31/03/2021, 15:34

Bài văn phân tích khổ thơ cuối bài "Ánh trăng" số 6 - 9 Bài văn phân tích khổ thơ cuối bài "Ánh trăng" của Nguyễn Duy lớp 9 hay nhất

Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ giai đoạn sau với phong cách thơ mang màu sắc triết lí mà thấm đẫm cái hồn của ca dao, dân ca. Bài thơ "Ánh trăng" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông sáng tác năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 ngày ...

Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ giai đoạn sau với phong cách thơ mang màu sắc triết lí mà thấm đẫm cái hồn của ca dao, dân ca. Bài thơ "Ánh trăng" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông sáng tác năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 ngày sau khi đất nước được giải phóng. Khổ thơ cuối bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc vì mang một triết lí sâu xa, gợi nhắc con người về lẽ sống ân nghĩa, thủy chung.


"Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình"


Tính từ "tròn" kết hợp với từ láy "vành vạnh" cực tả, tuyệt đối hoá vẻ đẹp của trăng: sáng trong, viên mãn, ổn định, tròn đầy. Hình ảnh thơ không chỉ dừng lại ở đó mà còn có ý nghĩa khái quát: Sự tròn đầy, bất diệt của vầng trăng biểu tượng cho quá khứ vẹn nguyên, nghĩa tình, thủy chung, nhân hậu ngày nào. Đây chính là hình ảnh biểu tượng của trăng. Từ "cứ" khiến cho âm điệu câu thơ vừa tha thiết, vừa vút cao, rắn rỏi trong sự khẳng định về lòng thủy chung của vầng trăng. Hai câu thơ đầu có kết cấu đối lập trong lời thơ, ý thơ làm nổi bật ý thơ. Vầng trăng trước sau vẫn vậy, mộc mạc, giản dị và thủy chung mặc cho con người hờ hững, vô tình.


Hai câu thơ sau, ý thơ đã có sự thay đổi, hình ảnh "vầng trăng" chuyển thành "ánh trăng". Bởi vì chỉ có ánh trăng, thứ ánh sáng huyền ảo đó mới có sức mạnh làm thức tỉnh tâm hồn con người sau bao nhiêu ngày tháng vô cảm. Chỉ có ánh trăng mới đủ ánh sáng để soi rọi vào quá khứ, những ngày tháng sống gắn bó với vầng trăng, từ đó đánh thức lương tâm con người. Từ ánh trăng đất trời vào thơ Nguyễn Duy đã trở thành ánh sáng tươi đẹp để xua đi nỗi tối tăm trong tâm hồn nhân thế. Nhưng không phải trăng nhắc nhở bằng lời nói mà bằng sự im lặng.


"Trăng im phăng phắc" trước hết là hình ảnh tả thực. Trăng không như sao, sao có lúc mọc lúc sa, trăng không như mây, lúc tan lúc tụ, trăng không như mưa lúc tạnh lúc rơi, trăng không như gió khi ngừng khi thổi. Trăng im lặng mà sáng soi. Sự im lặng của ánh trăng biểu tượng cho sự nghiêm khắc của quá khứ. Sự im lặng đó khiến cho người ta giật mình. Giật mình vì trăng nghĩa tình, bao dung mà lại có lúc vô tình, lạnh nhạt, dửng dưng trước trăng, trước quá khứ.


Nguyễn Duy, con người của gốc lúa, bờ tre hiền hậu, của những nắng nỏ trời xanh và những lời hát ru trọn kiếp người, không chỉ tha thiết gắn bó với những điều bình dị trong đời sống, say sưa với văn học dân gian mà còn là con người luôn trăn trở về lẽ sống. Chính vì vậy cái giật mình ở đây là một sự ăn năn, sám hối. Cái giật mình ấy đầy tính nhân văn. Kết cấu đối lập ở hai câu thơ cuối mang ý nghĩa nhắc nhở nghiêm khắc: Hãy đừng quên quá khứ, hãy sống thủy chung với quá khứ. Mượn hình ảnh ánh trăng, Nguyễn Duy đã làm một cuộc tự vấn tâm hồn để nhắc nhở con người về lẽ sống nghĩa tình, thủy chung. Ra đi từ những trải nghiệm cá nhân nên bài thơ có sức ngấm rất sâu trong lòng độc giả.


Bài thơ ngắn gọn, đơn sơ như dáng dấp của một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa triết lí. Khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung qua việc xây dựng thanhf công hình ảnh quen thuộc "ánh trăng" mang ý nghĩa biểu tượng, đã gợi nhắc con người về lẽ sống thủy chung, nhắc con người luôn ghi tạc một điều: người nào bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn anh ta bằng đại bác.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0