Bài văn phân tích hình tượng rừng xà nu số 1 - 12 Bài văn phân tích hình tượng rừng xà nu trong "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành
Trải qua hơn 120 năm kháng chiến hào hùng và gian khổ, những trang sử vẻ vang của dân tộc ta đã ghi lại biết bao chiến công lẫy lừng làm rạng danh Tổ quốc, khiến quân thù phải khiếp sợ, khiến cả thế giới phải khâm phục một dân tộc máu đỏ da vàng tuy nhỏ bé nhưng có tầm vóc to lớn. ...
Trải qua hơn 120 năm kháng chiến hào hùng và gian khổ, những trang sử vẻ vang của dân tộc ta đã ghi lại biết bao chiến công lẫy lừng làm rạng danh Tổ quốc, khiến quân thù phải khiếp sợ, khiến cả thế giới phải khâm phục một dân tộc máu đỏ da vàng tuy nhỏ bé nhưng có tầm vóc to lớn. Nhưng để có những chiến công oanh liệt, để đất nước được độc lập, để nhân dân ta được sống trong cảnh hòa bình ấm no, cha anh ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu, mồ hôi và nước mắt. Trong những năm tháng đế quốc mỹ nhắm đại bác vào vùng núi rừng Tây Nguyên hiền hòa, đã có một dân tộc anh hùng đứng lên ưỡn ngực, vươn mình chống lại quân thù. Tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành khắc họa sâu sắc hình ảnh những người con kiêu hùng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, mà trong đó nổi lên với hình ảnh cây xà nu đẹp đẽ có ý nghĩa biểu tượng to lớn, là đại diện cho từng người dân làng Xô Man chống giặc, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và nhiều phẩm chất cao đẹp của người dân Tây Nguyên.
Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, còn có bút danh khác là Nguyên Ngọc, ông sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông gia nhập quân đội vào năm 1950, lúc đang còn là học sinh trung học, có mặt tại chiến trường Tây Nguyên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nguyễn Trung Thành sáng tác nhiều thể loại từ truyện ký, tiểu thuyết, đến truyện ngắn, tùy bút,…Các sáng tác của ông mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nội dung chủ đề tập trung viết về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, về những vấn đề mang tính trọng đại lịch sử của dân tộc, đặc biệt ông viết rất nhiều về vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Rừng xà nu nằm trong tập truyện ký Trên quê hương những anh hùng Điện ngọc, viết vào năm 1965, khi quân Mỹ Diệm tràn vào miền Nam càn quét bắn phá ác liệt.
Hình tượng rừng cây xà nu xuất hiện nổi bật và xuyên suốt chiều dài tác phẩm, mở ra là rừng xà nu bạt ngàn và kết thúc tác phẩm cũng là hình ảnh rừng xà nu chạy dài đến tận chân trời. Không những thế, hình ảnh cây xà nu còn trải kín cả tác phẩm, có đến hơn 20 lần trong toàn tác phẩm, điều ấy đã tái hiện lại những vẻ đẹp kỳ thú đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên, đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng về sức sống và vẻ đẹp của những con người Tây Nguyên. Bằng bút pháp tả thực, Nguyễn Trung Thành đã cho thấy hình ảnh cây xà nu trở đi trở lại và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người Tây Nguyên, có mặt trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây, ngọn lửa xà nu “dần dật cháy” trong bếp của mỗi ngôi nhà, khói xà nu làm bảng học cho Tnú và Mai. Hình ảnh cả cánh rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra để che chở cho làng Xô Man bởi “Làng nằm trong tầm đại bác của giặc”, giống như người cha che chở cho đứa con nhỏ của mình, như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Việt Bắc rằng: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, gắn bó, ân tình.
Không chỉ có mặt trong cuộc sống hằng ngày mà cây xà nu còn tham dự vào trong những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man. Trong đêm mà vợ con Tnú bị giặc bắt giữ, đống lửa xà nu đã để Tnú nhìn rõ ràng cảnh kẻ thù hành hạ vợ con, rồi thì chính nhựa xà nu lại thiêu đốt 10 ngón tay của Tnú như mười ngọn đuốc, điều ấy đã trở thành giọt nước tràn ly, cổ vũ dân làng Xô Man đứng lên đấu tranh giết mười tên giặc ác ôn để giải cứu Tnú và lập lên chiến công đầu tiên trong cuộc chiến chống lại kẻ thù của dân làng. Từ đây người làng Xô Man đã mạnh mẽ đứng lên, không còn do dự chần chừ, bởi chỉ có đấu tranh chỉ có cách dùng vũ lực thì mới có thể có một cuộc sống tốt hơn, mới có thể bảo vệ được dân làng và đất nước. Hình ảnh của cây xà nu cũng trở lại trong đêm Tnú về thăm làng, đuốc xà nu lại dẫn đường cho người dân khắp làng Xô Man cùng tụ tập về nghe cụ Mết kể về cuộc đời của Tnú, câu chuyện một đời người kể trong một đêm, ánh lửa xà nu càng trở nên thiêng liêng và đậm tính sử thi. Thêm vào đó hình ảnh xà nu còn thấm vào nếp cảm, nếp nghĩ thấm vào cả lối tư duy và cách nói của người dân Tây Nguyên, những tính chất vẻ đẹp của cây đã trở thành thước đo để khắc họa lần lượt hình ảnh của cụ Mết, của Tnú, Mai, và nhiều người dân làng Xô Man khác.
Với bút pháp tượng trưng, hình ảnh cây xà nu lại là biểu tượng cho số phận và phẩm chất của người dân Tây Nguyên. Nói về số phận của người dân làng Xô Man, mở đầu tác phẩm Nguyễn Trung Thành viết “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương” ấy là một cảnh tượng ám ảnh về một rừng cây tan hoang bởi đại bác của quân thù, trầy trợt đầy những thương tích. Đến gần hơn, hình ảnh tang thương của cây xà nu càng thêm rõ ràng, “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”, từ miệng vết thương ấy ứa ra thứ nhựa “tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh”, “bầm lại quyện đen thành những cục máu lớn”, như vậy đối với tác giả xà nu cũng giống như một con người cũng có máu thịt, cây cũng bị thương, nhựa cây chảy ra được ví là máu huyết của sinh thể, những hòn máu đọng đem lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về loài cây anh hùng, bất khuất. Nhưng đấy là những cây may mắn, kiên cường còn có thể lành miệng và tiếp tục sinh dưỡng, xấu số hơn có những cây con mới đến ngang tầm ngực người, đã bị đại bác nã phải gãy làm đôi “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”.
Cách miêu tả chân thực sống động đến từng chi tiết đã tái hiện thật tang thương cảnh cây xà nu ngã xuống vì bom đạn. Suy rộng ra, cũng giống như cả cánh rừng mang đầy thương tích và mất mát ấy, người dân làng Xô Man cũng phải chịu biết bao hy sinh, bao nỗi đau thương cùng cực, bao người dân đã ngã xuống: Anh Xút, bà Nhan, Mai và con của cô với Tnú, tất cả đều hi sinh một cách đầy thương tâm dưới bàn tay độc ác của kẻ thù. Những người còn sống cũng lại mang đầy thương tích trên thể xác và cả tâm hồn, tấm lưng của Tnú với chằng chịt vết dao chém, mười ngón tay bị giặc đốt đều cụt một đốt, đau đớn hơn anh còn phải gánh chịu nỗi đau tận mắt nhìn vợ con bị giặc đánh chết mà không thể làm gì được.
Không chỉ là biểu tượng cho số phận của con người Tây Nguyên, cây xà nu còn là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân nơi đây. Xà nu là một loài cây khao khát ánh sáng đến lạ kỳ “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”, đó cũng chính là biểu tượng cho tình yêu tự do, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người Tây Nguyên. Thêm nữa, xà nu còn có khả năng sinh sôi mãnh liệt “cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên , ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời”. Đó là biểu tượng cho sự tiếp nối liên tục và mạnh mẽ của người dân làng Xô Man, anh Quyết hy sinh đã có Tnú về thay thế, anh Xút bị giết đã có bà Nhan thay công việc nuôi bộ đội, bà Nhan chết thì đã có lớp trẻ con thay thế, Mai chết thì đã có em gái của Mai tiếp bước chị, và còn cả chú bé Heng. Thế hệ trước luôn có sự chuẩn bị là bước đệm cho thế hệ sau được vươn lên mạnh mẽ và tiến xa hơn trong con đường cách mạng.
Cây xà nu còn mang trong mình một sức sống bất diệt, mạnh mẽ vô cùng “có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng”. Hình ảnh bất diệt của cây xà nu khiến ta lập tức nghĩa đến Tnú tiêu biểu cho lớp anh hùng của làng Xô Man, anh chịu biết bao đau đớn thương tật nhưng anh vẫn sống vẫn hoạt động cách mạng một cách sôi nổi, giặc không bắt được anh, không giết được anh, người anh hùng của vùng đất Tây nguyên. Trong sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh thì sự sống vẫn vươn lên và chiến thắng cái chết, sức sống mãnh liệt, bất tử của rừng xà nu đã đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Tây Nguyên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Nguyễn Trung Thành với nghệ thuật xây dựng hình tượng xuất sắc, điểm nhìn đậm chất điện ảnh khiến cho hình tượng cây xà nu hiện lên một cách thật chân thực và sắc nét. Đôi lúc tác giả đã không kìm được mà bộc lộ những cảm xúc cá nhân thật mạnh mẽ, niềm bất ngờ, tự hào về loài cây đặc sắc. Bằng bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn nhà văn đã gây dựng thật xuất sắc vẻ đẹp của cây rừng xà nu biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Tây Nguyên, mở một cánh cửa dẫn người đọc vào thế giới của con người nơi đây, tiêu biểu là nhân vật Tnú.