03/06/2017, 18:07

Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy gợi cho em suy nghĩ gì?

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tiêu biểu xuất hiện vào cuối những năm chống Mĩ với phong cách độc đáo bên cạnh những Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh...Hoà bình, những nhà thơ lính chiến từng để lại một phần tuổi trẻ ở chiến trường - mà Nguyễn Duy là một đại diện - lại ...

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tiêu biểu xuất hiện vào cuối những năm chống Mĩ với phong cách độc đáo bên cạnh những Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh...Hoà bình, những nhà thơ lính chiến từng để lại một phần tuổi trẻ ở chiến trường - mà Nguyễn Duy là một đại diện - lại tự bạch những nghĩ suy về quá khứ - hiện tại, để nhận ra sự đối thay của bản thân, của thế thái nhân tình. Đồng thời bộc lộ những suy tư gợi nhắc, gợi nhớ những năm tháng gian lao của đời ...

Bài thơ là câu chuyện về mối quan hệ giữa ta - người vô tình và trăng - người bạn tình nghĩa.
 
Hai khổ thơ đầu mở ra ở thời điểm quá khứ, khi con người sống ân tình với nhau, với những mảnh đất bình dị, hiền hậu, nghèo khó đã gắn bó, nuôi sống ta dài lâu, gian khó, hiểm nguy. Trong khoảng thời gian hơn nửa đời người, từ thuở ấu thơ dến những năm vật lộn kiếm sống, rồi những tháng ngày chiến đấu, hi sinh, “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” từng in đậm trong tâm trí mỗi con người. Vầng trăng - biểu tượng của đất và người những nơi ta qua, ân nghĩa với ta luôn luôn thuỷ chung thắm thiết, cùng ta đã trở thành “tri kỉ”.
 
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
 
Hình ảnh không gian “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” ở đây là những miền quê đặc trưng cho thiên nhiên, đất nước Việt Nam bình dị. Từ hàng nghìn năm, con cháu Lạc Hồng đã sống, dựng xây cơ nghiệp, chống giặc ngoại xâm chính trong những không gian thuần chất ấy. Và những vùng đất ấy - với tâm hồn ánh trăng đã trở thành một phần máu thịt của đời ta.
 
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ.
 
Từ sự gắn bó mật thiết đó, ta đã tự nhủ lòng mình dù đi đâu, về đâu, dù muôn sự đổi thay cũng không bao giờ quên hình ảnh bình dị, hiền hậu này :
 
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa.
 
Thế mà, khi hoàn cảnh sống thay đổi, ý nghĩ về sự gắn bó ân tình với đất và người ân nghĩa không còn nguyên vẹn. Giờ đây, trong không gian sống thành phố, với ánh điện, cửa gương, trong cuộc sống hiện đại ta đã dần lãng quên ánh trăng xưa, cuộc sống giản dị đầy gian khổ trong quá khứ :
 
Vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
 
Quan hệ “tri kỉ” xưa dã được thay thế bằng quan hệ người dưng, thiên nhiên bình dị xưa bây giờ tồn tại biệt lập với con người, con người đã lãng quên, vô tình phủ nhận quá khứ. Hôm nay, con người sống trong vinh hoa phú quí bỏ lại sau lưng quá khứ gắn bó ân tình giữa thiên nhiên bình dị - con người. Tưởng như con người ở đây đang tự đánh mất chính mình, đánh mất miền kí ức thăm thẳm có đau thương nhưng vô cùng thân yêu, gắn bó.
 
Ngày nay, trong cuộc sống nhộn nhịp chốn đô thị con người dường như lãng quên thiên nhiên cũng là lãng quên những chốn quê nghèo. Thế nhưng sự gặp gỡ đột ngột với vầng trăng, nghĩa là giữa quá khứ và hiện tại đã đánh thức miền kí ức xưa:
 
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
 
Vầng trăng - quá khứ dần gợi nhắc gợi nhớ về “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” khiến con người hôm nay ‘rưng rưng”. Cảm xúc con người lúc này khó tả, buồn vui lẫn lộn. Con người vui sướng, hạnh phúc vì đã tìm lại được miền kí ức đồng thời ý thức được sự vô tình của chính mình và xót xa về sự đổi thay của con người qua năm tháng. Gặp lại ánh trăng nhớ về không gian đồng, sông, bể, rừng con người như tìm lại chính mình một thời dù khổ đau, gian khó nhưng sống vô cùng ân tình, thuỷ chung.
 
Từ đó, con người có được ý thức về trách nhiệm của mình, thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn” thuỷ chung tình nghĩa:
 
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
 
Cái im lặng của trăng vừa nói lên phẩm chất cao quí của dân tộc - con người Việt Nam “ làm ơn há dễ mong người trả ơn “ vừa nghiêm khắc như một quan toà giàu nhân nghĩa, đức hi sinh.
 
Bài thơ “Ánh trăng” muốn tô đậm trong suy nghĩ mỗi người ý thức, tình cảm “nhớ nguồn”. Con người không được phủ nhận hay lãng quên quá khứ, sống ân tình thuỷ chung với những nơi, những người đã có công ơn với mình. Suy rộng ra, nâng cao hơn là với là với nhân dân, với đất nước đã nuôi dưỡng ta. Không thể quên quá khứ ấy. Bởi quá khứ ấy là lịch sử gian nan, hào hùng mà mình đã góp một phần cuộc đời. Quá khứ là kinh nghiệm để con người hướng tới tương lai. Sống thuỷ chung, luôn hướng về nguồn cội, về nhân dân còn thể hiện đạo lí làm người, tuân theo lẽ sống mà ông cha đã nhắn nhủ : Uống nước nhớ nguồn.
 
Và nếu đặt Ánh trăng của Nguyễn Duy bên Việt Bắc của Tố Hữu, ta sẽ thấy tuy mối cảm xúc và cách thể hiện khác nhau nhưng văn chương thời nào cũng vậy, đều tuyên ngôn cho tình nghĩa.

0