Bài soạn tham khảo số 3 - 5 Bài soạn Tiểu sử tóm tắt (Ngữ Văn 11) hay nhất
I. Mục đích và yêu cầu của tiểu sử tóm tắt 1. Mục đích - Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân. - Tiểu sử tóm tắt nhằm mục đích giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự ...
I. Mục đích và yêu cầu của tiểu sử tóm tắt
1. Mục đích
- Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân.
- Tiểu sử tóm tắt nhằm mục đích giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của người được nói tới. Ngoài ra, nắm được tiểu sử của nhà văn, nhà thơ, chúng ta sẽ có thêm cơ sở để hiểu đúng, hiểu sâu hơn các sáng tác của họ.
2. Yêu cầu
Bản tiểu sử tóm tắt cần chính xác, chân thực, ngắn gọn nhưng phải nêu được những nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp của người được giới thiệu.
II. Cách viết tiểu sử tóm tắt
1. Chọn tài liệu để viết tiểu sử tóm tắt
(trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Đọc văn bản ...
a, Bản tóm tắt đã kể lại những nội dung chính của tiểu sử Lương Thế Vinh về: nhân thân, các hoạt động chính và đóng góp của ông cho đất nước.
b, Tính cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của các tài liệu được lựa chọn:
- Những thông tin đưa ra đảm bảo tính khách quan, chính xác: năm sinh, các mốc thời gian trong cuộc đời, lời trích dẫn ý kiến rất rõ ràng của nhà bác học Lê Quý Đôn.
- Bài viết không rờm rà, những cứ liệu đưa ra rất rõ ràng và có kết cấu nội dung hợp lí đảm bảo cung cấp thông tin một cách ngắn gọn và căn bản nhất về Lương Thế Vinh.
c, Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, người viết cần sưu tập những tài liệu có liên quan. Các tài liệu này cần chân thực, chính xác, đầy đủ và tiêu biểu.
2. Viết tiểu sử tóm tắt
(trang 55 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Đọc lại văn bản ...
- Bài viết gồm những nội dung: Thân thế, phẩm chất con người (trí tuệ, tấm lòng với nhân dân, đất nước...), đánh giá về Lương Thế Vinh.
- Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt:
+ Nội dung ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, tiêu biểu.
+ Mức độ đánh giá khách quan, đúng mực, có sức thuyết phục.
Luyện tập
Câu 1 (trang 55 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Các trường hợp cần viết tiểu sử tóm tắt: c, d.
Câu 2 (trang 55 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
- Giống nhau: đều có thể viết về một nhân vật nào đó.
- Khác nhau:
+ Tiểu sử tóm tắt gồm bốn phần: nhân thân, hoạt động xã hội, đóng góp, đánh giá. Văn phong cô đọng, rõ ràng.
+ Điếu văn: Ngoài tiểu sử tóm tắt của người đã khuất, còn có thêm phần tiếc thương người đã khuất và chia buồn cùng gia quyến. Phần đánh giá thường dài hơn và kĩ hơn.
+ Sơ yếu lí lịch: có nhiều phần phải kê khai kĩ hơn so với tiểu sử tóm tắt như gia đình, thành phần giai cấp, quan hệ xã hội. Phần đánh giá ở đây là tự đánh giá về ưu điểm và khuyết điểm của người viết lí lịch thường đòi hỏi xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
+ Thuyết minh: Sử dụng tiểu sử tóm tắt như một bộ phận, một tài liệu của bản thân thuyết minh, cách diễn đạt mang sắc thái biểu cảm.
Câu 3 (trang 55 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Tham khảo tiểu sử tóm tắt nhà văn Nam Cao:
Nam Cao
(1915 - 1951)
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam).
Nam Cao là người con duy nhất trong một gia đình đông con được học hành tử tế. Học xong bậc thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn giúp việc cho một hiệu may và bắt đầu sáng tác văn chương. Sau đó ông bị bệnh, trở về quê. Có một thời gian Nam Cao dạy học ở một trường tư ở Hà Nội. Quân Nhật vào Đông Dương, trường ông phải đóng cửa. Nam Cao thất nghiệp, chuyển sang viết văn. Năm 1943 ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Kháng chiến bùng nổ (12 - 1946) Nam Cao về làm công tác tuyên truyền ở tỉnh Hà Nam. Từ năm 1947 lên Việt Bắc tiếp tục viết báo, sáng tác tuyên truyền cho kháng chiến. Năm 1950 tham gia chiến dịch Biên giới. Tháng 11 - 1951 Nam Cao hi sinh khi đi công tác vào vùng địch hậu.
Trước Cách mạng Tháng Tám, sáng tác của Nam Cao xoay quanh đề tài về cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân nghèo. Dù viết về đề tài nào, tác phẩm của ông cũng thể hiện nỗi đau đớn day dứt trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy diệt nhân tính. Qua tác phẩm của mình, Nam Cao phê phán xã hội phi nhân đạo đương thời. Sau CMT8 sáng tác một số tác phẩm: Đôi mắt, Ở rừng, Chuyện biên giới… đó là những sáng tác có giá trị của nền văn xuôi cách mạng lúc bấy giờ.
Trong nền văn xuôi hiện đại của nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ông đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.