31/03/2021, 15:35

Bài văn giải thích câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" số 10 - 10 Bài văn giải thích câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" (lớp 7) hay nhất

Tinh thần tương thân tương ái là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Và điều đó được thể hiện qua câu: “Lá lành đùm lá rách”. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” gợi ra một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt của con người. Khi gói những chiếc bánh ...

Tinh thần tương thân tương ái là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Và điều đó được thể hiện qua câu: “Lá lành đùm lá rách”.


Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” gợi ra một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt của con người. Khi gói những chiếc bánh ta thường bọc nhiều lớp lá lên nhau. Lá rách ở trong, lá lành ở ngoài. Từ thực tế như vậy ta liên tưởng đến con người. “Lá lành” là tượng trưng cho người có cuộc sống vật chất đầy đủ, ấm no. Còn “lá rách” là tượng trưng cho những người có cảnh ngộ nghèo khổ, bất hạnh. Họ luôn cần đến sự giúp đỡ của những người có hoàn cảnh tốt đẹp hơn mình. Do vậy thương người như thể thương thân là lẽ tất yếu. Những người có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đầy đủ về vật chất cần giúp đỡ cho những người khó khăn, bất hạnh.


Có ai mà phải sống cô lập với xã hội. Chính vì vậy, họ luôn cần đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Dù “lành” hay “rách” cũng là “lá”, dù “giàu sang” hay “nghèo khó” cũng là con người. Đến những chiếc lá vô tri vô giác còn biết che chở cho nhau. Vậy thì con người sao không thể đùm bọc giúp đỡ nhau. Con người cần phải biết cảm thông, giúp đỡ nhau. Đó là cơ sở, là nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Giúp đỡ mọi người cũng là giúp đỡ chính bản thân.


Dù sống ở miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược hoặc là Việt kiều… thì tất cả đều chung dòng máu của người Việt Nam. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từng "hạt muối cắn đôi" với anh bộ đội Cụ Hồ trong thời chống Mĩ. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc là cơ sở của tình yêu nước. Qua đó, ta càng thấy trách nhiệm của mỗi người phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.


Dù là quá khứ hay hiện tại, trong chiến tranh hay khi đã hòa bình, dân tộc ta đều giữ lấy tấm lòng vàng bao bọc, cưu mang đồng bào. Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân ta đã thực hiện phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Ngày hôm nay, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh thì tinh thần ấy lại trỗi dậy mãnh liệt. Những điểm phát lương thực, thực phẩm, khẩu trang… miễn phí giúp đỡ người nghèo. Những món ăn đầy sáng tạo như bánh mì thanh long, bún dưa hấu… đã giúp đỡ bà con nông dân khi nông sản không thể xuất khẩu được. Tất cả đều thể hiện một tấm lòng tương thân tương ái của người Việt Nam. Bên cạnh đó còn một số kẻ sống thiếu lòng nhân ái, lợi dụng dịch bệnh để kiếm lợi cho bản thân. Họ là những người đáng phê phán.


Như vậy, câu tục ngữ nêu bật một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó là tấm lòng nhân ái bao la giữa con người với con người.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0