Bài văn phân tích nhân vật Nhuận Thổ trong tác phẩm "Cố hương" số 5 - 7 Bài văn phân tích nhân vật Nhuận Thổ trong tác phẩm "Cố hương" của Lỗ Tấn
Một trong những truyện ngắn viết về nông dân thành công của nhà văn Lỗ Tấn là Cố hương. Truyện kể về cuộc trở lại quê nhà của tác giả, sau hơn hai mươi năm dài xa cách. Bây giờ, cảnh vật và con người nơi đây thay đổi, tàn tạ đi rất nhiều. Nét tàn tạ thay đổi đó thể hiện rõ nét trên ...
Một trong những truyện ngắn viết về nông dân thành công của nhà văn Lỗ Tấn là Cố hương. Truyện kể về cuộc trở lại quê nhà của tác giả, sau hơn hai mươi năm dài xa cách. Bây giờ, cảnh vật và con người nơi đây thay đổi, tàn tạ đi rất nhiều. Nét tàn tạ thay đổi đó thể hiện rõ nét trên diện mạo, ngôn ngữ, động tác của những con người quen thân mà ông đã gặp lại, trong đó có Nhuận Thổ, người bạn thiếu thời của ông. Điều làm cho ông cay đắng nhất, xót xa nhất là sự đổi thay trong tính cách của người bạn cũ.
Nhuận Thổ! Chỉ mới nghe lại cái tên này trong ý nghĩ của nhà văn đã hiện lên một hình ảnh thân yêu với biết bao kỉ niệm đẹp của thuở ấu thơ. Đó là một cậu bé đẹp trai, khỏe mạnh và thông minh. Tuy chỉ là con của một người nông dân lao động nghèo, làm thuê, nhưng được bố mẹ cưng chiều nên khuôn mặt Nhuận Thổ vẫn hồng hào, bầu bĩnh. Từ chiếc mũ lông đội trên đầu đến những vòng bạc lấp lánh trên cổ đủ cho thấy điều đó. Ngày ấy, nhìn vào dáng vẻ đẹp trai và cường tráng của cậu bé này, hẳn ai cũng chắc chắn là một tương lai tốt đẹp đang hứa hẹn với cậu.
Ngày ấy, Nhuận Thổ hồn nhiên, chân tình, sống mạnh dạn. Dẫu là con của một người làm thuê đến nhà chủ, nhưng chỉ thoáng qua những bẽn lẽn ban đầu, sau đó cậu đã nhanh chóng, chỉ trong nửa ngày đã làm thân với đứa con của chủ nhà. Tình bạn của hai đứa trẻ này thân thiết với nhau chẳng qua là vì hòa hợp với nhau, yêu mến nhau, nên gọi nhau là anh em. Đến lúc chia tay lần cuối, cả hai còn tặng nhau bọc vỏ sò, mấy thứ lông chim thật đẹp. Khi ấy, cả hai đều đau đớn khóc òa lên. Sống mãi trong trí nhớ của nhà văn là cậu bé Nhuận Thổ, một cậu bé thông minh, tháo vát và lanh lợi vô cùng. Cậu bé có cả một kho hiểu biết mà vô vàn đứa trẻ cùng lứa tuổi khác không làm sao có được.
Nhà văn của chúng ta đã kêu lên đầy khâm phục: Trời ơi! Nhuận Thổ hiểu biết nhiều chuyện lạ lùng lắm, kể không xiết. Những chuyện đó, bạn bè tôi từ trước đến nay không ai biết cả. Những chuyện đó là những chuyện gì? Đó là cách bắt chim sẻ, sò đồng, chào mào, bột cô, sẻ xanh lưng, nào là nhặt vỏ sò, sò mặt quỷ, sò mặt phật, màu đỏ có, màu xanh có. Đã thế, Nhuận Thổ còn biết được khi nào, chỗ nào, bằng phương cách nào thì có thể bắt lượm được chúng dễ dàng nữa. Bởi vậy, nghe mẹ nhắc đến Nhuận Thổ, trong trí tưởng tượng của nhà văn bỗng sống ngay lại hình ảnh một cậu bé nhanh nhẹn, tay cầm chiếc đinh ba, lăm lăm tận lực đâm theo con tra giữa ruộng dưa của bố.
Hình ảnh thật đẹp ấy được lồng vào một khung cảnh khá hùng vĩ cúa một vầng trăng tròn vàng thầm treo lửng lơ, một bên là bãi cát phẳng lặng và biển cả mênh mông, một bên là ruộng dưa hấu dàn trải cả một màu xanh bát ngát. Khung cảnh ấy càng đẹp, càng làm tôn thêm nét oai hùng, dũng cảm của con người.Một đứa bé dũng cảm như vậy, khi lớn lên sẽ trở thành một con người như thế nào? Hẳn ai cũng nghĩ như nhà văn là Nhuận Thổ sẽ trở thành một người lao động cần cù, lương thiện, có đủ khả năng đế sống đầy đủ, phóng khoáng và hạnh phúc.
Khi nhà văn trở lại cố hương, lòng bồi hồi mong đợi sẽ gặp lại một Nhuận Thổ, người bạn thuở ấu thời sẽ như vậy. Thế nhưng, thực tế đã không phải như vậy. Không gì xót xa, cay đắng hơn cho ông, khi thấy một Nhuận Thổ khác hắn với ý nghĩ của mình lâu nay. Nhuận Thổ bây giờ đã lớn, cao gấp hai ngày trước, đã có gia đình và đã có con. Chuyện đó hẳn nhiên đâu có chi là lạ. Nhưng chuyện khác thường là bây giờ Nhuận Thổ chậm chạp, đần độn, thô kệch, nặng nề. Chàng còn đâu nữa nét lanh lợi, khoẻ mạnh của ngày nào. Kể cả cái khuôn mặt hồng hào bầu bĩnh thuở trước cũng đã mất đi, thay vào là khuôn mặt vàng vọt đầy nếp nhăn sâu và một đôi mắt mọng đỏ đờ đẫn.
Thay vào chỗ cái mũ lông chim và cái vòng bạc lấp lánh thời tuổi thơ là chiếc mũ rách lỗ chỗ, là chiếc áo bông cũ mong manh, không sao che nổi gió lạnh, khiến anh phải co ro cóm róm một cách tội tình. Hai bàn tay ngày nào đỏ hồng rắn chắc thì bây giờ đã trở thành sần sùi nứt nẻ như vỏ cây thông. Các chi tiết đổi thay về ngoại hình của Nhuận Thổ cho thấy anh đã phải hứng chịu những tháng ngày lao lực với cuộc sống thiếu đói, lạnh lẽo. Nhà văn và Nhuận Thổ ngày nào là đôi bạn thân thiết bình thường, hòa đồng với nhau thì bây giờ một bức tường ngăn cách ai đã dựng lên. Gặp lại nhau, Nhuận Thổ đã không còn hồn nhiên, mạnh dạn, chân tình như thời tuổi nhỏ, trái lại, bây giờ, người nông dân nghèo khổ này rụt rè, sợ hãi, cung kính đến cóm róm, khiến cho nhà văn phải rùng mình kinh hãi khi nghe người bạn xưa đã xa cách nhau hơn hai mươi năm mới gặp lại, khép nép “Thưa ông”.
Rõ ràng Nhuận Thổ đã có ý thức sâu sắc về sự phân chia giai tầng, cách biệt vị thứ của xã hội lúc ấy giữa mình với người bạn thân cũ vừa găp lại, người mà hơn hai mươi năm trước, khi chia biệt đã cùng mình đau đớn, nức nở khóc òa lên. Rõ ràng là bây giờ không sao tìm lại được nơi Nhuận Thổ nét nhanh nhẹn, hoạt bát đầy sức mạnh của ngày nào. Chỉ có ở đây một Nhuận Thổ đờ đẫn, đần độn, cam chịu, cả những nếp nhăn trên khuôn mặt vàng vọt của anh cũng tưởng chừng như bất động. Người thiếu niên đẹp trai, dũng cảm, lăm lăm chiếc đinh ba... ngày nào, giờ đây chỉ là một nông dân chỉ biết dốc lòng sùng bái tượng gỗ và cả tin rằng chỉ có tượng gỗ mới cứu thoát được mình ra khỏi cảnh lầm than, cơ cực ấy thôi.
Do đâu mà có sự thay đổi dữ dội trong tính cách của Nhuận Thổ trong hai giai đoạn khác nhau của cuộc đời anh như vậy? Lần qua lời của Nhuận Thổ, ta hiểu được rằng, nguyên nhân ấy là do đời sống khó khăn vì thiên tai, mất mùa, sưu cao thuế nặng, xã hội nhiễu nhương loạn lạc, nhưng cũng phải hiểu ấy là do chính sự hà khắc của một xã hội áp bức, bóc lột nặng nề. Nhà văn của chúng ta đã xót xa cay đắng cho thân phận của Nhuận Thổ, một nạn nhân của xã hội ấy.
Đọc truyện ngắn Cố hương của nhà văn Lỗ Tấn ai cũng thấy ngay sự thay đổi trong tính cách con người của Nhuận Thổ và dễ dàng đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn của nhà văn. Nỗi buồn ấy cũng là nỗi buồn của nhân dân Trung Quốc trong những năm đất nước còn đau thương, đen tối... Tuy xót xa cay đắng như thế, nhưng nhà vân vẫn hi vọng và tin tưởng ở khả năng cải tạo xã hội của thế hệ con cháu mình: Tôi và Nhuận Thổ, tuy cách bức đến như thế này, nhưng con cháu chúng tôi vẫn còn thân thiết với nhau. Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không bao giờ phải cách bức nhau cả...