Bài thu hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 3 năm 2017
Bài thu hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 3 năm 2017 Bài thu hoạch kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 3 Bài thu hoạch an ninh quốc phòng đối tượng 3 năm 2017 VnDoc.com xin gửi ...
Bài thu hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 3 năm 2017
Bài thu hoạch an ninh quốc phòng đối tượng 3 năm 2017
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết bài thu hoạch an ninh quốc phòng đối tượng 3 năm 2017 để bạn đọc cùng tham khảo và có thể viết được bài thu hoạch cho riêng cá nhân mình sau khi hoàn thành khóa học bồi dưỡng quốc phòng an ninh. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài thu hoạch tại đây.
BÀI THU HOẠCH QUỐC PHÒNG AN NINH CHO ĐỐI TƯỢNG 3
PHÒNG, CHỐNG CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”, BẠO LOẠN LẬT ĐỔ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Trong thế giới ngày nay, những mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn tồn tại những biểu hiện dưới sắc thái mới; cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt với nhiều hình thức khác nhau. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ yếu. Xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực đang mở ra những cơ hội và thách thức mới. Thế giới tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề thiên tai, dịch bệnh, những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Bắc Á vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn định do cạnh tranh lợi ích chiến lược giữa các nước lớn. Khu vực Đông Nam Á nổi lên là sự phức tạp trong ứng xử trên Biển Đông, sự tranh chấp ảnh hưởng của các nước lớn ngày càng gia tăng, tạo nguy cơ mất ổn định, thậm chí căng thẳng trong các quan hệ song phương, đa phương. Trong bối cảnh quốc tế mới, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thường xuyên thay đổi chiến lược và phương thức chống phá cách mạng nước ta, chúng sử dụng phương thức phi vũ trang, đặc biệt nguy hiểm là âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ. Các thế lực phản động, thù địch tiếp tục sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Do vậy, phương thức đấu tranh phi vũ trang ngày càng giữ vị trí quan trọng và được chúng ta nhận thức đầy đủ hơn. Đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đối ngoại là những nội dung và phương thức cần được đặc biệt chú trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, chúng ta cần đặc biệt coi trọng việc “tự bảo vệ” trong mỗi con người, mỗi tổ chức, trong mỗi ngành, mỗi cấp; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải được tiến hành ngay từ cơ sở. Cần coi trọng sức mạnh truyền thống và hiện đại, sức mạnh tổng hợp trong giữ nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ mô hình đến các quan hệ Đảng - Nhà nước - các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hệ thông chính trị ... nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để bảo vệ Tổ quốc.
I. Chiến lược “diễn biến hòa bình” và đặc trưng của chiến lược “diễn biến hòa bình”
1.1. Khái niệm
Diễn biến hoà bình là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, tước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chế độ chính trị - xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản do Mỹ thao túng, bá quyền. Thuật từ “diễn biến hòa bình” còn được sử dụng thay thế cho các thuật từ khác như “chiến tranh không tiếng súng”, “cách mạng màu”, “cách mạng nhung”, “cách mạng hoa hồng”, “chiến thắng không cần chiến tranh”... Đặc trưng cơ bản để nhận biết chiến lược “diễn biến hòa bình” so với các chiến lược phản cách mạng khác:
Một là, đây là cuộc chiến không sử dụng súng, không mùi thuốc súng.
Hai là, đây là cuộc chiến chủ yếu dử dụng các công cụ mềm như kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tư tưởng, khi cần mới sử dụng sức mạnh quân sự để răn đe đối phương.
Ba là, tác động từ bên ngoài vào tạo nên sự chuyển hóa, tự diễn biến, tự suy yếu bên trong các nước xã hội chủ nghĩa, thông qua con người, lực lượng và phương tiện của chính đối phương.
Bốn là, không phá hủy của cải, vật chất của đồi phương bằng sức mạnh quân sự, chủ yếu ru ngủ gây mất cảnh giác cách mạng của nhân dân lao động, mua chuộc, lôi kéo những người có chức vụ cao trong cơ quan Đảng và Nhà nước, những văn nghệ sĩ, tri thức có uy tín, nhwunxg người có tư tưởng dao động, nhận thức lệch lạc hoặc bất mãn với chế độ.
Năm là, chiến lược “diễn biến hòa bình” mang tính toàn cầu, được triển khai trên quy mô lớn và rộng khắp, tiến hành “gặm nhấm”, không vội vã, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước làm cho đối phương rối loạn nội bộ rồi sụp đổ... “diễn biến hòa bình” đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch phản động đang đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch tiến hành đã và đang là một tring bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã khẳng định: “diến biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra – đến nay vẫn tôn tại và diễn biến phức tạp, đan xen, tác động lẫn nhau, không thể xem nhẹ nguy cơ nào.
Như vậy nội dung chính của diễn biến hòa bình là:
- Sử dụng mọi thủ đoạn phi quân sự, kết hợp với răng đe quân sự để ngầm phá từ bên trong, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền.
- Kích động các mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc, sắc tộc.
- Triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn, sai sót của Nhà nước hiện hành, tạo nên sức ép ngày càng lớn buộc lãnh đạo nhà nước phải từng bước chuyển hoá, thay đổi đường lối chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng đối lập. Tác động của chiến lược diễn biến hòa bình là một trong những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Bạo loạn lật đổ là hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức của lực lượng phản động, gây rối loạn trật tự an ninh xã hội, nhằm lật đổ chính quyền tiến bộ (cách mạng) thiết lập chính quyền phản động ở địa phương hoặc trung ương. Bạo loạn lật đỗ là một thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong chiến lược diễn biến hòa bình để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Một số đặc trưng chủ yếu của bạo loạn lật đổ:
- Về hình thức: Bạo loạn chính trị; Bạo loạn vũ trang; Bạo loạn chính trị kết hợp vũ trang
- Về quy mô: Có thể diễn ra ở nhiều mức độ từ qui mô nhỏ đến qui mô lớn. Phạm vi địa bàn xảy ra có thể ở nhiều nơi, nhiều vùng của đất nước, trọng điểm là những vùng trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của trung ương và địa phương, nơi nhạy cảm về chính trị hoặc ở các khu vực, địa bàn mà cơ sở chính trị của địa phương yếu kém
- Bạo loạn lật đổ là hoạt động bằng bạo lực có tổ chức của chủ nghĩa đế quốc và lực lượng phản động để chống phá các nước tiến bộ trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa.
- Mục đích của bạo loạn lật đổ nhằm lật đổ chính quyền tiến bộ thiết lập chính quyền phản động ở địa phương hoặc trung ương. Diễn biến hòa bình là quá trình tạo nên những điều kiện, thời cơ cho bạo loạn lật độ. Cả diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đỗ đều cùng bản chất phản cách mạng trong âm mưu chống phá các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa.
1.2. Quá trình hình thành phát triển chiến lược “diễn biến hòa bình”
Diễn biến hòa bình lúc đầu chủ nghĩa đế quốc sử dụng như là một phương thức, thủ đoạn luôn gắn với chiến lược quân sự, hỗ trợ cho chiến lược quân sự, dần dần phát triển thành một chiến lược hoàn chỉnh trong chiến lược phản cách mạng toàn cầu của chúng. Quá trình đó được diễn ra sơ lược như sau:
- Những năm của thập kỷ 40 - 50 (Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc (1945).
- Ngày 22 tháng 12 năm 1946 người đại diện của Mỹ ở Liên Xô, đã trình lên Chính phủ Mỹ kế hoạch chống Liên Xô toàn diện: bao vây quân sự; phong toả kinh tế; lật đổ chính trị; có thể dùng vũ lực can thiệp. Cũng thời gian này, giám đốc CIA (cơ quan tình báo Mỹ) tuyên bố: Mục tiêu là phải gieo rắc ở Liên Xô sự hỗn loạn và phải bắt đầu bằng chiến tranh tâm lí, thay giá trị của họ bằng đồ rởm và tìm mọi cách ủng hộ và nâng đỡ đám gọi là "nghệ sĩ" để họ truyền bá bạo lực, đồi trụy, chủ nghĩa vô liêm sỉ, phản bội. Từ đó chiến tranh tâm lí chống Liên Xô được nâng lên hàng quốc sách ở Mỹ, gọi là chiến tranh tâm lí tổng lực. Trong hai năm 1949 – 1950, Mỹ đã chi 50 triệu đô la cho hoạt động chiến tranh tâm lí, năm 1949 Mỹ lập Uỷ ban Châu Âu tự do có đài phát thanh riêng (đài phát thanh "Châu Âu tự do"). Như vậy đến thập kỹ 50, ý tưởng diễn biến hòa bình đã được bổ sung cho chiến lược tiến công quân sự.
- Những năm 60 Tổng thống John F. Kennedy (J. Kennơđi) đưa ra chiến lược hoà bình, với chính sách "mũi tên và cành ô lưu”. Từ đây diễn biến hòa bình bước đầu trở thành chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và luôn đi bên cạnh sức mạnh quân sự.
- Những năm 70, Tổng thống Richard Nixon (R. Nich-xơn) triệt để sử dụng chính sách ngoại giao "cây gậy và củ cà rốt". Với chính sách này, Mỹ vừa đe doạ bằng sức mạnh quân sự, vừa mua chuộc bằng lợi ích kinh tế nhằm khuất phục các nước, nhất là các nước chậm phát triển. Trên thực tế, một mặt tiếp xúc hoà hoãn với các nước xã hội chủ nghĩa: Tiến hành thẩm thấu tư tưởng và văn hoá, gieo rắc hạt giống phá hoại từ bên trong; thực hiện đối thoại thay cho đối đầu đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Đàm phán trên thế mạnh là một phương sách của R.Nixon để thực hiện diễn biến hòa bình trong giai đoạn này.
- Những năm 80, lúc này các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện cải tổ, cải cách, đổi mới, đây là một chủ trương đúng đắn nhằm làm cho xã hội chủ nghĩa phát triển. Nhưng quá trình thực hiện, có một số sai lầm, kẻ địch lợi dụng và chúng dùng diễn biến hòa bình ráo riết tiến công nhằm làm các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Năm 1988, R. Nixon xuất bản cuốn sách "1999 chiến thắng không cần chiến tranh". Đó là cơ sở làm mốc cho sự hoàn chỉnh chiến lược diễn biến hòa bình về lí luận. Năm 1989, Tổng thống George Bush đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu: Ba Lan, Hunggari, đã phát hiện ra những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng sản và những sai lầm của Đảng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. G. Bush đã xúc tiến nhanh chóng học thuyết "Vượt trên ngăn chặn". Và vào cuối những năm 80 đầu những năm 90, diễn biến hòa bình được chủ nghĩa đế quốc thực hiện ráo riết, nó trở thành một chiến lược tiến công mạnh mẽ vào các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, làm cho các nước này nhanh chóng bị sụp đổ. Tóm lại diễn biến hòa bình có một quá trình hình thành phát triển khá rõ nét. Quá trình đó theo một trình tự, lúc đầu là một phương thức, một thủ đoạn dần phát triển thành một chiến lược hoàn chỉnh nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ. Chiến lược đó luôn gắn với chiến lược quân sự của Mỹ.
1.3. Những thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” và “bạo loạn lật đổ” chống phá Việt Nam
a. Về mục tiêu:
- Thúc đẩy “Tự do hoá” về chính trị và kinh tế từ đó chuyển hoá VN theo quỹ đạo TBCN
- Lôi kéo VN từng bước phụ thuộc vào họ để gây ảnh hưởng ở VN và các nước có liên quan, tạo bàn đạp phát triển đến các nước khác.
b. Về phương châm: Mềm, ngầm, sâu
Diễn biến hòa bình là chính kết hợp răn đe quân sự có lựa chọn và khi có thời cơ, xây dựng lực lượng phản động người Việt Nam ở trong và ngoài nước Việt Nam là chính: (ngụy quân, ngụy quyền cũ không cải tạo, lực lượng phản động trong dân tộc, tôn giáo, trí thức, văn nghệ sĩ, các phần tử thoái hoá biến chất, bất mãn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và trong nhân dân ta); phá hoại càng cao, càng sâu càng tốt, phá có trọng điểm, chui sâu leo cao vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, phá hoại kinh tế là trọng tâm.
c. Về thủ đoạn hoạt động:
- Chống phá về chính trị tư tưởng
- Phá hoại về kinh tế
- Lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá ta
- Lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá ta
- Kích động, phối hợp hành động của lực lượng phản động trong nước và bọn phản động ngoài nươc để phá ta
- Vô hiệu hoá LLVTND
II. Những giải pháp chủ yếu góp phần làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vừa có những thuận lợi rất cơ bản, lại vừa phải đối diện với những nguy cơ, thách thức to lớn, nhất là khi đất nước tham gia sâu, rộng hơn vào hợp tác quốc tế. Những nhân tố trên tác động thường xuyên, trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải có phương thức và giải pháp thích hợp và hữu hiệu trong tình hình mới. Khi đã nhận thức được rõ ràng về diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ thì việc phải làm như thế nào, hoạt động và tổ chức xã hội, chính trị, quân sự, an ninh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ trở nên rõ ràng hơn.
2.1. Đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế.
- Giữ vững sự ổn định xã hội và làm cho đất nước ngày càng vững mạnh về mọi mặt.
- Đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế là giải pháp hữu hiệu để giữ vững và thúc đẩy yếu tố bên trong của đất nước luôn ổn định.
2.2. Nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nắm chắc mọi diễn biến không để bị động, bất ngờ.
- Giáo dục rộng rãi trong toàn xã hội để mọi người dân Việt Nam, mọi tổ chức chính trị, xã hội đều nhận thức sâu sắc âm mưu thủ đoạn trong chiến lược “DBHB” của kẻ thù chống phá cách mạng Việt Nam.
- Đấu tranh phê phán những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác cách mạng trong nội bộ nhân dân, sinh viên trước âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm trong chiến lược “DBHB” của kẻ thù chống phá nước ta hiện nay.
- Mỗi người dân Việt Nam phải có tri thức, có bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét, phát hiện và báo cáo kịp thời thủ đoạn chống phá của kẻ thù cho cơ quan có chức năng xử lí, không để bất ngờ.
2.3. Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân.
- Đối với nước ta, bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
- Phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các thành quả cách mạng do chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mĩ và các thế lực thù địch tấn công quyết liệt vào độc lập chủ quyền của các quốc gia, dân tộc đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có nước ta.
- Giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc phải mang tính toàn diện nhưng tập trung vào:
+ Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá nước ta
+ Giáo dục quan điểm điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
+ Giáo dục tinh thần xả thân vì Tổ quốc, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
+ Hình thức giáo dục phải đa dạng, phù hợp với tùy từng đối tượng
2.4. Xây dựng cơ sở chính trị, xã hội vững mạnh về mọi mặt
- Xây dựng cơ sở chính trị- xã hội vững mạnh sẽ bảo đảm cho chế độ xã hội luôn ổn định, phát triển. Do vậy, phải luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, theo quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng, mọi miền đất nước, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, người trong nước và người đang sinh sống ở nước ngoài
- Nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở các cấp, nhất là cơ sở.
- Duy trì nghiêm kỷ luật của Đảng ở các cấp, xử lí kịp thời những đảng viên, tổ chức Đảng có khuyết điểm, khen thưởng kịp thời những đảng viên, tổ chức Đảng và quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương Điều lệ Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước
2.5. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương vững mạnh
- Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên phải rộng khắp ở tất cả các làng bản, xã phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Bảo đảm triển khai thế trận phòng thủ ở các địa phương, cơ sở.
- Phải chú trọng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng nhưng lấy chất lượng là chính.
2.6. Xây dựng, luyện tập các phương án, các tình huống chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch.
- Mỗi thủ đoạn, hình thức, biện pháp mà kẻ thù sử dụng trong chiến lược “DBHB”, bạo loạn lật đổ cần có phương thức xử lí cụ thể, hiệu quả.
- Khi mỗi tình huống bạo loạn xảy ra, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị, xử lí theo nguyên tắc nhanh gọn – kiên quyết – linh hoạt – đúng đối tượng – không để lan rộng, kéo dài.
- Xây dựng đầy đủ, luyện tập các phương án sát với diễn biến từng địa phương, từng đơn vị, từng cấp, từng ngành
- Hoạt động xử lí bạo loạn lật đổ phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, các ngành tham mưu, quân đội và công an.
2.7. Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân lao động.
Đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là để tạo ra cơ sở vật chất, phát triển lực lượng sản xuất và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đồng thời là điều kiện để tăng năng suất lao động của xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân lao động để tạo nên sức mạnh của thế trận “lòng dân”.
III. Liên hệ bản thân
Xác định trong thời bình, giải pháp “Đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế” là giải pháp quan trọng hàng đầu làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạnh ta của các thế lực thù địch. Bởi, tham ô, tham nhũng lãng phí đang là một nguy cơ, ảnh hưởng rất lớn đến con đường đi lên CNXH của nước ta. Nếu không chống được căn bệnh mang tính trầm kha này, nó sẽ là ung nhọt di căn trong lòng xã hội, xói mòn đạo đức, niềm tin, làm nhụt ý chí phấn đấu của toàn dân tộc. Đồng thời, chúng ta phải nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, cương quyết không để bị tụt hậu về kinh tế, vì kinh tế là nền tảng vững chắc để phát triển đất nước. Do nước ta là nước xác định con đường đi lên xã hội XHCN, nên trong chiến lược phát triển kinh tế, nhất định phải giữ vững định hướng XHCN, không để rơi vào quỹ đạo kinh tế TBCN, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé, cạnh tranh kinh tế không lành mạnh.
Một trong những đối tượng và mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược “diễn biến hòa bình”, là tấn công vào thế hệ trẻ – thế hệ tương lai của một đất nước, làm cho thế hệ trẻ mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, xa rời lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa công sản, rơi vào quỹ đạo văn hoá sống gấp, sống hưởng thụ của chủ nghĩa tư bản, coi bản thân mình là lớn hơn tất cả... Vì vậy, giải pháp chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, chắc chắn phải là giải pháp giáo dục lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng cao độ cho thế hệ trẻ.
Là một cán bộ, đảng viên hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – “Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương có chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin về kinh tế công nghiệp, thương mại, thị trường, thương nhân phục vụ quan lý nhà nước của Bộ Công Thương, các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật”. Với chức vụ Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn thư- Tổng hợp và Ban đối ngoại và Hợp tác quốc tế, xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, bản thân luôn kiên định lý tưởng cộng sản, không ngừng bồi dưỡng trí tuệ, lập trường quan điểm và phẩm chất đạo đức; trau rồi, nâng cao năng lực về mọi mặt, nỗ lực giữ gìn sự đoàn kết thống nhất cùng tập thể đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng; Luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam trong mọi hành động, sự chỉ đạo, lãnh đạo của mình. Cụ thể:
- Bản thân luôn tìm tòi, nghiên cứu nắm vững, hiểu biết đủ, đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở đó quán triệt sâu sắc và góp phần tổ chức thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn.
- Đẩy mạnh công tác tham mưu cho Chi uỷ, Lãnh đạo Văn phòng và Ban Giám đốc Trung tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý tưởng, chính trị, cũng như nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thuộc Trung tâm.
- Kiên quyết đấu tranh với tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không để xuất hiện tình trạng bè phái gây mất đoàn kết nội bộ. Có ý thức nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân; nghiêm túc phê bình, góp ý thẳng thắn với đồng chí, đồng nghiệp. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai trái của cán bộ cùng cấp và dưới quyền, không nể nang né tránh.
- Kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc và lợi dụng các khía cạnh đời sống xã hội của kẻ thù, kết hợp với việc lên án, ngăn ngừa các tổ chức và hành vi hoạt động văn hoá với mục đích xấu. Luôn giữ vững trạng thái tâm lí tinh thần, ổn định tư tưởng của xã hội.
- Luôn nâng cao kiến thức về mọi mặt để giữ vững bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét tiếp cận thông tin một cách đúng đắn khoa học.
- Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
- Thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin thời sự, chính trị và xã hội để có được hiểu biết và sự đúng đắn trong đường lối cũng như trong suy nghĩ của bản thân, phấn đấu học tập, lao động theo tư tưởng và tấm gương đạo dức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
- Bản thân có ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin. Chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tham gia tích cực đấu tranh chống phao tin, đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu, thất thiệt.
Với vai trò là một cán bộ phụ trách bộ phận Văn thư – Tổng hợp một cơ quan thông tin trực thuộc Bộ Công Thương, thường xuyên có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị Bản tin, Tạp chí, các đơn vị làm công tác thông tin, dự báo kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm; bám sát mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, làm tốt các công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận và công tác dự báo về kinh tế công nghiệp và thương mại giúp ổn định thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
- Tích cực chủ động tham gia phong trào bảo vệ trị an, góp phần làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn đó, giữ vững ổn định mọi mặt của cơ quan và khu dân cư mình sinh sống, góp phần nâng cao nhận thức về công tác quốc phòng toàn dân, tăng cường mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ với nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... Tham gia tích cực công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; phối hợp tham mưu, đề xuất về tăng cường công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chống diễn biến hoà bình, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn; trao đổi thông tin về tình hình nhân dân liên quan đến công tác dân vận trên lĩnh vực an ninh trật tự; tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các cấp giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để phát sinh điểm nóng…
Tóm lại, xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với đất nước ta. Âm mưu chống phá nhà nước, chế độ ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là thường xuyên, liên tục, dưới nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi khác nhau. Chúng thường xuyên thay đổi chiến lược và phương thức để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, chúng luôn coi Việt Nam là một trọng điểm; trong đó, đặc biệt nguy hiểm là âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ cách mạng ta, để thấy được ảnh hưởng, tác hại và tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải luôn nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù thấy được tính chất phức tạp, quyết liệt trong cuộc đấu tranh này, đoàn kết, kiên quyết đánh bại chúng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đối với cán bộ công chức, viên chức việc học tập và nâng cao tri thức nhằm có nhận thức và cái nhìn đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nước ta là vô cùng quan trọng.
Chúng ta xác định, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới. Từ đó, mỗi người dân nói chung, mỗi cán bộ, công chức, viên chức nói riêng cần kiên định lý tưởng cộng sản, nêu cao cảnh giác cách mạng, xác định rõ trách nhiệm, theo lĩnh vực hoạt động của mình có những hành động thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng ta của các thế lực thù địch; đồng thời, không ngừng trau dồi, bồi dưỡng nâng cao năng lực về mọi mặt để góp sức xây dựng một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa văn minh, giàu mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.
---------------
Trên đây là nội dung bài thu hoạch quốc phòng an ninh cho đối tượng 3. Nếu bạn đang tìm bài thu hoạch quốc phòng an ninh đối tượng 4 năm 2017, mời tham khảo sang bài viết sau: Bài thu hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4 năm 2017