Bài 19 – Rút gọn câu
Bài 19 – Rút gọn câu Hướng dẫn I. Thế nào là rút gọn câu? 1. Cấu tạo của hai câu sau có gì khác nhau? a) Học ăn, học nói, học gói, học mở. b) Chúng ta học ăn, học nói, học gói, học mở Trong cách cấu tạo: câu b có chủ ngữ chúng ta. Ở câu a chủ ngữ này bị lược bỏ. ...
Bài 19 – Rút gọn câu
Hướng dẫn
I. Thế nào là rút gọn câu?
1. Cấu tạo của hai câu sau có gì khác nhau?
a) Học ăn, học nói, học gói, học mở.
b) Chúng ta học ăn, học nói, học gói, học mở
Trong cách cấu tạo: câu b có chủ ngữ chúng ta.
Ở câu a chủ ngữ này bị lược bỏ.
2. Tìm những từ ngữ có thể làm chủ ngữ trong câu a:
Ta, chúng ta, mọi người, tôi, chúng tôi, bạn, các bạn, họ, nó, chúng nó, anh ấy, chị ấy…
3. Theo em, vì sao chủ ngữ trong câu a được lược bỏ?
– Đây là câu cầu khiến có ý khuyên nhủ chung nên chủ ngữ được lược bỏ.
4. Trong những câu in nghiêng dưới đây, thành phần nào được lược bỏ? Vì sao?
a) Hai ba bốn người đuổi theo nó. Rồi ba bốn người, sáu bảy người.
Trong câu “Rồi ba bốn người, sáu bảy người” thành phần vị ngữ đã bị lược bỏ, chỉ còn chủ ngữ. Tác giả lược bỏ vị ngữ để cho câu gọn hơn, khỏi lặp lại vị ngữ đã xuất hiện trong câu trước và để diễn tả được sự rượt đuổi dồn dập đang diễn ra.
b)– Bao giờ cậu đi Hà Nội’?
– Ngày mai.
Trong câu: “Ngày mai." cả chủ ngữ (tôi) vì vị ngữ (đi Hà Nội) đều bị lược bỏ, chỉ còn lại trạng ngữ chỉ thời gian. Tác giả lược bỏ như vậy để câu gọn hơn, hiểu nhanh, tránh lặp từ ngữ và để biểu lộ một cách ăn nói thân mật.
Ghi nhớ: Khi nói hoặc viết, có thể lược bỏ một số thành phần của câu, tạo thành câu rút gọn. Việc lược bỏ này thường nhằm các mục đích sau:
- Làm cho câu gọn hơn, thông tin nhanh hơn, tránh lặp những từ ngữ đã có trong câu trước;
- Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của mọi người (lược bỏ chủ ngữ).
II. Cách dùng câu rút gọn
1. Những câu in nghiêng dưới đây thiếu thành phần nào? Có nên rút gọn câu như vậy không? Vì sao?
“Sáng chủ nhật trường em tổ chức cắm trại. Sân trường thật đông vui. Chạy lăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co”.
– Các câu in nghiêng thiếu thành phần chủ ngữ. Không nên rút gọn câu như vậy vì trong trường hợp này nội dung câu nói không được thông báo đầy đủ. Người nghe chưa hiểu rõ ai “chạy lăng quăng”, ai “nhảy dây”, ai “chơi kéo co”?
2. Cần thêm các từ vào câu rút gọn in nghiêng dưới đây để thể hiện thái độ lễ phép:
– Thưa mẹ, bài kiểm tra toán.
3. Khi rút gọn câu, cần lưu ý các điều sau đây:
Ghi nhớ: Khi rút gọn câu, cần lưu ý:
- Không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu.
- Không biến câu nói thành câu cộc lốc, khiếm nhã, thiếu lễ độ.
III. Luyện tập
1. Trong các câu tục ngữ đã cho, các câu sau đây là câu rút gọn:
– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây;
– Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
Hai câu trên đều lược bỏ chủ ngữ. Cách rút gọn này làm cho câu tục ngữ trở nên cô đọng, súc tích hơn, làm cho thông tin được nhanh hơn. Câu trên có ý nhắc chung mọi người, câu dưới nói chung về mọi người.
2. Câu rút gọn trong các ví dụ đã cho là các câu sau đây:
a) – Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà.
– Dừng chân đứng lại, trời, non, nước.
b)– Đồn rằng quan tướng có danh.
– Ban khen rằng: “Ấy mới tài”.
– Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
– Đánh giặc thì chạy trước tiên.
– Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra.
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.
Các câu này đều lược bỏ chủ ngữ.
Khôi phục chủ ngữ:
a) – Ta bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà.
Ta dừng chân đứng lại, trời, non, nước.
b) – Thiền hạ đồn rằng quan tướng có danh.
– Vua khen rằng: “Ấy mới tài”.
– Vua ban cho cái áo với hai đồng tiền.
– Quan tướng đánh giặc thì chạy trước tiên.
– Quan tướng xông vào trận tiền cởi khố giặc ra.
+ Trong thơ, ca dao thường có nhiều câu rút gọn vì ngôn ngữ thơ ca luôn đòi hỏi sự cô đọng, súc tích, mặt khác các tác giả thường muốn giấu mình đi một cách khiêm tốn.
3. Cậu bé và người khách trong câu chuyện Mất rồi đã hiểu lầm nhau là do họ đã nói năng không đầy đủ, dùng câu thiếu chủ ngữ.
Qua đây, ta rút ra bài học về cách nói năng: khi nói năng phải dùng câu cho đầy đủ để người nghe khỏi hiểu lầm và để tỏ rõ sự lễ độ đối với người nghe. Ta chỉ rút gọn câu khi hoàn cảnh giao tiếp cho phép và việc rút gọn câu đó không gây ra sự hiểu lầm, hiểu sai, hiểu thiếu sót và cũng không biểu lộ sự khiếm nhã.
4. Trong truyện Tham ăn, các chi tiết gây cười và ngụ ý phê phán là sự đối đáp quá vắn tắt, cụt ngủn và khiếm nhã của kẻ tham ăn. Anh ta nói năng theo kiểu đó là để khỏi mất thì giờ nói dài lời, tranh thủ ăn được thật nhiều, thỏa mãn tính tham ăn của anh ta.
Mai Thu