi muốn cho ta hiểu rằng: trong cái thời khắc thiêng liêng ấy, người mẹ sống hơn bao giờ hết trong những đứa con. "Cả chị cả em cùng nhớ đến má. Hình như má cũng đã về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cần nón quạt? Đêm nay, dễ gì má vắng mặt". Đó là nét đẹp trong thế hệ trẻ Việt Nam, họ đã trưởng thành nhanh chóng trong khó khăn gian khổ, họ là những người đảm việc nước giỏi việc nhà, dù trong bom đạn ác liệt họ luôn hướng ra chiến trường nhưng việc nhà vẫn thu xêp trọn vẹn. Chiến đã có thể thay thế được người mẹ đã mất để lo liệu công việc gia đình, và Chiến còn có thể cầm súng để đánh lại kẻ thù nữa.


Chiến có thể nhường em tất cả mọi chuyện như tranh công bắt ếch, đánh tàu giặc, nhưng việc đi tòng quân giết giặc thì cô nhất định không chịu nhường. Điều đó đã thể hiện niềm khát khao đánh giặc và tình thương em của người chị, chưa muốn em phải chịu đựng bom đạn nguy hiểm. Trong toàn bộ câu chuyện, Chiến hiện ra trước mắt người đọc là một cô gái hồn nhiên, đôn hậu, thương em hết mực, đảm đang lo toan mọi việc. Người đọc bắt gặp một cô gái có phần già dặn trước tuổi. Chiến mang dáng dấp của những người phụ nữ Việt Nam như chị Út Tịch, như chính mẹ của chị. Cũng đúng thôi bởi thời đại của Chiến, cuộc chiến tranh chống Mĩ vô cùng khốc liệt đòi hỏi mỗi thanh thiếu niên sức vươn mình vụt lớn của Phù Đổng Thiên Vương.


Tác giả đã xây dựng hình ảnh nhân vật Việt trái hẳn với Chiến. Nếu Chiến có dáng dấp một người lớn thực sự thì Việt dường như vẫn giữ nguyên tính cách của một cậu bé. Việt được bạn đọc yêu thích trước hết là ở cái vẻ lộc ngộc, vô tư của một cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Chiến nhường nhịn em bao nhiêu thì Việt hay tranh giành với chị bấy nhiêu. Đêm trước ngày ra đi, Chiến nói với em những lời nghiêm trang thì Việt lúc "lăn kềnh ra ván cười khì khì", lúc lại rình "chụp một con đom đóm úp trong lòng tay". Vào bộ đội, Chiến đem theo tấm gương soi còn Việt lại đem theo một chiếc súng cao su.


Tuy ngây thơ là vậy, nhưng trong chiến đấu, Việt rất mưu trí và dũng cảm, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Ngay từ lúc bé tí, Việt đã dám xông vào đá cái thằng đã giết cha mình. Khi trở thành một chiến sĩ, mặc dù chỉ có một mình, với đôi mắt không còn nhìn thấy gì, với hai bàn tay đau đớn, Việt vẫn quyết tâm sống mái với quân thù: "Trên trời có mày, dưới chân có mày, khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao có bắn được mày". Cứ như vậy, người con trai giản dị ấy thấy việc đi đánh giặc cũng tự nhiên như đi bắt ếch hay bắn ná thun. Việt là người đi xa hơn cả trong dòng sông truyền thống. Việt chính là hiện thân của sức trẻ tiến công.


Một thành công nữa của Nguyễn Thi khi xây dựng nhân vật là nghệt thuật khắc họa tâm lí. Mạch tâm lí đứt nối theo lúc mê, lúc tỉnh của Việt đã giúp nhân vật hiện lên đầy đủ, phong phú với nhiều chiều, nhiều góc dộ. Nhà văn đã khéo léo tạo cho tác phẩm một hình thưc kể chuyện độc đáo từ đó mở rộng dần đối tượng được miêu tả và đi sâu vào đời sống tâm hồn nhân vật, làm nổi bật tính cách, phẩm chất nhân vật mà không bị khô khan, lộ liễu.


Nhờ sự gắn bó với người dân Nam Bộ, nhà văn đã rất am hiểu tâm lí của người Nam Bộ và đã xây dựng thành công hai nhân vật trong truyện. Hai nhân vật đó là hiện thân của tuổi trẻ, lòng quyết tâm chiến đấu chống lại giặc của cả dân tộc, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Cũng qua hai nhân vật của mình tác giả đã nói lên lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc của nhân dân ta. Tác phẩm đã sống mãi với thời gian và mãi mãi là niềm tự hào của người dân Nam Bộ, nó giống như ngọn đuốc sáng rực trên bầu trời văn học nước nhà.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0