19-03-1950:NGÀY TOÀN QUỐC CHỐNG MỸ
19/03/1950 NGÀY TOÀN QUỐC CHỐNG MỸ Năm 1950, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Ở Châu Âu, tiếp sau việc thành lập một số nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu và Trung Âu, ngày 7/10/1949, nước Cộng hòa dân chủ Đức ra đời, đánh dấu một thắng lợi lớn của giai cấp công ...
-
19/03/1950
-
NGÀY TOÀN QUỐC CHỐNG MỸ
Năm 1950, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Ở Châu Âu, tiếp sau việc thành lập một số nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu và Trung Âu, ngày 7/10/1949, nước Cộng hòa dân chủ Đức ra đời, đánh dấu một thắng lợi lớn của giai cấp công nhân và nhân dân Đức, giáng một đòn mạnh vào âm mưu của bè lũ đế quốc. Ở Châu Á, ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, làm thay đổi sự sắp xếp và so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng. Sự phát triển về kinh tế và quốc phòng của Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh giành độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Về phía chủ nghĩa đế quốc, chúng vẫn ráo riết xúc tiến âm mưu gây chiến và áp bức nô dịch các dân tộc nhỏ yếu, đặc biệt là đế quốc Mỹ. Đối với cuộc chiến ở Đông Dương, Mỹ nhúng tay can thiệp mạnh mẽ và trực tiếp hơn. Hàng loạt họat động về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự được Mỹ tiến hành ráo riết để chi phối trực tiếp hơn nữa các chính sách của Pháp đối với Đông Dương, biến Pháp và ngụy quyền tay sai thành “lính đánh thuê” cho quyền lợi của mỹ ở Đông Dương. Trong khi đó, đế quốc Pháp đang quẫn bách tiến đến kho cạn về tài chính ; một mặt, nhân dân Pháp và thuộc địa phản chiến ngày một quyết liệt thêm.
Ngày 30/6/1950, chuyến tàu Mỹ đầu tiên chở thẳng vũ khí sang Đông Dương đã cập bến Sài Gòn và đổ xuống Cảng 56 máy bay chiến đấu và vận tải, 36 tàu đổ bộ loại nhỏ và một số vũ khí đủ trang bị cho 12 tiểu đoàn quân Ngụy.
Từ đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của đồng bào ta ở một số đô thị lớn lại bùng lên mạnh mẽ. Ngày 9/01, một cuộc biểu tình lớn nổ ra tại Sài Gòn. Hơn hai nghìn học sinh cùng đại biểu các giáo sư và gia đình học sinh kéo đến Dinh thủ hiến Nam phần, đòi ngụy quyền phải thực hiện lời hứa trả lại tự do cho 12 học sinh bị bắt trong một cuộc bãi khoá vưà xảy ra trước đó. Cuộc biểu tình được hàng vạn đồng bào các giới nhanh chóng hưởng ứng. Cuộc biểu tình đã bị bọn ngụy quyền đàn áp hết sức dã man, học sinh Trần Văn Ơn bị sát hại. Cuộc biểu tình ngày 9/01 của học sinh và đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã châm ngòi cho hàng loạt các cuộc đấu tranh tiếp theo và có tiếng vang lớn trong toàn quốc. Ngày 9/01/1950 đã đi vào lịch sử và chính thức trở thành ngày đấu tranh của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Giữa những ngày sục sôi khí thế chiến đấu ấy của đồng bào ta, đại sứ Mỹ Gơ-ríp-phin (Griffins) đến Sài Gòn. Hai tàu diệt ngư lôi loại lớn của Mỹ là Stích_cơn ( Stickon) và An-đớt-sơn (Anderson) cập bến cảng Thanh phố. Một tàu sân bay chở 70 máy bay chiến đấu Mỹ cũng tiến vào thả neo ở ngoài khơi Đà Nẵng. Vẫn với thói quen dùng máy bay, tàu chiến để doạ người, Mỹ dự định mở cuộc thao diễn lớn của không quân và hải quân, phô trương lực lượng hòng trấn áp tinh thần đấu tranh của đồng bào ta, đồng thời nâng đỡ tinh thần cho lũ tay sai.
Trong những ngày này, để kịp thơì tỏ rõ ý chí cuả nhân dân ta chống Mỹ can thiệp, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh lớn. Đi đôi với các hoạt động đấu tranh chính trị, quân và dân ta đã lên tiếng cảnh báo bọn can thiệp Mỹ bằng cả những hoạt động quân sự . Biệt động ném lưụ đạn vào khách sạn Công-ty-năng-tan (Continental) làm đại sứ Gơ-ríp-phin suýt bỏ mạng. Ngày 19/3, hơn 300.000 đồng bào Sài Gòn xuống đường tiến hành một cuộc biểu tình khổng lồ đấu tranh trực diện với đế quốc Mỹ. Sau khi tập hợp đội ngũ tại khu vực chợ Bến Thành, đoàn biểu tình trương cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ chia làm nhiều cánh diễu hành qua các phố lớn tiến về phía cảng. Đồng bào vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ. Địch dùng hơi cay đàn áp. Đồng bào ta siết chặt hàng ngũ và hành động quyết liệt hơn. Gần chợ Bến Thành quần chúng đốt cháy xe quân sự Pháp. Trước toà thị chính, một sỹ quan Pháp hung hăng giật xé cờ đỏ sao vàng đã bị giết chết. Cờ Pháp, cờ Mỹ và cờ Ngụy ở các công sở dọc đường bị hạ, ảnh Bảo Đại bị xé nát. Đoàn biểu tình tiếp tục đến cảng định tiếp tục đốt phá tàu mỹ. Hai chiếc tàu diệt ngư lôi Mỹ hốt hoảng kéo còi báo động, thả khói mù và vội vã hạ cờ. Thấy đã đạt được tháng lợi, ban lãnh đạo cuộc biểu tình chủ động cho kết thúc cuộc đấu tranh. Thế là ngay trong cuộc đọ sức đầu tiên với nhân dân ta, đế quốc Mỹ đã bị giáng một đòn. Kế hoạch phô trương thanh thế của chúng đã phải huỷ bỏ. Ngay chiều hôm đó, các tàu Mỹ phải nhổ neo lặng lẽ rút lui.
Thắng lợi của cuộc biểu tình chống Mỹ ngày 19/3/1950 của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu cuả nhân dân ta, được dư luận trong và ngoài nước đồng tình, khâm phục và đánh giá cao. Nó chứng tỏ sức mạnh và khả năng đấu tranh chính trị của nhân dân ta nói chung và cuả đồng bào đô thị nói riêng là rất to lớn. Nó cũng biểu thị quyết tâm của nhân dân ta chống bất cứ kẻ thù nào để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, không một kẻ thù hung hãn nào dù là đế quốc Mỹ có thể đe dọa, khuất phục nổi nhân dân ta. Ngày 19/3/1950 chính thức trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ.