31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích nhân vật Phùng số 9 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Phùng trong "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu

Các nhân vật trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu thường là người chuyên chở tư tưởng, quan điểm của tác giả về nghệ thuật và cuộc đời. Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một nhân vật như vậy. Thông qua nhân vật này tác giả thể hiện rõ những quan niệm của mình về ...

Các nhân vật trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu thường là người chuyên chở tư tưởng, quan điểm của tác giả về nghệ thuật và cuộc đời. Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một nhân vật như vậy. Thông qua nhân vật này tác giả thể hiện rõ những quan niệm của mình về nghệ thuật cũng như cách nhìn cuộc sống của ông.


Trước hết, Phùng thể hiện quan điểm về nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trước hết anh là một người yêu nghề và có trách nhiệm với công việc được giao. Ngay sau khi được thủ trưởng yêu cầu chụp một bức ảnh để hoàn thiện bộ lịch năm nay, Phùng không ngần ngại mà mang máy ảnh của mình lên đường ngay. Anh trở về chiến trường xưa, một làng chài ven biển, mong có thể tìm được một bức ảnh ưng ý. Cả một tuần lễ, anh miệt mài tìm kiếm để tìm cho ra bức tranh trời cho. Anh muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mình được giao.


Không chỉ vậy, Phùng còn là một người nghệ sĩ tài năng. Trời không phụ lòng người, sau cả một tuần lễ miệt mài tìm kiếm cuối cùng cái khoảnh khắc trời cho ấy cũng đến với anh. Bức tranh tuyệt mĩ hiện ra trước mắt Phùng: “thuyền in một nét mơ hồn lòe nhòe vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Và bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi…”. Không chần chừ thêm một giây phút nào, Phùng giơ máy ảnh lên bấm liên thanh. Bức tranh là sự hòa quyện tuyệt vời giữa đường nét và ánh sáng. Bức tranh đó đã làm Phùng thỏa mãn, bức tranh tuyệt mĩ, như mực tàu đó chính là điều người nghệ sĩ đang tìm kiếm bấy lâu nay.


Không chỉ là một người nghệ sĩ tài năng, mà Phùng còn là người biết rung cảm trước cái đẹp. Trước bức tranh tuyệt mĩ đó, Phùng đã thực sự bị làm cho rung động, và anh liên tưởng đến câu nói “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Và trong giây phút đó, anh tưởng như “mình vừa khám phá thấy cái khoảng khắc trong ngần của tâm hồn”. Anh cảm thấy hân hoan hạnh phúc không chỉ bởi đã hoàn thành công việc được giao, mà cao hơn chính là anh đã dùng trọn vẹn tâm hồn mình để khám phá, phát hiện ra vẻ đẹp giữa thiên nhiên và cuộc đời. Đó là vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện đến vô ngần. Vẻ đẹp đó khiến cho tâm hồn Phùng được gột rửa, thanh lọc trở nên đẹp đẽ hơn.


Với bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm đến bạn đọc một thông điệp nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật luôn bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Người nghệ sĩ phải lao động nghiêm túc, miệt mài và không ngừng sáng tạo mới có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.


Không chỉ phản ánh quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, Phùng còn thể hiện cái nhìn về cuộc sống của nhà văn. Sau bức tranh tuyệt mĩ kia điều Phùng nhìn thấy chính là khung cảnh vô cùng tàn nhẫn, người chồng lặng lẽ dùng dây lưng đánh túi bụi vào người phụ nữ cao lớn, mặt rỗ. Chị lặng im không hề phản kháng. Đằng sau cái đẹp toàn thiện, toàn bích kia lại có một khung cảnh hiện thực đến đau lòng. Điều đó làm cho Phùng không khỏi bất ngờ, choáng váng. Anh nhanh chóng, vứt chiếc máy ảnh – điều quan trọng nhất đối với một nhiếp ảnh gia, đến để cứu người phụ nữ kia. Nhưng chưa kịp ra đến nơi, anh đã thấy thằng Phác xông ra che chở cho người mẹ.


Không chỉ chứng kiến bạo hành trong một lần, mà Phùng còn lần thứ hai chứng kiến người chồng ra tay đánh đập dã man người vợ. Người đàn bà vẫn nhẫn nhục chịu đánh, không một lời kêu than, oánh trách. Lần này anh không ngạc nhiên như lần đầu, hành động mau lẹ và quyết liệt hơn, anh xông thẳng vào can ngăn, để chấm dứt hành động tội ác của người chồng. Đồng thời anh cũng nhận ra rằng, đằng sau bức tranh tuyệt mĩ ấy vẫn còn tồn tại cái xấu, cái ác và bi kịch.


Ngoài ra, Phùng còn là người luôn có ý thức để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Là người nhìn ra bức tranh với vẻ đẹp toàn bích, lại cũng là người chứng kiến cảnh bạo hành, rồi được nghe người đàn bà tâm sự, Phùng nhận thức được nhiều điều trong cuộc sống. Thì ra đằng sau bức tranh danh họa đó là biết bao thân phận éo le, bước ra khỏi chiến tranh họ chật vật, khổ sở để mưu sinh. Phùng càng hiểu hơn người đàn bà kia, đằng sau sự xấu xí lại là một tâm hồn thánh thiện, một tình mẫu tư thiêng liêng. Vì con người phụ nữ ấy sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Quá trình tự nhận thức đó chính là quá trình Phùng không ngừng hoàn thiện nhân cách của chính mình.


Trong cuộc sống luôn tồn tại những xấu tốt đúng sai, đôi khi không thể phân định rạch ròi. Mỗi chúng ta khi nhìn nhận bất cứ vấn đề gì cũng cần có cái nhì đa chiều, để phát hiện đúng bản chất của cuộc sống đa chiều. Qua nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa về con người và nghệ thuật. Những thông điệp đó có giá trị nhân đạo sâu sắc. Đối với nghệ thuật, người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, tu dưỡng. Đối với cuộc sống đa đoan, phức tạp phải nhìn nhận kĩ lưỡng, nhiều chiều để đưa ra những nhận xét đúng đắn nhất.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0