Bài văn nghị luận về tác hại của tính đố kị số 8 - 10 Bài văn nghị luận về tác hại của tính đố kị (lớp 9) hay nhất
Có ai đó đã từng nói rằng: “Sự cao cả là ở chỗ không cảm thấy ghen tị khi nhìn những người khác đạt được những thành công mà bản thân mình khao khát”. Nhưng trong cuộc sống, con người dường như khó có thể làm được điều ấy. Đôi khi, lòng đố kị đã chiếm lĩnh suy nghĩ của con người. ...
Có ai đó đã từng nói rằng: “Sự cao cả là ở chỗ không cảm thấy ghen tị khi nhìn những người khác đạt được những thành công mà bản thân mình khao khát”. Nhưng trong cuộc sống, con người dường như khó có thể làm được điều ấy.
Đôi khi, lòng đố kị đã chiếm lĩnh suy nghĩ của con người. Trước tiên, đố kị là thái độ ghen ghét, không hài lòng hoặc thậm chí là có những suy nghĩ, hành động bài trừ với những thành công trong cuộc sống của người khác. Một người cảm thấy đố kị với người khác đa phần là do họ có được những thứ mà người đó không có được. Sự đố kị không chỉ xuất hiện trong suy nghĩ của con người mà còn được biểu hiện qua lời nói và hành động của người đó. Ông cha ta đã có những câu như “Ghen ăn tức ở”, “Con gà tức nhau tiếng gáy”... để nói về sự đố kị.
Biểu hiện của lòng đố kị rất dễ thấy trong cuộc sống hằng ngày. Trong một lớp học, nếu thấy bạn của mình thi được điểm cao hơn, liền cảm thấy ghen tức rồi không công nhận năng lực của bạn. Trong một công ty, nếu thấy đồng nghiệp giỏi giang hơn mình thì tìm cách nói xấu, hãm hại họ. Hoặc ngay trong một gia đình, khi tình cảm của bố mẹ với những đứa con của mình có sự chênh lệch, chắc chắn giữa những đứa con cũng có sự đố kị…
Đây là “một đức tính” không tốt đẹp của con người. Khi bạn luôn đố kị với người khác, có nghĩa là bạn luôn so sánh bản thân mình với họ. Cuộc sống như vậy sẽ rất mệt mỏi, lâu dần rất có thể sẽ nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực như trầm cảm. Người mang tâm lý đố kị sẽ khó có thể thành công. Đồng thời những phẩm chất tốt đẹp sẽ bị lu mờ, mà càng ngày càng trở nên “xấu xí” hơn. Họ cũng dễ bị những lợi ích làm mờ mắt mà không có được hành động sáng suốt, không thể nhìn xa trông rộng mà càng ngày càng đi vào lối mòn.
Trái lại nếu chúng ta biết hài lòng với cuộc sống của bản thân, biết đồng cảm và chia sẻ với những người xung quanh. Khi thấy người khác giỏi giang, thành công hơn nhưng không ghen ghét mà coi đó như một tấm gương, một động lực để phấn đấu. Thì chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Đặc biệt là thành công sẽ tìm đến khi mỗi người biết tự mình nỗ lực.
Khi còn là một học sinh, việc tu dưỡng đạo đức để giữa được một tâm hồn trong sáng. Đồng thời bản thân cần nhận thức được rằng con người luôn không hoàn hảo. Ai cũng đều có một điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đừng so sánh bản thân với người khác. Chúng ta hãy biết cảm thông và chia sẻ với hạnh phúc mọi người. Cũng như cố gắng để cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi) - tấm lòng biết chia sẻ và yêu thương. Mỗi người hãy luôn rèn luyện đạo đức để tránh xa khỏi thói đố kị.