Bài tựa
Nguời quân tử ra làm quan đi vào con đường hành chính, không những ngồi ung dung nơi miếu đường nói truyện văn nhã, để lấy tiếng là người có đức vọng. Có khi được gọi đi kinh lược nơi biên cương, có trách nhiệm to lớn trông coi một địa phương, thì phải nghĩ cách nào để cho quân sĩ phục tùng, ...
Nguời quân tử ra làm quan đi vào con đường hành chính, không những ngồi ung dung nơi miếu đường nói truyện văn nhã, để lấy tiếng là người có đức vọng. Có khi được gọi đi kinh lược nơi biên cương, có trách nhiệm to lớn trông coi một địa phương, thì phải nghĩ cách nào để cho quân sĩ phục tùng, nhân dân tín nhiệm, khơi nguồn lợi, trừ điều hại, mở mang văn hóa, thay đổi phong tục, hết lòng hết sức làm tròn nhiệm vụ, để không phụ tấm lòng của nhà vua muốn thi ân huệ cho dân. Dù rằng thời, thế có lúc khó, lúc dễ, nhưng cứ tùy nghi mà châm chước, thì việc gì mà không làm cho chọn vẹn đuợc. Âu Dương Tu nhà Tống có nói : “nguời trị dân không cứ có tài chính trị hay không, nếu được dân khen là “tiện lợi”, thì tức là một vị quan lại tốt”. Làm việc chính trị mà dân chê là làm hại dân, thì còn trị dân thế nào được.
Tôi là nguời tầm thuờng, may gặp đời thái bình nên được dự vào Chinh phủ. Mùa thu năm Giáp ngọ (1774) về việc đánh phương nam, triều đình kén đại tướng cầm quân rồi tiếp đến nhà vua thân chinh, mùa đông năm ấy, bình định được Thuận-hóa, mùa hạ năm Ất-vị (1775) lược định được Quảng-nam. Tôi được dự bàn các kế hoạch cùng chiến lược. Mùa đông năm ấy, đặt nha môn Trấn-phủ ở Phú-xuân, Đoan-quận-Công (Bùi-thế-Đạt, nguyên là Trấn thủ Nghệ-an) giữ chức Đốc-Xuất kiêm chức Tổng-lịnh. Sang mùa xuân năm Bính-thân (1776), tôi chịu mạnh tham dự việc quân nhiệm đồng trấn-phủ hai trấn Thuận, Quảng này. Khi tôi vào đến bờ cõi, thấy lại và dân đều yên phận làm ăn ruộng nương khai khẩn, cày cấy nhu cụ, hết thẩy nhân dân hoan hô quy thuận, đuợc như thế là trên nhờ có uy, đức nhà vua và cái công chiêu tập của Thượng-tướng tiền Việp-công (Việp-công = Hoàng-ngũ-Phúc. Vì khi Lê-quý-Đôn ra làm trấn-thủ thì Hoàng-ngũ-Phúc đã mất) không phải là nhỏ vậy. Chỉ hiềm một nỗi Trấn ty mới đặt, mọi việc bắt đầu, khi ấy quân và dân ở lẫn lộn, bộ tướng cậy thế làm càn, thường đi cướp bóc của dân, họ rỡ trại quân cụ làm củi, các đồn tự tiện khám xét và bắt nguời. Tiền kẽm không lưu hành, thóc gạo đắt vượt giá, nghề làm muối phải bỏ nghề, những quan chức cũ và người thổ dân tranh nhau ruộng đất , sinh ra kiện cáo luôn, lại và dân ăn mặc nhiều lối nhố nhăng, kẻ cường bạo lăng loàn, kẻ hèn yếu phẫn uất. Tôi và các bạn đồng liêu đặt kế hoạch để chỉnh đốn lại : đặt chức Đề-lại, định việc kiện tụng, nghiêm cấm quan đồn không đuợc khám xét và xử kiện, việc xử kiện ấy do huyện xét, trấn xét đều có lệ nhất định. Thông xức các viên tướng hiệu phải ngăn giữ binh của bộ mình không đuợc hà hiếp cướp bóc của dân, không được tự tiện vào nhà dân, bắt quân nhân phải đến núi Hòn-chén mạn trên nguồn mà kiếm củi, kiếm cỏ. Khuyên dân tiêu tiền kẽm, cứ ba đồng tiền kẽm ăn một đồng tiền đồng. Cho đuợc lưu thông thóc ở đầu nguồn Cam-lộ, tôi miễn bỏ thứ thuế quá nặng truớc kia như thuế tuần bến và thuế chợ, gồm 184 nơi. Còn nếu nơi nào dân xã tình nguyện xin đứng thu thì cũng cho phép, có nơi theo lệ cũ, có nơi thu bớt đi, nhất thiết theo nhời thỉnh cầu của dân. Cho gọi các thôn phường trước kia làm nghề nấu muối, cho phép lại đuợc tiếp tục nghề cũ. Quan, lại, quân dân chiếu theo lệ chia ruộng truớc kia đuợc tự ý chia cấp cho đều. Định lại luật lệ và kỳ hạn cố ruộng (thế chấp), chuộc ruộng, để dứt khỏi tranh kiện. Đổi bỏ lối áo mũ lố lăng để theo đúng chế độ của quốc triều. Nghĩ đến đồng tiền hạ giá, vật thực đắt đỏ hẹn sẽ thay đổi chế độ tiền tệ. Đến như số đinh, số điền thổ chưa kê khai thì giao cho quan huyện, quan đồn để thông sức cho các nguời trưởng hàng tổng phải theo khuôn mẫu kê từng chương từng mục để khai vào sổ, hạn một tháng phải làm xong, số đinh nhiều hay ít, số ruộng đã khai khẩn hay còn bỏ hoang, cứ theo như số họ đa khai, thu lấy mà tiến lên không bác bỏ tra xét gì cả. Làm như thế là cốt để yên úy lòng nguời mới quy phụcvậy. Khi ấy có ngụy Miên-đức-hầu (họ Nguyễn) làm loạn ở Hải-lăng, tôi phái binh đi đánh bắt đuợc, chỉ giết vài nguời tùy tướng, còn đồ đảng hàng trăm người đều tha tội. Về sự dẹp yên giặc dã, tôi chưa từng bao giờ làm to truyện tâu vào triều đình để lấy công. Khi họ Nguyễn và quan thuộc cũ đến yết kiến, tôi thường tuyên dương bố ý chỉ nhà vua để vỗ về họ. Khi họ đem biếu của báu, không từng có thu nhận tơ hào nào cả. Có khi họ biếu thực phẩm thì cũng có nhận, nhận xong liền cùng với họ cùng ăn để tỏ lòng thành thực không nghi ngờ gì. Lại cấp cho họ Nguyễn ruộng công điền theo từng bậc để có nghiệp sinh sống. Nguời nào muốn về kinh đô thì trích tiền công cấp lộ phí, lại tặng thêm ít nhiều. Gặp kỳ lễ Khổng-tử, tôi thân đến học nha dự lễ. Số học sinh đến học có đến hàng mấy trăm nguời, thời thường cùng họ giảng học bàn văn chương, dậy dỗ và khuyến khích một cách chu chuẩn không mỏi. Tôi là nguời tầm thường có đâu dám mong đuợc như sánh với cổ nhân đã nói là một bậc quan có trung tín, một ông thày có từ huệ. Nhưng dù sao, từ khi tôi đến lỵ sở này, vẫn hết lòng săn sóc trăm họ, vỗ yên một phương, không lúc nào là không băn khoăn nghĩ ngợi, mong thế nào để thu tấm lòng lo lắng của nhà vua đêm thức khuya; ngày ăn muộn. Lại may đuợc có vị Đại-tướng là nguời khoan hòa, Tán-lý, Đốc-thi 2, 3 vị Đại phu đều cùng hòa hiệp, cho nên tôi được thung dung, đai áo ngâm thơ ngạo nghễ ở nơi Thiên-mụ, Hà-khế ! Thực không dám lấy chữ “Chính thông nhân hòa” tự khoe khoang vậy. Lấy tấm lòng vô sự làm việc cai trị, không sinh việc cũng không bỏ việc, thì dân ưa là “tiện”. Dân tự đã cho ưa là “tiện” thì cũng không có việc gì nữa. Thường khi tôi đi kinh lý các nơi, du lịch núi sông, dò hỏi di tích, tìm xét tục lệ xưa, góp nhặt văn thơ cổ, tùy bút mà ghi chép, thành ra từng loại, đặt tên là “Phủ Biên Tạp Lục” vết móng chim hồng gọi là lưu ghi việc đương thời vậy. Nhung các ở trong triều nếu có muốn khảo cứu mọi sự tích ở bờ cõi phía nam. Không ra khỏi cửa ngõ, ngồi mà biết ngoài nghìn dặm, thì quyển “tạp lục” này cũng có thể cung cấp đuợc chút ít vây.
LÊ QUÝ ĐÔN
Phụng sai Thuận-hóa, Quảng-nam đẳng đạo Tham-thị, tham tán quân cơ, Thuận-hóa xứ Hiệp-trấn-phủ, Hữu-thắng-Cơ, nhập thị bồi tụng, Hộ-bộ Tả-thi-Lang Dinh-thành-hầu, Duyên-hà, Quế-đuờng Lê-Quý-Đôn (Doãnh-hậu) viết ở các Tiêu-dương, thành Phú-Xuân. Cảnh-hưng năm thứ 37 tháng 8 ngày đười rằm (15-8 Bính-thân đến 1776).
Bài bạt về tập “Phủ Biên Tạp Lục” của Ngô Thời Si
Thuận-hóa, Quảng-nam là biên thùy phía nam của nhà nước. Năm đầu về thời Trung hưng (Lê Trang Tôn) họ Nguyễn vì có công và là họ ngoại thích đuợc ủy đến nơi ấy trông coi việc binh và việc thuế khóa. Về sau dần dần không vào triều cống. Trải mấy đời nhà vua cũng không để ý đến. Từ đó, sông La-hà trở về phía nam bèn thành ra nuớc khác. Đã 200 năm nay chia châu Bố-chánh làm hai xứ, lấy một con sông làm giới hạn. Công việc ở Nam-hà không có ai biết đến nữa. Si này lúc còn trẻ tuổi, có xem tập “Ô Châu Cận Lục” xét bờ cõi ở trên tờ giấy, chỉ biết đại khái, và bị lối văn tự điêu khắc thêu vẽ làm mờ ám sự hiện thực. Đến năm Giáp-ngọ (1774), nhà vua để ý bình định hai nơi ấy, bèn hạ chiếu châu chinh, đánh một trận mà lấy được thành thu lại đất cõi làm một. Năm Bính-thân (1776), mùa xuân, Quế-đường Tướng-công vâng mạnh xung chức Hiệp-trấn-phủ, xem xét việc hành quân. Đến mùa thu trở về trong triều, đem tập “Phủ-Biên Tap-Lục” cho Si này xem. Trong bộ sách ấy chép núi, sông, thành, ấp, ngạch binh, ngạch thuế, nhân tài, vật sản và nguyên ủy đầu đuôi họ Nguyễn truyền nối, đánh dẹp, thay đổi hai xứ ấy, kể rõ ràng như chỉ vào bàn tay. Người ta được xem bộ sách này, đối với Si tấm tắc khen ngợi Tướng-công là nguời tài cao học rộng. Như thế chỉ là biết Tướng-công một cách nông nổi mà thôi. Tướng-công văn chương lừng lẫy, thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu trúng nhất giáp cập đệ, không những nuớc ta tôn trọng, lại nỗi tiếng cả đến Trung-quốc. Văn tài, học vấn của Tướng-công thực là tột bực. Còn cần gì phải tán thán cho thừa nhời. Vừa rồi Tướng-công dự vào chính phủ, muu mô kế hoạch đều chu đáo, việc binh, việc dân và việc kinh tế, đổi cũ thay mới, giải quyết được hết thảy mọi sự khó khăn. Đó mới là cái tài hơn nguời và đại lượng bao hàm, tính tình thu sướng, không có một mảy may gì hệ lụy ở trong bụng, khắp mọi nguời dù tốt, dù xấu đều đuợc bao dung, ấy đó lại là cái đức độ hơn nguời vậy. Còn như sự trước, thuật, ký tại chỉ là một chút tinh hoa thừa thải của Tướng-công mà thôi. Cái thủ đoạn giúp nước giúp dân mà căn cứ vào công phu giấy mực, sao đủ dò biết được đến nơi đến chốn vậy du ! Chỉ vì ở trong một nước thì phải có bốn phương chính, mà Thuận-hóa, Quảng-nam ở phía chính về cực nam, chẹn lối Chiêm-thành và Xiêm-la làm dậu che chở cho châu Hoan, châu Diễn, thực là một trọng trấn, nay mới bắt đầu bình định, nhân dân ở nơi ấy cũng như dân ngoan ngạnh của nhà Ân ngày xưa. Nay chỉnh đốn chính trị, thay đổi phong tục, trừ chính tàn bạo, bỏ việc chém giết, những điều ấy đều là công việc hệ trọng ở nơi biên thùy. Phen đầu muốn thi thố cũng cần phải có tài liệu để khảo cứu. Bộ sách này việc thì rộng, nghĩa thì rành, mục đích chú trọng về đường hành chính, muốn trù tính ở trong triều đường mà nhìn rõ thấy ở ngoài nghìn dặm, thì chỉ một bộ sách này là đủ cả. Thế mới biết bộ sách này thực là siêu việt, chứ không phải là một bộ sách biên chép tầm thường vậy.
Si này là nguời tầm thường nhiều khi đuợc thừa nhận tiếp truyện, có ý kính mến Tướng-công. Kể ra các sách trước, thuật của Tướng-công rất nhiều. Những bộ sách mà Si được xem, đều muốn làm bài “bạt” để phụ vào đằng sau chỉ vì tứ văn vụng về chưa viết ra đuợc. Mùa đông năm Đinh-dậu (1777), phụng mạnh đi công vụ ở Lạng-sơn, nhân khi sửa sang hành trang, tìm bộ “phủ biên tạp lục” này để hoàn lại bèn luợc thuật mấy nhời viết vào đằng sau sách ấy.
Cảnh-hưng năm thứ 38 tháng 10 ngày mồng 1 (tức là năm 1777) Chính Tiến-si khoa Bính-tuất, Đốc-trấn xứ Lạng-son, Hàn-lâm viện Hiệu-úy, Thanh-Oai, Ngọ-phong Ngô-thời-Sỹ “Thế-lộc” kính cẩn làm bài bạt.