Bài soạn "Ôn tập về văn bản thuyết minh" số 3 - 6 Bài soạn "Ôn tập về văn bản thuyết minh" lớp 8 hay nhất
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sốngnhằm cung cấp các tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân... của các sự vật và hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội cho con người bằng phương thức trình bày, giới thiệu, ...
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sốngnhằm cung cấp các tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân... của các sự vật và hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội cho con người bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
2. Văn bản thuyết minh khác các loại văn bản khác chủ yếu ở tính chất thuyết minh, giới thiệu. Văn thuyết minh không nặng về kể chuyện như văn tự sự, không miêu tả chi tiết, tỉ mỉ như văn miêu tả, không biểu cảm mạnh mẽ như văn biểu cảm, cũng không lập luận, thuyết lí như văn nghị luận. Thuyết minh trình bày, giải thích, giới thiệu khách quan, xác thực, rõ ràng.
3. Muốn làm tốt một bài văn thuyết minh, trước hết phải tìm hiểu kĩ về đối tượng cần thuyết minh bằng cách quan sát trực tiếp hoặc tìm hiểu qua sách báo, vô tuyến truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng khác. Bài văn thuyết minh cần phải làm nổi bật những đặc điểm, tính chất, chức năng, tác dụng... và quan trọng nhất chính là mối quan hệ giữa đối tượng được thuyết minh với đời sống con người.
4. Những phương pháp thuyết minh thường được vận dụng, vận dụng kết hợp với nhau là: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân loại, phân tích...
II. Luyện tập
Câu 1 - Luyện tập trang 35 - SGK Ngữ văn 8 tập 2: Hãy nêu cách lập ý và lập dàn bài đối với các đề bài sau:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em đã học.
d) Giới thiệu cách làm một đồ dùng học tập (một thí nghiệm)
a) Giới thiệu đồ dùng học tập hoặc trong sinh hoạt
Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng thuyết minh (thước kẻ, bút chì, bút máy…)
Thân bài:
– Nguồn gốc, xuất xứ của đồ dùng : hãng sản xuất
Hình dáng: Màu sắc, kích thước
Cấu tạo:
+ Gồm mấy phần?
+ Gồm những bộ phận nào?
+ Các bộ phận được sắp xếp ra sao? Công dụng của từng bộ phận
Cách sử dụng
Cách bảo quản
Kết luận: Giá trị, tầm quan trọng hữu ích của đồ dùng đó trong học tập
b) Dàn bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em
Mở bài: Giới thiệu chung về thắng cảnh tại quê hương
Thân bài:
– Vị trí địa lý
+ Diện tích ( lớn, nhỏ )
+ Đến đó bằng phương tiện gì thuận tiện?
+ Cảnh vật xung quanh thắng cảnh đó như thế nào?
– Nguồn gốc ( hình thành và phát triển)
+ Lịch sử hình thành: có từ bao giờ, ai là người khởi công xây dựng…
+ Hiện tại thắng cảnh đó trong tình trạng nào? ( cần tu sửa nâng cấp, đã được sửa sang kiên cố…)
+ Quy mô
– Nhìn toàn cảnh:
+ Nhìn tổng thể từ xa
+ Nổi bật nhất là điều gì
+ Kiến trúc nổi bật bên trong: Cách trang trí, sắp xếp, bố cục…
– Giá trị văn hóa lịch sử của địa danh
+ Địa danh tô điểm đẹp cho vùng quê như thế nào?
+ Thu hút lượng khách du lịch
Kết bài: Tình cảm, cảm nghĩ chung về đối tượng
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em được học
Mở bài: Giới thiệu chung về thể loại văn học mà em chọn thuyết minh ( văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại)
Thân bài:
Khái quát chung:
+ Đưa ra khái niệm về thể loại văn học đó
– Các đặc trưng của thể loại:
+ Chỉ ra các đặc điểm cơ bản
+ Nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật có giá trị khu biệt
– Dẫn ra các tác phẩm văn học tiêu biểu của thể loại
Kết bài: Cảm nghĩ chung về thể loại văn học đó.
d) Giới thiệu về cách làm đồ dùng học tập
Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng học tập định làm ( hộp bút, giá để sách vở, túi vải đựng bút
Thân bài:
– Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Cách làm tiến hành theo từng bước
– Yêu cầu về mặt thành phẩm
– Điều cần chú ý trong quá trình làm ra sản phẩm
– Công dụng của đồ dùng học tập vừa làm
– Cách bảo quản, giữ gìn
Kết bài: Cảm nghĩ về vai trò của đồ dùng học tập tự làm
Câu 2 trang 36 - SGK Ngữ văn 8 tập 2: Tập viết đoạn văn theo các đề bài sau:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…)
d) Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…)
e) Thuyết minh về một giống vật nuôi.
g) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…)
Trả lời:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
– Đoạn văn mẫu
Chiếc bàn học của em do chính ba em làm từ những tấm ván và thanh gỗ lựa từ đống củi mẹ mới mua. Suốt một ngày chủ nhật cưa, bào, đục, đẽo… không ngơi tay, ba em đã đóng xong chiếc bàn xinh xắn. Nó được kê ngay cửa sổ, hướng đông nên suốt ngày có đủ ánh sáng. Hình dáng chiếc bàn này giống hệt chiếc bàn ở lớp nhưng kích thước của nó chỉ bằng một nửa. Mặt bàn được bào nhẵn. Ba em đánh véc-ni thật kĩ. Các đường vân nổi lên rất đẹp. Dưới mặt bàn là hai ngăn rộng rãi, đủ để đựng sách vở và đồ dùng học tập. Bàn đóng liền với ghế, có chỗ dựa lưng thoải mái. Ba mua cho em một cây đèn nê-ông nhỏ, bệ đèn là chiếc giá cắm bút bằng nhựa màu hồng. Cây đèn được gắn cố định vào mặt bàn để buổi tối em có đủ ánh sáng học bài.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
– Đoạn văn mẫu:
Thành phố Nha Trang là một trung tâm du lịch lớn của cả nước với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình. Nha Trang – Khánh Hòa có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng. Nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang có diện tích 251 km2, bao gồm 27 xã, phường và 19 hòn đảo, với trên 2.500 hộ và khoảng 15.000 người sống trên các đảo. Đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 36km2 nằm che chắn ngoài khơi khiến cho vịnh Nha Trang (nằm trong số 29 vịnh đẹp nhất trên thế giới) trở nên kín gió và êm sóng. Nơi đây được nhiều du khách mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông” nhờ những bãi tắm đẹp, con đường nhựa xanh sạch, các ngôi biệt thự ẩn mình trong rừng hoa và cây xanh.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…)
– Đoạn văn mẫu :
Lục bát là một thể thơ dân tộc với số lượng tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát). Thể thơ này gieo vần lưng và vần chân về luật bằng trắc, chỉ có quy định cho những tiếng chẵn mà thường là tiếng thứ 4 trắc, còn lại bằng. Về ngắt nhịp, thể thơ lục bát chủ yếu ngắt nhịp chẵn.
d) Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…)
– Đoạn văn mẫu :
Cây hoa mai có nhiều loại, phổ biến nhất là mai vàng (Hoàng Mai), sau đó là mai tứ quý, rồi đến mai trắng (Bạch Mai) và mai chiếu thuỷ.Cây mai vàng dễ sống, ưa đất gò pha cát hoặc đất bãi ven sông. Có thể trồng đại trà thành vườn rộng hàng vài mẫu mà cũng có thể trồng dăm cây trong vườn, hoặc trong chậu sứ. Đất trồng mai có độ ẩm vừa phải và không úng nước. Phân bón cho mai thường là phân bò khô trộn với tro bếp, khô dầu và một ít u-rê, ka-li, …
e) Thuyết minh về một giống vật nuôi.
– Đoạn văn mẫu:
Trong tất cả các loài vật nuôi thì em thích nhất là con chó. Chó là loài thú bốn chân, tiến hóa từ chó sói, sau thành chó nhà. Chó có nhiều loại, có loại to 40-50kg, nhưng cũng có loại chỉ 5-10kg. Hiện nay, nhiều gia đình đang nuôi chó để giữ nhà, để làm người bạn thân thiết cùng các thành viên trong gia đình. Chó còn để phục vụ cho công tác điều tra của các chiến sĩ cảnh sát, những con chó được huấn luyện nghiệp vụ một cách kĩ lưỡng có thể phát hiện ra những thứ lạ thường giúp vụ án có thể phá nhanh chóng.
g) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…)
– Đoạn văn mẫu :
Chiếc áo dài xuất hiện trong đời sống của người Việt Nam từ lâu đời. Nó mang đậm bản sắc dân tộc và tượng trưng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Từ đầu thế kỉ XIX đến năm 1945, áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo hai mảnh sau ghép liền giữa sống lưng. Đằng trước là hai tà áo không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải nên nó rộng gấp đôi vạt phải. Từ những 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài ” tân thời”. Chiếc áo dài tân thời là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách hiện dại phương tây.