[2017] Thi học kì 1 Văn 6 – Bạc Liêu: Hãy kể lại một việc tốt mà em đã làm
[2017] Thi học kì 1 Văn 6 – Bạc Liêu: Hãy kể lại một việc tốt mà em đã làm Đáp án và đề thi học kì 1 lớp 6 môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu. Kì thi vừa được tổ chức vào ngày 13-12-2017, có đáp án chi tiết, mời các em tham khảo SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẠC LIÊU ĐỀ KIỂM TRA CHẤT ...
[2017] Thi học kì 1 Văn 6 – Bạc Liêu: Hãy kể lại một việc tốt mà em đã làm
Đáp án và đề thi học kì 1 lớp 6 môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu. Kì thi vừa được tổ chức vào ngày 13-12-2017, có đáp án chi tiết, mời các em tham khảo
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẠC LIÊU
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ 1
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 6
NĂM HỌC 2017 – 2018
Thời gian làm bài 90 phút không kể thời gian giao đề
I. Phần Tiếng Việt (2 điểm)
Câu 1. (0,5 điểm)
Tìm cụm danh từ trong câu sau:
Vua cha yêu thương Mị Nương hết mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng.
Câu 2. (0,5 điểm)
Có mấy loại động từ chính? Hãy kể tên ra?
Câu 3. (0,5 điểm)
Thế nào là từ nhiều nghĩa?
Câu 4. (0,5 điểm)
Câu sau đây từ nào dùng không đúng? Hãy chữa lại cho đúng?
Ngày mai, chúng ta sẽ đi thăm quan nhà công tử Bạc Liêu
II. Phần Văn Bản (3 điểm)
Câu 1. (1 điểm)
Thế nào là truyện truyền thuyết? Kể tên hai truyện truyền thuyết mà e đã học.
Câu 2. ( 1 điểm)
Nêu ý nghĩa của chi tiết thần kì: Tiếng đàn và niêu cơm trong truyện “Thạch Sanh”.
Câu 3. (1 điểm)
Truyện ngụ ngôn ” Thầy bói xem voi” khuyên nhủ người ta điều gì?
III. Phần tập làm văn (5 điểm)
Hãy kể lại một việc tốt mà em đã làm.
——— HẾT ————
LỜI GIẢI
I. PHẦN TIẾNG VIỆT: (2.0 điểm)
Câu 1. (0.5 điểm)
Cụm danh từ trong câu:
Một người chồng thật xứng đáng
Câu 2. (0.5 điểm)
– Có hai loại động từ chính. (0.25 điểm)
– Kể ra đúng (0.25 điểm)
+ Động từ tình thái
+ Động từ chỉ hành động, trạng thái
Câu 3. (0.5 điểm)
Từ nhiều nghĩa là từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.
Câu 4. (0.5 điểm)
– Từ thăm quan dùng không đúng (0.25 điểm)
– Chữa lại: Thay từ thăm quan bằng từ tham quan (0.25 điểm)
II. PHẦN VĂN BẢN: (3.0 điểm)
Câu 1. (1.0 điểm)
– Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo. (HS trả lời đến đây là đạt (0.5 điểm))
– Truyện truyền thuyết mà em đã học: Bánh chưng, bánh giầy, Thánh Gióng, hoặc Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. (0.5 điểm)
Câu 2. (1.0 điểm)
Ý nghĩa của chi tiết thần kì: Tiếng đàn và niêu cơm trong truyện “Thạch Sanh”:
– Tiếng đàn thể hiện ước mơ công lý của nhân dân ta-tiếng đàn giải oan, vạch trần tội ác. (0.5 điểm)
– Niêu cơm thể hiện tấm lòng nhân đạo, tư tưởng yêu hòa bình. (0.5 điểm)
Câu 3. (1.0 điểm)
Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” khuyên nhủ người ta:
Muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện.
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN: (5.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm bài văn tự sự
– Xây dựng bố cục đủ ba phần: mở bài, thân bài, kết bài
– Lời văn rõ ràng, mạch lạc, có cảm xúc
– Trình bày sạch đẹp, đúng chính tả
2. Yêu cầu về kiến thức
a. Mở bài: (0.5 điểm)
Giới thiệu việc làm tốt.
b. Thân bài: (4.0 điểm)
Kể diễn biến câu chuyện:
– Câu chuyện mở đầu như thế nào?
– Diễn biến ra sao?
– Kết thúc như thế nào?
c. Kết bài: (0.5 điểm)
Cảm nghĩ của em về việc làm đó.
Bài làm
Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.
Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em giẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: Ồ! hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger. Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về nhưng tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng 1, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:
– Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: 25.000đ cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi. – Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít.
Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em. Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người.