16/01/2018, 13:03

Ý kiến của em về đề tài “Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …” – Văn mẫu lớp 7

Ý kiến của em về đề tài “Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …” – Văn mẫu lớp 7 Ý kiến của em về đề tài "Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …" – Bài số 1 Các bạn phát biểu rất hăng hái. An cho rằng lúa gạo quý nhất, Bình nói là vàng bạc quý ...

Ý kiến của em về đề tài “Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …” – Văn mẫu lớp 7

Ý kiến của em về đề tài "Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …" – Bài số 1

Các bạn phát biểu rất hăng hái. An cho rằng lúa gạo quý nhất, Bình nói là vàng bạc quý nhất. Còn em thì khẳng định rằng thời gian là quý nhất. Chẳng ai chịu ai, đành nhờ thầy phân giải. Cuối cùng, cả lớp nhất trí với ý kiến của thầy: con người là quý nhất.

Bạn An hăng hái chứng minh rằng lúa gạo là lương thực do nông dân dầu dãi nắng sương, quanh năm vất vả làm ra để nuôi dưỡng con người, duy trì sự sống. Nếu không có lương thực, chúng ta sẽ chết đói. Ngày xưa, dân gian đã từng có câu: Có thực mới vực được đạo. Bởi thế, lúa gạo thật là quý, con người không thể thiếu nó, dù chỉ một ngày. Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, muốn đánh thắng giặc ngoại xâm, dân tộc ta phải có một đội quân khỏe mạnh, thiện chiến. Mà muốn khỏe thì phải ăn no, thực có túc thì binh mới cường (lương thực đầy đủ, dồi dào thì quân mới mạnh).

Hiện nay, nước ta đang phấn đấu đạt mục tiêu: Ai cũng được ăn no, mặc ấm, ai cũng được học hành như ước nguyện thiết tha của Bác Hồ. Hơn nữa, nước ta lại là nước có nền kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp nên việc xuất khẩu lúa gạo đổi lấy máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đã được đặt lên hàng đầu. Thực tế những năm gần đây cho thấy lúa gạo là một nguồn thu rất lớn của nền kinh tế quốc dân. Nghe bạn An phân tích, nhiều bạn đồng tình, cho rằng lúa gạo là quý nhất.

Bạn Bình khẳng định vàng bạc là thứ kim loại quý hiếm, có giá trị rất cao. Người ta thường chẳng ví quý như vàng, đắt như vàng đó sao? Khi ăn đã no, mặc đã ấm, có tiền dư thừa, người ta hay mua vàng để dành làm của. Lúc cần thiết, có vàng là giải quyết được những khó khăn về vật chất. Ngoài ra, vàng còn được dùng để chế tạo đồ trang sức, tô điểm cho vẻ đẹp con người. Muốn có vàng, người ta phải làm việc vất vả, dành dụm, tiết kiệm bao năm. Bạn Bình nói là vàng bạc quý nhất cũng có lí.

Lúa gạo, bạc vàng… đều quý, nhưng em cho rằng quý nhất vẫn là thời gian vì lúa gạo, vàng bạc… và bao nhiêu thứ khác con người có thể làm ra và mua được nhưng thời gian không ai mua được và làm ra được.

Thời gian gắn liền với từng con người cụ thể. Đời người có tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, trung niên và tuổi già, mỗi độ tuổi đều có nét đẹp riêng.

Tuổi ấu thơ và thiếu niên là quãng đời trong sáng nhất. Nó gắn liền với bao kỉ niệm về cha mẹ, anh em, mái ấm gia đình, về dòng sông bến nước, cây đa, lũy tre, mái đình… thân thuộc của quê hương.

Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người bởi nó chứa đựng bao khát khao, mơ ước. Có người đã ví tuổi trẻ là mùa xuân, là tình yêu. Tuổi trẻ sung sức có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện lí tưởng, hoài bão, để tự khẳng định mình.  

Tuổi già là tuổi chín chắn và từng trải bởi đã từng vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, xuân tới, xuân qua rồi xuân trở lại, mỗi năm một lần nhưng con người không thể nào đi ngược thời gian. Những gì đã qua chỉ còn là kỉ niệm. Khi tóc đã điểm sương, muốn được sống lại những ngày thơ ấu, dù trong tay có bao nhiêu lúa gạo, bạc vàng đi nữa, ta cũng chẳng thể nào biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Thời gian là tri thức. Ví dụ: học sinh học năm năm thì hết bậc tiểu học, bốn năm thì hết bậc trung học cơ sở, ba năm mới hết bậc trung học phổ thông. Muốn hoàn thành một công việc nào đó, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cần phải có thời gian. Người nông dân sau ba tháng gieo trồng, chăm sóc mới thu hoạch được một vụ lúa. Đường dây điện cao thế Bắc – Nam phải mất ba năm mới hoàn thành… Không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả.

Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và sáng tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân, cho xã hội.

Nếu sử dụng một khoảng thời gian cho một công việc nào đó nhưng không đạt kết quả theo ý muốn thì ta buộc phải làm lại từ đầu. Như vậy là ta đã đánh mất thời gian, đánh mất một phần của cuộc đời mình.

Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội? Lúc ấy, dẫu muốn học lại từ đầu cũng không dễ dàng gì.

Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Thời gian là sự sống. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Người xưa nói: Nhân sinh thất thập cổ lai hi (người thọ bảy mươi tuổi xưa nay hiếm). Có nghĩa là người ta thường chỉ sống được khoảng sáu, bảy chục năm và khi chết thì tất thảy đều trở nên vô nghĩa. Vậy trong suốt thời gian sống ấy, ta phải làm gì để trước khi nhắm mắt xuôi tay ta không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí ? (Ôtxtơrôpxki). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó ta phải biết quý thời gian mà mình đang sống.

Không khí cuộc trao đổi mỗi lúc một sôi nổi. Các bạn trong lớp cũng chia thành ba nhóm, nhóm nào cũng đem hết tài hùng biện để bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng, bạn Thoa lớp trưởng đề nghị thầy chủ nhiệm phát biểu.

Từ đầu buổi tới giờ, thầy vẫn chăm chú quan sát, lắng nghe với thái độ nghiêm túc và vui vẻ. Thầy từ tốn nói:

–    Tất cả ý kiến của các em đều có lí. Lúa gạo quý vì người nông dân phải đổ bao mồ hôi công sức mới làm ra được. Vàng bạc quý vì đẹp và hiếm. Thời gian quý vì thời gian đã trôi qua sẽ không lấy lại được. Thời gian là thắng lợi, là tiền bạc. Trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ. Nếu chúng ta biết tận dụng thời gian thì sẽ làm được bao nhiêu điều có ích cho bản thân và xã hội. Bỏ phí thời gian thì về sau có hối tiếc cũng không kịp. Nhưng theo thầy thì quý nhất vẫn là con người.

Không có con người thì không có lúa gạo, vàng bạc và thời gian cũng trôi qua vô vị. Con người là chủ thể của cuộc sống trên trái đất này. Với trí thông minh, óc sáng tạo và đôi bàn tay cần cù, khéo léo, con người đã làm ra bao điều kì diệu trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Kim tự tháp Ai Cập, Vạn lí trường thành, vườn treo Ba-bi-lon, tháp Ép-phen, những đường hầm xuyên đại dương, những con tàu biển chở hàng vạn tấn, những máy bay, tàu lửa tốc độ hàng ngàn cây số một giờ, những con tàu vũ trụ bay nhanh hơn ánh sáng, đưa người lên tận mặt trăng để thám hiểm… đều là sản phẩm do con người làm ra. Từ ngàn xưa, con người đã được đặt ngang hàng với trời và đất (thiên, địa, nhân). Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, chứa đựng bao điều kì thú. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật hiện nay càng khẳng định tài năng siêu việt của con người.

Chúng em im lặng lắng nghe và thấy lời thầy nói rất đúng: con người là quý nhất! Em chợt nhớ tới những câu bà nội em hay ví: Người ta là hoa đất, Một mặt người bằng mười mặt của… Vậy là tự bao đời, ông cha chúng ta cũng đã đánh giá rất cao về giá trị con người.

Ý kiến của em về đề tài "Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …" – Bài số 2

Lớp chúng em vừa diễn ra một cuộc tranh luận đầy thú vị với đề tài: Trong cuộc sống cái gì quý nhất? Ba bạn An, Bình, Dung say sưa phát biểu: An nói lúa gạo là quý nhất, còn Bình nói là vàng bạc, Dung thì cho là thời gian. Mỗi bạn đều bảo vệ ý kiến của mình. Theo tôi, các thứ mà các bạn nêu lên quả thật đều quý, nhưng nó không phải là cái quý nhất, mà cái quý nhất là lao động. Qua thực tế cuộc sống cũng như qua nhưng hiểu biết từ sách vở ta có thể làm sáng tỏ ý kiến này.

Trước hết ta cần hiểu lao động là gì? Lao động là hoạt động chân tay hay trí óc để làm ra của cải vật chất và tinh thần nhằm phục vụ cho sự sống, sự tiến bộ của xã hội. Cũng từ đó, những giá trị to lớn của lao động đằ chứng tỏ được cái quý nhất trên đời này.

Trong cuộc sống, lao động là hoạt động đặc trưng của con người, bởi vì lao động không chỉ là hoạt dộng của chân tay mà còn là hoạt động có ý thức có mục đích mà chỉ có con người mới có thể làm được. Chính nhờ có lao động mà con người tách khỏi thủy tổ của mình là giống vượn người. Rồi cũng chính nhờ lao động mà con người dần dần tự phục vụ bản thân, biết lao động để xây dựng gia đình, xã hội… ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Nhờ có lao động con người mới khỏe khoắn, trí thông minh được phát trỉển, dễ dàng tiếp thu và sáng tạo mọi thứ trên đời.

Chúng ta đồng ý lúa gạo, vàng bạc là những thứ quý giá nhất như hai bạn An và Bình đã trình bày. Nhưng thử hỏi nhờ đâu mà có được những thứ quý giá đó? Nếu không lao động thì con người có được những sản phẩm ấy không? Lao động không chỉ tạo ra lúa gạo, vàng bạc mà nó còn có thể đem lại cho con người mọi của cải vật chất trên đời. Từ bát cơm thơm ngon ta ăn, ngôi nhà khang trang ta ở… đến mọi tiện nghi ta sử dụng, sinh hoạt cũng như những công trình đồ sộ vĩ đại như thủy điện Sông Đà, Trị An… đều là kết quả của lao động, của bàn tay và khôi óc của con người. Đời sống của con người ngày càng phát triển và nâng cao, những phát minh của khoa học ngày càng tối tân hiện đại (tàu vũ trụ lên cung trăng hoặc xuống tận đại dương) đã chứng tỏ khả năng lao động sáng tạo của con người vô cùng phong phú.

Không chỉ tạo ra của cải vật chất, lao động còn là nguồn gốc của mọi giá trí tinh thần. Một câu hát “ầu ơ”, một điệu hò trên cánh đồng xuất phát từ trái tim giàu cảm xúc của một chàng trai hay của một cô gái… đều là sản phẩm của lao động. Thơ, ca, nhạc, họa… đều là sản phẩm của lao động nhung mỗi thứ được biểu hiện qua hình thức khác nhau. “Truyện Kiều” là kết quả lao động trí óc của Nguyễn Du, để lại cho dân tộc một niềm vinh dự tự hào to lớn. Danh cầm Đặng Thái Sơn đã rộn rã mỗi khi đón nhận những tràng pháo tay như thành quả sau bao năm miệt mài rèn luyện trên phím đàn. Dù là thiên tài, họ vẫn phải cần cù lao động mới đạt thành tích hơn người. Trong lĩnh vực khoa học cũng vậy, muốn phát minh, sáng chế ra một vật liệu máy móc hoặc một chất mới lạ thì nhà khoa học cũng phải giam mình trong phòng thí nghiệm tìm tòi thử nghiệm với một thời gian dài, có khi cả một đời người, như Pierre Curie và Marie Curie đã phải vất vả trong suốt bốn năm trời trong phòng thí nghiệm mới khám phá ra nguyên tố phóng xạ radium. Công việc và giá trị lao động của họ không có gì sánh nổi. Của cải mất đi, bằng lao động con người có thề tìm và chế tạo lại được, còn như nếu mất khả năng lao động hoặc không chịu lao động thì tất cả sẽ mất theo, cuộc sống sẽ ngừng lại… Lúc này, lúa gạo, vàng bạc, luôn cả thời gian cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi

Như vậy các bạn thấy đấy, trong cuộc sống của chúng ta, lao động mới chính là nguồn sống, nguồn hạnh phuc của con người nó luôn luôn đóng vai trò quyết định. Điều đáng quý nhất trên đời là lao động, bởi lao động là nguồn gốc tạo ra mọi của cải cho xã hội, cho con người. Do đó, mỗi người chúng ta cần phải ý thức: Lao động không những là nghĩa vụ của con người đối với xã hội mà còn là quyền lợi thiêng liêng của những con người chân chính.

Ý kiến của em về đề tài "Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …" – Bài số 3

  Trong tiết sinh hoạt sáng thứ bảy vừa qua, lớp em đã tổ chức thảo luận về đề tài: Trên đời, cái gì quý nhất?

   Ba bạn An, Bình, Dung phát biểu rất hăng hái. An bảo rằng lúa gạo, Bình nói là vàng bạc, còn Dung thì cho rằng thời gian là quý nhất. Ba bạn đều khẳng định ý kiến của mình là đúng, chẳng ai chịu ai, đành nhờ thầy phân giải. Cuối cùng, cả lớp đồng ý với ý kiến của thầy: Con người là quý nhất.

   Lúa gạo là loại cây lương thực do nông dân dầu dãi nắng sương, quanh năm vất vả làm ra để nuôi dưỡng con người, duy trì sự sống. Nếu không có lương thực, chúng ta sẽ chết đói. Ngày xưa, dân gian đã từng có câu: Có thực mới vực được đạo. Bởi thế, lúa gạo thật là quý, con người không thể thiếu nó, dù chỉ một ngày.

   Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, muốn đánh thắng giặc ngoại xâm, dân tộc ta phải có một đội quân khỏe mạnh, thiện chiến. Mà muốn khỏe thì phải ăn no, thực có túc thì binh mới cường, (lương thực đầy đủ, dồi dào thì quân mới mạnh).

   Hiện nay, nước ta đang phấn đấu đạt mục tiêu: Ai cũng được ăn no, mặc ấm, ai cũng được học hành như ước nguyện thiết tha của Bác Hồ. Hơn nữa, nước ta lại là nước có nền kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp nên việc xuất khẩu lúa gạo đổi lấy máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đã được đặt lên hàng đầu. Thực tế những năm gần đây cho thấy lúa gạo là một nguồn thu rất lớn của nền kinh tế quốc dân. Bởi vậy ý kiến của bạn An cho rằng lúa gạo quý nhất là có lí.

   Vàng bạc là thứ kim loại quý hiếm, có giá trị rất cao. Người ta thường ví quý như vàng, đắt như vàng đó sao? Khi ăn đã no, mặc đã ấm, có tiền dư thừa người ta thường hay mua vàng để dành làm của. Lúc cần thiết có vàng là giải quyết được những khó khăn về vật chất. Ngoài ra, vàng còn được dùng để chế tạo đồ trang sức, tô điểm cho vẻ đẹp con người. Muốn có vàng, người ta phải làm việc vất vả, dành dụm, tiết kiệm bao năm. Do đó, bạn Bình nói là vàng quý nhất cũng chẳng sai.

   Theo bạn Dung thì lúa gạo, bạc vàng… đều quý, nhưng quý nhất vẫn là thời gian vì lúa gạo, vàng bạc… và bao nhiêu thứ khác con người đều có thế làm ra nhưng không ai làm ra được thời gian.

   Thời gian gắn liền với từng con người cụ thể. Đời người trải qua thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, trung niên và tuổi già, mỗi độ tuổi đều có nét đẹp riêng.

   Tuổi ấu thơ và thiếu niên là quãng đời trong sáng nhất. Nó gắn liền với bao kỉ niệm về cha mẹ, anh em, mái ấm gia đình, về dòng sông bến nước, cây đa, lũy tre thân thuộc của quê hương.

   Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Nó chứa đựng bao khát khao, mơ ước. Có người đã ví tuổi trẻ là mùa xuân, là tình yêu. Tuổi trẻ sung sức có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện ý tưởng, hoài bão, để tự khẳng định mình.

   Tuổi già là tuổi chín chắn và từng trải bởi đã từng vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc đời.

   Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, xuân tới, xuân qua rồi xuân trở lại, mỗi năm một lần, nhưng con người thì không thể nào đi ngược thời gian. Những gì đã qua chỉ còn là kỉ niệm. Khi tóc đã điểm sương, muốn được sống lại những ngày thơ ấu, dù trong tay có bao nhiêu lúa gạo, bạc vàng đi nữa, ta cũng chẳng thể nào biến ước mơ ấy thành hiện thực.

   Muốn hoàn thành một công việc nào đó, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cần phải có thời gian. Ví dụ: học sinh học năm năm thì hết bậc tiểu học, bốn năm thì hết bậc trung học cơ sở, ba năm mới hết bậc trung học phổ thông. Người nông dân sau ba tháng gieo trồng, chăm sóc mới thu hoạch được một vụ lúa. Đường dây diện cao thế Bắc – Nam phải mất ba năm mới hoàn thành… Không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả.

   Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân, cho xã hội.

   Sử dụng một khoảng thời gian cho một công việc nào đó nhưng không đạt kết quả theo ý muốn thì ta buộc phải làm lại từ đầu. Như vậy là ta đã đánh mất thời gian, đánh mất một phần của cuộc đời mình.

   Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội? Lúc đó ta muốn học lại từ đầu chắc không dễ dàng gì.

   Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất (lúa gạo, vàng bạc… ) và tinh thần, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

   Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Vậy trong suốt thời gian sống ấy, ta phải làm gì để trước khi nhắm mắt xuôi tay, ta không phải hối hận vì những năm tháng sống hoài sống phí? (Ôtxtơrôpxki). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó ta phải biết quý thời gian mình đang sống.

   Không khí cuộc trao đổi mỗi lúc một sôi nổi. Các bạn trong lớp cũng chia thành ba nhóm, nhóm nào cũng đem hết tài hùng biện để bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng, bạn Thoa lớp trưởng đề nghị thầy chủ nhiệm phát biểu.

   Từ đầu buổi tới giờ, thầy vẫn chăm chú quan sát, lắng nghe với thái độ nghiêm túc và vui vẻ. Thầy ôn tồn, chậm rãi nói:

   – Tất cả ý kiến của các em đều có lí. Lúa gạo quý vì người nông dân phải đổ bao mồ hôi công sức mới làm ra được. Vàng bạc quý vì đẹp và hiếm. Thì giờ quý vì thì giờ đã trôi qua sẽ không lấy lại được. Nhưng theo thầy thì quý nhất vẫn là con người. Không có con người thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua vô vị. Con người là chủ thể của cuộc sống trên trái đất này. Với trí thông minh, óc sáng tạo và đôi bàn tay cần cù, khéo léo, con người đã làm ra bao điều kì diệu trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Kim tự tháp Ai Cập, Vạn lí trường thành, vườn treo Ba-bi-lon, tháp Ép-phen, những đường hầm xuyên đại dương, những con tàu biển chở hàng vạn tấn, những máy bay tốc độ hàng ngàn cây số một giờ, những con tàu vũ trụ bay nhanh hơn ánh sáng, đưa người lên tận mặt trăng để thám hiểm… đều là sản phẩm do con người làm ra. Từ ngàn xưa, con người đã được đặt ngang hàng với trời và đất (thiên, địa, nhân). Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, chứa đựng bao điều kì lạ. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật hiện nay càng khẳng định tài năng siêu việt của con người.

   Chúng em im lặng lắng nghe và thấy lời thầy nói rất đúng: con người là quý nhất! Em chợt nhớ tới những câu bà nội em hay ví: Người ta là hoa đất, Một mặt người bằng mười mặt của … Vậy là tự bao đời, ông cha chúng ta đã đánh giá rất cao về giá trị con người.

Ý kiến của em về đề tài "Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …" – Bài số 4

Liệu đã bao giờ bạn tự hỏi rằng trên đời này cái gì quý nhất? Trong buổi trao đổi về đề tài này, có ý kiến cho rằng lúa gạo là quý nhất. Lại có bạn cho rằng vàng bạc quý giá hơn. Một bạn có vẻ hiểu biết hơn khăng khăng quý nhất là thời gian vì nó trôi đi thì sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng cuối cùng quý nhất là gì? Có thể nói quý nhất chính là con người.

Tại sao lại nói như vậy? Tại sao con người lại là điều quý giá nhất trên đời. có thể khẳng định rằng con người quý giá nhất bởi những điều sau đây:

Thứ nhất, con người có thể làm ra lúa gạo. Một vật có trở nên giá trị hay không là ở tác dụng, vai trò của nó đối với một đối tượng.

Gạo lúa đương nhiên là rất quý với con người chúng ta thế nhưng nếu như không có con người thì lúa gạo làm ra cho ai dùng. Đặc biệt lúa gạo chỉ quý đối với những người Châu Á, còn đối với người Châu Âu họ lúa mạch thì gạo chỉ là thứ vất đi. Vì thế không thể coi lúa gạo là thứ quý nhất.

Thứ hai, vàng bạc đúng là rất quý, nó được sử dụng và ưu chuộng rộng rãi khắp các nước trên thế giới. Thậm chí những nước lớn còn thực hiện những cuộc xâm chiếm nước nhỏ để khai thác vàng bạc. Tuy nhiên nếu như không có con người thì vàng bạc cũng đâu có nghĩa lí gí. Nó có giá trị là do con người sử dụng và đặt cho nó giá trị đó. Con người có thể khai thác vàng bạc.

Thứ ba, thời gian quả là một thứ trôi chảy tuyến tính, một đi không trở lại nhưng nếu trái đất vẫn quay, thời gian vẫn trôi mà không có sự xuất hiện của con người thì thời gian ấy cũng không là gì.

Như vậy có thể thấy, mặc dù ba yếu tố trên rất quý đối với con người nhưng nó chưa phải là điều quý nhất. Có những thứ con người có thể làm ra, có những thứ con người khai thác được và có những thứ chỉ khi có con người nó mới có giá trị. Chính vì con người đặt cho chúng những giá trị đó thì chúng mới được coi là quý. Vì thế con người có vai trò quyết định tất cả. Cho nên con người là điều quý giá nhất.

Vũ Hường tổng hợp

0