Bài văn phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" số 8 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài
Như con ong hút ngàn vạn nhụy hoa mới tạo thành mật ngọt,con trai chịu bao đau đớn xót lòng vì hạt bụi bặm biển khơi mới làm nên viên ngọc trai “tròn trặn ánh ngời”, hành trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng đầy gian nan và cực trải như thế. Lăn lộn giữa cuộc đời suốt mấy ...
Như con ong hút ngàn vạn nhụy hoa mới tạo thành mật ngọt,con trai chịu bao đau đớn xót lòng vì hạt bụi bặm biển khơi mới làm nên viên ngọc trai “tròn trặn ánh ngời”, hành trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng đầy gian nan và cực trải như thế. Lăn lộn giữa cuộc đời suốt mấy mươi năm, bước chân Tô Hoài từng đi qua bao ngóc ngách thế gian, trái tim Tô Hoài từng rung cảm trước bao cảnh đời, và Tây Bắc chính là một trong những nơi khiến người nghệ sĩ ấy phải dừng chân, lưu tâm và chấp bút.
Khi rời khỏi Tây Bắc, Tô Hoài từng tâm sự: “Người Tây Bắc để nhớ để thương cho tôi nhiều quá”. Có lẽ Vợ chồng A Phủ chính là món quà đặc biệt Tô Hoài gửi lại cho đồng bào vùng cao thay cho lời tạm biệt của mình. Trong một lần nói về Tô Hoài, Tế Hanh có lời chia sẻ: “Nếu có những người như Picasso sinh ra để vẽ, thì ở một mức nào đó, cũng có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết”.
Quả thực, Tô Hoài đã cống hiến gần trọn đời mình cho nghiệp viết. Bao nhiêu vốn sống, bao nhiêu kinh nghiệm, một lần nữa Tô Hoài lại gửi vào thiên truyện về vùng cao. Đến với Vợ chồng A Phủ không chỉ là đến với một Tây Bắc thơ mộng trữ tình – mảnh đất vốn vẫn còn xa lạ với làng văn, mà còn là đến với con người nơi đây để hiểu thêm và đồng cảm thêm với số phận của họ, cũng là để để nâng niu thêm vẻ đẹp trong họ. Nhân vật chính của truyện – Mị – con dâu nhà thống lí Pá Tra – đã nói thay Tô Hoài những điều ông gửi gắm…
Ngay mở đầu truyện, Tô Hoài đã bắt đầu bằng cái nhịp trầm buồn tựa như nhịp vào truyện của những câu chuyện cổ tích xa xưa: “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.”
Thế giới Tây Bắc hiện ra, xa xăm kì diệu, với chân dung một thiếu phụ buồn như một ẩn số. Thấp thoáng bóng dáng của cô Tấm bước vào trang truyện với bao cực lòng, của những người phụ nữ xưa đời đời lặng im chẳng cất lên tiếng nói. “Mị là ai ? Vì sao cô ấy buồn một cách câm lặng đến thế?”, người ta cứ băn khoăn và tự hỏi như thế. Cho đến khi tìm thấy câu trả lời ở những khúc đoạn sau…
Mị trước khi về nhà thống lí vốn là một cô gái xinh đẹp như bông hoa hàm tiếu của núi rừng Tây Bắc. Đời người con gái miền sơn cước ấy trong trẻo, tinh khôi, tâm hồn phong phú và ngập tràn khát vọng tự do. Mị cũng từng yêu và được yêu. “Trai trong làng đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”.
Từng có bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.Vốn tưởng những khát vọng tuổi trẻ sẽ cho Mị một cuộc đời sung sướng, nhưng món nợ truyền kiếp của gia đình đè lên vai đã vô tình dồn đẩy Mị vào bi kịch. “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”.
Ở câu nói ấy, Mị không chỉ cho ta thấy lòng hiếu thảo của một đứa con thương cha, mà còn bộc lộ lòng tự trọng của một người có ý thức sâu sắc về quyền sống, quyền tự do. Nhưng đau xót thay, những hủ tục phong kiến của bọn chúa đất miền núi đã không cho Mị được sống như một con người. Bi kịch tìm đến kể từ cái đêm Mị bị A Sử đến cướp đi, bao nhiêu nghiệt ngã cũng từ đó…
Về làm dâu nhà thống lí, Mị không được sống đúng với tư cách là một người con dâu, mà sống như một con ở, một nô lệ, một công cụ lao động, bị áp chế bởi cường quyền, thần quyền và bạo ngược, bị chà đạp cả thể xác và tinh thần. “Có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Từng có lúc Mị tìm đến lá ngón tự tử, nhưng vì thương cha, Mị cầm lòng và nhẫn nhục.
Thế rồi “lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết, Mị không tưởng đến mình có thể ăn lá ngón mà tự tử được nữa”. Khi muốn chết nghĩa là còn muốn chống lại một cuộc sống không ra sống, nghĩa là xét cho cùng, còn thích sống. Còn khi đã không thiết chết, có nghĩa là sự tha thiết với cuộc sống cũng đã không còn. Bao nhiêu công việc lớn nhỏ của cái gia đình ấy, Mị quần quật làm trong cam chịu.
Triền miên công việc từ ngày này qua tháng khác cứ hiện ra và đè nặng lên đôi vai bé nhỏ: Từ giặt đay, xe đay, chẻ củi, bung ngô, thái cỏ ngựa, hay đi cõng nước dưới khe suối…, chẳng còn việc gì không đến tay Đến nỗi mà, “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị nghĩ mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”. Kiếp con người được vật hóa trong ý thức thì còn gì đau đớn hơn ? Và còn xót xa nữa, khi mà đời sống tinh thần Mị cũng dần bị cầm tù và khóa chặt.
Mị sống trong căn buồng u tối chỉ có một lỗ vuông cửa sổ bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ mờ mờ trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Một thứ ngục thất tinh thần, nó không giam hãm thân xác Mị, nhưng nó cầm cố tuổi xuân và sức sống của Mị, nó cách li Mị với cuộc đời. Mị dần trở nên câm lặng, vô cảm, mất dần ý thức về quyền sống. Đã không còn nghe thấy tiếng nói, tiếng hát, tiếng tâm hồn thổi lên xốn xang mạnh mẽ. Mị bây giờ giống như “con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa”, chẳng biết đâu là ánh sáng của niềm vui và sự tự do nữa. Có những lúc, ta tưởng như Mị đã chết mòn về ý thức…
Nhưng không, ngòi bút của Tô Hoài vẫn đủ niềm tin, trái tim Tô Hoài vẫn đủ yêu thương, nhãn quan Tô Hoài vẫn đủ tinh nhạy để nhìn thấy ở cái “bề sâu, bề sau và bề xa” của hiện thực tăm tối kia là bao vẻ đẹp của một người con gái vẫn luôn ẩn tàng sức sống. Qủa thực, sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị là điều khó tưởng, khó thấy, nhưng lại thật dễ hiểu, dễ cảm. Đó là vào cái đêm tình mùa xuân, khi Hồng Ngài tựa như một bức tranh rực lên sức sống trong cả màu sắc và âm thanh.
Màu “vàng ửng” của cỏ gianh trong cái rét thổi dữ dội, màu sặc sỡ của “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên các mỏm đá xòe”, tiếng rộn ràng xôn xao của những đứa trẻ đánh pao, đánh quay, tiếng thiết tha bổi hổi của tiếng sáo gọi bạn tình. Lạc vào miền không gian ấm cúng và náo nhiệt ấy, ta cũng phần nào cảm được cái hồn Tây Bắc , huống chi là Mị – một người con của vùng cao, thì sao có thể để lòng ngủ yên giữa lúc Hồng Ngài náo nhiệt như thế.
Ngày Tết năm ấy, Mị cũng uống rượu, “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước”. Thứ hơi men chếnh choáng đê mê đã kéo Mị ra khỏi thức tại, đưa Mị trở về quá khứ, vừa quên đi tủi cực phận mình, vừa nhớ về hạnh phúc xa xưa.
Nhưng để ý thức hồi sinh mãnh liệt nhất, thì có lẽ tiếng sáo mới là tác nhân có những ảnh hưởng sâu sắc. Tiếng sáo xuất hiện bốn lần trong truyện, cứ ngân lên theo từng giai âm của tâm hồn. Bắt đầu là tiếng sáo từ xa vọng lại, “thiết tha bổi hổi”, khiến Mị ngồi nhẩm thầm lời bài hát của người đang thổi:
Mày có con trai con gái
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.
Ca từ mộc mạc, giản dị, hàm chứa lẽ sống phóng khoáng tự do của người đang thổi sáo. Tiếng sáo ấy đã dùi tâm hồn Mị vượt qua cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay như vượt qua cái hàng rào trắng của thực tại để bay bổng trên các triền núi cao. Tiếng sáo gần hơn, khi Mị nghe “văng vẳng” âm thanh gọi bạn đầu làng của nó, cũng là lúc Mị được sống nhiều nhất, thật nhất với lòng mình.
Như giáo sư Đỗ Kim Hồi từng nhận định: “Khát vọng hạnh phúc có thể bị vùi lấp, bị lãng quên trong đáy sâu của một tâm hồn đã bị chai cứng vì đau khổ, nhưng không thể bị tiêu tan. Gặp thời cơ thuận lợi, nó sẽ cháy lên từ dưới lớp tro buồn”.
Lòng phơi phới, Mị dần ý thức được về quyền sống, quyền hạnh phúc của mình: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi, bao nhiêu người có chồng rồi vẫn đi chơi, huống chi A Sử với Mị, ở với nhau mà không có lòng với nhau”. Có một sự vượt ngục ở đây chăng? Hay là sức sống kia vẫn luôn tiềm tàng nay mới được đánh thức?
Sự sống dậy trong tâm tâm hồn đã thúc bước Mị hành động, một cách vô thức có ý thức: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn”. Tâm trí Mị đang sống với không khí ngoài kia, “Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách”. Những hành động của một con người đã và đang chết dần về ý thức minh chứng cho một trái tim chưa bao giờ hết khát khao. Nó chỉ tạm ngủ yên trong một xã hội nhơ nhuốc chứ chưa bao giờ ngừng đập trong một lồng ngực căng tràn nhựa sống.
Ngay cả khi bị kéo về thực tại với dây trói cột chặt, Mị vẫn thấy hơi rượu nồng nàn, tiếng sáo văng vẳng, sức sống tràn ra ngoài dây trói và xốn xang bao khát vọng. Chỉ là thực tại quá nghiệt ngã đã không cho người con gái ấy được thỏa lòng, nhưng chỉ thế thôi cũng đủ để ta thấy bao khát vọng ẩn tàng, và rồi nó sẽ còn rực cháy…
Đúng thế! Cơn mơ giải thoát ở đêm tình mùa xuân tưởng như đã tiêu tan đến tê dại, nhưng không, Tô Hoài lại một lần nữa nói cho ta rằng sức sống con người là bất diệt. Đó là vào cái đêm đông năm ấy, Mị cởi trói cho A Phủ, cũng là cởi trói cho chính mình. Những diễn biến tâm lí tưởng khó lường mà thật tự nhiên. Vào cái đêm đau khổ nhất trong cuộc đời A Phủ, sau bao ngày bị trói giữa trời, khuôn mặt A Phủ xám xịt, đôi mắt quầng thâm, nỗi lòng tuyệt vọng.
Thế mà trước cảnh tượng ấy, Mị vẫn dửng dưng, lãnh đạm đến vô cảm, vẫn thản nhiên hơ tay sưởi lửa, thâm chí A Phủ có là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi. Nhưng, chỉ bằng một chi tiết thôi, cái chi tiết mà Tô Hoài gửi vào đó bao dụng ý, đã cứu sống tất cả. “Một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” trên gương mặt A Phủ. Nó giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước, nó đưa Mị ra khỏi vực quên để trở về cõi nhớ – nhớ mình cũng từng khổ như thế, nhiều người cũng từng khổ như thế – một sự khổ đau giày nát tâm hồn và tê liệt thể xác mà không sao thoát nổi.
Từ thương mình, Mị biết thương người, tình thương lớn lên thôi thúc Mị hành động, ngay cả khi biết mình có thể bị trói thay vào đó, Mị cũng chẳng thấy sợ. Mị cắt nút dây mây, cởi trói cho A Phủ, cũng là cởi trói cho chính mình. Hai con người lao ra từ bóng tối và chạy thẳng về ánh sáng. Ý thức tự đấu tranh để tiến dần về Cách Mạng phải chăng chính là vẻ đẹp mới mẻ mà Tô Hoài đặt niềm tin vào họ?
Sinh thời, Tô Hoài từng tâm niệm: “Mỗi chữ phải như một hạt ngọc buông xuống nhưng trang bản thảo. Hạt ngọc mới nhất mà mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”. Ông đã xây dựng thành công nhân vật Mị ngay từ nghệ thuật thể hiện.
Chân dung ngoại hiện đến những bước ngoặt tâm lí đã đủ thấy Tô Hoài từng sống sâu sắc với nơi đây biết bao. Mị chính là một mảnh Tây Bắc sống mãi trong làng văn, sống mãi trong đời văn của người nghệ sĩ mà ta vẫn gọi là “pho từ điển sống” này.