31/03/2021, 14:52

Bài soạn "Viếng lăng Bác" số 3 - 6 Bài soạn "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương lớp 9 hay nhất

I. Tác giả - Tác phẩm Viễn Phương tên khai sanh là Phan Văn Viễn, sinh năm 1928, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu ...

I. Tác giả - Tác phẩm

Viễn Phương tên khai sanh là Phan Văn Viễn, sinh năm 1928, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.

Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác trong dịp đó và in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978).


II. Bố cục

- Phần 1 (Khổ 1) : Cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng.

- Phần 2 (Khổ 2) : Cảm xúc trước hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác

- Phần 3 (Khổ 3) : Cảm xúc khi vào trong lăng, đứng trước di hài của Bác.

- Phần 4 (Khổ 4) : Niềm mong ước thiết tha của nhà thơ khi sắp trở về miền Nam.


III. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2: Đọc nhiều lần bài thơ, tìm hiểu cảm xúc bao trùm của tác giả và trình tự biểu hiện trong bài.

Trả lời :

Cảm xúc bao trùm trong bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác.

Cảm xúc đó được thể hiện theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác. Mở đầu là cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng, tiếp đó là cảm xúc trước hình ảnh dòng người bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác. Nỗi xúc động thiêng liêng khi vào lăng được gợi lên từ những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng: mặt trời, vầng trăng, trời xanh. Trong khổ thơ cuối, tác giả thể hiện niềm mong ước thiết tha muốn mình mãi mãi ở lại bên lăng Bác.


Câu 2 trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2: Phân tích hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu. Tác giả đã làm nổi bậc những nét nào của cây tre và điều đó mang ý nghĩa ẩn dụ như thế nào ? Câu thơ cuối bài trở lại hình ảnh cây tre đã bổ sung thêm phương diện ý nghĩa gì nữa của hình ảnh cây tre Việt Nam ?

Trả lời :

Hàng tre là hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả trong bài thơ. Đây là hình ảnh thực nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đó là hình ảnh thân thuộc của làng quê, của đất nước Việt Nam - một biểu tượng của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khất, bền bỉ. Cuối bài thơ, hình ảnh hàng tre còn được lặp lại với ý nghĩa “cây tre trung hiếu”. Đó cũng là một phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam. Cách kết cấu như vậy gọi là kết cấu đầu cuối tương ứng, làm đậm nét hình ảnh, gây ấn tượng sâu sắc và cảm xúc được nâng cao lên.


Câu 3 trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2: Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác đã được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 2, 3, 4 ? Chú ý phân tích những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc trong các khổ thơ này.

Trả lời :

Tình cảm của nhà thơ, của mọi người đối với Bác đã được thể hiện rõ nét qua khổ thơ thứ 2, 3 và 4 :

- Hình ảnh mặt trời trên lăng là hình ảnh thực, một hình ảnh thiên nhiên rực rỡ vĩnh hằng được nhân hoá ngày ngày đi qua trên lăng, chiêm ngưỡng mặt trời trong lăng rất đỏ. Hình ảnh mặt trời trong lăng ở câu dưới là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho Bác. Nếu như mặt trời tự nhiên đem lại ánh sáng, sự sống cho muôn loài thì Bác là người đã soi đường chỉ lối, đem lại độc lập, tự do và cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho dân tộc Việt Nam.

- Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ là hình ảnh thực: ngày ngày dòng người vào lăng viếng Bác trong nỗi xúc động bồi hồi, trong lòng tiếc thương kính cẩn, trong nặng trĩu nỗi nhớ thương. Dòng người được ví như tràng hoa là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo mà thích hợp. Đó là tràng hoa của lòng nhớ thương, biết ơn đang thành kính dâng lên Bác. Hình ảnh hoán dụ bảy mươi chín mùa xuân lại chứa đựng bên trong một hình ảnh ẩn dụ đẹp: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra mùa xuân cho đất nước.

- Hình ảnh ẩn dụ vầng trăng sáng dịu hiền còn gợi cho ta liên tưởng đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác.

- Hình ảnh ẩn dụ trời xanh như là lời khẳng định: Bác như bầu trời xanh kia, hiền hoà, bao dung, vĩ đại, trường tồn cùng thời gian. Người như đã hoá thân vào non sông đất nước, sống mãi trong sự nghiệp và tâm hồn dân tộc.

- Hình ảnh ẩn dụ cây tre xuất hiện ở đầu bài thơ được khép lại cuối bài với một nét nghĩa bổ sung: cây tre trung hiếu (nhân hoá). Sự lặp lại như thế đã tạo cho bài thơ kết cấu đầu cuối tương ứng đồng thời góp phần thể hiện niềm tin và tình cảm thuỷ chung son sắt của cả dân tộc ta quyết đi theo con đường mà Người đã chọn.


Câu 4 trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2: Nhận xét về sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật (thể thơ, nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh) của bài thơ.

Trả lời :

Bài thơ có giọng điệu thơ phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc: vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót xen lẫn tự hào.

- Thể thơ tám chữ, xen lẫn những dòng thơ 7 chữ, nhịp thơ chủ yếu là nhịp chậm diễn tả sự trang nghiêm, thành kính và những cảm xúc sâu lắng. Riêng khổ cuối nhịp nhanh hơn, phù hợp với sắc thái của niềm mong ước.

- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp với hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng. Những hình ảnh ẩn dụ - biểu tượng như mặt trời trong lăng, tràng hoa, vầng trăng, trời xanh…vừa quen thuộc, gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm.


II. Luyện tập

Câu 1 trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Học thuộc lòng bài thơ.


Câu 2 trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Viết một đoạn văn bình khổ 2 hoặc 3 của bài thơ.

Đoạn văn tham khảo bình khổ thơ thứ 2 của bài thơ

Khổ thơ thứ hai thể hiện cảm xúc của nhà thơ trước cảnh đoàn người xếp hàng vào lăng viếng Bác. Nếu như ở khổ thơ trên, cảnh vật còn đang sương phủ thì sang khổ thơ này, mặt trời đã lên cao và gợi ra một liên hệ mới. Ví Bác với “mặt trời” là hình ảnh đã quen, nhưng đem so sánh “mặt trời trên lăng” với “mặt trời trong lăng” là một sáng tạo mới xuất thần chưa hề có. Hình ảnh mặt trời trên lăng là hình ảnh thực, một hình ảnh thiên nhiên rực rỡ vĩnh hằng được nhân hoá ngày ngày đi qua trên lăng, chiêm ngưỡng mặt trời trong lăng rất đỏ. Mặt trời trong lăng trong câu dưới là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho Bác. Nếu như mặt trời tự nhiên đem lại ánh sáng, sự sống cho muôn loài thì Bác là người đã soi đường chỉ lối, đem lại độc lập, tự do và cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Nếu mặt trời tự nhiên vĩ đại, trường tồn, bất diệt thì với dân tộc Việt Nam, Bác chính là vị lãnh tụ vĩ đại nhất, dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ là hình ảnh thực: ngày ngày dòng người vào lăng viếng Bác trong nỗi xúc động bồi hồi, trong lòng tiếc thương kính cẩn, trong nặng trĩu nỗi nhớ thương. Dòng người được ví như tràng hoa là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo mà thích hợp. Đó là tràng hoa của lòng nhớ thương, biết ơn đang thành kính dâng lên Bác. Hình ảnh hoán dụ bảy mươi chín mùa xuân lại chứa đựng bên trong một hình ảnh ẩn dụ đẹp: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra mùa xuân cho đất nước. Điệp ngữ “ngày ngày” lặp lại hai lần trong khổ thơ gợi cảm giác thời gian vô tận, vĩnh viễn, không bao giờ ngừng như tấm lòng nhân dân không bao giờ nguôi nhớ Bác

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0