18/06/2018, 16:29

Chính sách tiểu đồn điền của thực dân Pháp ở Yên bái và những hệ quả của nó

Khổng Đức Thiêm Tỉnh Yên Bái được thành lập vào ngày 11.4.1900 trên cơ sở địa bàn của huyện Trấn Yên và của châu Văn Chấn thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa cũ. Đến một 1910, tỉnh này sáp nhập thêm châu Văn Bàn và châu Lục Yên từ Đạo Quan binh Lào Cai. Cũng trong năm này, châu Than ...

Yên Bái.jpg 

Khổng Đức Thiêm

Tỉnh Yên Bái được thành lập vào ngày 11.4.1900 trên cơ sở địa bàn của huyện Trấn Yên và của châu Văn Chấn thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa cũ. Đến một 1910, tỉnh này sáp nhập thêm châu Văn Bàn và châu Lục Yên từ Đạo Quan binh Lào Cai. Cũng trong năm này, châu Than Uyên  được thành lập từ đất đai của châu Lai và châu Thủy Vĩ và đến năm 1920, châu Than Uyên lại được sáp nhập vào tỉnh Yên Bái.

Như vậy là đến ngày 22.3.1920, tỉnh Yên Bái bao gồm 4 châu (Văn Bàn, Văn Chấn, Lục Yên, Than Uyên), và 1 huyện (Trấn Yên) với diện tích là 9900km2, là tỉnh lớn thứ 4 và chiếm 8% diện tích Bắc Kỳ, với nhiều lòng chảo màu mỡ: Nghĩa Lộ, Dương Quỳ, Than Uyên(1).

Ngay từ khi các vùng đất thuộc Yên Bái còn nằm trong các Đạo Quan binh, người Pháp đã tiến hành khai thác đất đai, thành lập đồn điền ở đây để trồng lúa, chè, cà phê, và chăn nuôi:

Dưới đây là danh sách các điền chủ người Pháp ở Yên Bái trong thời kỳ 1894-1918 và tình hình thành lập đồn điền của họ(2) (xem Bảng danh sách kèm theo ở trang sau):

Ngoài ra, còn có một số đồn điền khác mà chúng tôi không biết rõ diện tích (đồn điền của Suvalier, Amingnét). Sau này có một số đồn điện lại chuyển chủ sở hữu như Tarinbur mua lại của Courteix 300 ha ở Văn Phú – Bái Dương (Trấn Yên), Albert Nguyễn Văn Long mua lại 450ha của Canque ở Cổ Phúc (Trấn Yên). Một vài sĩ quan hồi hưu như Ghirô, Côchê cũng có đồn điền ở Yên Bình “Các cha Girod và Jaricot đã lập nên được ở thung lũng sông Chảy, gần Yên Bình, một trung tâm doanh điền rất đẹp trải ra trên 1600ha, trong đó 311ha đã được trồng trọt, nuôi sống 3000 người là doanh phu hay con cháu của họ”(3).

DANH SÁCH ĐIỀN CHỦ PHÁP Ở YÊN BÁI TỪ 1894 ĐẾN 1898

Ban bieuChú thích:             NTT: Nhượng tạm thời              NVV: Nhượng vĩnh viễn;     TH: Thu hồi;  

                                * Berthuin cũng là điền chủ của 1 tiểu đồn điền ở Yên Bái rộng 280 ha

Cũng trong thời kỳ này còn có một số chủ đồn điền người Việt nữa như Nguyễn Kim Đỉnh có đồn điền ở Yên Bình: 800ha; Lý Ấn có đồn điền nuôi thả hàng trăm trâu bò ở Yên Bình; Phạm Thị Thịnh tức Hàn Phương, Lê Văn Kỷ đều có đồn điền ở Bảo Hà, Đồng Sâm.

Mặc dù diện tích đất đai bị chiếm đoạt để thành lập đồn điền ở Yên Bái lúc đó khá lớn vào hàng thứ 5 ở Bắc Kỳ, chỉ sau Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ và Tuyên Quang; nhưng nếu so sánh với tiềm năng đất đai của Yên Bái thì số lượng đồn điền và đất trồng trọt đã được khai phá này vẫn chưa thấm vào đâu. Vào những năm 20 của thế kỷ XX này, dân cư của Yên Bái còn quá thưa thớt, mặc dù đã được bổ sung sau khi đường sắt Yên Bái – Lào Cai hoàn thành, mật độ dân cư đã nhích lên từ 4 người/km2 lên 7 người/km2. Người Kinh sống tập trung đông đúc ở khu vực thuộc các lưu vực sông Hồng, sông Chảy, Nghĩa Lộ, Dương Quỳ, Than Uyên, song trên phạm vi toàn tỉnh, người Kinh chỉ chiếm 10% dân số. Ở những vùng núi cao từ 400m trở lên, mật độ dân cư càng quá thấp. Thậm chí ở nhiều khu vực rộng lớn không có một bóng người.

Khi nghiên cứu về tình trạng trên, người Pháp cho rằng sự có mặt ít ỏi của người Kinh ở Yên Bái không phải chỉ do sự kém trù phú của đất đai nông nghiệp mà còn do những khó khăn đối với họ trong việc thích nghi với môi trường xã hội và sự khác biệt trong đời sống ở vùng cao như giao thông đi lại khó khăn, việc khai khẩn đất đai ít thuận lợi, bệnh sốt rét và kể cả những câu ca có tính chất răn đe: “Nước Bảo Hà, ma Thác Cái”, “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên”. Tuy nhiên do đời sống quá cực khổ nên hàng năm các luồng cư dân từ các tỉnh đồng bằng theo đường sông Hồng, sông Chảy; đường sắt Việt Trì – Yên Bái; đường bộ Yên Bái – Nghĩa Lộ đã đến Yên Bái ngày một đông. Họ ra đi từ Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình đến định cư tại Bách Lẫm, Yên Lương, Bình Trà, Bình Phượng, Phú Thọ, Đào Viên, Lan Đình, Đại Lịch, Yên Thái, Kiên Lao, Phú Nhuận, Trại Hút, Bảo Hà và dọc theo đường sắt. “Một cuộc khai khẩn nhỏ tự phát, đặc biệt xảy ra ở lưu vực sông Hồng: thợ lâm trang, phu làm đường xe lửa, định cư ở xứ này để khai khẩn một mảnh ruộng và trồng vài ba trăm mét vuông cây sơn hay cây chè. Do vậy ta có thể nhìn thấy vùng đất cao ở giữa sông Lô và sông Hồng dần dần được bao phủ cây trồng: ruộng khoai lang và đồn điền cây sơn thay thế các truông và rừng: nhưng việc dân cư lên đây đông đúc cũng còn là điều đáng ngờ, bởi lẽ những người di cư không tìm thấy ở đây nòng cốt của mọi cuộc khai hoang của người Việt, nghĩa là ruộng lúa nước; tất cả đất đai có thể sử dụng vào mục đích này đều đã có những làng của người Việt xưa chiếm lĩnh. Không thể nói được tầm quan trọng về số lượng của cuộc khai khẩn này; không có một thống kê nào về điểm riêng biệt này, và chúng tôi không thể thử lắp chỗ trống đó được. Điều mà chúng tôi có thể kết luận từ những quan sát là phần lớn những người di cư đều từ quê ở Bắc châu thổ chứ không phải từ các tỉnh đông dân nhất. Sự di chuyển này tương đối mạnh ở lưu vực sông Hồng, xuyên qua tỉnh Phú Thọ và cả tỉnh Yên Bái. Ở tỉnh Yên Bái này có những làng mới lập [trong huyện Trấn Yên] những thành phần di cư mới gần đây: Nam Cường (Bách Lẫm), Yên Lương (Giới Phiên), Bình Trà (Giới Phiên), Bình Phương (Giới Phiên), Phú Thọ (Đuông Cuông), Đào Viên (Đông Cuông), Lan Đình (Đông Cuông); có một cuộc di dân khá quan trọng mới đây diễn ra ở các làng cổ: ở Mậu A (Đông Cuông), Yên Thái (Đông Cuông), Kiên Lao (Yên Phú), Phú Nhuận (Lương Ca) […]. Tất cả những làng này đều nhỏ và thường không đông quá một trăm người”(4). Trong dòng người nhập cư này phải kể thêm cả một số người từ các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, Sơn Tây, Nam Định lên Yên Bái rồi ở lại, nhiều người đã bị “Tày hóa”.

Để thu hút mạnh hơn nữa xố người Kinh từ vùng xuôi lên lập nghiệp ở miền núi, ngày 13-11-1925, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định về thể lệ thành lập các tiểu đồn điền ở các tỉnh thuộc vùng thượng du Bắc Kỳ (Nghị định này thực sự chỉ thi hành đối với đất đai thuộc 3 tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên và Yên Bái). Theo Nghị định, những người muốn có đất để trồng trọt chỉ cần gửi lên Công sứ một lá đơn xin khai khẩn, kèm theo một sơ đồ về khoảnh đất mà họ định xin, nhưng không được quá 15 mẫu (5,5ha). Công sứ sẽ trao cho một Hội đồng điều tra xem khoảng đất đó có thuộc quốc gia công thổ hay không. Văn bản này còn quy định giá trị của giấy phép có thời hạn tối đa là 3 năm, nghĩa là sau 18 tháng đầu người điền chủ này ít nhất phải khai khẩn được 1/4 tổng diện tích đất xin và sau 3 năm phải khai khẩn, trồng trọt xong trên toàn bộ diện tích đất đã xin để nhân viên sở Địa chính tới đo đạc và chính quyền ra Nghị định cho hẳn để làm tiểu đồn điền vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của người đứng ra khai phá. Kể từ đó người điền chủ mới phải nộp thuế và có quyền nhượng bán lại đồn điền này cho người khác, nhưng phải xin phép chính quyền.

Trong thực tế chỉ có một số điền chủ có vốn mới được hưởng chính sách này. Vì thế trong thời gian đầu, việc thực thi Nghị định đó diễn ra rất chậm chạp. Trong 12 năm (1926-1937), cả tỉnh Yên Bái mới thành lập được 51 tiểu đồn điền với tổng diện tích là 125 mẫu(5). Mặc dù vậy, điều đó đã có tác động khá tích cực trong việc di dân từ các tỉnh khác, nhất là từ vùng đồng bằng đến Yên Bái, trong đó có cả người Kinh và người thuộc các dân tộc thiểu số. Chính Giáo sĩ kiêm chủ đồn điền Blondel đã phải thừa nhận: “Tiến hành công việc tập trung dân ở vùng Trấn Yên lạc thì không gì tốt bằng việc cố định các gia đình người Việt đưa từ đồng bằng lên với những gia đình người Mán (Dao) cũng đang tìm cách định cư”(6).

Dưới đây là: tình hình nhập cư và sau đó định cư của người Kinh vào tỉnh Yên Bái trong khoảng hơn 40 năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1900:   15.000 người

Năm 1922:     8.695 người

Năm 1923:     9.062 người

Năm 1924:   11.803 người

Năm 1925:   11.861 người

Năm 1926:   11.034 người

Năm 1927:   11.132 người

Năm 1928:   11.180 người

Năm 1929:   11.834 người

Năm 1930:   11.935 người

Năm 1931:   12.958 người

Năm 1932:   12.958 người

Năm 1945:   36.502 người

Bảng thống kê tình hình dân số ở tỉnh Yên Bái từ 1900 đến 1945

Năm Kinh Thái – Tày Dao Mông
1900 15.000 người 4.000 người 4.000 người 2.500 người
1902 11.272 người 4.000 người 3.800 người 2.050 người
1932 12.958 người 45.062 người 10.394 người 5.743 người
1945 36.502 người 44.800 người 15.600 người 17.000 người

 Qua các số liệu trên cho chúng ta thấy khi công trường đường sắt Việt Trì – Lào Cai còn đang thi công, số người Kinh nhập cư vào Yên Bái khá mạnh (1900-1902), sau đó số người nhập cư này bị giảm dần (song những con số ấy cũng luôn dao động). Đến năm 1932, số người Kinh ở Yên Bái mới chỉ chiếm 17% và đến năm 1945 họ mới chiếm được 30% dân số của tỉnh. Đạt được tỷ lệ người Kinh chiếm gần 1/3 dân số của tỉnh này chính là nhờ chính quyền Pháp xúc tiến mạnh mẽ hơn chính sách tiểu đồn điền từ năm 1938 trở đi.

Thật vậy, đứng trước sự tiến triển ì ạch của chính sách tiểu đồn điền, ngày 1-12-1938 Thống sứ Bắc Kỳ đã gửi thư, điện thúc giục Công sứ Yên Bái phải khẩn trương trong việc cấp giấy phép cho các điền chủ xin khai khẩn đất để thành lập tiểu đồn điền và nhanh chóng thu hút nông dân từ các tỉnh ở vùng xuôi lên làm việc trong các tiểu đồn điền. Ngày 15-12-1938, Công sứ Yên Bái đã gửi công văn phúc đáp lên Thống sứ Bắc Kỳ nêu rõ những yêu cầu trong việc thực thi như sau:

– Các chuyên viên chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thích hợp với việc nghiên cứu nhượng đi các khoảnh đất dưới 15 mẫu cho việc di dân. Doanh thu của việc nhượng đất thấp, chỉ đạt 350 frs/5000 mẫu.

– Cũng vì lý do trên, trong khu vực gần sông Hồng và sông Chảy là vùng có nhiều khả năng được nhượng cho việc định cư, song ở đây những khó khăn ban đầu vẫn còn tồn tại về việc đảm bảo sức khỏe cũng như về sản xuất nông nghiệp cho người định cư. Vùng này ước tính rộng 7000 mẫu, thích hợp cho việc định cư khoảng 1200 gia đình.

– Về vấn đề xã hội, các Hội Cứu trợ ở Nam Định và ở Hà Đông chưa có sự phối hợp ăn khớp. Việc bảo đảm các dịch vụ y tế của viên bác sĩ người Đông Dương, việc trợ giúp cho nhân viên quản lý định cư (khai hoang, chia lô đất) và việc xác định các loại cây trồng còn có quá nhiều hạn chế.

– Đã nhất trí với những người đứng đầu của các tỉnh có nhiều cư dân di chuyển để họ tăng cường số lượng dân di cư từ các làng thuộc Nam Định và Hà Đông đến. Đã thành lập được “làng Hà Đông” thứ hai (cho 30 gia đình), “làng Nam Định thứ ba” (cho 30 gia đình) trên vùng đất Mậu A, định cư được ở Trái Hút 40 gia đình người Thái Bình; sẽ thành lập thêm một hoặc nhiều làng ở trong vùng đất đã xếp hạng thấp hơn trong khu bảo tồn rừng số 236 ở Hào Gia (cách Yên Bái 5km).

– Nhất trí với Lotzer – Thanh tra các vấn đề chính trị và hành chính – dành một khu đất cho 900 gia đình người Nam Định đến định cư. Thông qua Ủy ban Cứu trợ xã hội, Yên Bái sẽ nhận thêm 8000$00 (trước đây Yên Bái đã được cấp 1500$00) dành cho các gia đình trên.

– Cho điều tra, xem xét ngay khu đất sẽ nhượng cấp cho việc di dân ở Mậu A do Lê Huy Cơ, cố vấn cũ của tỉnh Phú Thọ đề nghị.

Nhờ có sự tích cực triển khai những công tác nói trên của chính quyền Yên Bái nên từ đây tốc độ khai phá và thành lập các tiểu đồn điền ở Yên Bái phát triển nhanh. Từ năm 1937 đến năm 1939, Yên Bái đã thành lập được 134 tiểu đồn điền với diện tích là 475 mẫu(7). Đồng thời sản xuất lương thực ở Yên Bái cũng bắt đầu tăng trưởng theo nhịp độ phát triển của các tiểu đồn điền.

Mấy năm trước đó, người Pháp thường cho rằng: “Yên Bái là một tỉnh có khả năng sinh lợi tài chính rất thấp, mặc dù đã cắt giảm các khoản kinh phí, song các chi phí ở đây vẫn vượt quá các khoản thu nhập, nguyên nhân vì mật độ dân cư ở Yên Bái thưa thớt, nhu cầu thấp kém do sự nghèo đói. Người Thổ và người Mán (chỉ các dân tộc thiểu số – TG) lại chiếm tới 9/10 dân số trong toàn tỉnh, họ sống dựa vào núi rừng, không lao động thêm… Nông nghiệp kém phát triển do thiếu nhân công và do tính lười nhác cố hữu của người dân. Họ chỉ sản xuất vừa đủ số lượng lương thực đáp ứng cho nhu cầu của mình. Hơn nữa, sự thiếu thốn các đường giao thông thuận tiện cũng làm giảm tác dụng thúc đẩy dân cư sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên bên bờ sông Hồng, diện tích trồng ngô được mở rộng hơn để cung cấp cho đồng bằng. Nuôi trâu phát triển nhất ở Lục Yên. Số trâu xuất chuồng đưa xuống vùng xuôi ngày một tăng lên. Việc khai thác lâm sản được tiến hành dưới sự điều hành của người Kinh cũng có tiến bộ”(8).

Đến năm 1931, dù đã có một loạt cố gắng để đưa giống mới vào địa phương này, song tình hình sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái cũng không thay đổi mấy. Trong năm đó các giống lúa đem ra thử nghiệm không thành công, trừ một vài làng ở gần sông Hồng cấy được hai vụ, còn lại các nơi khác trong tỉnh chỉ cấy được vụ chiêm. Năm 1930, Yên Bái đạt sản lượng 14.348 tấn thóc, nhưng đến năm 1931 giảm xuống còn 13.613 tấn thóc. Ngô trồng 440 ha, thu hoạch được 433 tấn; sắn trồng 200 ha, thu hoạch được 800 tấn; mía thu hoạch được 741 tấn; kén tằm đạt 734.900kg và 24.400 lá trứng tằm. Chăn nuôi trâu bò tập trung ở Văn Chấn, Than Uyên, Lục Yên, xuất ra ngoại tỉnh được 3.700 trâu, lợn.

Năm 1935, diện tích cấy lúa ở Yên Bái là 7.084 ha, nhưng sản lượng chỉ đạt được 17.414 tấn thóc; ngô thu hoạch được 1.236 tấn/898 ha. Đặc biệt sau gần 10 năm, cây cau đã bắt đầu đóng góp đáng kể vào thu nhập của các gia đình ở địa phương này: 151 ha cây cau cho 410 tấn quả. Cây gió cũng có vị trí nhất định với 121 ha cây trồng cung cấp được 62 tấn nguyên liệu giấy. Yên Bái đã bán ra ngoại tỉnh 5.212 trâu, bò và 3.068 lợn.

Thương nhân người Kinh đã đưa hàng hóa đến các trung tâm ở trong tỉnh để bán hàng như Lục Yên, Nghĩa Lộ, Bảo Hà. Sản phẩm trao đổi ở đây khá phong phú (thóc gạo, gỗ củi, than hoa, củ nâu, súc vật). Chợ làng Nhoi ở Trấn Yên – nằm cạnh đường sắt Hà Nội – Lào Cai – ra đời đã lôi kéo nhiều thương nhân từ thị xã Yên Bái đến buôn bán, và do đó đã có thêm một nhà ga mới ở đây. Ngày 20-11-1935, chợ Nghĩa Lộ (Văn Chấn) khánh thành, là chợ lớn thứ hai trong tỉnh, sau chợ thị xã Yên Bái được thành lập từ năm 1909. Ngoài ra còn có thêm các chợ Lục Yên, Than Uyên, Dương Quỳ cũng đi vào hoạt động.

Năm 1938, Yên Bái thu hoạch được 21.701 tấn thóc/10.998 ha. Nhưng đến năm 1939, sản lượng của các loại cây lương thực, hoa màu của tỉnh này bị giảm sút: 15.025 tấn thóc/10.690 ha; ngô 1150 tấn/1200 ha; khoai lang 1200 tấn/600 ha; sắn 2600 tấn/430 ha; lạc 45 tấn; vừng 8,5 tấn; đậu tương 6 tấn; thầu dầu 0,5 tấn; nguyên liệu làm giấy dó 60 tấn; bông 1,2 tấn; cau 400 tấn quả.

Cây thuốc lá giống Virginia được trồng ở Mậu A,

Cây chè được đưa vào vùng Trấn Yên cùng thời kỳ với chính sách tiểu đồn điền đã bắt đầu phát huy hiệu quả, lan rộng ở khắp vùng Văn Chấn. Trại thí nghiệm ở Mỏ Phấn đã góp phần cải tiến phương pháp chế biến và thu hái chè, là nơi phân phối các giống chè được tuyển chọn. Diện tích trồng chè ở Yên Bái vào năm 1939 là 421 ha, thu hoạch được 187 tấn chè. Chè Yên Bái khi đó đã được coi là đặc sản, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cây quế cũng trở thành mặt hàng chính của Yên Bái để xuất khẩu. Năm 1939, Yên Bái thu hoạch được 100 tấn vỏ, bằng sản lượng năm trước. Nhiều diện tích trồng sơn đã bị thay thế bằng cây chè, vì vậy năm 1938 Yên Bái chỉ thu hoạch được 23 tấn sơn sống, năm 1939 còn được 15 tấn sơn sống. Ngoài ra, tỉnh còn lập một trại trồng mẫu cây sơn ở Hào Gia (Trấn Yên) để khuyến khích việc phát triển cây sơn.

Cây cà phê ở Yên Bái bị giảm dần về diện tích và sản lượng: năm 1938 thu hoạch được 6 tấn/52 ha; năm 1939 thu hoạch được 5 tấn/50 ha.

Cây cam sành Lục Yên lấy giống từ Bố Hạ (Yên Thế – Bắc Giang) tỏ ra phù hợp với đất đai, khí hậu của vùng địa phương nên được phát triển ở khắp lưu vực sông Chảy. Sở Canh nông Yên Bái đã phân phối hạt cam cho các khu vực dân cư đông đúc.

Trâu bò của Yên Bái cũng bắt đầu được chuyên chở bằng đường sắt và đường sông xuống Hải Phòng, xuất đi Hồng Công. Năm 1939, Yên Bái còn cung cấp cho quân đội Pháp 325 con ngựa tốt. Đây là giống ngựa của nước ngoài được đưa vào Yên Bái trước đó.

Dưới đây là những sản phẩm xuất khẩu của Yên Bái trong 2 năm 1938-1939(9).     

Sản phẩm

Năm

Súc vật

(tấn)

Mía

(tấn)

Sơn sống

(tấn)

Ngô

(tấn)

Chè

(tấn)

Củ nâu (ste) Gỗ

(khúc)

Tre

(cây)

Củi

(ste)

1938 1620 192 23 490 133 130 133400 211150 1370
1939 1136 240 17 170 125 77 112900 311180 3343
Phương tiện vận chuyển Xe lửa Ca nô – Xà lúp

 Những kết quả do chính sách tiểu đồn điền của Pháp mang lại cho Yên Bái thật khá rõ ràng. Nó không chỉ thu hút mạnh mẽ một lực lượng đông đảo nông dân ở các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ lên khai khẩn đất hoang, thành lập trang trại mà còn thúc đẩy các hoạt động thương mại trong khu vực tăng tiến. Do vậy Công sứ Yên Bái cũng tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này. Chỉ riêng trong năm 1941, Công sứ Yên Bái đã cấp:

– 40 giấy chứng nhận cho loại tiểu đồn điền vĩnh viễn, nghĩa là các điền chủ đã hoàn thành việc khai khẩn đất hoang và trồng trọt theo giấy phép được cấp, đã được nhân viên địa chính đến đo đạc, xác nhận và họ bắt đầu phải đóng thuế. Hơn nữa con số tiểu đồn điền này 24/40) lại tập trung ở Mậu A, với diện tích nhỏ: 2 mẫu – 3 mẫu. Vùng Bách Lẫm tuy ít hơn (9/40), nhưng chủ yếu là các tiểu đồn điền rộng 15 mẫu. Tiếp theo là Minh Phú (3/40). Bảo Hà (2/40), Khe Tranh và một số nơi khác với tổng diện tích là 195 mẫu 5 sào.

Cấp 186 giấy chứng nhận cho loại tiểu đồn điền tạm thời với tổng diện tích là 1831 mẫu. Có tới 76 điền chủ được phép thành lập tiểu đồn điền, mỗi đồn điền rộng 15 mẫu (Bách Lẫm: 8, Mậu A: 8, Làng Trấn: 7, Hạ Bằng La: 6, Hào Gia: 4, Trại Hút: 3, Khe Lầy: 3, Đào Viên 2, Đôn Bản: 2; và các làng Yên Bái, Bình Trà, Đại Bục, Quảng Mạc, Đồng Cuông, Phúc Lộc, Cường Thịnh, Minh Quán, Cổ Phúc, Yên Thái, Thụy Cuông, Phúc Thọ, Báo Đáp – mỗi làng có 1 tiểu đồn điền. Những tiểu đồn điền còn lại chỉ có diện tích từ 12 mẫu trở xuống.

– 75 điền chủ đang được xem xét để cấp giấy chứng nhận. Hầu hết các tiểu đồn điền này đều tập trung ở Phú Nhuận: 14, Tòng Lệnh: 5, Đại Bục: 5, Mậu A: 4, Hòa Quân: 4…

Ngoài hai hệ quả nói trên do chính sách tiểu đồn điền của Pháp đã tạo nên là tăng dân số cơ học, tăng trưởng kinh tế; thì hệ quả thứ ba mà nhà cầm quyền Pháp muốn đạt được lại tỏ ra rất hạn chế. Đó là ngăn chặn sự tàn phá tài nguyên rừng.

Trong “Báo cáo tình hình chung của tỉnh Yên Bái (7-1913 / 8-1914), Công sứ Yên Bái đã cho rằng: “Tình trạng phá rừng lấy đất để trồng trọt của người Mán đang là mối quan ngại của chính quyền sở tại Yên Bái. Các nhà chức trách muốn làm cho người Mán hiểu rằng họ phải tuân theo những quy định mới do Nghị định ngày 27-3-1914 ban hành… Việc áp dụng và đưa ra một số cải cách lúc đầu đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của nhiều tộc trưởng người Mán. Họ tuyên bố rằng người Mán sẽ bị chết đói, họ muốn trả lại súng mà chính quyền đã giao cho họ và họ sẽ bỏ vùng này ra đi. Việc thay đổi tập tục trồng trọt của người Mán có thể có hiệu quả nhờ áp dụng các biện pháp cấm đoán đã ban hành. Song việc thi hành Nghị định trên cũng gặp nhiều khó khăn, vì trình độ hiểu biết của người dân còn thấp kém và rừng đã bị tàn phá từ nhiều thế kỷ nay”(10).

Ngày 20-6-1921, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định cải tổ ngành lâm nghiệp và thành lập Sở Lâm nghiệp trên toàn Đông Dương. Nhiệm vụ của Sở Lâm nghiệp là tổ chức thực hiện và giám sát những quy chế về quản lý, khai thác và trồng rừng. Theo cách phân chia mới, Yên Bái là một phân khu thuộc khu sông Hồng. Ngày 19-9-1924, Nghị định này lại được bổ sung và hoàn chỉnh bởi một Nghị định khác nữa(11). Nhưng tình trạng tàn phá rừng, khai thác lâm sản bừa bãi ở Yên Bái vẫn không giảm.

Năm 1931, Yên Bái có 4 khu bảo tồn rừng: Kiên Lao (18.000 ha), Hào Gia (4.500 ha), Ngòi Sen (800 ha) Ngòi Hóp (5.500 ha) nhưng như Công sứ Yên Bái đã viết: “Việc khai thác rừng ở đây không tuân thủ theo luật lệ nào, vì các khu này đều nằm trong vùng đất thuộc sở hữu riêng”(12). Cũng trong năm đó, người Pháp dự tính cắm cột mốc địa giới cho các khu bảo tồn, mở 106km đường rừng. Cho đến năm 1934, ngoài việc đánh số cho 4 khu bảo tồn rừng (Kiên Lao: số 124; Hào Gia: số 236; Ngòi Sen: số 237, Ngòi Hóp: số 460); Yên Bái đã thành lập thêm được 2 khu bảo tồn rừng: số 552 ở Ngòi Nhu với diện tích là 3.300 ha, số 556 ở Đá Chạy với diện tích là 5.500 ha, đưa diện tích rừng được bảo tồn ở địa phương này từ 28.800 ha lên 37.100 ha. Dự án bảo vệ rừng ở khối núi nằm ở thượng lưu Mỏ Hà được tiến hành. Việc quy hoạch một phần các khu bảo tồn từng ở Ngòi Hóp và Ngòi Nhu cũng được tiến hành rất khẩn trương để chấm dứt việc khai thác lâm sản bừa bãi; tiếp tục cắm mốc khu bảo tồn rừng ở Đá Chạy; xây dựng được 60km đường rừng, nhưng nạn phá rừng vẫn không ngừng xẩy ra như Công sứ Yên Bái đã nhận định: “Tuy nhiên việc làm rẫy của dân địa phương vẫn tiếp tục phá hoại rừng, đặc biệt là ở các châu Văn Bàn và Than Uyên – núi rừng tồn tại không nhiều nữa”(13).  

Sang năm 1935, hai bản đề án quy hoạch các khu bảo tồn rừng ở Ngòi Hóp và Ngòi Nhu vẫn chưa thực hiện được do thiếu cơ sở vật chất. Việc xác định ranh giới của khu nương rẫy liên quan đến các thôn Khe Trăm và Khe Lầy mới có hiệu lực. “Trong vùng Tú Lệ, Kim Nội việc đốt rừng làm rẫy chủ yếu là do người Mèo. Chính quyền địa phương lo ngại rằng sườn núi phía Bắc của dãy Lang Cung có rừng sẽ chịu chung số phận với sườn núi phía Nam và dãy núi giữa Lang Cung và Tú Lệ – ngay khi người Mèo không còn ở đây để chăm sóc phần rừng còn cần thiết cho cuộc sống của họ nữa”(14).

Sở dĩ có tình trạng nói trên ở Yên Bái, một mặt là do trình độ nhận thức lạc hậu của nhân dân các dân tộc thiểu số về tác hại nghiêm trọng của nạn phá rừng đối với đời sống của con người, mặt khác là do chính quyền sở tại Yên Bái đã cấp nhiều giấy phép khai thác rừng để thu những món tiền lớn.

Dưới đây là một số tư liệu mà chúng tôi trích trong các Báo cáo về tình hình kinh tế của tỉnh Yên Bái trong các năm 1914, 1915, 1930, 1931, 1932, 1933, 1934, 1935, 1938, 1939 của Công sứ Yên Bái để chứng minh cho “sự dính líu” của chính quyền địa phương này vào nạn phá rừng nói trên:

Năm Giấy phép khai thác rừng Số tiền thu được (piastres: $)
1914   1551
1915   4311
1930 328 7276
1931 168 7897
1932   3043
1933 69 4392
1934 95 4712
1935 114 5812
1938   10784
1939 367 11242

Tóm lại, chính sách tiểu đồn điền của thực dân Pháp thi hành ở Yên Bái trong những năm 1925 – 1945 tuy đã mang lại một số kết quả nhất định như thu hút một lực lượng đông đảo nông dân ở đồng bằng Bắc Kỳ là nơi có mật độ dân cư cao, ruộng đất rất manh mún, đời sống đói khổ, lên khai hoang lập các tiểu đồn điền góp phần vào việc làm tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế của địa phương này, đẩy mạnh sự giao lưu hàng hóa giữa miền xuôi và miền núi.

Nhưng mặt khác, nạn tàn phá rừng ở Yên Bái lại mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống con người mà vì lợi ích trước mắt chính quyền thực dân Pháp đã tích cực tiếp tay.

Với việc ban hành Luật đất đai vào năm 1993 về việc giao quyền sử dụng lâu dài cho các hộ nông dân với 5 quyền hạn (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế và thế chấp) ở khía cạnh nào đó, Nhà nước đã làm cho nền kinh tế tiểu đồn điền ở Yên Bái trước đây đã chuyển đổi thành nền kinh tế trang trại và những loại cây được đưa vào Yên Bái trong thời kỳ thành lập tiểu đồn điền nay đã trở thành những loại cây chủ lực trong các trang trại mới. Cũng như vậy, đời sống của người Kinh và của các dân tộc thiểu số khác ở Yên Bái đang từng bước được cải thiện rõ rệt hơn so với đời sống của ông cha họ, những người đã nhập cư và định cư, góp phần xây dựng nền kinh tế của địa phương này cách đây gần ba phần tư thế kỷ.

Chú thích:

  1. Theo: Dương Kinh Quốc – “Việt Nam. Những sự kiện lịch sử: 1858-1945”. Tập II: 1897-1918. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982, tr.67-68.

Ngày 11-4-1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái thuộc Đạo Quan binh 4 để thành lập tỉnh này, tỉnh lỵ đặt tại Yên Bái. Địa bàn của tỉnh này lúc đó gồm có: huyện Trấn Yên và châu Văn Chấn (năm 1891 thuộc Đạo Quan binh 3). Sau Tiểu Quân khu Yên Bái cùng với Tiểu Quân khu Lào Cai (gồm có các châu Thủy Vĩ, Chiêu Tán, Văn Bàn, Lục Yên) lập thành Đạo Quan binh 4 (theo Nghị định ngày 7-11-1899 của Toàn quyền Đông Dương).

Theo: Đỗ Đình Nghiêm – Ngô Vi Liễn – phạm Văn Thư – “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ”. Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1927, tr.111. Diện tích của tỉnh Yên Bái: 2.715.138 mẫu ta = 9.774km2.

  1. Tạ Thị Thúy. “Đồn điền của người Pháp ở Bắc Kỳ: 1884-1918”. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1996. Trích trong Phần Phụ lục: “Danh sách các điền chủ người Pháp ở Bắc Kỳ từ 1884-1918”, tr.370-404.
  2. Pierre Gourou. Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ. Nxb Trẻ, 2015, tr.232.
  3. Pierre Gourou. Sđd, tr.230-231. Trong sách này tác giả còn cho biết thêm: “Một số tiền đồn của công cuộc khai khẩn của người Việt tiến sâu lên miền ngược đã biến mất do việc từ bỏ tính dân tộc; người ta cho biết rằng trường hợp một nhóm người Việt có quan hệ họ hàng với nhau đã lập nghiệp ở thung lũng sông Hồng cách đây một thế kỷ. Một số định cư ở miền Thanh Ba, trong khi những người khác ngược lên cao hơn. Những người này dần dần tiếp nhận phong tục tập quán của người Mường mà họ đã ở cùng và cũng mặc quần áo màu chàm. Vào những năm cuối gần đây hai nhánh của dòng họ này đã tìm được nhau và nối lại quan hệ họ hàng. Một cuộc điều tra hành chính đã phát hiện là năm 1933 chỉ còn có một người sót lại trong số những người Việt đã lên lập nghiệp từ thời xa xưa ở châu Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Việc nhỏ này chứng minh tầm quan trọng sự thụt lùi trong việc chuyển cư của người Việt trong thế kỷ XIX. Còn có thể là mặt khác, một số người Việt ở miền trung du là những người Thái đã Việt hoà” (tr.230).
  4. Dương Trung Quốc – “Việt Nam. Những sự kiện lịch sử: 1858-1945”. Tập III: 1919-1935. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.146-147.
  5. Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Báo cáo tình hình kinh tế của các tỉnh Bắc Kỳ. Fonds RST. Hồ sơ số 81.541
  6. Dương Trung Quốc – “Việt Nam. Những sự kiện lịch sử: 1858-1945”. Tập III: 1919-1935. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.147.
  7. Báo cáo tình hình tỉnh Yên Bái năm 1914 của Công sứ Yên Bái. Fonds RST. Hồ sơ số 81.541.
  8. Báo cáo tình hình kinh tế tỉnh Yên Bái 2 năm: 1938-1939 của Công sứ Yên Bái: Fonds RST, Hồ sơ số 74.411.
  9. Báo cáo tình hình tỉnh Yên Bái năm 1915 của Công sứ Yên Bái. Fonds RST. Hồ sơ số 81.541.
  10. Dương Trung Quốc – “Việt Nam. Những sự kiện lịch sử: 1858-1945”. Tập III: 1919-1935. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.47-48.
  11. Báo cáo tình hình kinh tế tỉnh Yên Bái năm: 1936 của Công sứ Yên Bái: Fonds RST, Hồ sơ số: 74.411.
  12. Báo cáo tình hình kinh tế tỉnh Yên Bái năm: 1934 của Công sứ Yên Bái: Fonds RST, Hồ sơ số: 74.406.
  13. Báo cáo tình hình kinh tế tỉnh Yên Bái năm: 1935 của Công sứ Yên Bái: Fonds RST, Hồ sơ số: 74.407.
0