Bài văn phân tích bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê" số 2 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê" của Hạ Tri Chương
Cùng nói về chủ đề nhớ quê hương, Lí Bạch trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh với giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía cho người đọc thấy tình cảm của người con thấy trăng mà nhớ về quê hương. Còn trong bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương lại đem đến cho người đọc những cảm ...
Cùng nói về chủ đề nhớ quê hương, Lí Bạch trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh với giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía cho người đọc thấy tình cảm của người con thấy trăng mà nhớ về quê hương. Còn trong bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương lại đem đến cho người đọc những cảm xúc, tình cảm mới mẻ, đặc sắc riêng.
Tác phẩm được ông viết sau hơn năm mươi năm xa cách quê hương, cho đến những ngày cuối đời, ông từ quan trở về quê nhà. Hồi hương ngẫu thư bao gồm hai bài thơ, bài được trích trong sách là bài thơ thứ nhất. Tác phẩm không chỉ thể hiện tình yêu quê hương tha thiết mà còn thể hiện nỗi xót xa, ngậm ngùi khi trở về quê nhà.
Hai câu thơ đầu nêu lên hoàn cảnh về quê: “Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải mấm mao tồi”. Câu thơ là kể mà thực chất là để bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng: khi đi tuổi trẻ, cống hiến hết sức mình cho đất nước, khi trở về đã là ông lão râu tóc bạc trắng. Nghệ thuật đối lập: thiếu tiểu – lão đại, li gia – hồi càng khiến nỗi xót xa trở nên đậm nét hơn. Nửa đời người ông đã xa quê hương, nay trở về thời gian được sống, được gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn còn lại vô cùng ngắn ngủi. Bởi vậy câu thơ vang lên như một lời thở than đầy ngậm ngùi.
Câu thơ thứ hai thể hiện rõ nhất tình yêu quê hương của ông. Câu thơ này ông tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: hương âm – mấm mao, vô cải – tồi. Bao trùm lên toàn bộ câu thơ là sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay. Thời gian có thể làm thay đổi ngoại hình, diện mạo, sức khỏe, tuổi tác của một con người nhưng không thể làm mất đi hồn cốt quê hương trong con người ấy. Hạ Tri Chương cũng như vậy, dù nửa đời người phải xa cách quê hương, mái tóc đã pha sương nhưng có một thứ duy nhất không thay đổi, chính là giọng quê. Tác giả đã lấy cái thay đổi để làm nổi bật lên cái không thay đổi, từ đó khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt, bền chặt cuả mình với quê hương. Hai câu thơ cuối tạo ra tình huống bi hài:
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
Xa quê đã lâu ngày, trẻ con nhìn thấy không chào cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù thế, rơi vào tình huống đó lòng ông cũng không khỏi ngậm ngùi, chua xót. Câu thơ phảng phất nỗi buồn sau nụ cười đùa vui, hóm hỉnh.
Ta có thể thấy sự chuyển đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau khá rõ nét. Nếu như hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn. Dấu ấn thời gian in đậm nét trong các câu thơ, mọi thứ đều thay đổi duy chỉ có giọng quê là vẫn giữa nguyên. Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương. Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương.
Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm.
Với lớp ngôn từ vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liên và đáng trân trọng.