18/06/2018, 11:28

19 - 3 - 1950: Ngày toàn quốc chống Mỹ

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia ngày càng giành được những thắng lợi to lớn về mọi mặt. Bọn thực dân Pháp ngày càng thua thiệt nặng nề và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ đã công khai và ráo riết tiến hành can ...

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia ngày càng giành được những thắng lợi to lớn về mọi mặt. Bọn thực dân Pháp ngày càng thua thiệt nặng nề và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn.

Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ đã công khai và ráo riết tiến hành can thiệp vào Đông Dương. Âm mưu của đế quốc quốc Mỹ là gạt dần thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, và biến khu vực này thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Từ 1950, bọn Mỹ đủ loại: tướng tá, gián điệp, nghị sỹ, nhà kinh doanh và cả cố đạo, lũ lượt kéo vào Việt Nam. Chúng ngày càng gánh chịu phần chủ yếu về chiến phí của cuộc chiến tranh.

Tháng 3, Gríp-phin cầm đầu phái đoàn viện trợ của Mỹ tới Đông Dương để nghiên cứu tình hình kinh tế và viện trợ cho Đông Dương.

Nghiêm trọng hơn, ngày 16 tháng 3 năm 1950, lần đầu tiên Mỹ cho hai tàu chiến Xtích-Ken và An-đớc-xơn cặp bến Sài Gòn. Đồng thời, chúng lại đưa hàng không mẫu hạm Bốc-xơ chở hằng trăm máy bay chiến đấu kéo vào vùng biển Đà Nẵng. Đây là một hành động can thiệp và đe dọa trắng trợn. Bọn chúng dự định tổ chức một cuộc thao diễn quân sự lớn để diễu võ giương oai, phô trương thanh thế, uy hiếp tinh thần nhân dân ta, đồng thời nâng đỡ tiếp sức cho thực dân Pháp và đẩy mạnh những hoạt động can thiệp của chúng.

Các tầng lớp nhân dân ta theo dõi chặt chẽ, hết sức căm phẫn những hành động can thiệp đầy tội ác của Mỹ, quyết trả lời chúng một cách đích đáng nhất, mạnh mẽ nhất.

Ngay sau khi Gríp-phin chân ước chân ráo tới Sài Gòn, lựu đạn đã nổ quanh khách sạn Công-ti-năng-tan, nơi ở của hắn. Đồng thời, hàng chục trái đạn súng cối của các lực lượng vũ trang nhân dân ta tới tấp nã vào hai tàu chiến Mỹ đang đậu trên sông Thủ Thiêm, buộc chúng phải thay đổi chỗ đậu nhiều lần.

Để phối hợp với những hoạt động của các lực lượng vũ trang, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn quyết định tổ chức một cuộc đấu tranh của nhân dân toàn thành phố chống bọn can thiệp Mỹ, vào sáng chủ nhật 19-3-1950. Đó là cuộc biểu dương to lớn ý chí độc lập bất khuất và sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ can thiệp, đồng thời kết hợp đòi các quyền tự do dân chủ, dân sinh: chống khủng bố, tự do ngôn luận, chống thất nghiệp, cải thiện đời sống.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, nhân dân các giới khắp nơi trong nội ngoại thành sôi nổi hưởng ứng và ráo riết chuẩn bị bằng cờ, khẩu hiệu, truyền đơn và bố trí đội ngũ. Đêm 18.3, bọn cảnh sát đánh hơi biết tin nhưng chúng đã bất lực không sao ngăn chặn nổi làn sóng đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Ngày 19.3.1950

Từ 3 giờ sáng, những đoàn người rầm rập từ mọi nơi-Chợ Lớn, Bàn Cờ, Bà Chiểu, rồi Cầu Ông Lãnh, Cột Cờ Thủ ngữ... đều đổ về địa điểm tập trung: Sân trường Tôn Thọ Tường (ở ngã tư các đường Ga-li-ê-ni và Kít-sơ-nè-nay là ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học).

Đến 6 giờ 30 phút, hơn một vạn người với rừng cờ và biểu ngữ đã về tựu chung quanh địa điểm mít tinh. Bọn Pháp và bù nhìn vội vã huy động quân lính và cả môtô, ôtô, xe tăng đến bao vây. Chúng ra lệnh giải tán và đe dọa khủng bố. Nhưng quần chúng không hề nao núng.

8 giờ sáng-đúng giờ quy định-cuộc mít tinh bắt đầu. Số người lúc này đã lên tới 15 vạn, bao gồm đông đủ các tầng lớp nhân dân: công nhân, dân nghèo, học sinh, sinh viên, trí thức và cả các thương gia. Một số viên chức cũng tham gia. Quần chúng đã nhiệt liệt hoan nghênh luật sư Nguyễn Hữu Thọ tới tham dự cuộc mít tinh. Chính luật sư là người đã bác bỏ yêu cầu của Mai Hữu Xuân, "Giám đốc cảnh sát Nam phần" vào tối ngày 18, đòi đình chỉ cuộc biểu tình đấu tranh. Sân trường Tôn Thọ Tường vang động những tiếng hô khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ can thiệp!" Đả đảo viện trợ Mỹ!". "Đế quốc Mỹ cút đi", "ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh".

Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng. Xiết chặt đội ngũ của mình, dòng người như thác đổ từ địa điểm mít tinh tràn ra các đại lộ chính của thành phố: đường Ga-li-ê-ni, Chợ Bến Thành, đại lộ Bô-na (nay là đường Lê Lợi), đại lộ Sác-ne (nay là đường Nguyễn Huệ)... Trên đường tuần hành, số người mỗi lúc càng thêm đông: người đi đường nhập vào, người trong nhà ùa theo, thậm chí một số binh lính địch cũng bỏ lon, cởi áo gia nhập. Chẳng bao lâu, đoàn biểu tình đã lên tới 30 vạn, rồi 50 vạn người. Nhiều nhà trong thành phố cũng tự động treo cờ hưởng ứng cuộc đấu tranh.

Tại ngã tư đường Mác-ma-hông Bô-na (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Lợi), một toán lính thủy Mỹ đã hoảng sợ bỏ chạy trước khí thế mãnh liệt của đoàn biểu tình.

Tình hình ngày càng căng thẳng. Lính Pháp và bọn cảnh binh tay sai nổ súng bắn vào quần chúng. Nhiều người bị chết, bị thương và hàng chục người bị bắt. Nấp sau "Những chiến lũy" được dựng lên nhanh chóng bằng các xe ôtô buýt, xe vận tải, ghế đá công viên, bàn ghế tiệm ăn và cả củi của chuyến xe lửa vừa chạy tới bị chặn lại, quần chúng chống trả kịch liệt bằng gạch, đá, củi.v.v

Quần chúng vẫn tiến tới như triều dâng thác đổ! Cờ Mỹ, cờ Pháp, cờ ba que của tay sai và ảnh tên bù nhìn Bảo Đại ở nhiều nơi bị giật xuống, xé nát và quăng vào lửa. Xe của lính Pháp bị quật đổ sang bên đường. Một lá cờ đỏ sao vàng lớn được giương cao, bay phất phới trên nóc nhà thị chính. Tại đây, tên thiếu tá Pháp Pe-ri-ơ láo xược giật cờ đỏ sao vàng trong tay quần chúng ném xuống đất đã bị đánh chết ngay tại chỗ. Chiếc xe "giép" của hắn cũng bị đốt cháy ngay.

Cuộc biểu tình khổng lồ của 50 vạn nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã kéo dài từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Đoàn biểu tình kéo xuống tận bến tàu, nơi hai chiếc tàu chiến Mỹ đang thả neo. Bọn Mỹ hoảng sợ, chạy hết lên tàu. Cờ Mỹ trên tàu vội vàng hạ xuống. Và ngay đêm hôm đó, hai chiếc Xtích-ken và An-đớc-xơn vội vã, không kèn không trống chuồn khỏi Sài Gòn.

Cuộc biểu tình khổng lồ ngày 19.3.1950 của nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn chống bọn can thiệp Mỹ đã có tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước. Các tờ báo lớn tại Pháp như: "Nhân Đạo", "Chiến đấu"... đều đưa tin và vạch rõ sự thất bại, bất lực của bọn thực dân Pháp và bù nhìn tay sai. Từ Việt Bắc, báo "Sự Thật" số ra ngày 1-4-1950, đã đăng bài xã luận với nhan đề "Tinh thần yêu nước của đồng bào Sài Gòn muôn năm" nhằm biểu dương kịp thời tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Thành đồng Tổ quốc.

Cuộc biểu tình ngày 19.3.1950 đã đi vào lịch sử dân tộc- "Ngày toàn quốc chống Mỹ", biểu hiện ý chí kiên cường và sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong cuộc chạm trán quyết liệt đầu tiên với đế quốc Mỹ. Cuộc biểu tình ngày 19.3.1950 đã biểu hiện sự sáng suốt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ đầu đã nhìn thấy rõ kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc và của loài người, kiên quyết đấu tranh chống lại chúng. Từ đó và kéo dài trong suốt một phần tư thế kỷ, sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian khổ nhưng hết sức vẻ vang, đã ghi lại những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Và nhân dân ta đã toàn thắng!

Đế quốc Mỹ can thiệp và xâm lược đã hoàn toàn thất bại!

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trước đây, hằng năm đến ngày 19.3, nhiều Tổ chức quốc tế và nhân dân nhiều nước đã phát động những "Tuần quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam", ủng hộ nhân dân ta, chống đế quốc Mỹ xâm lược.

19 tháng 3 đã trở thành một biểu tượng chống Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân Việt Nam anh hùng!

19 tháng 5 cũng đã trở thành một biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế của nhân dân thế giới và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh đế quốc Mỹ- kẻ thù số 1 của loài người tiến bộ.

0