Bài soạn "Luyện tập tóm tắt tác phẩm tự sự" số 6 - 6 Bài soạn "Luyện tập tóm tắt tác phẩm tự sự" lớp 9 hay nhất
I- Sự cần thiết của việc tóm tắt văn bản tự sự 1. Tìm hiểu các tình huống sau 2. Suy nghĩ và thực hiện các yêu cầu sau: a. Nhận xét về sự cần thiết phải tóm tắt văn bản tự sự: Trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian và điều kiện để trực tiếp xem một bộ phim ...
I- Sự cần thiết của việc tóm tắt văn bản tự sự
1. Tìm hiểu các tình huống sau
2. Suy nghĩ và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Nhận xét về sự cần thiết phải tóm tắt văn bản tự sự: Trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian và điều kiện để trực tiếp xem một bộ phim hoặc đọc một tác phẩm, vì vậy việc tóm tắt văn bản tự sự là nhu cầu tất yếu do cuộc sống tạo ra
b. Các tình huống khác cần phải tóm tắt văn bản tự sự:
Bà nhờ em kể lại vở kịch chiếu trên ti vi
Con kể lại cho mẹ nghe về một ngày học tập của mình
Chú bộ đội kể lại một trận đánh
II- Thực hành tóm tắt một văn bản tự sự
Câu 1 trang 58 SGK văn 9 tập 1:
a. Các nhân vật và sự kiện nhìn chung đã nêu đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu một sự việc quan trọng, đó là một đêm Trương Sinh cùng con trai ngồi bên đèn, đứa bé chỉ vào chiếc bóng của Trương Sinh trên tường và nói đó là cha.
Đây là sự việc quan trọng vì nó là chi tiết thắt nút, cũng là mở nút của câu chuyện
b. Các sự việc nêu chưa hợp lí và cần bổ sung ý quan trọng đã tìm ở trên vào sau ý thứ tư trước khi viết tóm tắt
Câu 2 trang 59 SGK văn 9 tập 1:
Tóm tắt Người con gái Nam Xương:
Trương Sinh cưới Vũ Nương, là một người con gái xinh đẹp, lại hiền dịu nết na. Kết hôn chưa được bao lâu, Trương Sinh phải đi lính, để mẹ già và người vợ trẻ bụng mang dạ chửa ở lại. Mẹ Trương Sinh vì thương nhớ con mà mất, Vũ Nương lo ma chay chu tất. Giặc tan, Trương Sinh về nhà, nghe lời nói hồn nhiên của con, nghi ngờ vợ mình không chung thủy. Vũ Nương bị oan, bèn gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự tử. Một đêm, Trương Sinh cùng con ngồi bên chiếc đèn, đứa con chỉ chiếc bóng trên tường và nói rằng đó là bố. Lúc đó, Trương Sinh mới biết là vợ mình bị oan. Phan Lang là người cùng làng với Vũ Nương, do cứu nạn Linh Phi, vợ vua Nam Hải nên khi gặp nạn được Linh Phi cứu để trả ơn. Phan Lang gặp lại Vũ Nương, nhân việc Phan Lang trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng và lời nhắn đến Trương Sinh. Trương Sinh nhìn thấy chiếc hoa vàng của vợ, tin lời Phan Lang là thật, bèn lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang. Vũ Nương trở về, ngồi trên chiếc kiệu hoa ở giữa dòng, nói lời tạm biệt với Trương Sinh rồi biến mất
Câu 3 trang 59 SGK văn 9 tập 1:
Tóm tắt Người con gái Nam Xương ngắn gọn:
Xưa có chàng Trương Sinh, vừa cưới vợ đã phải đi lính. Vợ chàng là Vũ Nương ở nhà sinh được một đứa con trai và lo ma chay chu tất khi mẹ chồng mất. Giặc tan, Trương Sinh về nhà, nghe lời con nghĩ vợ không chung thủy. Vũ Nương bèn gieo mình xuống sông tự vẫn. Một đêm, khi con trai chỉ chiếc bóng trên tường và nói là bố, Trương Sinh mới biết vợ bị oan. Phan Lang là người cùng làng, vì cứu mạng Linh Phi nên được trả ơn. Phan Lang gặp lại Vũ Nương, khi về trần gian được nàng gửi cho chiếc hoa vàng và lời nhắn tới Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang, thấy Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa trở về, nói lời tạm biệt rồi biến mất.
III- Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự
Tóm tắt văn bản Lão Hạc:
Lão Hạc là một nông dân nghèo, hiền lành, chất phác. Con trai lão vì không đủ tiền cưới vợ nên quẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão ở nhà làm thuê làm mướn, kiếm ăn qua ngày. Người bạn thân nhất của lão chỉ có con chó Vàng. Nhưng vì sức khỏe yếu kém, lại bão gió, mất mùa lão đành phải gạt nước mắt bán cậu Vàng. Lão nhờ ông giáo đứng tên mảnh vườn để sau này giao lại cho con trai lão, đồng thời gửi ba mươi đồng bạc để lo ma chay khi lão mất. Nghe Binh Tư nói lão Hạc xin bả chó, ông giáo rất buồn và thất vọng. Nhưng khi chứng kiến cái chết đầy đau đớn của lão, ông giáo mới hiểu ra tất cả.
Tóm tắt văn bản Chiếc lá cuối cùng:
Xiu và Giôn- xi là hai nữ họa sĩ nghèo, còn trẻ. Cụ Bơ- men là người họa sĩ già ôm ấp giấc mơ về một kiệt tác mà mãi chưa thành. Mùa đông năm ấy, Giôn- xi mắc bệnh sưng phổi. Bệnh tật và nghèo túng khiến cô tuyệt vọng không muốn sống nữa. Cô cho rằng khi nào chiếc lá thường xuân cuối cùng trên bức tường đối diện rụng xuống thì mình cũng lìa đời. Sau một buổi tối mưa gió, chiếc lá thường xuân cuối cùng vẫn còn đấy. Giôn- xi có thêm niềm tin vào cuộc sống và dần trở nên khỏe hơn. Nhưng hóa ra chiếc lá ấy lại là kiệt tác của cụ Bơ- men, cụ đã vẽ chiếc lá vào đêm mà chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống và chết vì bệnh sưng phổi.