31/03/2021, 14:17

Bài văn phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy số 3

Mị Châu là con gái của Thục Phán An Dương Vương, là một cô công chúa lá ngọc cành vàng, có tâm hồn ngây thơ, trong sáng, nhẹ dạ cả tin và không có chút gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, nàng cũng là người phải chịu trách ...

Mị Châu là con gái của Thục Phán An Dương Vương, là một cô công chúa lá ngọc cành vàng, có tâm hồn ngây thơ, trong sáng, nhẹ dạ cả tin và không có chút gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, nàng cũng là người phải chịu trách nhiệm rất lớn về bi kịch “nước mất nhà tan”.


Mị Châu sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh An Dương Vương “xây thành chế nỏ” và đánh bại quân xâm lược Triệu Đà lần thứ nhất. Có thể nói, nàng sống trong cuộc kháng chiến chống xâm lược mà cha nàng là thủ lĩnh tối cao, nhưng qua truyền thuyết, chúng ta thấy Mị Châu hoàn toàn ngây thơ, không quan tâm và không có chút hiểu biết gì về việc bảo vệ đất nước. Điều đó thể hiện qua việc Mị Châu lén lấy trộm nỏ thần cho Trọng Thủy xem. Hành động đó vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đáng thương vì Mị Châu đã làm theo đạo tam tòng nhưng đáng trách vì trong hoàn cảnh đất nước có giặc giã, một nàng công chúa con vua mà chỉ biết làm trọn chữ “tòng” mà không quan tâm đến vận mệnh đất nước, nhân dân là có tội. Mị Châu tin yêu chồng thì không có gì đáng trách nhưng nàng đã vi phạm nguyên tắc “bí mật quốc gia” của một công dân, tất yếu sẽ bị lên án, phê phán.


Mị Châu đã đặt tình riêng cao hơn nghĩa nước, một hành động không nghĩ đến bổn phận của cá nhân đối với Tổ Quốc, càng không nhận thức được quyền lợi của quốc gia tác động đến cá nhân. Nếu sự mất cảnh giác của An Dương Vương là nguyên nhân gián tiếp thì sự nhẹ dạ, cả tin, ngây thơ của Mị Châu lại chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra họa mất nước. Mị Châu tin yêu chồng bằng một tình yêu mù quáng. Nhân dân ta đã sáng tạo ra hình ảnh áo lông ngỗng là một chi tiết nghệ thuật tài tình để thể hiện rõ sự mù quáng, đáng trách đó. Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần, trước khi về nước đã hỏi Mị Châu: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không hề dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu”.


Mị Châu đáp: “Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ dứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”. Trọng Thủy vừa về nước, chiến tranh hai nước đã xảy ra. Lẫy nỏ không còn, phải lên ngựa bỏ chạy cùng vua cha, lẽ ra phải sớm tình ngộ đó là âm mưu của Trọng Thủy, vậy mà Mị Châu vẫn nhẹ dạ mù quáng, không suy xét sự tình mà vẫn rắc lông ngỗng để làm dấu, khác nào chỉ đường cho giặc tìm đến bắt mình. Việc làm đó trực tiếp dẫn tới bi kịch mất nước nhà tan. Nhờ lời nhắc nhở của thần Kim Quy, nàng mới nhận ra bản chất giả dối của Trọng Thủy và dứt khoát từ bỏ, vĩnh biệt Trọng Thủy trong cuộc đời cũng như trong tâm khản của mình.


Trước khi chết, Mị Châu đã nói: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng chung hiếu mà bị người dối lừa, chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Nàng chỉ muốn rửa tiếng “bất trung”, “bất hiếu”, chỉ muốn cho mọi người hiểu rằng mình bị lừa dối chứ không dám kêu oán, cũng như xin tha tội. Tuy vậy, nhân dân ta không đánh giá nàng theo quan điểm đạo đức phong kiến thông thường mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để kết tội nàng. Với những lỗi lầm không thể tha thứ của một công dân đối với đất nước, nhân dân ta đã không những để cho Rùa Vàng kết tội đanh thép, không khoan nhượng, gọi nàng là “giặc” mà còn để cho Mị Châu phải chết dưới lưỡi kiếm nghiêm khắc của vua cha. Bi kịch của Mị Châu đã trở thành bài học về lợi ích giữa cái riêng và cái chung, và cho những người con trai, con gái sau này về bản chất nhẹ dạ cả tin. Dù là ai thì cũng cần phải có ý thức về sự tồn vong của đất nước.


Song thái độ, cách đánh giá của nhân dân vừa thấu tình lại vừa đạt lí. Mị Châu có tội nhưng những tội lỗi mà nàng gây ra là do nàng quá nhẹ dạ, yêu chồng nên bị lừa dối. Hơn nữa, nàng cũng tình ngộ và phải chịu cái chết đau đớn. Tuy nhiên, tác giả dân gian lại không muốn kết thúc số phận Mị Châu bằng cái kết thê thảm ấy. Nàng đã được hóa thân thành một hình hài khác: “Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu”, “Xác nàng đem về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch.


Đây là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc mang tính truyền thống của truyện kể dân gian: sử dụng hình thức hóa thân để kéo dài sự sống cho nhân vật. Nhưng ở nhiều truyện, nhân vật chỉ hóa thân trong một hình hài thì Mị Châu lại không hóa thân trọn vẹn. Hình thức hóa thân, phân thân độc đáo này thể hiện sự cảm thông, bao dung của nhân dân với sự trong trắng của Mị Châu, vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng bài học lịch sử. Câu chuyện về Mị Châu là bài học đáng giá đến muôn đời. Tố Hữu đã viết:


“Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ đặt trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
0