Bài văn phân tích người anh hùng Đăm Săn số 10 - 10 Bài văn phân tích người anh hùng Đăm Săn trong đoạn trích "Chiến thắng Mtao-Mxây"
Nếu người Hy Lạp tự hào với hai bộ sử thi “Iliad” và “Oddysey”, người Ấn Độ thì tự tin khẳng định “mọi thứ trên đất Ấn Độ đều nằm hết trong hai bộ sử thi Ramayana và Mahabharata” thì người Việt cũng có thể tự hào khi nhắc đến pho tàng sử thi Tây Nguyên phong phú, đồ sộ của dân tộc ...
Nếu người Hy Lạp tự hào với hai bộ sử thi “Iliad” và “Oddysey”, người Ấn Độ thì tự tin khẳng định “mọi thứ trên đất Ấn Độ đều nằm hết trong hai bộ sử thi Ramayana và Mahabharata” thì người Việt cũng có thể tự hào khi nhắc đến pho tàng sử thi Tây Nguyên phong phú, đồ sộ của dân tộc mình. Trong đó, không thể không kể đến sử thi “Đăm Săn” của người Ê-đê. Đoạn “Chiến thắng Mtao Mxây” (SGK Ngữ văn 10, tập 1) là một trích đoạn rất tiêu biểu trong sử thi “Đăm Săn”. Qua đoạn trích này, người đọc có thể cảm nhận rõ vẻ đẹp của Đăm Săn – người anh hùng sử thi trong quan niệm của người Ê-đê.
Sử thi “Đăm Săn” là bài ca về những chiến công của Đăm Săn – người anh hùng bộ lạc lí tưởng trong quan niệm của người Ê-đê. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” thuộc phần thứ hai của sử thi, kể về cuộc chiến của Đăm Săn với tù trưởng sắt Mtao – Mxây. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến là do Mtao – Mxây đã tìm đến buôn làng và cướp đi người vợ yêu quý của Đăm Săn là Hơ Nhí. Cuối cùng, Mtao – Mxây đã phải chuốc lấy thất bại vì hắn không được ông trời ủng hộ, và cũng không sánh được với tài trí và sức mạnh phi thường của Đăm Săn.
Xã hội Ê-đê xưa vốn được tổ chức theo chế độ mẫu hệ, luôn đề cao vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình. Hành động cướp vợ của Mtao – Mxây không chỉ đơn thuần là việc liên quan đến cá nhân hay gia đình của Đăm Săn, mà còn là nỗi nhục, xúc phạm đến danh dự của cả bộ tộc. Chính điều đó đã thôi thúc Đăm Săn quyết tâm khiêu chiến với Mtao – Mxây để giành lại người vợ, bảo vệ danh dự cho thị tộc và chứng minh được tài năng cũng như sức mạnh của chàng.
Ngay từ khi bắt đầu cuộc giao chiến, vẻ đẹp của người anh hùng đã thể hiện rất rõ qua những chi tiết miêu tả ngoại hình: “khố màu sặc sỡ, đầu đội khăn đẹp… Thân mình ở trần như quả dưa, ở thế chờ sẵn như con sóc. Mắt sáng gấp đôi gấp ba mắt thường”. Phép so sánh đã thể hiện được vẻ đẹp khỏe khoắn, phi thường của người anh hùng bộ lạc. Sức mạnh phi thường của Đăm Săn được thể hiện qua hành động “chặt ống tre thành ba khúc, xô đổ hàng rào” đã làm cho Mtao – Mxây cũng phải khiếp đảm. Thủ pháp đối lập được sử dụng nhằm làm nổi bật sự hèn nhát, khiếp nhược của Mtao – Mxây trong so sánh với một Đăm Săn với vẻ đẹp tuyệt vời cả về ngoại hình lẫn sức mạnh. Sự hèn nhát của Mtao – Mxây lộ ra ngay qua lời nói: “Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó, nghe”. Đáp lại, Đăm Săn đã trả lời thật dõng dạc: “Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta củng không thèm đâm nữa là…”. Lời nói đó vừa cho thấy bản lĩnh của người anh hùng với tư cách đàng hoàng, không hèn nhát, đồng thời cũng đã thể hiện thái độ mỉa mai, khinh bỉ không giấu giếm của Đăm Săn với kẻ thù.
Trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây, vẻ đẹp của Đăm Săn lại càng được bộc lộ ra một cách vượt trội. Thủ pháp đối lập càng được sử dụng triệt để để làm nổi bật vẻ đẹp của người anh hùng Đăm Săn: Nếu như màn múa khiên của Mtao Mxây được miêu tả thật thảm hại với “tiếng khiên kêu lộc cộc, lạch xạch như tiếng những quả mướp khô” thì màn múa khiên của Đăm Săn được diễn tả bằng thủ pháp phóng đại, làm nổi bật tài năng phi thường của chàng: “Một bước nhảy, chàng vượt qua mấy đồi tranh. Một bước lùi, vượt qua mấy đồi mía. Tiếng gió khiển rít vù vù như dông bão, cây cối nhà cửa ở xung quanh cũng nghiêng ngả”. Có thể nhận thấy rõ một điều, ngay từ khi bắt đầu cuộc giao chiến, Đăm Săn đã có được sự ủng hộ của tất cả mọi người.
Sự ủng hộ đầu tiên đến từ người vợ xinh đẹp Hơ Nhị khi nàng ném trầu và thuốc cho Đăm Săn nhằm tăng thêm sức mạnh cho chồng. Sự ủng hộ đó còn đến từ các vị tù trưởng hùng mạnh khác đã cùng đi tới nhà tù trưởng Sắt để giúp chàng giành lại người vợ yêu quý, giành lại danh dự cho buôn làng. Sở dĩ Đăm Săn có được sự ủng hộ đó vì chàng đại diện cho chính nghĩa, đại diện cho sức mạnh của cộng đồng để thiết lập lại trật tự, công bằng cho bộ tộc. Chính vì thế mà Đăm Săn đã giành được sự trợ giúp lớn nhất từ ông trời. Sự trợ giúp của lực lượng siêu nhiên với người anh hùng là một mô-típ quen thuộc trong sử thi. Ông trời đã giúp chàng bí quyết để đánh bại Mtao Mxây: lột chiếc áo giáp sắt của hắn. Và nhờ có sự giúp đỡ đó mà Đăm Săn dễ dàng kết liễu được kẻ thù để cướp lại được vợ, đòi lại danh dự cho bộ tộc, buôn làng.
Thắng lợi vang dội trước Mtao Mxây đã tăng thêm uy danh cho vị tù trưởng hùng mạnh và nhân lên sự trù phú cho buôn làng của Đăm Săn. Tất cả dân làng, tôi tớ của Mtao Mxây đều tình nguyện đi theo Đăm Săn. Nô lệ của Mtao Mxây “đông như bầy cà-tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như bầy kiến mối” đều đi theo Đăm Săn. Tôi tớ của Mtao Mxây mang của cải về nhà Đăm Săn “nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”. Tôi tớ của Đăm Săn thì đánh chiêng, tiếp khách, tiệc tùng linh đình để mừng thắng lợi của tù trưởng. Những lời nói và hành động đó đã chứng tỏ cùng với chiến thắng của tù trưởng là một xu thế phát triển tất yếu của bộ tộc: hai bộ tộc được sát nhập, địa bàn sinh sống của hai bộ tộc cũng được mở rộng. Trong sử thi này, dù thất bại thuộc về Mtao Mxây và hắn đã phải nhận cái chết, thì tác giả sử thi cũng không đề cập nhiều đến nỗi buồn, cái chết mà trái lại, không khí ăn mừng chiến thắng tràn ngập những trang sử thi. Điều đó đã cho thấy rõ thái độ và cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả nghiêng hẳn về người anh hùng Đăm Săn – người đại diện cho sức mạnh chính nghĩa của bộ tộc, buôn làng.
Để làm nổi bật vẻ đẹp của người anh hùng, tác giả sử thi đã sử dụng linh hoạt, hài hòa những biện pháp nghệ thuật độc đáo: thủ pháp phóng đại, đối lập, sử dụng nhiều hình ảnh so sánh… Những câu văn có sử dụng hình ảnh so sánh như “múa trên cao như gió bão”, “múa dưới thấp gió như lốc”,… đã khắc họa được vẻ đẹp rực rỡ của người anh hùng sử thi, đồng thời bộc lộ niềm tự hào của người Ê-đê về người anh hùng bộ tộc mình.
Hình tượng người anh hùng Đăm Săn trong đoạn trích đã hiện lên với tài năng và sức mạnh phi thường trong chiến công bảo vệ chính nghĩa, đòi lại danh dự cho buôn làng. Hình tượng đó được tác giả tái hiện thông qua cách kể chuyện hấp dẫn cùng những thủ pháp nghệ thuật như phóng đại, so sánh, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Với những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật đó, sử thi “Đăm Săn” nói riêng và sử thi Tây Nguyên nói chung sẽ mãi luôn là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc.