Bài văn phân tích nhân vật Thánh Gióng số 4 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết "Thánh Gióng" hay nhất
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết đặc sắc được ông cha ta lưu truyền từ đời này qua đời khác. Những câu chuyện ấy thể hiện niềm mong ước, niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp, chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác, ...
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết đặc sắc được ông cha ta lưu truyền từ đời này qua đời khác. Những câu chuyện ấy thể hiện niềm mong ước, niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp, chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt ắt được ông trời phù hộ. Tuýp nhân vật chính thường là những người tài giỏi, có tài năng phi phàm, xuất thân kỳ lạ, hoặc do sống nhân nghĩa đạo đức nên thường được thần phật phù hộ. Thánh Gióng cũng là một trong số những truyền thuyết như vậy có đặc điểm như vậy.
Thánh Gióng là một nhân vật xuất hiện từ rất sớm, được xem là một trong 4 vị thần Bất tử trong tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Tương truyền ông được sinh ra vào khoảng thời vua Hùng Vương thứ 6, lúc ấy đất nước đang gặp cảnh khốn cùng bởi giặc n xâm lược, mà chưa có người tài ra giúp nước. Sự ra đời của ông có nhiều điểm kỳ lạ, thứ nhất mẹ ông là người đàn bà đã 60 tuổi, chẳng còn khả năng hoài thai nữa, ấy thế mà chỉ một hôm bà ra ruộng thấy có vết chân to, liền đưa chân ướm thử, rồi về nhà có thai sinh ra ông. Sự hoài thai thần kỳ của người mẹ dường như đã báo trước một cuộc đời đầy uy phong, lẫm liệt của cậu bé kỳ lạ này.
Quá trình phát triển của cậu bé Gióng cũng chẳng bình thường như bao đứa trẻ khác, con người ta 10 tháng đã bập bẹ, còn Gióng đến 3 tuổi cũng chẳng nói lấy một lời. Thế mà thật lạ thay, khi nghe sứ giả của vua truyền tin tìm người tài diệt giặc thì bất ngờ, cậu lại mở miệng nói chuyện, còn cho vời sứ giả vào, xin một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt để đi giết giặc. Điều đó làm cho sứ giả, làng xóm và cả mẹ cậu bé cũng không thể nào tin nổi, bởi một đứa trẻ 3 tuổi thì sao có thể đi đánh giặc được. Để xóa tan mối nghi ngại và chuẩn bị cho hành trình diệt giặc của mình, Gióng liền vươn vai một cái đã trở thành người lớn, ăn biết bao nhiêu cơm cũng không no, mặc quần áo rộng cỡ nào cũng thấy chật. Như vậy dường như Gióng chỉ đợi sứ giả tìm đến, rồi hô biến thành một tráng sĩ "mình cao hơn trượng, uy phong, uy phong, lẫm liệt" với sức mạnh phi thường để diệt giặc. Từ đây chứng tỏ cậu bé Gióng chẳng phải người thường, mà có lẽ là một vị thần linh trên trời hóa thân thành để giúp nhân dân ta diệt giặc.
Hành trình đánh giặc của Thánh Gióng được miêu tả hết sức uy vũ và dũng mãnh, mang sức mạnh của một vị thần, một mình, một ngựa, một roi xông pha vào trận mạc đối đầu với hàng vạn quân giặc. Chiếc roi sắt quất đến đâu giặc chết như ngả rạ đến đấy, khiến chúng không kịp chạy trốn. Thậm chí vì chém giặc nhiều quá chiếc roi sắt được ban cũng không chịu được mà phải gãy làm đôi, lúc này đây không còn vũ khí, Thánh Gióng đã dùng sức mạnh của mình nhổ tre bên đường làm roi quất giặc, ném vào giặc khiến quân giặc phải kinh hoàng bạt vía trước sức mạnh tựa sấm sét ấy.
Sau khi đánh đuổi giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa lên núi Sóc, trả lại quần áo cho nhân gian rồi bay về trời. Điều đó đã gián tiếp khẳng định thân phận của ông, vốn chẳng phải người phàm tục, mà là thần tiên được cử xuống giúp nước ta, thế nên cả quá trình ra đời trưởng thành và diệt giặc của ông mới có nhiều điểm ly kỳ đến thế. Có nhiều giả thiết cho rằng Thánh Gióng nguyên mẫu là lấy từ câu chuyện có thực về một vị tướng tài của nước ta, ông cũng đã từng tham gia đánh đuổi quân giặc sau đó bị thương nặng, nên đã cưỡi ngựa vào sâu trong rừng và không bao giờ trở ra nữa. Chính vì thế, người ta đã dựng nên giả thiết rằng ông bay về trời, để quên đi sự thực rằng ông đã trọng thương mà chết, đồng thời cũng là để hình tượng hóa vị anh hùng đã xả thân vì nước.
Truyền thuyết Thánh Gióng được lưu truyền lâu đời nhằm khẳng định sức mạnh của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn có người có thể gánh vác trọng trách bảo vệ đất nước. Điều đó càng khẳng định những mong ước của nhân dân ta từ xưa đến nay về một cuộc sống tốt đẹp, niềm tin về chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác, chính nghĩa ắt thắng gian tà, người tốt ắt có thần tiên phù hộ, từ đó hướng con người đến chữ "thiện" tốt đẹp. Đồng thời truyền thuyết cũng là cơ sở của nét tín ngưỡng lâu đời trong truyền thống của nhân dân Việt Nam, tạo nên một nét văn hóa đặc sắc cho dân tộc.