Bài văn phân tích đoạn trích vở kịch "Bắc Sơn" số 6 - 9 Bài văn phân tích đoạn trích vở kịch "Bắc Sơn" của Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, viết văn, làm báo từ trước 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng và kháng chiến. Các tác phẩm của ông phản ánh hiện thực, đậm chất anh hùng và không khí lịch sử. Năm 1996, ông được ...
Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, viết văn, làm báo từ trước 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng và kháng chiến. Các tác phẩm của ông phản ánh hiện thực, đậm chất anh hùng và không khí lịch sử. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Vở kịch Bắc Sơn được ông sáng tác và đưa lên sân khấu đầu năm 1946, trong khí thế sôi sục mở đầu kháng chiến. Bối cảnh của vở kịch là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (1940/1941) và nội dung xoay quanh những biến cố xảy ra trong gia đình cụ Phương, dân tộc Tày. Cụ Phương cùng con trai là Sáng hăng hái tham gia chiến đấu. Còn bà cụ và cô con gái là Thơm lại ngại ngần, xa lánh.
Cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi bước đầu. Tổ chức cử ông giáo Thái là cán bộ Đảng đến giúp nhân dân củng cố phong trào. Quân Pháp do Ngọc (chồng của Thơm) dẫn đường đã kéo vào chiếm lại Vũ Lăng, đàn áp dã man quần chúng và truy lùng những cán bộ lãnh đạo. Quân khởi nghĩa phải rút vào rừng. Cụ Phương trong lúc dẫn đường, bị giặc Pháp bắn đã hi sinh. Trước cái chết của cha và em trai Thơm, bộ mặt Việt gian bán nước của tên Ngọc dần dần lộ rõ. Thơm vô cùng đau xót và ân hận.
Phân tích đoạn trích hồi 4 vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy TưởngỞ hồi 4 của vở kịch Bắc Sơn Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng một tình huống đặc biệt để thể hiện xung đột gay gắt giữa lực lượng cách mạng và kẻ thù; đồng thời phản ánh diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật Thơm – một cô gái có chồng theo giặc, từ chỗ thờ ơ đến chỗ đứng hẳn về phía cách mạng. Qua đó, tác giả khẳng định sức thuyết phục to lớn của chính nghĩa.
Sự kiện chính của hồi 4 như sau:Thái cùng một cán bộ phong trào là Cửu bị giặc truy lùng ráo riết, vô tình chạy nhầm vào nhà Thơm, mà Ngọc – chồng Thơm lại đang dẫn lính đuổi bắt hai người. Thơm nhanh trí che giấu và cứu thoát họ. Bằng hành động ấy, Thơm đã dứt khoát đứng hẳn sang hàng ngũ cách mạng. Sau đó, biết tin Ngọc dẫn đường cho quân Pháp lên đánh úp lực lượng du kích, Thơm đã luồn rừng đi suốt đêm đến báo để họ kịp thời đối phố. Lúc quay về, bất ngờ gặp Ngọc, Thơm đã bị y bắn; nhưng chính Ngọc lại chết vì trúng đạn của quân Pháp.
Nội dung hồi 4 cho thấy nghệ thuật viết kịch rất già dặn của Nguyễn Huy Tưởng. Thành công nổi bật là tác giả đã tạo dựng nên tình huống bất ngờ, gay cấn để đẩy mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, bộc lộ tâm lí và tính cách nhân vật.
Thơm là vợ Ngọc – một tên tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Đã quen với cuộc sống an nhàn và ngại gian khổ nên Thơm không tham gia vào phong trào khởi nghĩa, mặc dù cha và em trai là những quần chúng tích cực. Tuy thế, ở Thơm vẫn chưa mất đi bản chất trung thực, lòng tự trọng và tính thương người. Thơm quý trọng ông giáo Thái là cán bộ được tổ chức cử đến giúp dân đẩy mạnh phong trào khởi nghĩa. Vì lực lượng yếu và thiếu kinh nghiệm nên phong trào cách mạng bị giặc đàn áp, cha và em trai Thơm đều hi sinh. Thơm ân hận và đau đớn khi biết chồng mình vì hám tiền, hám danh mà sẵn sàng làm tay sai cho Pháp, dẫn giặc về đốt phá bản làng, giết hại đồng bào.
Tâm trạng và hành động của Thơm được tác giả miêu tả trong hoàn cảnh éo le: cuộc khởi nghĩa bị khủng bố, cha và em trai đã hi sinh, mẹ đau đớn đến điên dại bỏ nhà đi. Thơm chỉ còn người thân duy nhất là Ngọc, nhưng y đã dần dần lộ rõ bộ mặt Việt gian bán nước. Bằng số tiền thưởng của bọn Pháp, Ngọc đã thỏa mãn những nhu cầu vật chất của vợ chồng hắn như tậu nhà mới, mua sắm nữ trang, quần áo… Tuy vậy, Thơm vẫn sống trong day dứt và ân hận. Hình ảnh người cha lúc hi sinh, những lời trăng trối cuối cùng của ông, khẩu súng trao lại cho Thơm, sự hi sinh của đứa em trai, nhất là tình cảnh thương tâm của người mẹ. Tất cả những hình ảnh ấy luôn ám ảnh, giày vò tâm trí cô.
Sự nghi ngờ của Thơm đối với Ngọc ngày càng tăng. Trong những lần trò chuyện với chồng, Thơm luôn tìm cách dò xét ý nghĩ và hành động của chồng để tìm hiểu sự thật, còn Ngọc thì luôn kiếm cớ lảng tránh. Tuy vậy, Thơm yẫn cố níu lấy một chút hi vọng: Đã chắc gì những lời đồn?… Nhưng tiền thì lấy đâu mà lắm thế?….
Một tình huống xảy ra hoàn toàn bất ngờ đối với Thơm, buộc cô phải lựa chọn thái độ dứt khoát: Thái và Cửu là hai cán bộ cách mạng bị bọn giặc truy lùng, đã chạy nhầm vào chính nhà Thơm, tức là nhà Ngọc. Ban đầu, Thơm hoảng sợ khi nghe tiếng súng nổ rất gần và sự xuất hiện đột ngột của Thái và Cửu. Nhưng với bản chất trung thực và lương thiện, cùng với sự quý mến sẵn có dành cho Thái và cả sự hối hận, tất cả những điều đó đã thôi thúc Thơm hành động một cách mau lẹ và khôn ngoan, không sợ nguy hiểm để che giấu Thái và Cửu ngay trong buồng ngủ của mình. Thơm nói với hai cán bộ cách mạng bằng giọng tự tin và quyết đoán: “Hai ông đừng nói nữa. Ngọc nó về. Hai ông đừng đi đâu, hãy tạm ở đây, may ra…” Khi Ngọc về đến nhà, Thơm đã khôn ngoan, bình tĩnh che mắt Ngọc để bảo vệ họ. Lúc đầu, Thơm giả vờ ngủ gật để hướng sự chú ý của Ngọc sang việc khác.
Tiếp đến Thơm kể chuyện ở nhà nhớ Ngọc ra sao rồi bảo Ngọc mời những kẻ đang lùng bắt cán bộ lên nhà chơi. Thơm khéo léo nói những lời tình cảm để Ngọc ra lệnh cho bọn truy lùng rút lui. Đồng thời cũng chính lúc này, Thơm đã nhận rõ bộ mặt Việt gian cùng sự xấu xa bỉ ổi của chồng. Điều đó sẽ dẫn đến hành động chủ động của cô ở hồi cuối: khi biết Ngọc sẽ dẫn đường cho quân Pháp vào rừng lùng bắt những người khởi nghĩa, cô đã luồn tắt rừng suốt đêm để báo tin cho du kích kịp thời đối phó.
Bằng cách đặt nhân vật vào hoàn cảnh căng thẳng và tình huống gay cấn, tác giả đã thể hiện đời sống nội tâm phức tạp với những nỗi day dứt, đau xót và ân hận của Thơm, để rồi cô đã hành động dứt khoát, đứng hẳn về phía cách mạng. Qua nhân vật Thơm, Nguyễn Huy Tưởng khẳng định rằng ngay cả khi gặp khó khăn, bị kẻ thù đàn áp khốc liệt, phong trào cách mạng vẫn không thể bị tiêu diệt và nó vẫn có khả năng thức tỉnh quần chúng, ngay cả với những người ở vị trí trung gian.
Trong hồi 4, bản chất xấu xa của nhân vật Ngọc đã được tác giả miêu tả đầy đủ. Vốn chỉ là một gã thư kí quèn, địa vị thấp kém trong bộ máy cai trị của thực dân, Ngọc nuôi tham vọng ngoi lên để thỏa mãn ham muốn địa vị, quyền lực và tiền tài. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, bộ máy cai trị của thực dân ở châu Bắc Sơn bị lật đổ, Ngọc thù hận cách mạng. Y cam tâm làm tay sai cho giặc, trực tiếp dẫn quân Pháp về đánh Vũ Lăng – căn cứ của lực lượng khởi nghĩa.
Càng ngày, Ngọc càng bộc lộ bản chất tàn bạo. Y ra sức truy lùng cán bộ cách mạng, đặc biệt là Thái và Cửu. Để che giấu hành động xấu xa của mình, Ngọc ra sức chiều chuộng vợ. Tuy vậy, tâm địa và tham vọng đen tối của Ngọc vẫn cứ lộ ra trước mắt Thơm, đặc biệt là khi Ngọc không giấu diếm thái độ ghen tức và ý đồ thẳng tay trừng trị “thằng Tốn” nào đó ở trong làng. Xây dựng một nhân vật phản diện như Ngọc, tác giả không đơn thuần tập trung vào hắn những cái xấu, cái ác mà bên cạnh đó vẫn chú ý khắc họa tính cách riêng.
Thái và Cửu chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện trong chốc lát. Lâm vào tình thế nguy kịch, bị giặc truy đuổi, lại chạy nhầm vào chính nhà Ngọc, Thái vẫn bình tĩnh, sáng suốt, khơi dậy lòng tin của Thơm vào những người cách mạng và bày tỏ niềm tin vào bản chất tốt đẹp của cô. Còn Cửu thì hăng hái nhưng nóng nảy, thiếu chín chắn. Anh đã nghi ngờ Thơm và còn định bắn cô. Mãi đến lúc đã được Thơm cứu thoát, Cửu mới hiểu và tin Thơm là người tốt.
Với vở kịch Bắc Sơn, Nguyễn Huy Tưởng đã đạt được những thành công bước đầu trong nghệ thuật viết kịch. Tác giả đã xây dựng tình huống kịch, những xung đột cơ bản của vở kịch và phát triển mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, sau đố có cách giải quyết hợp tình, hợp lí. Tác giả đã thể hiện sự đối đầu gay gắt giữa Ngọc và Thái, Cửu trong hoàn cảnh cuộc khởi nghĩa bị đàn áp và Ngọc cùng đồng bọn đang truy lùng những người cách mạng. Đồng thời, xung đột kịch cũng diễn ra trong nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng là có đứng hẳn về phía cách mạng.
Bắc Sơn được đánh giá là vở kịch khởi đầu cho nền kịch cách mạng trên sân khấu nước nhà từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Với vở kịch này, lần đầu tiên hiện thực cách mạng và những con người mới của thời đại đã được tác giả đưa lên sân khấu một cách thành công, gây được ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.