Bài Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 78 SBT...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 78 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Phân tích tính hình tượng và tính truyền cảm của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong đoạn thơ sau . Soạn bài Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật SBT Ngữ văn 1. Bài tập 1 , trang 101, SGK. Trả lời: Có nhiều phép tu từ thường được ...
1. Bài tập 1, trang 101, SGK.
Trả lời:
Có nhiều phép tu từ thường được sử dụng để tạo ra tính hình tượng của ngôn ngữ nghệ thuật, như : so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh… Mỗi phép tu từ như vậy cần dẫn một ví dụ. Chẳng hạn, phép so sánh trong câu thơ sau :
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ.
Có những trường hợp, để tạo nên tính hình tượng, nhà văn sử dụng đồng thời nhiều phép tu từ. Ví dụ :
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.
(Nguyễn Duy, Hơi ấm ổ rơm)
2. Bài tập 2, trang 101, SGK.
Trả lời:
Cần đánh giá về các đặc trưng. Cả ba đặc trưng (tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể hoá) đều là đặc trưng cơ bản, nhưng đặc trưng tiêu biểu phải là đặc trưng riêng có của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, không thấy biểu hiện ở phong cách ngôn ngữ khác. Hơn nữa, đó là đặc trưng còn có thể chi phối, kéo theo những đặc trưng khác của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Tính hình tượng chính là đặc trưng tiêu biểu, cần chứng minh theo những gợi ý ở trên.
3. Bài tập 3, trang 101, SGK.
Trả lời:
Việc lựa chọn từ để điền vào chỗ trống cần chú ý đến nhiều phương diện : phù hợp về quan hệ ý nghĩa và ngữ pháp với các từ ngữ đi trước và đi sau ; thích hợp với tư tưởng, cảm xúc thẩm mĩ của toàn câu, toàn đoạn hay bài; có tính hình tượng và biểu cảm cao…
a) Từ canh cánh.
b) Từ rắc (dòng 3), từ giết (dòng 4).
4. Bài tập 4, trang 102, SGK.
Trả lời:
Chú ý so sánh ba đoạn thơ về mùa thu ở các phương diện như : hình tượng, cảm xúc, ngôn ngữ.
– Về hình tượng : Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến với bầu trời bao la, trong xanh, tĩnh lặng, nhẹ nhàng. Còn trong thơ Lưu Trọng Lư thì có âm thanh xào xạc, và lá vàng lúc chuyển mùa. Trong thơ Nguyễn Đình Thi thì tràn đầy sức sống mới.
– Về cảm xúc : Nguyễn Khuyến yêu cảnh trong sáng, tĩnh lặng. Lưu Trọng Lư bâng khuâng với sự thay đổi nhẹ nhàng. Nguyễn Đình Thi cảm nhận sức hồi sinh của dân tộc trong mùa thu.
– Về từ ngữ: Nguyễn Khuyến chú ý đến các từ ngữ chỉ mức độ về khoảng cách, màu sắc, trạng thái hoạt động. Lưu Trọng Lư chú ý dùng âm thanh để gợi cảm xúc. Nguyễn Đình Thi miêu tả trực tiếp hình ảnh và cảm xúc.
– Mỗi bài thơ thu trên tiêu biểu cho một phong cách thơ : cổ điển, lãng mạn, lãng mạn cách mạng.
5. Phân tích tính hình tượng và tính truyền cảm của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong đoạn thơ sau :
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê
Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…
(Xuân Diệu, Biển)
Trả lời:
Phân tích tính hình tượng trong đoạn thơ, cần chú ý đến những từ ngữ miêu tả cảnh bờ biển : màu sắc, hình dáng, trạng thái giao hoà của bờ cát, ánh nắng, hàng thông, sóng biển…
Còn tính truyền cảm thì biểu lộ ở chính cảm xúc say mê cảnh đẹp của biển cả, ở tình cảm chân thành của nhân vật trữ tình, ở trạng thái mơ màng, hoà quyện của vạn vật.
6. Tính cá thể hoá của ngôn ngữ nghệ thuật được biểu hiện như thế nào qua đoạn văn miêu tả sau :
Nắng đã qua. Gã Đực nằm đầu hiên, thè dài lưỡi ra thở hực hực. Lũ ngan, lũ ngỗng thì rủ nhau chúi xuống bờ ao, bên những tàu lá khoai son hà xanh roi rói. Ở dưới gầm cụm lá sói, hai ba chị mái tơ thi nhau rụi đất, thỉnh thoảng lại rũ cánh phành phạch.
(Tô Hoài)
Trả lời:
Tính cá thể hoá của ngôn ngữ miêu tả trong đoạn văn thể hiện rõ rệt ở việc miêu tả rất cụ thể, với những nét riêng biệt về các loài vật : con chó, lũ ngan, lũ ngỗng, và mấy con gà mái (nơi tránh nắng quen thuộc, ưa thích của mỗi loài, động tác đặc trưng của từng loài ở nơi tránh nắng…).
7. Phân tích tính hình tượng và các tầng ý nghĩa trong khổ thơ sau đây :
Xưa phù du mà nay đã phù sa
Xưa bay đi mà nay không trôi mất
Cho đến được… lúa vàng đất mật
Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.
(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)
Trả lời:
Phân tích tính hình tượng, cần chú ý hai tuyến hình tượng đối lập nhau trong khổ thơ :
– phù du, bay đi, trận gió mưa
– phù sa, không trôi mất, lúa vàng, đất mật
Đó là sự đối lập giữa cái xưa và cái nay, cái lợi và cái hại.
Tầng nghĩa thứ nhất nói về thiên nhiên : phù du thì vô bổ, phù sa thì mang lại những đồng bằng phì nhiêu (đất mật) và những vụ mùa bội thu (lúa vàng). Nhưng có những vụ mùa bội thu như vậy không phải không trải qua những trận mưa gió phũ phàng.
Tầng nghĩa thứ hai : suy nghĩ ưu tư của nhân vật trữ tình. Cuộc sống xưa thật vô nghĩa và sớm nở tối tàn như kiếp phù du. Còn cuộc sống nay thật là đáng sống : thấy mình như chất phù sa mang lại ích lợi cho ruộng đồng, mùa màng. Tuy rằng có được thành quả như ngày nay thì cũng đã trải qua nhiều vật lộn, sóng gió.
8. Gọi tên các phép tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau :
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
(Viễn Phương, Viếng lăng Bác)
A – Ẩn dụ
B – Hoán dụ
C – So sánh
D – Nhân hoá
E – Đối
Trả lời:
Cần vận dụng những hiểu biết về các phép tu từ thường sử dụng trong ngôn ngữ nghệ thuật. Có thể một số phép tu từ được phối hợp sử dụng trong cùng một câu, một đoạn, nhưng tất cả đều phục vụ cho việc khắc hoạ một hình tượng thẩm mĩ, biểu hiện một cảm xúc hay tư tưởng thẩm mĩ. Ở đoạn thơ trong bài tập, nổi bật nhất là biện pháp ẩn dụ, nhưng có phối hợp với một số biện pháp khác : nhân hoá, đối xứng về hình tượng…
Sachbaitap.com