Bài văn phân tích bài thơ "Nói với con" của Y Phương số 11 - 12 Bài văn phân tích bài thơ "Nói với con" của Y Phương hay nhất
Chắc hẳn trong trái tim mỗi người con yêu nước luôn có hình ảnh quê hương. Quê hương đã in đậm và trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng ta. Viết về đề tài này, nhà thơ Y Phương đã bày tỏ những tình cảm của mìnhđối với quê hương qua lời tâm tình với con trong bài thơ "Nói với ...
Chắc hẳn trong trái tim mỗi người con yêu nước luôn có hình ảnh quê hương. Quê hương đã in đậm và trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng ta. Viết về đề tài này, nhà thơ Y Phương đã bày tỏ những tình cảm của mìnhđối với quê hương qua lời tâm tình với con trong bài thơ "Nói với con".
Y Phương là người con dân tộc Tày, sinh ra ở tỉnh Cao Bằng. Bài thơ "Nói với con" được ông sáng tác năm 1980 trong hoàn cảnh: "Những năm cuối bảy mươi đầu tám mươi của thế kỷ hai mươi, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng, vô cùng khó khăn thiếu thốn. Bởi vì đất nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mĩ lâu dài và cực kì gian khổ.
Hiện thực xã hội ấy đã tác động sâu sắc đến đời sống con người. Đại bộ phận nhân dân ta vẫn kiên trì khắc phục và tìm mọi cách để vượt qua để duy trì đời sống. Họ vẫn tồn tại và không ngừng sinh trưởng là không phải nhờ vào phép màu của lực lượng siêu nhiên nào mà chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần của truyền thống văn hóa từ ngàn đời mà ông cha để lại....
Bên cạnh cái tốt của những người làm ăn lương thiện, không ít những con người bị tha hóa biến chất. Họ buôn gian bán lận, lợi dụng kẽ hở của nhà nước móc nối làm ăn phi pháp...Từ hiện thực khó khăn ngày ấy, tôi làm bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời là để nhắc nhở con cái sau này" (Y Phương). Nhà thơ đã vẽ nên khung cảnh gia đình hạnh phúc, đầm ấm có cha mẹ và tiếng cười đùa của con trẻ:
"Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười"
Đó là một tổ ấm tràn ngập tình yêu thương.Bức tranh gia đình trở nên ấm áp, tươi vui hơn khi có sự xuất hiện của trẻ thơ.Đứa trẻ là sự kết tinh tình yêu của cha và mẹ. Sự khôn lớn của con cái luôn là niềm hạnh phúc của những bậc sinh thành. Đứa con là niềm tự hào của cha mẹ, là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của họ.
Bốn câu thơ đầu là hình ảnh đứa trẻ đang tập đi những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.Chắc hẳn khi chứng kiến cảnh tượng đó, cha mẹ là người vui lòng nhất nhưng cũng là người xúc động nhất. Bởi họ vui khi đứa con của mình có thể tự bước đi trên con đường đời phía trước nhưng cũng không khỏi lo lắng, xót xa khi đứa trẻ vấp ngã, trầy xước vì con đường đời không hề bằng phẳng.
"Tiếng nói", "tiếng cười" chính là đích đến, là sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của cha mẹ dành cho con. Đứa con không chỉ được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ mà còn được nuôi dưỡng bởi tình yêu của "người đồng mình":
"Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát"
"Người đồng mình" là cách nói giản dị, mộc mạc của người dân tộc. Cụm từ này dùng để chỉ những con người cùng chung vùng miền, mở rộng ra là những người cùng quê hương, tổ quốc. Đứa trẻ không những được lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự giáo dục của cha mẹ, gia đình mà nó còn được lớn lên trong sự thân thuộc, nghĩa tình của những người xung quanh, những người làng xóm tốt bụng.
Họ chung sống như một gia đình lớn, "tối lửa tắt đèn" có nhau, luôn giúp đỡ nhau những khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Cuộc sống của họ gắn bó với núi rừng, thiên nhiên. Họ cần cù lao động với những công việc như đan nan tre vót tròn để làm dụng cụ bắt cá và dùng nhiều tấm ván, gỗ dựng chắc sát nhau thành vách nhà.
Các động từ "đan", "cài", "ken" đã giúp bạn đọc thấy được đó là những công việc tỉ mỉ và cần rất nhiều sự khéo léo. "Người đồng mình" vất vả với công việc nhưng cuộc sống của họ không nhàm chán, ngược lại, họ rất yêu cuộc sống, yêu lao động bởi họ biết dùng câu hát để khơi dậy tinh thần lạc quan của mình. Tiếng hát giúp cuộc sống của họ có thêm nhiều màu sắc và giúp tâm hồn họ trở nên phong phú hơn.
Dù được sinh ra trên bất cứ mảnh đất nào thì mỗi chúng ta đều không được phép lãng quên quê hương của mình. Y Phương đã truyền đạt bài học đó đến đứa con thân yêu qua lời thơ giản dị:
"Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng"
Ngoài việc cung cấp gỗ và các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của con người, núi rừng thơ mộng của quê hương còn "cho hoa". "Hoa" là sự kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên,tạo vật. Những bông hoa của núi đồi mang một sắc thái riêng biệt và khác lạ bởi chúng được kết tinh từ những vùng đất đầy sỏi đá.
Con đường quê hương có thể gồ ghề, không được bằng phẳng nhưng chứa đựng biết bao ân tình, bao tấm lòng nhân hậu của những người đồng bào. Đó là con đường dẫn vào bản, con đường đến trường, con đường ra suối, lên nương,....Tất cả những con đường ấy đều có bước chân, tiếng nói và tình đoàn kết của "người đồng mình".
Quê hương có cả vẻ đẹp của thiên nhiên và tấm lòng của con người. Chẳng vậy mà nhà thơ đã nói với con rằng: "Người đồng mình yêu lắm con ơi". Quê hương chính là cội nguồn, là nơi bao bọc, chở che đứa trẻ.Đó là điểm tựa tinh thần vững chắc để đứa trẻ ấy vững bước trên đường đời. Sự ra đời của con là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ:
"Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời".
Ngày cưới là ngày trọng đại nhất đối với mỗi con người. Và nó sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi tình yêu đôi lứa được bắt nguồn từ tình yêu quê hương.Người con được sinh ra và lớn lên từ chính tình yêu của bố mẹ và sự nghĩa tình của mảnh đất quê hương. Quê hương được tạo nên bởi những con người giàu ý chí, nghị lực:
"Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc"
"Người đồng mình" có những đức tính thật đáng quý.Dù cuộc sống của họcó nghèo đói, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng họ luôn giữ vững một lòng quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc.Họ vẫn sống bền bỉ, gắn bó tha thiết với quê hương dù quê hương còn đói nghèo.Nghệ thuật đối lập ở các từ "cao đo"-"xa nuôi", "nỗi buồn"-"chí lớn" đã giúp người đọc thấy được sức sống kiên cường của con người nơi đây.
Tác giả lấy sự từng trải, nỗi buồn để mang đo với độ cao và lấy chí lớn để đo độ xa. Sống giữa nghèo đói, thác ghềnh nhưng họ không nhụt chí trước hoàn cảnh, ngược lại họ còn dốc hết sức mình, "không lo cực nhọc" để khắc phục những điều đó. Những đức tính đó cũng là đức tính mà người cha muốn con mình có được trong quá trình rèn luyện.
"Đá gập ghềnh", "thung nghèo đói", "lên thác xuống ghềnh" là những hình ảnh ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn được kết hợp với điệp từ "không chê" đã thể hiện thái độ chấp nhận và sự kiên gan bền chí vượt qua mọi khó khăn của người dân nơi đây. Phép so sánh "sống như sông như suối" đã giúp người con và chúng ta thấy được sức sống mãnh liệt của họ.
Lời nhắn nhủ của người cha dành cho con ở bốn câu thơ tiếp theo dường như trầm lắng, sâu sắc hơn:
"Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục"
Tuy "thô sơ da thịt" nhưng "người đồng mình" lại không hề yếu ớt, nhỏ bé. Họ mang vẻ đẹp ngoại hình bình dị mà chân chất, mộc mạc.Tâm hồn họ luôn hướng đến quê hương, họ sẵn sàng "đục đá", làm những công việc nặng nhọc để dựng xây quê hương phát triển.
Lòng tự hào dân tộc, sự khéo léo, đức tính cần cù của họ đã làm nên những phong tục tập quán tốt đẹp mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Nếu là những con người nhỏ bé, không có sức mạnh thì chắc hẳn họ đã không làm được những điều đó. Khép lại bài thơ là dặn dò thấm thía của người cha dành cho đứa con thân yêu:
"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con".
Người cha muốn con mình sống gắn bó, thủy chung, nghĩa tình với quê hương, biết vượt qua những gian khó bằng ý chí, nghị lực và sức mạnh của bản thân. Con không được phép quên đi nguồn cội, quê hương của mình vì chính quê hương là cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành. Cha mẹ, những người dân quê hương và những truyền thống quý báu của dân tộc sẽ là những người đồng hành cùng con trong cuộc đời.
Người cha mong con có thể giữ cho bản thân những đức tính quý giá của "người đồng mình", ngoại hình tuy có nhỏ bé nhưng tinh thần, tâm hồn nhất định không được nhỏ bé, lùi bước trước gian nan. Bởi cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, con đường đời có muôn ngàn những chông gai, thử thách.
Bằng những lời thơ giản dị như lời tâm sự của cha dành cho con và các hình ảnh thơ giàu sức gợi, "Nói với con" của Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống tốt đẹp và sức sống mạnh mẽ của quê hương. Ông cũng muốn nhắn gửi đến con về lòng tự tôn dân tộc. Đồng thời bài thơ cũng giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết về cuộc sống và vẻ đẹp của những người con dân tộc miền núi.