31/03/2021, 15:31

Bài văn cảm nhận về tình bà cháu trong "Bếp lửa" số 4 - 9 Bài văn cảm nhận về tình bà cháu trong tác phẩm "Bếp lửa" của Bằng Việt

Bằng Việt là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông thường đi sâu khai thác những kỉ niệm thời thơ ấu, gợi nên những khao khát, ước mơ tuổi trẻ. Bếp lửa là một bài thơ im đậm dấu ấn phong cách của ông. Tác phẩm là dòng kỉ niệm đầy xúc động về tình bà cháu ...

Bằng Việt là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông thường đi sâu khai thác những kỉ niệm thời thơ ấu, gợi nên những khao khát, ước mơ tuổi trẻ. Bếp lửa là một bài thơ im đậm dấu ấn phong cách của ông. Tác phẩm là dòng kỉ niệm đầy xúc động về tình bà cháu được ông ghi lại khi đang học tập tại nước ngoài. Qua đó cho thấy tấm lòng kính yêu và niềm biết ơn vô hạn với bà, cũng chính là đối với quê hương, đất nước.


Tác phẩm là dòng kỉ niệm, thấm đẫm nỗi nhớ của cháu về những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, luôn có bà ở bên. Để khơi nguồn cho chuỗi kỉ niệm thiêng liêng ấy, tác giả bắt đầu bằng hình ảnh bếp lửa lung linh :


Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm


Điệp từ một bếp lửa vang lên đầy da diết ngay từ những dòng thơ đầu tiên. Hình ảnh bếp lửa bập bùng trong mỗi sáng mai là một hình ảnh quen thuộc, gần gũi với mỗi gia đình Việt Nam trước kia. Bếp lửa chứa chan biết bao tình yêu thương của bà, của mẹ, chứa đựng những vất vả, tảo tần của người phụ nữ Việt Nam. Hai từ láy chờ vờn và ấp iu được tác giả sử dụng tài tình, vừa gợi hình lại vừa thể hiện tình cảm: chờn vờn cho thấy hình ảnh ngọn lửa bập bùng cháy; còn ấp iu lại gợi nên sự tảo tần, đôi bàn tay gầy gò, xương xương những rất đỗi khéo léo của bà. Nhớ về bếp lửa, lòng cháu chợt trào dâng những kỉ niệm, cảm xúc về bà, bởi vậy câu thơ tiếp theo nỗi nhớ được gọi thành tên: Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.


Sau ánh lửa khơi nguồn cảm xúc, những kỉ niệm về bà như thước phim quay chậm cứ thế lần lượt hiện về trong tâm tưởng cháu. Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói cay xè mắt, mùi khói đượm vào trong kí ức, đượm vào trong tâm tưởng nhắc cháu nhớ về những năm đòi mòn đói mỏi, Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy. Đó là những kỉ niệm cay đắng, đau thương, là bóng đen lịch sử ghê rợn khi nạn đói 1945 đã khiến hai triệu đồng bào ta chết đói. Dù cuộc đời nhiều gian nan, khổ cực song chính trong khoảng thời gian ấy, bếp lửa vẫn không thôi bập bùng, vẫn cháy sáng, nồng ấm tình bà. Bởi vậy, cho đến những ngày của hiện tại nhớ về quá khứ, Bằng Việt vẫn thấy Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.


Đó còn là kỉ niệm về người bà hiền hậu, tảo tần, nuôi và dạy cháu khôn lớn, trưởng thành: Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế/ Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế !/ Mẹ cùng cha bận công tác không về/ Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học. Tám năm ròng sống bên bà, những ngày sống xa cha mẹ nhưng cháu vẫn nhận được tình yêu thương đong đầy, khỏa lấp những chỗ trống từ bà. Bà chi chút từng miếng ăn, giấc ngủ, không chỉ vậy bà còn bảo ban, dạy dỗ cho cháu nên người. Bằng thủ pháp liệt kê, tác giả đã ca ngợi công ơn trời biển của bà, bà đã thay cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ cháu từ tấm bé. Nếu không có bà có lẽ cũng sẽ không có cháu thành công như ngày hôm nay.


Đọng lại trong kí ức cháu còn là hình ảnh của một người bà giàu đức hi sinh, gánh vác lo toan mọi chuyện trong gia đình. Những năm giặc càn quét, dưới sự giúp đỡ của hàng xóm bà trở về dựng lại túp lều tranh: Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi/ Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh, câu thơ cho thấy truyền thống đoàn kết, bao bọc nhau của dân tộc ta, họ luôn tắt lửa tối đèn có nhau. Nhưng điều làm cháu xúc động nhất chính là dù phải chống chọi một mình, thân đã già yếu nhưng bà không một lời kêu ca, oán thán, vẫn vững lòng dặn cháu : Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên. Bà là tượng đài vĩ đại, là chỗ dựa vững chắc để cho các con yêu tâm công tác chiến đấu. Đọc câu thơ ta có thể cảm nhận được biết bao sự kính trọng, lòng biết ơn vô hạn của người cháu dành cho bà.


Từ những kỉ ức tuổi thơ, cháu suy nghĩ về bà, về tình yêu thương, sự hi sinh và sự tiếp lửa của bà cho thế hệ tương lai: Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ/ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương, khoai sẵn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ/ Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa !. Từ nhóm được tác giả điệp lại bốn lần, vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng về đức hi sinh của bà. Mỗi sớm mai, bà tảo tần nhen lên trong cháu tình yêu thương, san sẻ niềm vui, hạnh phúc với mọi người và hơn cả bà vun đắp, khơi dậy những tâm tình, mơ ước tuổi nhỏ của cháu.


Bà chính là người khơi nguồn cho tất cả, tình yêu thương, niềm mơ ước, tương lai và hi vọng trong cháu. Bởi vậy câu thơ cuối vang lên đầy xúc động, tự hào: Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa. Từ ôi kết hợp dấu chấm than thể hiện niềm xúc động trào dâng; kì lạ là biểu tượng cho tình cảm của bà, cho sức mạnh niềm tin và nghị lực. Nó đã thắp lên trong cháu niềm tin, đã giữ tuổi thơ vẹn nguyên hạnh phúc cho cháu; hai từ thiêng liêng lại gợi liên hình ảnh bếp lửa ấm áp, là biểu tượng của tổ ấm, gia đình và rộng ra là quê hương đất nước. Bởi vậy, dù cháu đã đi xa có lửa trăm nhà, có niềm vui trăm ngả, cuộc đời đã có nhiều biến thiên thay đổi nhưng tình yêu và nỗi nhớ của cháu về bà vẫn vẹn nguyện, hiện hữu từng ngày: Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:/ - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?. Khi càng khôn lớn trưởng thành tác giả lại càng cảm nhận rõ sự quan trọng của hơi ấm, tình cảm gia đình, điều đó càng khiến ơn với công lao to lớn của bà và thêm yêu cuộc đời, yêu đất nước hơn.


Với những hình ảnh chân thực gần gũi, giàu giá trị biểu tượng, Bằng Việt đã thể hiện tình cảm bà cháu sâu sắc, nồng đượm. Tình bà cháu, tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất, đáng trân trọng nhất bởi vậy bài thơ cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải biết sống yêu thương, trân trọng những tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0