31/03/2021, 15:33

Bài văn nghị luận xã hội về sự gian lận trong thi cử số 10 - 10 Bài văn nghị luận xã hội về sự gian lận trong thi cử (lớp 9) hay nhất

Tổng thống Mandela từng nói rằng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi”. Gian lận trong thi cử ở bất cứ thời đại nào, hay quốc gia nào cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ và cách xử lí hiện trạng. Ngày nay, hiện tượng ...

Tổng thống Mandela từng nói rằng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi”. Gian lận trong thi cử ở bất cứ thời đại nào, hay quốc gia nào cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ và cách xử lí hiện trạng. Ngày nay, hiện tượng ấy đang có xu hướng lan nhanh trong đối tượng học sinh các cấp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến mức cần báo động.


Gian lận trong là hiện tượng học sinh thiếu trung thực trong thi cử, biểu hiện ở hành vi quay cóp trong giờ kiểm tra bằng mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi. Trước giờ kiểm tra, học sinh chuẩn bị hàng loạt phao phô-tô thu nhỏ giấu trong người. Họ chờ đến thời điểm giám thị hoặc giáo viên không để ý rồi mang ra dùng. Có những hôm kiểm tra đột xuất, học sinh không chuẩn bị được “phao”, lúc ấy đành phải dùng đến sách vở, lén lút để trong ngăn bàn, thi thoảng liếc xuống. Một vài bạn không dùng phao, không mở sách vở thì ghi tài liệu ra bàn, ra những chỗ xung quanh ít khi thầy cô giáo để ý.


Tinh vi hơn, một số người còn trao đổi đáp án bằng máy tính bỏ túi, dán tài liệu thu nhỏ bằng loại keo đặc biệt vào thước, sử dụng điện thoại để tra từ điển, tra google… Nếu không tự gian lận được thì các bạn nhìn bài của nhau, đọc bài cho nhau chép, ném giấy, làm hộ… Tất cả các hành vi trên đều được cho là gian lận, thiếu trung thực trong kiểm tra và thi cử. Nghiêm trọng hơn nữa, những hành vi đó không chỉ diễn ra ở một vài học sinh cá biệt mà là một thực trạng diễn ra từng ngày từng giờ, ở từng lớp, từng trường…


Tình trạng đó ngày ngày tái diễn trước mắt chúng ta trở thành những chuyện “đương nhiên”, chuyện “quá bình thường”. Một số bạn còn quan niệm rằng đã là học sinh thì phải biết quay cóp, gian lận, không như thế sẽ không thể hiện được bản lĩnh cá nhân. Với những suy nghĩ tiêu cực như vậy, người lớn cũng như những người quan tâm đến giáo dục đau lòng vô cùng. Chúng ta xót xa khi nhìn thấy một màu trắng xóa của những mẩu “phao” thu nhỏ trên sân trường sau những kì thi. Chúng ta phẫn nộ khi chứng kiến càng ngày những thủ đoạn gian lận càng trở nên tinh vi. Chúng ta thất vọng vì sự thật gần như 100% học sinh phổ thông thừa nhận đã từng gian lận trong kiểm tra thi cử, không nhiều thì ít.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay. Trước hết phải kể đến nguyên nhân chủ quan đến từ phía bản thân học sinh. Học sinh ngày nay lười học, không chịu học bài cũ, đọc lại bài ở nhà, đến lúc kiểm tra mới cuống quýt sử dụng tài liệu. Tuy vậy, vẫn có những người vô tình không học bài, chấp nhận bị điểm kém, nhưng đó là bộ phận rất nhỏ. Đại bộ phận đều không dũng cảm làm vậy. Ai cũng muốn được điểm cao, điểm tốt, để không thua kém bạn bè, để không bị bố mẹ trách phạt. Với suy nghĩ như vậy, học sinh đi học nếu không học bài thì nhất định phải làm đủ mọi cách để đạt điểm số cao. Không kể có những trường hợp cố tình không học bài, yên tâm bên mình lúc nào cũng có tài liệu trợ giúp, một lần trót lọt không bị bắt là lần sau sẵn sàng làm tiếp.


Họ nghĩ rằng học làm gì cho mất công mất sức, cứ như vậy điểm của mình còn cao hơn khối đứa mất công học trước. Ta cũng không thể không kể đến nguyên nhân khách quan. Cũng là vì áp lực từ phía gia đình, phía nhà trường và thầy cô. Con cái có đạt điểm cao, điều đó mới thể hiện là con mình giỏi, con mình khá. Không đạt điểm cao tức là con mình dốt, là không bằng bạn bằng bè… Một phần cũng là từ phía giám thị coi thi. Căn bệnh rất cũ của xã hội là bệnh thành tích, nên một số giám thị còn cố tình coi thi dễ dãi, thậm chí còn cả những trường hợp làm bài hộ và nhắc bài… Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến thực trạng đau lòng và nhức nhối này.


Bởi gian lận trong thi cử cho nên, chất lượng giáo dục ngày càng thấp kém, học sinh ngày càng hư hỏng, tình trạng vô cảm, vô đạo đức ngày càng phổ biến trong xã hội. Học sinh lười học, chỉ mong chờ vào sự gian lận để có kết quả học tập cao. Như thế, không những đạo đức ngày càng yếu kém mà tri thức thu nhập được chẳng có bao nhiêu. Khi bước ra cuộc sống, nhờ sự gian lận mà học sinh có được vị trí làm việc tốt. Hiển nhiên, con người ấy chẳng làm được điều gì tốt đẹp cho cuộc sống. Ngu dốt mà tham vọng là ngọn lửa phá hoại khủng khiếp nhất đối với con người.


Gian lận trong thi cử khiến cho hoạt động thi cử thiếu trung thực và công bằng, gây tâm lí bất mãn đối với những học sinh khác. Từ sự bất mãn đó, khiến học sinh không còn tin tưởng vào hệ thống giáo dục, buông bỏ việc học. Phải có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng này. Trước hết, về phía mỗi cá nhân chúng ta hãy chuẩn bị những kiến thức vững vàng, tự tin vượt qua mọi kì thi, kì kiểm tra. Ta cũng hãy tập chấp nhận, nhìn thẳng vào sự thật, có thất bại thì lần sau ta mới có thành công. Còn về phía nhà trường, hãy đề ra những biện pháp thích hợp, xử lí kỉ luật nghiêm khắc, gương mẫu để đủ sức răn đe; mặt khác cũng cần phải kiên quyết nói không với bệnh thành tích.


Ngoài ra, phía gia đình cũng không nên quá kì vọng và gây áp lực nặng nề đối với con em mình, bố mẹ phải biết lượng sức của con cái để đưa ra những yêu cầu phù hợp… Học sinh đừng gian dối nữa. Người lớn đừng vô tâm, vô cảm nữa. Hãy chung tay ngăn chặn hiện tượng gian lận trong thi cử, khôi phục ý chí học tập và tinh thần trách nhiệm ở mỗi học sinh để nuôi dưỡng những mầm xanh tương lai đất nước.


Trung thực là bông hoa đẹp nhất trong khu vườn nhân cách, là đức tính quý báu mà học sinh chúng ta cần phải rèn luyện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Muốn vậy, trước hết chúng ta hãy tự giác chấp hành đúng những quy định trong giờ kiểm tra. Giá trị đích thực của tri thức luôn luôn chiến thắng và đó chính là thước đo nhân cách của mỗi chúng ta

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0