06/02/2018, 10:17

Bài 20 – Bức tranh của em gái tôi

Bài 20 – Bức tranh của em gái tôi Hướng dẫn Chú ý: Hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện. Nắm được nghệ thuật kể chuyện và miêu tả tâm lí nhân vật trong tác phẩm. Biết trình bày bằng miệng một cách trôi chảy một số nội dung về quan sát, nhận xét, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh ...

Bài 20 – Bức tranh của em gái tôi

Hướng dẫn

Chú ý:

Hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện. Nắm được nghệ thuật kể chuyện và miêu tả tâm lí nhân vật trong tác phẩm.

Biết trình bày bằng miệng một cách trôi chảy một số nội dung về quan sát, nhận xét, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh khi miêu tả.

Chú thích:

Tự chế: tự làm ra.

Bại lộ: bị lộ ra, có nhiều người biết, không còn giữ kín được nữa.

Thiên tài: người có tài năng đặc biệt như là bẩm sinh mà có.

Bất ngờ: không ngờ tới.

Chứng kiến: mắt nhìn thấy rõ.

Phát huy tài nâng: làm cho tài năng thêm nẩy nở.

Bất tài: không có tài.

Năng khiếu: khả năng đặc biệt.

Nhập tâm: ghi sâu vào trí nhớ.

Hoàn hảo: rất tốt đẹp, tốt đẹp về các mặt.

Nhân hậu: giàu lòng yêu thương đối với mọi người, ăn ở rất có tình có nghĩa.

ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN

1. Kể tóm tắt cốt truyện:

Em gái tôi tên là Kiều Phương, nhưng tôi hay gọi nó là Mèo. Mèo bí mật tự chế ra những lọ phẩm màu để vẽ. Chú Tiến Lê, một họa sĩ, đến chơi phát hiện ra tranh của Mèo vẽ rất đẹp. Cả nhà cùng vui mừng và tạo điều kiện cho Mèo phát triển tài năng, chỉ có tôi là thầm ganh tị với nó.

Chú Tiến Lê giới thiệu cho Mèo tham gia trại thi vẽ quốc tế. Mèo đoạt giải nhất. Tôi lại càng kém vui. Nó rủ tôi cùng tới lãnh thưởng. Khi xem bức tranh nó vẽ và đạt giải cao tôi mới giật mình: nó đã vẽ tôi với một gương mặt thật hoàn hảo, thật đáng yêu. Tôi xấu hổ về sự ghen tị nhỏ nhen của mình. Tôi không dám nhận mình là người trong tranh vì người trong tranh không phải là tôi mà chính là lòng nhân hậu, là tâm hồn trong sáng của em tôi.

2. Suy nghĩ và thảo luận:

a) Nhân vật chính trong truyện là ai?

– Nhân vật chính trong truyện này là người anh.

– Đó là nhân vật chính vì tác giả đã tập trung miêu tả sự diễn biến tâm trạng và thái độ của nhân vật này qua nhiều sự việc.

b) Truyện được kể theo lời và ý nghĩ của người anh. Việc lựa chọn cách kể này rất thuận lợi cho việc biểu lộ tâm trạng và việc bày tỏ thái độ của nhân vật chính.

3. Đọc kĩ truyện và chú ý đến tâm trạng người anh.

a) Diễn biến tâm trạng của người anh:

– Từ trước cho đến lúc thấy em gái tự chế màu vẽ: người anh cố ý coi thường cô em gái mặt luôn bị bôi bẩn và hay lục lọi các đồ vật.

– Khi tài năng hội họa ở cô em gái được phát hiện: người anh cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài, những lúc ngồi bên bàn học, chỉ muốn gục xuống khóc.

– Khi lén xem những bức tranh em gái đã vẽ: người anh trút ra một tiếng thở dài, sau đó hay quát nạt em và nhìn em luôn thấy như nó đang chọc tức mình.

– Khi đứng trước bức tranh được giải nhất trong phòng trưng bày: người anh giật sững người, phải bám chặt vào tay mẹ. Thoạt tiên là ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ, khi mẹ hỏi thì muốn khóc.

b) Khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện, người anh có tâm trạng không thể thân với em gái như trước kia được nữa vì anh ta đã quá ghen tức, đố kị.

c) Sở dĩ người anh có tâm trạng "thoạt tiên là ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ" khi đứng trước bức tranh được giải của cô em gái vì:

Anh ta đâu có ngờ em gái lại vẽ mình.

Anh ta hãnh diện vì mình đã thành một nhân vật trong tranh.

Anh ta xấu hố vì mình đối xử với em không tốt mà nó vẫn vẽ anh ta với một tấm lòng yêu thương, trìu mến.

4. Đoạn kết của truyện viết thật ngắn mà rất hay:

"Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: "Không phải con đâu. Đây là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy.”

Người anh không trả lời mẹ được vì anh ta đang muốn bật khóc. Anh ta muốn bật khóc vì thấy xấu hổ về sự ghen tị nhỏ nhen hẹp hòi của mình. Anh ta không muốn nhận mình là nhân vật trong tranh vì anh ta thấy mình không xứng đáng. Anh ta hiểu được tấm lòng đứa em gái: nó biết anh ta không ưa gì nó nhưng nó vẫn yêu mến anh mình, vẫn lấy người anh làm nhân vật trong tranh, vẫn vẽ người anh với một khuôn mặt suy tư mơ mộng rất dễ thương. Nó còn đề tên cho bức tranh là "Anh trai tôi". Tất cả những điều đó chứng tỏ nó là một cô bé hồn nhiên, tốt bụng, dễ tha thứ và vẫn rất yêu mến người anh ruột thịt của mình. Bởi thế người anh mới có ý nghĩ bức tranh là tâm hồn và lòng nhân hậu của em gái.

Người anh trong truyện, đến lúc này, không chỉ xúc động trước tấm lòng khoan dung, nhân hậu của đứa em gái mà thấy rõ thói ghen tị hẹp hồi, xấu xí của mình. Anh ta rất ân hận về điều này. Chúng ta tin chắc rằng anh ta sẽ từ bỏ được tính xấu đó và trở nên một người anh thật đáng yêu.

5. Về cô em gái trong truyện:

Đó là một cô gái thật hồn nhiên, độ lượng, nhân hậu và thật sự có tài năng. Em gái này đã bí mật tìm tòi sáng chế ra màu vẽ cho mình, biết người anh không ưa gì mình nhưng khi vẽ tranh vẫn chọn anh làm nhân vật chính và khi vẽ đã làm nổi bật lên những nét đẹp của nhân vật chính.

Tất cả những điều này đã làm ta cảm mến nhân vật Mèo họa sĩ.

Tóm tắt:

Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài hội họa, truyện Bức tranh của em gái tôi cho thấy: tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế’ ở chính mình. Truyện đã miêu tả tinh tế tâm lí nhân vật qua cách kể theo ngôi thứ nhất.

LUYỆN TẬP

Một thành viên trong lớp đạt thành tích xuất sắc nào đó. Thành tích ấy gây nên phản ứng khác nhau. Hãy thuật lại diễn biến câu chuyện và bày tỏ thái độ của mình.

Vài nét gợi ý

Cô giáo trả bài Văn kiểm tra Học kì I.

Cô cho Minh điểm 10 và cô hết sức khen Minh trước lớp. Cô đọc to bài văn của Minh cho cả lớp nghe và phân tích cách viết chân thực, đầy xúc cảm của Minh về người mẹ của mình.

Nhiều bạn trong lớp cũng hết sức đồng tình với cô giáo. Có bạn tự liên hệ bài viết của Minh với bài viết của mình và thấy rõ sự hời hợt, nông cạn của mình. Nhiều bạn đề nghị cô cho chép lại bài văn đó và dán lên báo tường của lớp để mọi người cùng tham khảo thêm.

Nhưng cũng có vài bạn tỏ ý không tán thành ý kiến của cô giáo. Có bạn cậy mình con nhà giàu đã nói: "Bà mẹ Minh là một bà bán xôi chè rong trên phố thì có gì đáng nói". Thật là đáng ghét. Có bạn lại bỏ nhỏ vào tai người ngồi cạnh: "Bài của tớ viết cũng hay chẳng kém nhưng cô giáo đã thiên vị con Minh nên cho nó điểm cao hơn”. Mấy anh chàng lười nhác thì chặc lưỡi: "Chà bọn này chỉ cần đủ năm điểm để được lên lớp là tốt rồi, cố gắng làm chi cho mệt!".

Nghe các bạn xì xào bàn tán tôi đã thấy rõ thái độ ghét ghen đố kị của một số người. Tôi cũng chê trách mấy bạn lười nhác không chịu phấn đấu vươn lên. Riêng tôi, tôi rất thích bài viết của Minh. Tôi thấy mình cần phải gắng sức nhiều hơn nữa để không chỉ giỏi toán mà còn giỏi cả văn như bạn Minh để cô giáo và cha mẹ tôi được vui lòng.

Mai Thu

0