Bài tham khảo số 4 - 5 Bài văn Đóng vai Lang Liêu kể lại truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy (Ngữ văn 6) hay nhất
Ta là Lang Liêu đây, con trai của Hùng Vương. Hẳn các bạn còn nhớ ta và chiếc bánh chưng, bánh giầy kì diệu phải không nào? Các bạn có biết vì sao ta lại làm ra được hai loại bánh đó không? Đó là cả một câu chuyện dài. Vua cha ta sau khi đã dẹp yên giặc giã, nhân dân đã được ấm ...
Ta là Lang Liêu đây, con trai của Hùng Vương. Hẳn các bạn còn nhớ ta và chiếc bánh chưng, bánh giầy kì diệu phải không nào? Các bạn có biết vì sao ta lại làm ra được hai loại bánh đó không? Đó là cả một câu chuyện dài.
Vua cha ta sau khi đã dẹp yên giặc giã, nhân dân đã được ấm no. Thấy mình tuổi cao sức yếu ông muốn truyền ngôi lại cho con, nhưng ông có tới hai mươi người con trai ông không biết nên truyền ngôi cho ai. Và vua cha đã nghĩ ra một phương cách lựa chọn vô cùng sáng suốt. Nhân lễ Tiên Vương ai làm vừa ý vua cha sẽ truyền ngôi cho, mà không phân biệt con trưởng hay con thứ.
Ta vừa mừng vừa lo trước sự tuyên bố của vua cha bởi vì các Lang ai cũng muốn ngôi báu về mình, họ thi nhau làm cỗ thật hậu, thật ngon để đem lễ Tiên Vương. Còn ta là con thứ mười tám của vua cha, mẹ ta trước đây bị vua cha ghẻ lạnh sinh buồn mất sớm. Từ nhỏ ta đã phải ở riêng không biết gì nhiều sự sang trọng trong cung nội, chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai, biết lấy gì làm cỗ bây giờ. Ta băn khoăn, thao thức mãi không yên.
Một đêm ta nằm mộng thấy có một vị thần đến bảo:
– Trong trời đất không gì quý bằng hạt gạo, chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương.
Tỉnh dậy! Ta mừng quá, ngồi ngẫm nghĩ lời vị thần mách bảo. Càng nghĩ càng thấy đúng quá, chí lí quá. Ta chọn gạo nếp trắng tinh thơm lừng – lấy đậu xanh thịt lợn làm nhân – dùng lá dong gói lại thành hình vuông nấu nhừ một ngày một đêm – làm thành loại bánh – nhưng ta phân vân chưa biết đặt tên cho loại bánh đó là gì. Để đổi vị đổi kiểu cũng tên nguyên liệu đó ta giã nhuyễn nặn thành hình tròn – Và loại bánh này ta cũng chưa biết đặt tên là gì?
Đến ngày lễ Tiên Vương ta mang bánh tới hồi hộp chờ đợi, bởi vì các lang, lang nào cũng mang đến bao nhiêu sơn hào hải vị, nem công chả phượng, còn mâm cỗ của ta thì lại rất giản dị. Thế nhưng các bạn biết không, mâm cỗ của ta lại được vua cha ưng ý nhất. Và được vua chọn đem tế Trời, Đất, cùng Tiên Vương.
Tất cả mọi người và các quan cận thần ai cũng tấm tắc khen bánh ngon. Bánh của ta còn được vua cha đặt cho cái tên rất ý nghĩa. Vua cha lý giải:
– Bánh hình tròn là tượng Trời đặt tên là bánh giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất đặt tên là bánh chưng.
Ta được vua cha truyền ngôi với ý nguyện có sự kế thừa xứng đáng. Ghi nhớ lời dạy bảo của vị thần và tâm nguyện của vua cha, ta đã chăm lo phát triển nghề trồng trọt và chăn nuôi dưới triều đại của mình, để cho muôn dân được no ấm.
Các bạn nhỏ, và mọi người đừng quên làm bánh chưng, bánh giầy vào mỗi dịp tết đến xuân về đấy nhé. Hãy biết quý trọng và nâng niu hạt gạo làm ra, bởi đây là hạt ngọc của đất trời.