Bài văn phân tích bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh số 9 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh hay nhất
Trăng là một đề tài vô cùng quen thuộc trong các áng thơ văn xưa, hình ảnh ánh trăng đã xuất hiện trong nhiều trang thơ với những sắc thái khác nhau, nhằm biểu đạt cho những tư tưởng, tâm trạng của thi nhân. Cũng viết về trăng, Hồ Chí Minh đã thổi hồn vào hình ảnh ánh trăng vào ...
Trăng là một đề tài vô cùng quen thuộc trong các áng thơ văn xưa, hình ảnh ánh trăng đã xuất hiện trong nhiều trang thơ với những sắc thái khác nhau, nhằm biểu đạt cho những tư tưởng, tâm trạng của thi nhân. Cũng viết về trăng, Hồ Chí Minh đã thổi hồn vào hình ảnh ánh trăng vào khoảnh khắc ban đêm vô cùng sinh động và chân thực, thể hiện rõ nét qua bài thơ Cảnh khuya.
Cảnh khuya được Hồ Chí Minh sáng tác năm 1948, đây là giai đoạn khá đặc biệt của lịch sử dân tộc, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt, dữ dội.Lúc này, với tư cách của vị lãnh tụ cách mạng, Bác Hồ đã có khoảng thời gian sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, và tại đây Bác đã sáng tác bài thơ Cảnh khuya:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Trong hai câu thơ mở đầu, Hồ Chí Minh đã tái hiện lại khung cảnh thiên nhiên tuyệt sắc sống động cả về âm thanh, hình ảnh, đường nét. Khung cảnh đêm trăng tại núi rừng Việt Bắc hiện ra với âm thanh của tiếng suối. Trong đêm, tiếng suối chảy vọng lại khiến cho Bác có một liên tưởng vô cùng độc đáo, đó chính là sự cảm nhận tiếng suối với tiếng hát xa.
Viết về trăng,Nguyễn Trãi trong bài Côn Sơn ca cũng đã từng so sánh tiếng suối với tiếng đàn cầm, đây cũng là sự gặp gỡ của hai thế hệ nhà thơ:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Tiếng suối là âm thanh của tự nhiên, được tạo nên bởi nước rơi vào những phiến đá,còn tiếng hát xa lại là âm thanh phát ra bởi những người nghệ sĩ tài hoa. Như vậy, ta có thể thấy sự so sánh tiếng suối với tiếng hát xa là vô cùng độc đáo, Bác đã tạo ra sự kết nối giữa thiên nhiên và con người. Hình ảnh cũng vô cùng sống động với hình ảnh của ánh trăng đêm soi rọi xuống cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ đổ lên những khóm hoa tạo ra một hình ảnh vô cùng độc đáo.
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Nếu như hai câu thơ trên thể hiện được cảm quan của người nghệ sĩ rung động trước cảnh đẹp của đêm trăng thì hai câu thơ sau lại gợi mở ra bức tranh tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng khi hướng nỗi lo của mình về vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Cảnh khuya tuyệt mĩ nơi núi rừng như càng khắc họa sâu thêm hình ảnh của một con người đang trằn trọc, suy tư.
Đến đây, bức chân dung tự họa Hồ Chí Minh đã hiện lên sống động trước mắt người đọc, trong không gian đêm khuya nhưng người vẫn chưa thể ngủ mà thao thức khi nghĩ về tương lai của cuộc cách mạng, tương lai tự do, độc lập của tổ quốc. Câu thơ không chỉ gợi ra hình ảnh thật đẹp của vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân mà còn thể hiện được tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong đêm trăng tuyệt đẹp.
Như vậy, bài thơ Cảnh khuya đã được Hồ Chí Minh tái hiện một cách chân thực và sống động bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, và phía sau bức tranh ấy chính là bức tranh tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng.Qua những suy tư, trăn trở ta lại thấy được vẻ đẹp tâm hồn của một con người hết lòng vì nước, vì dân.