Bài văn bình luận câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" số 6 - 10 Bài văn bình luận câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" (lớp 9) hay nhất
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Đó là một trong những kinh nghiệm sống thực tế mà người đời truyền lại cho con cháu đời sau. Khi đánh giá sự vật, chúng ta chú ý đến chất liệu tạo ra đồ vật. Còn khi nhận xét một con người, ông cha ta cho rằng: Cái nết đánh chết cái đẹp. Chúng ta nhìn ...
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Đó là một trong những kinh nghiệm sống thực tế mà người đời truyền lại cho con cháu đời sau. Khi đánh giá sự vật, chúng ta chú ý đến chất liệu tạo ra đồ vật. Còn khi nhận xét một con người, ông cha ta cho rằng: Cái nết đánh chết cái đẹp.
Chúng ta nhìn nhận lời nhắn nhủ này như thế nào và có ý kiến ra sao, giữa hai vấn đề “cái nết” và “cái đẹp”? Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ qua hai hình ảnh mang nội dung đối lập: “Cái nết” là nết na, phẩm cách, đức hạnh của con người, là nét đẹp về nhân cách, về tâm hồn. Nét đẹp đó không phơi bày một cách hào nhoáng, mà ẩn kín bên trong. Còn “cái đẹp” là vẻ rực rỡ hấp dẫn quyến rũ bề ngoài. Chúng ta có thể hiếu đó là vẻ bóng bẩy bên ngoài.
Câu tục ngữ cho rằng: tư cách, phẩm chất đạo đức có sức mạnh “đánh chết”, tiêu diệt hình thức lòe loẹt phô trương bên ngoài. Tư cách của con người có giá trị bền vững, dài lâu hơn vẻ đẹp son phấn, màu mè bên ngoài. Cũng như chất liệu tạo ra đồ vật có giá trị cao hơn lớp nước sơn, bao bì che bọc bên ngoài. Như vậy, lời tục ngữ ấy đề cao, coi trọng tư cách, phẩm chất hơn dáng vẻ bảnh bao bên ngoài. Cũng ca ngợi đức độ con người, ca dao xưa có câu:
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để dời về sau.
Người xưa khuyên chúng ta “trồng cây đức” có nghĩa là ra công, cố sức rèn luyện tư cách luôn đàng hoàng, đứng đắn. Trở lại vấn đề, câu tục ngữ khẳng định phẩm giá con người tồn tại vĩnh viễn còn vẻ hào nhoáng bóng bẩy bề ngoài sẽ bị tiêu diệt. Đó là suy nghĩ đúng. Bởi vì con người được quý mến là do họ có tư cách. Họ quan hệ đối xử hòa nhã với người chung quanh. Họ không làm điều gì có hại đến tính mạng, tài sản của kẻ khác. Ngược lại, những kẻ mất tư cách, kém đạo đức, thường gây tai họa cho người lân cận.
Khi câu tục ngữ khẳng định “cái nết đánh chết cái đẹp” thì cái đẹp đang hấp hối kia chính là cái xấu đội lốt cái đẹp. Cái đẹp giả tạo phù du không thề tồn tại mãi với thời gian. Cái đẹp hình thức đó không thể chống chọi lại cái nết cao cả, vĩnh cửu. Vì muốn có được cái nết cao đẹp, con người phải khổ luyện, tập tành bền lâu, dai dẳng, kiên trì mới có được. Còn cái đẹp bề ngoài chỉ cần vật chất, tiền tài, trong phút chốc có thể tạo nên. Muốn có mái tốc uốn cong, trang sức đẹp dẽ phục vụ dạ hội, người ta vào tiệm uốn tóc trong thời gian ngắn. Nhưng muôn có được mái tóc dài óng ả mượt mà, ta phải dưỡng mái tóc mấy năm trời. Bảo vệ cái nết, tôn vinh đạo đức, tục ngữ có câu:
Có đức mặc sức mà ăn.
Cái đức vĩnh viễn “ăn” mãi vẫn còn, đó là cái “nết” quý báu cua con người. Tuy nhiên, coi trọng cái nết mà loại trừ, lánh xa cái đẹp là điều làm chúng ta cảm thấy băn khoăn, vì chưa thỏa đáng. Một người hoàn thiện phải hội đủ hai phần: phẩm chất, tư cách, đạo đức và dáng vẻ hình thức bên ngoài. Cái đẹp bên trong và dáng dấp bề ngoài phải hài hòa, gắn bó nhau. Người có tư cách đàng hoàng không thể ăn mặc xốc xếch, nói năng cộc cằn. Cũng như một món hàng chất lượng cao thì phải được chế tạo bởi chất liệu tốt và được đóng gói trong bao bì có màu sắc đẹp, kiểu dáng tinh tế. Vì vậy, con người mới dùng kem, phấn làm đẹp dung nhan, trang trí nội thất làm đẹp phòng họp, phòng khách. Những chậu hoa, bức màn màu sắc rực rở để làm đẹp mỏi trường sống.
Như vậy con người cũng nên để cho “cái đẹp” được sống mãi với thời gian. Khi người đời nói: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” thì họ cũng công nhận cái đẹp cũng cần thiết cho con người lắm. Hình thức cũng góp phần làm hoàn chinh nội dung. Cái đẹp cũng làm cho cái nết tồn tại dài lâu, lại có giá trị cao.
Câu tục ngữ có tác dụng giáo dục người đời cố công rèn luyện tư cách phẩm chất. Đó là căn bản, nguồn gốc hình thành con người toàn diện. Do vậy, khi còn nhỏ được cắp sách đến trường lớp, được ở bên cạnh mẹ cha, chúng ta kiên trì rèn luyện tư cách phẩm chất. Trước hết chúng ta phải là trò ngoan, con thảo hiền, bạn thân thiết hòa nhã. Trong lớp, chúng ta chăm chỉ học tập, sẵn sàng giúp bạn, đoàn kết trong học tập, công tác. Quan hệ chân thành với các bạn trong lớp, trong trường. Ở nhà, chúng ta luôn vâng lời dạy bảo của mẹ cha, anh, chị. Đối với hàng xóm, láng giềng thì thật thà, trung thực. Chúng ta có ý thức và thực hiện đúng câu:
Tiên học lễ, hậu học văn.
Nghĩa là chúng ta luôn lắng nghe lời khuyên dạy về đạo đức, nhân cách của các bậc thầy cô. Mai sau trưởng thành được gia nhập cuộc sống cộng đồng, chúng ta sẽ là người có phẩm chất đạo đức tốt. Chúng ta sẽ được xã hội phân công công việc hợp khả năng, góp phần làm giàu cuộc sống chung. Bác Hồ có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”. Để không bị rơi vào loại người “vô dụng”, chúng ta cần bồi dưỡng, rèn luyện tư cách đạo đức đế trở thành con người vừa có tài, vừa có đức. Con người là vậy. Còn đồ vật cũng thế. Nếu một món hàng được chế tạo bằng chất liệu tốt thì phải được dặt trong bao bì đẹp mới đủ sức hấp dẫn khách hàng.
Câu tục ngữ cô đọng, chỉ có sáu tiếng, nhưng đằng sau nó là một kinh nghiệm sống thực tế. Phẩm chất tư cách là cái gốc hình thành một con người, và dáng vẻ bề ngoài cũng góp phần cấu tạo hoàn chỉnh một con người. Người xưa nói “cái nết na” tiêu diệt “cái đẹp” khi cái đẹp đó là cái đẹp phù phiếm, giả tạo. Cái đẹp chân chính, cái đẹp đích thực hỗ trợ cho cái nết được hoàn chỉnh, thì cái đẹp ấy rất đáng nâng niu, gìn giữ. Tuy nhiên, con người cũng đừng bao giờ để cái vẻ hào nhoáng rực rỡ bên ngoài cám dỗ rồi đánh mất cái giá trị đạo đức làm người.