Bài văn phân tích lời nói của Bác Hồ dạy rất hay
Đề: Bác Hồ dạy chúng ta:‘Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.‘ Em hiếu lời dạy trên đây của Bác như thế nào? TÌM HIỂU ĐỀ BÀI 1. Kiểu bài:Giải thích một vấn đề. 2. Nội ...
Đề: Bác Hồ dạy chúng ta:‘Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.‘ Em hiếu lời dạy trên đây của Bác như thế nào?
TÌM HIỂU ĐỀ BÀI
1. Kiểu bài:Giải thích một vấn đề.
2. Nội dung:Lời dạy của Bác Hồ nói về thái độ, hành động đúng của em trước điều phải, điều trái trong cuộc sống. Điều phải, dù nhỏ thì cố làm cho kì được. Điều trái, dù nhỏ thì hết sức tránh.
3. Phạm vi tư liệu dẫn chứng: Lấydẫn chứng thực tế đời sống để minh hoạ lí lẽ.
DÀN BÀI
A. MỞ BÀI
- Bác Hồ luôn luôn ân cần chỉ bảo, dạy dỗ thanh thiếu niên từ những điều lớn đến những điều nhỏ.
B. THÂN BÀI
1. Điều phải, điều trái là gì? Điều phải nhỏ, điều trái nhỏ là gì?
- Điều phải là điều đúng, điều tốt. Có điều phải to lớn, có điều phải nhỏ nhặt.
- Điều trái là điều sai, điều xấu. Có điều trái lớn, có điều trái nhỏ.
2. Tại sao đối với điều phải thì phải cố làm cho kì được, đối với điều trái thì hết sức tránh?
- Đã là việc phải thì đều đáng làm, nên làm, cần phải làm.
Nhiều việc nhỏ nhặt tầm thường góp lại sẽ thành việc lớn. Từ chối không làm việc phải là thiếu ý thức đạo đức.
- Điều trái là điều có hại cho người khác và hại cho chính mình. Những điều trái nhỏ tích luỹ lại thành điều trái lớn. Không tránh điều trái nhỏ là vi phạm đạo đức xã hội.
3. Thực hiện lời dạy của Bác, ta phải làm như thế nào?
- Không coi thường những điều nhỏ nhặt hàng ngày.
- Thường xuyên tự kiểm điểm, suy nghĩ về hành động của mình,
c. KẾT BÀI
- Bác quan tâm giáo dục chúng ta
- Phân đấu theo năm điều Bác dạy để xứng đáng là cháu ngoan của Bác.
BÀI LÀM
Bác Hồ là người luôn quan tâm dạy dỗ, giáo dục tuổi trẻ. Bác mong muốn tuổi trẻ phải cố gắng tu dưỡng, học tập và rèn luyện để trở thành những người tốt, hữu ích cho đất nước và nhân dân. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân ngày 19 - 1 - 1955, Bác nói:
‘Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ’.
Điều phải là điều đúng, điều tốt được nhiều người công nhận, phù hợp với qui luật đời sống, với đạo đức xã hội, trở thành đường mòn trong nếp nghĩ, việc làm chung. Có những điều phải lớn lao mang tầm vóc xã hội, đất nước. Có những điều phải nhỏ bé, bình thường xảy ra trong đời sống hàng ngày, trong quan hệ giữa người với người và quan hệ giữa cá nhân và xã hội.
Điều trái là những điều sai, điều xấu vốn bị gạt khỏi nếp nghĩ, lối sống của mọi người. Có những điều trái rất lớn dẫn đến tác hại lớn, đi ngược lại đời sống của xã hội, của cộng đồng như hành động phản bội Tổ quốc, chà đạp lên lợi ích của nhân dân. Lại có những điều trái nhỏ bé như con sâu lẫn trong cành lá, làm tổn thương đến người khác, đến nhiều người như hành vi không đúng ở nơi công cộng, không tuân thủ nội qui trật tự chung. Tác hại của những điều hái ây tuy nhỏ nhưng không phải là không tổn hại đến người khác, không ảnh hưởng đến người khác.
Bác Hồ dạy chúng ta phải ‘cốlàm cho kì được’điều phải, dù là điều phải nhỏ. Đã thấy điều phải thì làm như một bản năng tự nhiên, như một ý thức tự giác, như là một sự góp nhặt tạo nên việc lớn. Thời kì Cách mạng tháng Tám mới thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và Chính phủ, nhân dân ta người có tiền thì góp tiền, người có vàng thì góp vàng ủng hộ Cách mạng. Rồi tiếp đến thời kì đầu kháng chiến, nhân dân ta đã thực hiện phong trào hũ gạo tiết kiệm. Những cố gắng nhỏ bé đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc, vượt qua khó khăn thử thách trong những ngày đầu của nhà nước Việt Nam non trẻ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, thiếu nhi chúng ta đã hưởng ứng phong hào ‘Việc nhỏ nghĩa lớn’,góp từng cân giây, mảnh gang xây dựng nhà máy nhựa ‘Tiềnphong’...
Như thế là việc nhỏ mà không nhỏ, việc nhỏ mà cố gắng làm thì kết quả cũng to lớn. Suy ra, ý nghĩa câu nói của Bác là nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên có ý thức làm những điều tốt, việc tốt theo tinh thần ‘góp gió thành bão’ vậy. Đối với những điều trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Đã là điều trái nhỏ, dù nhỏ mà không tránh thì nhất định sẽ làm tổn hại đến danh dự, đến lợi ích của người khác và của chung. Ra đường thấy chiếc vòi nước công cộng chảy mà không khoá lại, mỗi người vứt đi một vật nhỏ ra đường, nói năng ồn ào nơi công cộng, đi trái đường thì trật tự nơi công cộng sẽ ra sao? Một học sinh nói chuyện riêng trong lớp, quay cóp bài của người khác, vẽ bẩn ra bàn ghế thì liệu có trở thành con ngoan, trò giỏi được không?
Lời dạy của Bác nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống hàng ngày phải cố gắng làm việc tốt, làm điều phải; cố tránh những điều trái, điều xấu dù là nhỏ. Muốn thế chúng ta phải thường xuyên tránh coi thường những cái nhỏ nhặt, phải thận trọng trong những cử chỉ, việc làm và lời nói hàng ngày, cố gắng tránh làm điều trái, làm thật nhiều điều tốt dù nhỏ bé để tạo nên thói quen tốt, tạo nên việc lớn có ý nghĩa và tác dụng cho bản thân và xã hội.
‘Tuổi nhỏ làm việc nhỏ’theo ‘Năm điều Bác Hồ dạy’là điều kiện tốt nhất để chúng ta làm theo lời chỉ bảo chân tình của Bác. Góp nhặt, gìn giữ những điều phải, cố gắng tránh làm điều trái chính là tạo nên phẩm chất tốt và năng lực tốt cho tương lai của bản thân và xã hội.