06/02/2018, 09:59

Bài 3 – Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn)

Bài 3 – Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn) Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Học sinh đọc kĩ văn bản và phần chú thích trong sách giáo khoa 2. Tình thế của chị Dậu khi bọn tay sai xông vào nhà Trong những ngày sưu thuế ngột ngạt, tai họa luôn lảng vảng rình rập xung quanh những gia ...

Bài 3 – Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn)

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Học sinh đọc kĩ văn bản và phần chú thích trong sách giáo khoa

2. Tình thế của chị Dậu khi bọn tay sai xông vào nhà

Trong những ngày sưu thuế ngột ngạt, tai họa luôn lảng vảng rình rập xung quanh những gia đình nghèo thiếu thuế, trong đó có gia đình chị Dậu, một gia đình thuộc loại nhất nhì trong hạng cùng đinh. Bọn lí trưởng, trương tuần chửi bới, quát tháo, mấy tên cai lệ, lính cơ tay thước, roi song, dây thừng đi tróc người thiếu thuế xông vào bất cứ lúc nào… Hai tên cai lệ và người nhà lí trưởng lần trước đã om sòm quát tháo, đấm đá rồi trói anh Dậu đem ra đình cùm lại ngay khi anh ốm nặng… Lần này, tuy biết tai họa vẫn luôn đe dọa nhưng chị Dậu vẫn thấy bọn tay sai xông vào quá đột ngột. Chị Dậu vừa nấu cháo xong, định cho chồng húp đỡ ngụm cháo rồi sẽ đi trốn, nhưng anh Dậu chưa kịp ăn thì tên cai lệ và người nhà lí trưởng đã ập đến bất ngờ.

3. Phân tích nhân vật cai lệ: Nhận xét về bản chất, tính cách của nhân vật này và về sự miêu tả của tác giả

Cai lệ là cai cầm đầu coi đám lính lệ ở huyện đường, là tay sai chuyên nghiệp, cai lệ được phái về làng Đông Xá nhằm giúp lí dịch làng này tróc thuế. Với những roi song, tay thước và dây thừng, cai lệ và tên người nhà lí trưởng đã hùng hổ xông vào nhà chị Dậu. Hắn ra oai hách dịch ngay từ phút đầu. Hắn đập roi xuống, quát thét hống hách và đểu cáng:

– Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu mau!

Mặc dầu anh Dậu vừa chết đi sống lại, nhưng hắn cũng chẳng cần để ý. Trước lời van xin nhũn nhặn lễ phép của chị Dậu, hắn trợn ngược hai mắt, quát thét: Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu nhà nước mà dám mở mồm xin khất. Khi chị Dậu quá hoảng sợ van xin thống thiết: Cháu van ông, nhà cháu vừa tỉnh được một lúc, ông tha cho! thì hắn đã đáp lại bằng cách đấm vào ngực, tát vào mặt chị, rồi lại nhảy tới cạnh anh Dậu để trói anh lại không kể gì đến mạng sống của anh.

Hành động của tên cai lệ thật tàn nhẫn không một chút tình người. Tuy chỉ là một nhân vật "chạy cờ”, một tên tay sai hạng bét chẳng tên tuổi gì, một thứ “thiên lôi” của bọn thống trị nhưng hắn thật dữ tợn, gây tội ác không hề biết chùn tay.

Trong đoạn văn trích trên, Ngô Tất Tố đã rất thành công trong việc khắc họa bộ mặt tàn ác đểu cáng, không chút tính người của cai lệ. Dưới ngòi bút của tác giả, cai lệ tiêu biểu cho chức năng đàn áp của chế độ thực dân nửa phong kiến thời đó. Có người đã nhận định, hắn chính là hiện hình đầy đủ, chân thực nhất của các trật tự tàn bạo dã man đương thời.

4. Diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích. Nhận xét về bản chất tính cách của chị

Trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã rất thành công trong việc xây dựng trước mắt người đọc hình ảnh của chị Dậu chân thực và sinh động. Ở đây, thái độ của chị Dậu đối với tên cai lệ và người nhà lí trưởng là cả một quá trình diễn biến theo tâm lí của chị.

Lúc đầu, khi anh Dậu run rẩy bưng bát cháo vừa mới kê lên miệng chưa kịp húp thì bọn cai lệ và người nhà lí trưởng từ ngoài sầm sập bước vào, chị Dậu hết sức nhã nhặn, lễ phép. Trước thái độ hông hách, dữ tợn của bọn chúng, chị run run nói: “Nhà cháu đã túng, lại phải đóng cả suất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà nước đâu? Hai ông làm phúc nói với ông lí hãy cho cháu khất”… Tên cai lệ, trái lại, đã sừng sộ, nhất quyết sai tên người nhà lí trưởng trói anh Dậu, lại điệu ra đình. Thấy tên này có vẻ chần chừ không dám thẳng tay hành hạ một người ốm nặng, tên cai lệ lập tức xồng xộc chạy tới chỗ anh Dậu. Hốt hoảng, chị Dậu chạy đến đỡ lấy tay hắn một lần nữa van nài, năn nỉ: “Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh lại được một lúc, ông tha cho”. Không chút động lòng, cai lệ vừa nói: “Tha này! Tha này!” vừa bịch luôn mấy bịch vào ngực chị rồi sấn tới để trói anh Dậu. Không thể đè nén được nữa, chị Dậu đã liều mạng cự lại. Từ chỗ xưng là “cháu”, chị đã đối giọng chuyển sang xưng “tôi”: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!” Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi hắn cứ nhảy vào trói anh Dậu. Hành động hung bạo, tàn nhẫn của cai lệ đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong lòng người phụ nữ giàu lòng yêu thương chồng này. Chị Dậu nghiến hai hàm răng: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Không còn gọi bằng ông mà gọi bằng mày. Không còn tự xưng là tôi nữa mà tự xưng là bà. Bằng tất cả sức mạnh của lòng căm thù ấy, chị Dậu đã túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Lần lượt, người đàn bà lực điền này đã quật ngã tên cai lệ và người nhà lí trưởng.

Vậy là trước hành động hung bạo, tàn nhẫn của cai lệ-và người nhà lí trưởng, chị Dậu đã vụt đứng dậy; từ thái độ lễ phép van xin đến chỗ quyết liệt, quật ngã chỏng quèo bọn chúng. Sức mạnh kì lạ, bất ngờ của chị chính là sức mạnh của lòng căm thù bị dồn nén lại đã nổ tung. Đó cũng chính là sức mạnh của lòng yêu thương chồng con của người phụ nữ này.

Qua đoạn trích Tức nước vã bờ, ta thấy Ngô Tất Tố đã rất thành công trong việc dựng lên hình tượng chị Dậu, một người phụ nữ dũng cảm mang nét tính cách của người nông dân, của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Diễn biến tâm lí của nhân vật này cũng được nhà văn thể hiện, miêu tả hết sức chân thực, tự nhiên và sinh động.

Cuối đoạn trích, anh Dậu sợ hãi khuyên can vợ:

– U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội.

Lời nói ấy cho thấy anh là một nông dân lao động, vốn hiền lành nhẫn nhục đã quen. Còn chị Dậu:

– Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mình mãi thế, tôi không chịu được…

Trong hoàn cảnh đó, chị không thể có lựa chọn khác. Tuy liều lĩnh, cô độc và tự phát, nhưng rõ ràng chị không thể không vùng dậy chống lại hành động hung bạo tàn nhẫn của bọn cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ tính mạng cho chồng.

5. Giải thích nhan đề "Tứcnước vỡ bờ”

Đặt tên cho đoạn trích là Tức nước vỡ bờ rất thỏa đáng. Nhan đề này cho thấy đầy đủ ý nghĩa của bài văn.

Người nông dân lao động vốn hiền lành nhẫn nhục nhưng nếu bị đẩy vào đường cùng tất sẽ Tức nước vỡ bờ, họ sẽ vùng lên kháng cự, không chút run sợ. Hành động vùng lên đánh bại cai lệ và tên người nhà lí trưởng của chị Dậu ở đây tuy liều lĩnh, cô độc và tự phát nhưng đã thế hiện được sức mạnh tiềm tàng, tinh thần kiên cường của người nông dân Việt Nam nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Chính hành động ấy phản ánh một quy luật xã hội là Tức nước vỡ bờ. Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

6. Chứng minh nhận xét của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan: Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo.

Ngòi bút Ngô Tất Tố tả hoạt cảnh rất đặc sắc. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với cai lệ là một đoạn tuyệt khéo, rất đúng với tâm lí của dân quê.

Đây là đoạn văn đặc sắc tiêu biểu cho bút pháp của tác giả Tắt đèn. Đặc sắc hơn cả là tài khắc họa nhân vật rõ nét, nhất là hai nhân vật cai lệ và chị Dậu. Cai lệ nổi bật từ giọng quát tháo hông hách đến những lời xỏ xiên đểu cáng, từ “cái giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cũ” đến “thân hình lèo khèo vì nghiện ngập”, nhất là cái tư thế “ngã chỏng quèo” mà miệng vẫn còn nhảm thét trói”.

Đó là một tên tay sai đểu giả, đê

tiện. Tác giả cũng đã thành công trong việc khắc họa hình tượng chị Dậu với nét tính cách dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam. Diễn biến tâm lí của chị được miêu tả hết sức tự nhiên và sinh động. Ngôn ngữ các nhân vật cũng phù hợp với tính cách nhân vật một cách rất tự nhiên. Nhà văn sử dụng khá nhuần nhuyễn ngôn ngữ của quần chúng nông dân khiến cho câu văn giản dị mà đậm đà, đượm nồng hơi thở của đời sống thực tế lúc bây giờ.

7. Giải thích và làm sáng rõ ý kiến của Nguyễn Tuân cho rằng với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã xúi người nông dân nổi loạn

Đọc tác phẩm Tắt đèn, Nguyễn Tuân có nói rằng: “Ngô Tất Tố đã xúi người nông dân nổi loạn rằng: cái cách viết lách như thế, cái cách dựng truyện như thế không phải là phát động quần chúng nông dân chống quan Tây, vua ta thì còn gọi là cái gì nữa” (Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1982, trang 336). Điều này rất xác đáng. Trong tác phẩm Vấn đề dân cày, Qua Ninh và Vân Đình (tức Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) nhận định: “Dân cày họ rất ưa bình tĩnh, tính chất cũng như việc làm của họ trên cánh đồng. Nhưng ôn hòa đến đâu, họ cũng chịu khổ có chừng có hạn. Khổ quá họ phải vùng dậy mà khi đó tình thế buộc họ phải liều lĩnh hi sinh”.

Nhà văn Ngô Tất Tố khi viết Tắt đèn, tuy chưa biết đến cách mạng nhưng do gắn bó máu thịt với nông dân hơn ai hết, bản thân ông thấu hiểu điều này. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét, Tắt đèn đặc biệt là đoạn trích Tức nước vỡ bờ đã toát lên chân lí: quần chúng nông dân nghèo khổ bị áp bức hết mức chỉ còn một con đường vùng dậy đế tự cứu mình, không có cách nào khác. Như thế chính là xúi nông dân nổi loạn chứ còn gì nữa.

Ghi nhớ (Sách giáo khoa) Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ được viết bằng ngòi bút hiện thực sinh động, Ngô Tất Tố đã vạch trần bộ mặt tàn ác bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô vàn cực khổ; khiến họ phải “liều mạng” chống lại. Đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

Mai Thu

0