Bài văn phân tích bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà số 4 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà hay nhất
Tản Đà là tài năng văn học lớn của Việt Nam, ông là gạch nối giữa văn học trung đại và hiện đại. Muốn làm thằng cuội thể hiện tâm trạng chán nản, bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li vào thế giới mộng tưởng của tác giả. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện những cách tân ...
Tản Đà là tài năng văn học lớn của Việt Nam, ông là gạch nối giữa văn học trung đại và hiện đại. Muốn làm thằng cuội thể hiện tâm trạng chán nản, bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li vào thế giới mộng tưởng của tác giả. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện những cách tân mới mẻ, táo bạo trong sáng tác của ông.
Nhan đề bài thơ vô cùng đặc sắc, tác giả sử dụng từ "muốn" thể hiện khát khao chuyển đổi không gian sống và muốn hóa thân thành người khác, cụ thể ở đây là thành chú Cuội. Ngay từ nhan đề đã cho thấy cái tôi ngông nghênh và đa tình của nhà thơ. Một ước muốn xa vời nhưng hết sức thực tế vì tác giả muốn thoát khỏi thực tại tầm thường, thấp kém.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Thực tại tầm thường, giả dối tác giả không biết tâm sự cùng ai đành tìm đến chị Hằng để giãi bày nỗi lòng của mình. Điều đó cho thấy sự cô đơn, lạc lõng của ông giữa cuộc đời. Đêm thu - thời điểm khơi gợi nỗi buồn trong những tâm hồn nhạy cảm - bởi vậy cõi lòng nhà thơ càng trở nên trống trải, cô đơn hơn.
Không chỉ buồn, sầu, cô đơn Tản Đà còn gửi cả vào câu thơ sự chán chường với cuộc đời. Ở câu thơ tác giả đã thể hiện trực tiếp cái cô đơn của bản thân, điều này vốn rất ít khi được thể hiện trong văn học trung đại. Tản Đà đã phá vỡ quy tắc của thơ ca cổ điển, thể hiện trực tiếp tình cảm cá nhân, đây chính là điểm mới mẻ trong thơ ông.
Chính bởi cuộc sống tầm thường nên tác giả có ao ước được thoát li cuộc đời trần thế. Cách thoát li thực tế của Tản Đà hết sức đặc biệt: muốn lên cung trăng làm bạn với chị Hằng. Câu hỏi thăm dò dường như chỉ là cái cớ: Cung quế đã ai ngồi đó chửa?, không chần chờ, không đợi câu trả lời của chị Hằng, ông đã đề nghị: "Cành đa xin chị nhắc lên chơi". Cuộc đối thoại trong mộng tưởng của Tản Đà thật thơ mộng và tình tứ. Đồng thời thể hiện cái tôi ngông ngạo của ông.
Đẩy trí tưởng tượng của mình đi xa hơn một bước, tác giả tưởng tượng cảnh mình được ngồi ở cung quế trò chuyện vui đùa cùng chị Hằng. Nơi ấy tác giả thoát khỏi nỗi sầu, nỗi cô đơn vì đã có chị Hằng làm bạn: "Có bầu có bạn can chi tủi/ Cùng gió, cùng mây thế mới vui". Những hình ảnh gió mây làm cho tâm hồn tác giả càng thêm bay bổng, lãng mạn hơn. Cái ngông của Tản Đà được thể hiện trong nguyện ước được thả hồn cùng gió mây để ngao du trong trời đất.
Hai câu thơ cuối thể hiện nguyện ước được mãi mãi ở nơi cung quế của tác giả. Các chữ "cứ mỗi năm" diễn tả dòng thời gian lặp đi lặp lại thể hiện mơ ước không muốn rời xa nơi đây. Và ở cung quê ông cùng chị Hằng "Tựa nhau trông xuống thế gian cười", nụ cười của ông có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa: cười bởi không thể thỏa mãn được khát vọng thoát li, xa lánh cõi trần gian hay cười vì mỉa mai, khinh bỉ cõi đời xô bồ, đen tối, ngột ngạt. Dù hiểu theo cách nào thì đó cũng thể hiện nỗi sầu của kẻ chán ghét và muốn thoát li thực tại.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, tuân thủ quy tắc về niêm luật nhưng không công thức, gò bó. Ý thơ phóng khoáng, tự do, bay bổng, mang đậm dấu ấn cá nhân. Thủ pháp đối lập cũng được vận dụng tài tình.
Qua bài thơ, Tản Đà đã gửi gắm nỗi niềm tâm sự của một người bất hòa sâu sắc với thực tại xã hội lúc bấy giờ, mong muốn thoát li vào cõi mộng tưởng. Bài thơ hấp dẫn ở giọng thơ ngông ngạo, trí tưởng tượng phong phú, cảm xúc mãnh liệt, bay bổng lại cũng vô cùng thiết tha, sâu lắng.