31/03/2021, 15:31

Bài văn phân tích bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh số 10 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh hay nhất

Bài thơ “Tiếng gà trưa” được nữ sĩ viết vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ, in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968). Bài thơ có 43 câu, trong đó có 39 câu thơ ngũ ngôn, 4 câu thơ có 3 chữ. Câu thơ “Tiếng gà trưa” được điệp lại 4 lần, cứ ngân vang mãi trong tâm hồn người ...

Bài thơ “Tiếng gà trưa” được nữ sĩ viết vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ, in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968). Bài thơ có 43 câu, trong đó có 39 câu thơ ngũ ngôn, 4 câu thơ có 3 chữ. Câu thơ “Tiếng gà trưa” được điệp lại 4 lần, cứ ngân vang mãi trong tâm hồn người lính trên đường hành quân ra trận, như tiếng gọi của quê nhà thân thương.


Dòng cảm xúc từ hiện tại man mác và bâng khuâng trôi về những năm tháng tuổi thơ với bao kỉ niệm cảm động về đàn gà và ổ trứng hồng, về người bà đôn hậu, đã làm sâu nặng tình yêu đất nước quê hương. “Tiếng gà trưa “ là một âm thanh đồng vọng của gia đình, của xóm làng quê, trở thành hành trang của người lính trẻ. Đoạn thơ đầu 7 câu nói về tâm trạng người chiến sĩ trên đường hành quân xa.


Tiếng gà nhà ai nhảy ổ: “Cục... cục tác cục ta” cất lên nơi xóm nhỏ. Tiếng gà nhà ai nhảy ổ là âm thanh bình dị, thân thuộc của làng quê ta đã bao đời nay. Đối với người lính trẻ lại vô cùng xúc động. Tiếng gà trưa đã làm “xao động” nắng trưa và cả hồn người. Như cho người lính thêm sức mạnh mới. Như gợi nhớ tuổi thơ. Chữ “nghe” được điệp lại 3 lần với sự chuyển đổi cảm giác tinh tế đã làm cho giọng thơ thêm phần ngọt ngào, tha thiết, bồi hồi:


“Cục... cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”


Đoạn thơ thứ hai có 26 câu thơ. Câu thơ “Tiếng gà trưa” được láy đi láy lại 3 lần, một âm thanh hiện hữu đồng vọng gợi nhớ bao kỉ niệm sâu sắc một thời thơ bé. Nghe tiếng gà trưa, người lính trẻ sống lại, nhớ lại màu hồng trứng gà trên ổ rơm, nhớ lại đàn gà đông đúc mà bà đã tần tảo “chắt chiu”. Ta như được ngắm một bức tranh gà rất sống động, rất đẹp. Không phải là bức tranh gà Đông Hồ ngày xưa:


“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng”


Nghệ thuật phối sắc của Xuân Quỳnh rất thần tình. Một gam màu sáng tươi mát dịu của bức tranh gà. Có màu hồng của trứng gà trong ổ trứng. Có sắc “đốm trắng” của con gà mái mơ hoa. Có “lông óng như màu nắng” của con gà mái vàng. Cấu trúc song hành đối xứng, chữ “này” điệp lại hai lần: “Này con gà mái mơ... Này con gà mái vàng...”. Ta cảm thấy tay bà, tay cháu đang chỉ, đang đếm những con gà mái tìm mồi trong sân nhà, vườn nhà thân thuộc...


Nghe tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ, người lính lại bồi hồi nhớ lại bao kỉ niệm về bà. Quên sao được “tiếng mắng” của bà vì tội cháu nhìn gà đẻ. Sợ bị lang mặt: “Cháu về lấy gương soi - Lòng dại thơ lo lắng”. Cháu nhớ mãi hình ảnh “tay bà khum soi trứng...”. Bà tần tảo “chắt chiu” từng quả trứng hồng “ cho con gà mái ấp”. Là cháu nhớ tới bao nỗi lo, bao niềm mong ước của bà với tình thương bao la:


“Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới”


Cái hay của thơ Xuân Quỳnh có lúc là ở những chi tiết nghệ thuật, tuy rất bình dị mà sống động nên thơ. Đó là cái “ổ rơm hồng những trứng “, là hình ảnh “tay bà khum soi trứng. Đó là tiếng “sột soạt” của bộ quần áo mới:


“Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quết đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt”


Tục ngữ có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Cháu có bao giờ quên được cái quần chéo go, cái áo chúc bâu ngày xưa bà mua cho sau mỗi lần bán gà. Tình thương cháu của bà đã tạo nên hạnh phúc tuổi thơ. Trang thơ nữ sĩ đã đi vào mạch sống đời thường một cách dung dị hồn nhiên. Từ liên tưởng, nữ sĩ chuyển sang suy tưởng. Lần thứ tư câu thơ “Tiếng gà trưa” lại cất lên. Tiếng gà gọi về những giấc mơ tuổi thơ của người lính trẻ:


“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng”


Tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó nhắc nhở, nó lay gọi bao tình cảm đẹp dâng lên trong lòng người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận thời chống Mĩ cứu nước:


“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”


Bài thơ “Tiếng gà trưa” có 3 câu thơ hay nhất, đẹp nhất: “Ổ rơm hồng những trứng” , “Giấc ngủ hồng sắc trứng”, “Ổ trứng hồng tuổi thơ”. Tất cả đều nói về niềm vui hạnh phúc. Chữ “hồng” là tính từ, làm chức năng vị ngữ, hình tượng thơ vừa đẹp, vừa biểu cảm. Hơn 60 năm về trước, trong làn nắng mới và âm thanh đồng quê “xao xác gà trưa gáy não nùng “, thi sĩ Lưu Trọng Lư “rượi buồn” nhớ về tuổi thơ, nhớ “nét cười đen nhánh”, nhớ màu áo đỏ của mẹ hiền nay người đã đi xa.


Bằng Việt trong những năm du học ở nước ngoài, nhìn ngọn khói con tàu quê người, lại da diết nhớ về tuổi thơ, nhớ tiếng chim tu hú, nhớ bà, nhớ bếp lửa “ấp iu nồng đượm” do tay bà nhen nhóm sớm hôm. Trong bài thơ của Xuân Quỳnh, nghe tiếng gà trưa, người chiến sĩ lại nhớ bà, nhớ ổ trứng hồng tuổi thơ.


Xuân Quỳnh đã tìm được một cách nói mới về kỉ niệm tuổi thơ, về tình bà cháu chan hòa trong tình yêu quê hương đất nước. “Tiếng gà trưa” là một bài thơ hay, tha thiết ngọt ngào. Tiếng gà trưa cũng là tiếng vọng của quê hương, là tình hậu phương của anh bộ đội trong kháng chiến chống Mĩ. Rất thơ và rất đẹp.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0