Bài văn nghị luận về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác số 10 - 10 Bài văn nghị luận về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác (lớp 9) hay nhất
Truyền thuyết kể rằng khi xưa khi Thượng Đế tạo ra loài người, sự thật tất cả những gì Ngài tạo ra là tốt. Một trong những điều tốt đẹp Thượng Đế làm ra là con người với quyền tự do lựa chọn điều tốt. Để con người có sự lựa chọn thật sự, Thượng Đế đã cho phép những điều khác bên cạnh ...
Truyền thuyết kể rằng khi xưa khi Thượng Đế tạo ra loài người, sự thật tất cả những gì Ngài tạo ra là tốt. Một trong những điều tốt đẹp Thượng Đế làm ra là con người với quyền tự do lựa chọn điều tốt. Để con người có sự lựa chọn thật sự, Thượng Đế đã cho phép những điều khác bên cạnh cái tốt để lựa chọn. Vì vậy, Thượng Đế cho phép các thiên sứ và con người tự do lựa chọn điều tốt hay từ chối điều tốt (điều ác). Khi một mối liên hệ xấu tồn tại giữa hai điều tốt, chúng ta gọi là xấu, nhưng nó không trở nên một "vật" mà bắt buộc Thượng Đế tạo ra nó. Không chỉ trong truyền thuyết con người kể lại, trong thực tế cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải đấu tranh để lựa chọn giữa “cái thiện” và “cái ác” để tìm ra chữ “người” trong phần “con” của chính mình- một cuộc đấu tranh không có hồi kết, ngay cả khi cuộc đời đã kết thúc.
“Cái thiện” là những điều tốt đẹp, những tâm hồn trong sáng, thiện lương không làm hại người khác. “Cái ác” là phần xấu xa, đen tối, những hành vi không tốt đẹp, có ý định làm hại đến người khác. Thực tế ngày nay, “cái thiện” và “cái ác” được thể hiện rõ qua những hành động, thái độ trong cuộc sống. “Cái thiện” luôn xuất hiện để giúp đỡ người khác, luôn quan tâm đến những người xung quanh mà không màng đến bản thân mình. “Cái ác” xuất hiện với sự toan tính, mưu mô, ý đồ xấu xa làm hại người khác. Chúng luôn xuất hiện song hành cùng nhau để thử thách con người, hóa thân thành những cám dỗ, những điều cần con người có bản lĩnh vững vàng để vượt qua.
Khi “cái thiện” xuất hiện dưới hình bóng thiện lương của tâm hồn con người, giúp đỡ những người xung quanh, quan tâm, chia sẻ, chăm sóc họ là khi cuộc sống ấm áp bình yên. Khi “cái ác” xuất hiện dưới bóng đen của tâm hồn con người khiến con người trở nên mụ mị, đầu óc đen tối, trở nên lạnh lùng, vô cảm trước tất cả, ấy là khi thế giới mất dần đi hơi ấm của tình người. Mỗi chúng ta luôn tồn tại hai phần “thiện-ác” đấu tranh mãnh liệt, dữ dội. Có khi chúng ta rơi nước mắt thương cảm cho một mảnh đời, một số phận khổ đau, cơ cực mà rung động chia sẻ, cảm thương. Nhưng cũng có khi chúng ta dửng dưng khi thấy người mình không cảm mến gặp nguy nan, mong muốn họ gặp trắc trở nhiều hơn thế… “Thiện-ác” đang đấu tranh giành giật trong bạn đó.
Về phần “cái thiện”, tâm hồn đem lại cho bạn sức sống, niềm cảm nhận, thương cảm của một con người. Một người có tâm hồn lương thiện, hay giúp đỡ những con người xung quanh mình, một tâm hồn đầy những rung động, đầy trắc ẩn luôn ấm áp, vui tươi. Lòng lương thiện, hướng thiện giúp con người đồng cảm, chia sẻ cùng nhau. Họ dễ cảm thông cho nhau những điều bình thường không thể. Tâm hồn dễ rung động của họ luôn nhìn thế giới với đôi mắt có hồn, một đôi mắt chan chứa yêu thương. Họ như những Thiên sứ được Thượng Đế phái xuống để đưa con người lại gần với niềm vui. Khi những Thiên sứ ấy xuất hiện, những người xa lạ vốn chẳng quen nhau cũng trở nên thân thiết lạ thường. Đồng bào ta tự hào là dòng máu con Lạc cháu Hồng, sinh ra từ bọc trăm trứng cùng mẹ Âu Cơ lưu lạc khắp ba miền Tổ Quốc. Ở đâu có đau khổ, ở đâu có khóc thương, luôn có tình yêu thương, lòng lương thiện hiện hữu. Có rất nhiều sự ủng hộ trên khắp cả nước để dành cho những con người có cảnh ngộ kém may mắn, cuộc sống khó khăn, hàng nghìn em nhỏ được cắp sách đến trường, những ngôi nhà vùng cao lần đầu tiên được thắp sáng đèn, căn nhà tình thương trở thành nơi che mưa che nắng cho biết bao mảnh đời đau thương… Đó là “cái thiện”. Mỗi hành động thiết thực để sẻ chia, lan tỏa yêu thương, sưởi ấm trái tim con người bằng chính tình người đều là tia sáng đẩy lùi bóng tối, khiến “cái ác” lùi ra xa. Con người đang dần tìm thấy chữ “Người” hoàn thiện của chính mình trong cuộc đời.
Còn về phần “cái ác”, chúng luôn xuất hiện như những con quỷ dữ lăm le ăn mòn tâm hồn con người. Chúng đưa con người đến bờ ực của tội lỗi, của đau thương. Chúng khiến con người dửng dưng lạnh lùng lướt qua những đau khổ của người khác, vô cảm với thế giới, với đồng loại của chính mình. Họ thậm chí còn có thể thẳng tay sát hại những sinh thể sống, có tâm hồn, có trái tim. Tên sát nhân máu lạnh giết người hàng loạt sẵn sàng giết một gia đình 6 người chỉ để lại một em nhỏ tại Bình Phước hay giết người cướp của không ghê tay của Lê Văn Luyện đều là hiện thân của cái ác, của con quỷ đen trong bóng tối con người. Nhưng “gieo nhân nào gặp quả nấy”, “kẻ ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời, trở lại rơi trên mình, như ngược gió tung bụi, bụi chẳng tới người, trở lại làm nhơ mình”, họ phải gánh chịu mức án để trả giá cho tội lỗi của mình kẻ tử tù, người chung thân.
Thực chất chúng ta không ai sinh ra với phần ác bên trong. Từ khi còn nhỏ, chúng ta luôn là những thiên thần bé nhỏ thiện lương, vô tư với đời. Khi lớn lên, cuộc sống mới trao cho ta thử thách để tiếp tục làm người, để bước vào cuộc sôngs. Muốn làm một con người hoàn thiện, chúng ta phải tự mình chiến thắng cái ác trong bản thân mình, để phần thiện lên ngôi nắm giữ tâm hồn thanh thản, thuần khiết của chính mình. Chúng ta từ lúc còn nhỏ nên học cách quan tâm đến mọi người xung quanh, không toan tính, so đo vụn vặt, luôn giữ được ý thức của bản thân, trở thành một người tâm thiện hoàn toàn.
“Thiện” và “ác” là những khía cạnh của cuộc sống. Vượt qua được sự cám dỗ của cái ác, đánh bại được dục vọng tầm thường kém cỏi của bản thân, chúng ta sẽ đến được với bến bờ hạnh phúc. “Này bạn ơi, đem bàn tay đặt lên trái tim, cảm nhận nhịp đập của nó. Nhấc đôi chân lên chạy theo nhịp đập, có thấy máu nóng trong người bạn đang tuôn chảy… Cuộc sống đấy, con người đấy!”