Bài văn chứng minh câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim" số 8 - 10 Bài văn chứng minh câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim" (lớp 7) hay nhất
Thật đúng đắn khi nói rằng những câu ca dao và tục ngữ của ông cha ta truyền miệng bấy lâu nay đã có những đóng góp to lớn, làm nên những tinh hoa trong nền văn học dân gian Việt Nam. Đó chính là những bài học kinh nghiệm sâu sắc, những đúc kết quý báu từ trong chính cuộc sống lao ...
Thật đúng đắn khi nói rằng những câu ca dao và tục ngữ của ông cha ta truyền miệng bấy lâu nay đã có những đóng góp to lớn, làm nên những tinh hoa trong nền văn học dân gian Việt Nam. Đó chính là những bài học kinh nghiệm sâu sắc, những đúc kết quý báu từ trong chính cuộc sống lao động vất vả thường ngày của người dân lao động đưa vào ca dao, vào tục ngữ cho có nhịp có vần, cho dễ nhớ, bởi hiếm ai có thời gian mà ghi chép lại. Từ thuở ấu thơ ta đã nghe bà nghe mẹ bao lần đọc ca dao, tục ngữ, cho ta những bài học đường đời đầu tiên thật sâu sắc. Và trong số đó tôi thích nhất câu tục ngữ: "Có công mài sắt có ngày nên kim", mà mẹ cứ dạy tôi mãi khi tôi còn tập viết.
Suốt cả câu tục ngữ: "Có công mài sắt, có ngày nên kim", là hình ảnh tả thực khá thú vị. Không biết các bạn liệu còn nhớ không, trong chương trình bậc tiểu học chúng ta đã từng học qua một câu chuyện về câu tục ngữ này. Người bà cầm cục sắt vừa thô vừa to đem mài vào hòn đá, người cháu thấy lạ nên hỏi, bà bảo chỉ cần kiên trì thì đá cũng thành kim khâu. Nhưng rõ ràng điều ấy là rất khó khăn, liệu phải bỏ ra bao nhiêu công sức thì cục sắt mới có thể thành một cái kim nhỏ xíu, luồn vừa sợi chỉ. Câu trả lời chính là cần rất nhiều thời gian, cần rất nhiều kiên nhẫn và người làm việc ấy hẳn là một người thực sự kiên trì và bền bỉ.
Như vậy thông qua hình ảnh tả thực đầy kỳ lạ, nhưng cũng dễ hình dung ta đã có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ. Điều chính yếu ở đây, không phải là khuyên con người ta cứ cầm cục sắt đi mài để thành kim, không ai làm như vậy cả. Mà thực chất câu nói nhằm hướng tới tầng nghĩa bóng, nói về lòng kiên trì của con người, đặc biệt khi làm một công việc cần sự tỉ mỉ thì lại càng phải biết kiên nhẫn chờ đợi kết quả, không được nóng vội. Thêm vào đó thành quả cái kim nhằm nhấn mạnh ý nghĩa chỉ cần con người có đủ kiên trì thì thử thách nào cũng sẽ vượt qua, khó khăn nào cũng chẳng thể làm ta lui bước.
Chính là như vậy, từ sắt thô mà còn thành được chiếc kim bóng loáng thì liệu có chuyện gì mà không thể hoàn thành? Nhưng ngược lại, các bạn đã thấy ai không có lòng kiên trì mà hoàn thành được công việc của mình một cách tốt nhất hay chưa? Riêng tôi, tôi khẳng định rằng, người không hiểu chữ "nhẫn" thì chẳng bao giờ làm được việc gì lớn cả. Chỉ lấy ví dụ rất đơn giản, đứa em trai của tôi đang học lớp 2 và chữ nó thì không thể gọi là đẹp được, lý do là vì hồi nhỏ nó rất lười nhác, chẳng bao giờ nó kiên nhẫn ngồi viết hết bài tập viết mà mẹ tôi giao cả. Thế đấy, các bạn xem chỉ cần nhẫn nại như Cao Bá Quát thôi, vốn ông là người có chữ viết xấu nổi danh "chữ như gà bới", vậy mà kiên trì tập luyện lại trở thành người viết chữ đẹp nổi tiếng cả vùng, được người đời truyền tụng đến bây giờ.
Câu tục ngữ với hình ảnh thực dân dã, dễ hiểu, nhưng lại bao hàm những ý nghĩa lớn, thể hiện được cái tinh hoa trong văn học Việt Nam. Đó là lời dạy thực sự bổ ích cho mỗi con người, mỗi tập thể và cả xã hội. Nhìn lại hơn 4000 năm văn hiến lịch sử, nhân dân ta đã từng nhẫn nhịn, từng kiên trì biết bao để chống lại bè lũ quân xâm lược phương Bắc rồi phương Tây. Để ngày hôm nay chúng ta có một cuộc sống an bình, tự do đến nhường này, đó chính là thành quả của sự nhẫn nại trong công cuộc cách mạng. Vậy nếu ngược lại, người không có sự kiên trì, bền bỉ thì họ sẽ ra sao? Trong Hán văn có một chữ gọi là chữ "nhẫn", bao gồm bộ "đao" đứng bên trên bộ "tâm", nói vui là nếu không nhẫn thì dao cứa vào tim, đau phải biết. Âu đây cũng là một ý vị sâu xa của người sáng tạo ra chữ, một chữ là cả bài học. Nếu không nhẫn nại thì chỉ "lợi bất cập hại", ta sẽ chẳng làm được việc gì thành công, rồi ta cứ mãi chìm trong thất bại, chán nản kéo dài.
Vậy suy ra muốn thành công thì việc đầu tiên chúng ta cần phải học chính là sự kiên trì, nhẫn nại, chúng ta nhẫn nại hơn người khác thì chúng ta đã gần với thành công hơn một bước rồi đấy các bạn ạ. Với lứa tuổi học sinh, chúng ta cần học tập với một tinh thần bền bỉ, kiên trì, bài tập toán giải một giờ không ra thì làm hai ba giờ, hai ba ngày cho đến khi ra mới thôi. Chữ xấu quá thì cố dành thời gian ngồi luyện viết, bớt chơi game, bớt đọc truyện một chút thôi thì thành quả ta nhận được hẳn sẽ không khiến bạn phải hối hận về sau. Các bạn thấy đấy chẳng có học sinh giỏi nào mà không phải dành thời gian giải bài tập, đọc sách cả, mấu chốt là họ kiên trì hơn chúng ta rất nhiều, rất nhiều lần và khẳng định rằng nếu bạn kiên trì như họ bạn thậm chí còn đạt nhiều kết quả bất ngờ hơn thế nữa. Tin tôi đi!
Câu tục ngữ: "Có công mài sắt có ngày nên kim" quả thực là một bài học ý nghĩa và sâu sắc cho mỗi con người, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh như chúng ta. Chúng ta cần học hỏi thật nhiều thêm nữa từ kho tàng văn học dân gian, nơi có rất nhiều những bìa học tâm đắc và bổ ích. Đồng thời ta cũng cần có ý thức giữ gìn và duy trì những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, đẻ nó ngày càng được lưu truyền và phát triển rộng rãi hơn trong mọi tầng lớp nhân dân.